Tác giả (bìa trái) và các đồng nghiệp trong ngày vui kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - ảnh: Tuấn Minh
Năm 2020, thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Bộ VHTTDL đã chuyển một số tạp chí của các đơn vị thuộc Bộ vào Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Đến nay, gần 4 năm dưới mái nhà Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, cùng với những cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các đơn vị tụ về, tuy mỗi người một chuyên ngành khác nhau nhưng tập thể cán bộ Tạp chí đã luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có thâm niên cao. Tuy được thành lập trong giai đoạn chiến tranh, đất nước còn khó khăn nhưng là giai đoạn Tạp chí tập hợp được nhiều thế hệ cán bộ, nhà báo, đồng thời là những nhà nghiên cứu, chuyên gia, văn nghệ sĩ có uy tín. Những bài viết, công trình nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn là tài liệu tham khảo quý giá cho các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh và cho ngành xã hội nhân văn ở nước tạ. Đặc biệt, cùng với các tạp chí chuyên ngành khác, thông qua những bài viết phê bình nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam.
Đến nay, sau khi thực hiện quy hoạch báo chí, sứ mệnh và vai trò của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Với bề dầy lịch sử 50 năm hoạt động, đội ngũ cán bộ, người làm báo có tuổi đời trẻ, thuộc nhiều lĩnh vực, cùng những vị thế đặc biệt của một tạp chí nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật đứng đầu Việt Nam, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung nhằm phát triển Tạp chí trong giai đoạn mới.
1. Thực hiện chuyển đổi số
Hiện nay, ở nước ta các lĩnh vực đang thực hiện chuyển đổi số với tốc độ nhanh. Nhưng hiện nay, quá trình chuyển đổi số của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật còn chưa đáp ứng hết được yêu cầu thực tế của xã hội.
Song song với các ấn phẩm in, Tạp chí cần tăng cường hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hành chính để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số được nhanh và thuận lợi. Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, Tạp chí cần xây dựng nội dung, hình thức, phương thức hoạt động và nâng cao nguồn nhân lực, phù hợp với quá trình chuyển đổi này. Tạp chí đang lưu giữ nguồn tài liệu, dữ liệu nghiên cứu đã xuất bản trong 50 năm, lượng tài liệu này cần số hóa và có kế hoạch phục vụ bạn đọc hiệu quả. Phương thức tổ chức xuất bản và phục vụ bạn đọc của tạp chí in, tạp chí điện tử cần thay đổi cho phù hợp với công nghệ hiện nay cũng như khả năng phát triển của công nghệ trong tương lai.
Ngoài phương thức tổ chức bài viết theo cách truyền thống, Tạp chí cần thực hiện các nội dung số mang tính tương tác cao, kịp thời phục vụ độc giả. Liên kết các nội dung, sản phẩm của Tạp chí thích ứng với các nền tảng công nghệ.
2. Nâng cao chất lượng và sử dụng nguồn nhân lực trong việc thúc đẩy phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sau khi thực hiện công tác sáp nhập, đã sở hữu đội ngũ cán bộ thuộc nhiều chuyên môn khác nhau thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật như văn học, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh... Nhiều cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm và nhiệt huyết trong công tác. Theo tôi, đây là một thuận lợi rất lớn, hiếm có cơ quan báo chí nào có được như Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Chính vì vậy, Tạp chí cần có chiến lược thu hút, bồi dưỡng, sử dụng nguồn cán bộ quý giá này. Tạp chí cần có cơ chế, tạo động lực để anh em cán bộ, phóng viên, biên tập viên phát huy khả năng, chất xám, cống hiến cho sự nghiệp chung, tạo tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cơ quan. Tạp chí cần có chính sách thu hút cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, chuyên gia thuộc các chuyên ngành Văn hóa Nghệ thuật về làm việc, cộng tác với Tạp chí.
Đặc biệt, trong gian đoạn hiện nay, quá trình chuyển đổi số của báo chí truyền thông ở nước ta đang được đẩy mạnh, đòi hỏi Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật thích ứng nhanh, đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như của ngành Văn hóa trong giai đoạn hội nhập. Để quá trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi, chất lượng cũng như duy trì được lâu dài thì Tạp chí cần có nguồn nhân lực phục phù hợp vụ cho quá trình chuyển đổi số này.
