Tác giả (bìa phải) và các đồng nghiệp trong ngày vui kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - ảnh: Tuấn Minh
Hiện nay, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu, không chỉ riêng một ngành nghề, lĩnh vực nào, đó là sự tiếp cận bắt buộc để thay đổi, thích ứng với những xu hướng vận động, phát triển mới của thế giới. Lĩnh vực báo báo chí và truyền thông không những không nằm ngoài vòng xoáy đó mà còn phải đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Theo Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành ngày 6-4-2023, chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Đây có thể coi là một văn bản quan trọng, điểm tựa để thúc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trong các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phát huy những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam: chính xác - đại chúng - nhân văn - khách quan.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí
Ngày nay, độc giả đã chuyển dần sang xu thế đọc báo điện tử thay thế cho đọc báo giấy. Người đọc có thể đọc báo điện tử ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào, chỉ cần trên tay có một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet. Các cơ quan báo chí đang dần phải thay đổi, thích nghi với việc chuyển đổi đầu tư sản xuất, xuất bản báo chí truyền thống sang báo chí điện tử.
Hiện nay, nhiều nền tảng nội dung trực tuyến như Facebook, Google và YouTube… đang gây ra sự mất mát nguồn thu và giảm sự ảnh hưởng của báo chí trong việc truyền tải thông tin. Các nền tảng này sở hữu quyền điều khiển, chi phối thuật toán hiển thị nội dung và quảng cáo, đồng thời buộc người sử dụng tuân thủ theo quy tắc của chính họ, mang lại lợi ích lớn cho họ (về doanh thu và dữ liệu). Do đó, để cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều cơ quan báo chí phải tập trung vào lượng truy cập, dẫn đến giảm chất lượng nội dung, không đáp ứng đúng tôn chỉ và mục đích ban đầu.
Chuyển đổi số báo chí nhằm đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Chuyển đổi số báo chí cũng đã thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản trị nội bộ của tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng, dựa trên việc ứng dụng các phần mềm kỹ thuật số tiên tiến.
Chuyển đổi số báo chí giúp các tòa soạn tăng hiệu quả hoạt động bằng cách tự động hóa các quy trình sản xuất và phân phối nội dung, giúp giảm sự phụ thuộc vào việc in ấn, phân phối báo chí truyền thống. Bằng cách sử dụng nền tảng trực tuyến, các tờ báo, tạp chí có thể giảm thiểu sự tiêu thụ giấy, mực in và năng lượng cần thiết cho quá trình vận hành, hoạt động xuất bản tạp chí. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, phân phối.
Chuyển đổi số báo chí thể hiện từ các khâu như: chuyển đổi số trong sản xuất nội dung, đó là cá nhân hóa và ngữ cảnh hóa nội dung; dùng thuật toán để phân tích hành vi, thói quen, nhu cầu, quan tâm của người dùng, để từ đó tạo ra và phân phối nội dung phù hợp tới các “phân khúc” người đọc, xem, nghe; đa dạng hóa các sáng tạo nội dung. Chuyển đổi số trong phương thức cung cấp sản phẩm tới người dùng, gồm: sử dụng đa nền tảng để tiếp cận người dùng theo phương thức “người dùng ở đâu, thông tin ở đó”; hình thành các liên kết báo chí để phân phối nội dung (báo chí liên kết với viễn thông, công ty công nghệ, mạng xã hội, với các nền tảng số). Chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh báo chí: sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi sang thu phí nội dung, hướng vào nhu cầu của độc giả, nâng cao chất lượng trải nhiệm của người dùng để thu hút độc giả cũng như nguồn lực tài chính từ độc giả. Chuyển đổi số trong mô hình tòa soạn (hội tụ về không gian làm việc, về phương thức tác nghiệp, về nội dung, về nền tảng vận hành tòa soạn…).
Quá trình chuyển đổi số báo chí cũng nảy sinh nhiều thách thức: thiếu tự chủ về công nghệ là thách thức lớn đối với công cuộc chuyển đổi số báo chí; bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thông tin trên mạng xã hội, dẫn đến tình trạng thông tin báo chí bị chèn ép và lấn át bởi các thông tin khác; cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội; các cơ quan báo chí thường xuyên gặp phải việc bị ăn cắp bản quyền nội dung mà chưa có giải pháp đáng tin cậy để ngăn chặn.
Thực trạng chuyển đổi số hiện nay của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
Hiện nay, người đọc đã chuyển dần sang xu thế đọc báo điện tử, đại bộ phận các cơ quan báo chí cả nước đều đã lên mạng internet. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Để tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với độc giả trong nước cũng như quốc tế, trước đây, ngay từ rất sớm (năm 2009), Tạp chí đã xây dựng trang web bước đầu chỉ là đăng tải lại những tin, bài đã được đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật in, với mục đích tuyên truyền, phát hành sâu rộng, tạo thuận lợi cho độc giả dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm và tham khảo các bài viết đã được đăng trên Tạp chí in.