3. Tăng cường hoạt động hiệu quả theo chức năng nhiệm vụ của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
Theo Quyết định số 804/QĐ-BVHTTDL, ngày 31-3-2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Tạp chí được giao nhiều nhiệm vụ hoạt động sự nghiệp khác nhau. Ngoài thực hiện công tác xuất bản định kỳ các ấn phẩm tạp chí in, tạp chí điện tử, thì Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật còn có nhiều nhiệm vụ khác như nghiên cứu khoa học, biên soạn, xuất bản các công trình nghiên cứu, hợp tác quốc tế, tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao…
Trong hai năm qua, ngoài công tác xuất bản các ấn phẩm in, Tạp chí đã thực hiện tổ chức các hoạt động Hội thảo khoa học, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ, nhưng một số hoạt động sự nghiệp khác như biên soạn, xuất bản sách, hợp tác quốc tế còn để ngỏ. Các hoạt động trên đều gắn bó mật thiết với hoạt động xuất bản tạp chí và chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ cũng như cộng tác viên. Với cơ cấu tổ chức mới, nguồn nhân lực đa lĩnh vực hiện nay, thì việc Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cần tăng cường triển khai các nhiệm vụ sự nghiệp còn để ngỏ nêu trên, như triển khai xuất bản các đầu sách nghiên cứu chuyên sâu thuộc lĩnh vực nghệ thuật, giới thiệu và phổ biến các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam, các tác giả, tác phẩm đã đóng góp cho lịch sử nghệ thuật nước nhà…; thúc đẩy quan hệ và hợp tác giáo lưu với các cơ quan báo chí xuất bản chuyên ngành nghệ thuật quốc tế, đặc biệt là các nước châu Á cũng như khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tăng cường các hội thảo khoa học chuyên sâu về nghệ thuật nhằm tìm khiến giải pháp mang tính vĩ mô, đồng bộ giúp tham mưu các cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển, giúp văn nghệ sĩ có những tác phẩm có những tác phẩm chất lượng phục vụ xã hội, theo định hướng của Đảng và Nhà nước, cũng như đóng góp tích cực Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
4. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trở thành kênh thông tin quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài
Nghị quyết 33/NQ-TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nêu: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc”.
Tại thời điểm hiện nay, vấn đề quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới bằng con đường xuất bản, báo chí còn rất khiêm tốn, đặc biệt là giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình nghiên cứu, lý luận phê bình ra nước ngoài lại càng hiếm. Chính vì lẽ đó, thành tựu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ít được bạn bè quốc tế biết đến, cơ hội giao lưu, hội nhập ở lĩnh vực này càng trở nên khó khăn.
Căn cứ nhiệm vụ mà Nghị quyết 33/NQ-TW đã chỉ ra, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được Bộ VHTTDL đã giao, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sớm thực hiện xuất bản ấn phẩm về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ra với thế giới bằng các hình thức tạp chí in, tạp chí điện tử dịch từ các sản phẩm (bài viết tiếng Việt của Tạp chí đã xuất bản) ra tiếng nước ngoài, và Tạp chí phối hợp thực hiện các hoạt động đối ngoại khác. Nếu thực hiện bài bản, chất lượng, duy trì thường xuyên thì hoạt động này của Tạp chí sẽ thúc đẩy quảng bá văn hóa, nghệ thuật và phát triển du lịch, tạo động lực cho các nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng và thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
5. Hằng năm tổ chức Giải thưởng văn học nghệ thuật
Tạp chí cần tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ, giao Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật định kỳ hằng năm tổ chức bình chọn và trao Giải thưởng văn học nghệ thuật. Để việc tôn vinh hiệu quả, chúng ta cần lựa chọn phương thức tổ chức, hiệu quả, phù hợp với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Tạp chí cần nghiên cứu phương thức, tổ chức giải thưởng khác với những giải thưởng nằm trong hội diễn, liên hoan, cuộc thi do các đơn vị trong và ngoài Bộ đã thực hiện, tránh khoa trương, hình thức.
Hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã có 3 ấn phẩm tạp chí in và tạp chí điện tử. Như vậy, có thể khẳng định, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là cơ quan truyền thông mạnh của Bộ VHTTDL cũng như của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cả nước. Ngoài tin, bài lý luận phê bình, phản ánh… về hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cần đồng hành cùng các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, hoặc chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, Giải thưởng văn hóa nghệ thuật nhằm tạo ra những sân chơi lành mạnh, mang tính định hướng thẩm mỹ. Đặc biệt, những hoạt động này sẽ là cầu nối giữa nghệ thuật với cộng đồng, tạo cho Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật có vị thế nhất định với độc giả và xã hội.
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã trải qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, trước cái bóng lớn của 50 năm với nhiều thành tựu của các thế hệ đã đạt được và trước những thách thức của kỷ nguyên công nghệ số, Tạp chí cần tìm cho mình hướng đi mới năng động, sáng tạo và thích nghi với sự thay đổi của đời sống xã hội. Tạp chí cần có chiến lược xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có trình độ chuyên môn cao, nắm bắt công nghệ để thực hiện tốt công tác chuyển đối số. Tạp chí cần phát huy nguồn lực và vị thế của một cơ quan báo chí chuyên ngành, tăng cường nắm bắt các vấn đề cấp thiết của văn học, nghệ thuật để kịp thời có những bài viết mang tính tham mưu, phản biện, nhằm điều chỉnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật theo định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ths. NGUYỄN ĐỨC BÌNH
Trưởng Ban Văn hóa Nghệ thuật, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật
-----------------------
Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023