Sau quá trình quy hoạch các báo, tạp chí thuộc Bộ VHTTDL, theo đó, các Tạp chí thuộc các Cục và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã sáp nhập vào Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Ngày 28-8-2021, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã chính thức cho ra mắt thêm một loại hình báo chí nữa đó là: Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật (Giấy phép xuất bản số 544/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 23-8-2021) để phục vụ bạn đọc, nhằm nhanh chóng, kịp thời thông tin, tuyên truyền, phản ánh đến độc giả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về những vấn đề về văn hóa, nghệ thuật, gia đình; đăng tải các bài viết nghiên cứu lý luận, học thuật, thực tiễn của ngành, của đất nước cũng như phản ánh, định hướng dư luận xã hội và phổ biến kiến thức văn hóa, nghệ thuật, gia đình trên trang Tạp chí điện tử. Đây là sự kiên đánh dấu chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của Tạp chí, góp phần quan trọng, bước tiến lớn trong quá trình hình thành và phát triển của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
Mặc dù vậy, hệ thống phần mềm Tạp chí điện tử đang sử dụng hiện nay cũng đã khá cũ. Các chức năng, công cụ thao tác trên phần mềm còn bất cập, chưa đáp ứng hết được nhu cầu thực tế đòi hỏi của một tờ báo chí điện tử hiện đại. Do chưa theo kịp sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật hiện đại đã làm hạn chế sự sáng tạo của Tạp chí trong việc tăng cường các hình thức truyền thông hấp dẫn như: podcast, video, Megastory, infographics, long form... Việc trình bày, hiển thị các trang tin, bài viết còn chưa thực sự mang lại trải nghiệm hứng thú cho người đọc Tạp chí điện tử.
Về vấn đề an toàn, an ninh hệ thống Tạp chí điện tử, an ninh mạng vẫn còn phụ thuộc vào đơn vị cung cấp phần mềm và nhà cung cấp dịch vụ mạng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của Tạp chí còn thiếu ...
Một số đề xuất, kiến nghị và giải pháp
Trong lộ trình chuyển đổi số, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cần xác định yếu tố con người và công nghệ là chìa khóa quyết định đến thành công, do vậy phải có kế hoạch, mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế nhằm thực hiện tốt chuyển đổi số trong thời gian tới. Việc sử dụng các nền tảng số sẽ rút ngắn công đoạn sản xuất các sản phẩm báo chí, đồng thời tạo ra sự tương tác trong quá trình làm việc giữa các phóng viên, biên tập viên, giữa cơ quan báo chí với người đọc, người nghe, người xem… Việc nâng cao chất lượng, đa dạng các tác phẩm báo chí đa phương tiện trên nền tảng công nghệ số sẽ đáp ứng nhu cầu ngày cao của độc giả… nhằm hướng tới phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật theo mô hình truyền thông hiện đại, như: Báo chí di động, Tòa soạn hội tụ, Báo chí đa nền tảng, Báo chí đa phương tiện... Để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật thực hiện đạt yêu cầu đề ra trong công cuộc chuyển đổi số, tôi xin nêu ra một số đề xuất, kiến nghị và giải pháp cụ thể:
- Tạp chí cần xây dựng chương trình, kế hoạch, thu hút được một đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin mạnh, chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ trong thời kỳ kỷ nguyên số. Đội ngũ biên tập viên, phóng viên năng động, sáng tạo, nhạy bén, “lòng trong, bút sắc”, đáp ứng được nhu cầu phát triển mạnh mẽ của báo chí trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
- Các phóng viên, biên tập viên cần không ngừng rèn luyện chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, đổi mới tư duy, phương pháp, cách thức hoạt động, nỗ lực sáng tạo, cũng như trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp báo chí đa phương tiện, vừa chuyên sâu, vừa đa năng, hướng tới việc tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, hấp dẫn, định hướng dư luận đúng đắn, kịp thời, góp phần thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của một cơ quan báo chí, truyền thông lớn của Bộ VHTTDL. Bên cạnh đó, để tiếp tục khẳng định và phát triển trước sự cạnh tranh từ các phương tiện truyền thông xã hội khác, Tạp chí cần tạo được niềm tin cho người đọc từ chính thế mạnh của mình là chất lượng thông tin, bảo đảm tính chính xác, tính khoa học, tính nhân văn, tính trách nhiệm cao với xã hội.
- Tạp chí phải lấy công nghệ làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, mọi hoạt động của Tạp chí từ hành chính nhân sự, hoạt động tác nghiệp, quy trình xuất bản đều được thực hiện trong một phần mềm duy nhất để có thể chuyển đổi số thành công. Việc ứng dụng công nghệ số cho phép Tạp chí có thể tự động hóa các quy trình làm việc ở tất cả các bộ phận, để giảm bớt thời gian, chi phí hoạt động.
- Việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ sẽ giúp Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xây dựng được một hệ thống đủ lớn, mạnh để thu thập số liệu của khách hàng, dần dần hướng đến việc gia tăng các trải nghiệm, nhu cầu của khách hàng. Với nguồn dữ liệu lớn là các tác phẩm báo chí, sách của Tạp chí trong 50 năm qua, rất cần được số hóa. Cùng với đó là việc áp dụng công nghệ hướng tới có thể giúp việc thanh toán điện tử để phát triển loại hình thu phí Tạp chí điện tử.
- Tạp chí cần có kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, lấy độc giả làm trung tâm để có thể giúp thúc đẩy doanh thu cũng như quảng cáo; giữ chân được lượng độc giả trung thành, xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả, duy trì được khối lượng tin, bài có nội dung tốt, hấp dẫn để cung cấp đến độc giả. Đồng thời, đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí đa phương tiện trên nền tảng công nghệ số, đáp ứng nhu cầu ngày cao của độc giả cũng như nâng cao chất lượng trải nhiệm của người dùng để thu hút độc giả cũng như nguồn lực tài chính từ độc giả…
PHẠM VĂN CHÍNH
Trưởng Ban Tạp chí điện tử, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
-----------------------
Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023