Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí (1973-2023) - ảnh: Tuấn Minh
Nói đến Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, không những các nhà nghiên cứu văn hóa của ngành Văn hóa nói riêng và các nhà nghiên cứu văn hóa trong cả nước nói chung cũng như độc giả yêu mến ngành Văn hóa của cả nước đều hết sức tự hào về bề dày truyền thống nghiên cứu của Tạp chí trong suốt 50 năm qua và coi đây là ngôi nhà chung của những người làm công tác nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Trải qua bao thế hệ lãnh đạo, qua nhiều thời kỳ khác nhau, song Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn giữ được thương hiệu của mình và xứng đáng là cơ quan ngôn luận, cơ quan nghiên cứu văn hóa nghệ thuật của Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây, nay là Bộ VHTTDL.
Tôi thật sự ấn tượng với thời kỳ ông Phạm Vũ Dũng làm Tổng Biên tập Tạp chí, mặc dù giai đoạn này, Tạp chí phải trải qua rất nhiều khó khăn… biến động về tổ chức cũng như hết sức khắt khe về tiêu chí nội dung, song, tờ báo vẫn đứng vững và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng độc giả. Thời kỳ đó, bản thân tôi khi chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ Văn hóa học cũng đã gửi đăng bài, nhưng cũng phải sửa đi, sửa lại nhiều lần mới đảm bảo chất lượng để được đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Đặc biệt những năm gần đây, khi ông Hoàng Hà là một cán bộ trẻ năng động, đã có nhiều năm hoạt động báo chí ở các vị trí khác nhau, được bổ nhiệm làm người đứng đầu của Tạp chí để kế nhiệm ông Phạm Vũ Dũng nghỉ chế độ, thì tờ Tạp chí không những phát huy được những yếu tố tích cực của các thế hệ trước mà còn có những đổi mới để Tạp chí ngày càng hấp dẫn bạn đọc và có giá trị nghiên cứu cao. Với bố cục hợp lý, phần nghiên cứu khoa học là chủ đạo, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật không những đi đúng tôn chỉ mục đích mà còn có những sáng tạo phù hợp với nội dung yêu cầu của độc giả và các nhà nghiên cứu. Nội dung, chất lượng của các bài viết từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể, từ nghệ thuật sân khấu, điện ảnh… ngày càng được nâng cao; hình thức của Tạp chí ngày một đẹp hơn. Các nhà nghiên cứu, các tác giả ngày một tin yêu Tạp chí và muốn được gửi gắm niềm tin, đồng thời mong muốn được Tạp chí đăng tải bài viết của mình. Tác giả rất tự hào mỗi khi bài viết của mình được Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đăng tải, điều đó khẳng định vai trò, vị trí của tờ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đang ngày một nâng cao. Bản thân tôi là một cộng tác viên thường xuyên của Tạp chí cũng phải thay đổi cách nghĩ, nếp làm để mang đến những bài báo có nội dung chất lượng tốt hơn.
Hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành báo chí. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, vấn đề nội dung cũng như hình thức tác phẩm báo chí đối diện với nhiều thách thức mới. Tuy nhiên, Ban Lãnh đạo Tạp chí, và Hội đồng biên tập của Tạp chí cũng đã có nhiều cách thức đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng được với tình hình mới. Đặc biệt, việc vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí. Do đó, việc bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí nói chung cũng như Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nói riêng để có các giải pháp hữu hiệu và phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ mới có thể đạt hiệu quả cao nhất. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng luôn đề cao cảnh giác để không bị cuốn vào một dòng chảy bất lợi cho Tạp chí.
Cuộc cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn lao về công nghệ, thay đổi cả công nghệ làm báo và thay đổi hành vi của độc giả. Đây là vấn đề rất khó nhưng buộc báo chí không có cách nào khác là phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý. Vẫn biết chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan báo chí nhưng để thực hiện được điều này, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật phải có sự chuẩn bị tích cực về mọi mặt, nhất là yếu tố con người làm sao có thể đảm bảo được về trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật. Phải có những cán bộ kỹ thuật trẻ, có những con người tiên tiến phù hợp với thời kỳ khoa học công nghệ 4.0 và quá trình chuyển đổi số.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ- TTg ngày 6-4-2023 phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây chính là cơ sở, định hướng để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật triển khai công tác chuyển đổi số một cách bài bản, vững chắc nhất. Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định rõ: “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp nội dung số. Với mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%” (1).
Để đạt được mục tiêu trên, Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: “Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh” (2)… Được biết trong những năm gần đây, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng đã có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức cán bộ tăng cường cán bộ kỹ thuật, trang bị thiết bị máy móc… nhằm đáp ứng ngày càng cao những đòi hỏi trong thời kỳ chuyền đổi số trong báo chí. Tuy nhiên, Tạp chí cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác bố trí cán bộ đáp ứng được với thời kỳ mới, chưa có được chính sách thu hút được người giỏi vì hạn chế trong vấn đề đãi ngộ và các cơ chế chính sách khác. Mặc dù các phóng viên, cán bộ, nhân viên của Tạp chí cũng được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, kiến thức nhưng cũng chưa thể đáp ứng ngay được tất cả yêu cầu trong tình hình mới. Đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí, đặc biệt những cây bút “gạo cội” có xu hướng giảm dần vì lý do sức khỏe…
Để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tiếp tục giữ được thương hiệu nhiều năm tới, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất về con người, Tạp chí phải xây dựng được đội ngũ cộng tác viên chất lượng, có bề dày trong và ngoài ngành Văn hóa, điều này đòi hỏi phải có mối quan hệ và sự đãi ngộ xứng đáng. Đồng thời nâng cao trình độ cho cán bộ phóng viên cơ hữu để họ tích cực đóng góp và được ghi nhận xứng đáng. Điều này đòi hỏi phải tạo môi trường văn hóa trong cơ quan để họ luôn phấn khởi, vui vẻ trong công việc.
Thứ hai về cơ sở vật chất, là Tạp chí mang tầm quốc gia, việc trang bị cơ sở vật chất là vô cùng quan trọng từ trụ sở làm việc đến phương tiện máy móc thiết bị phải được trang bị đầy đủ, hiện đại, đáp ứng được với công việc nhất là trong thời kỳ khoa học công nghệ 4.0 và chuyển đổi số.
Thứ ba về cơ chế vận hành, phải có những cơ chế hoạt động linh hoạt, phù hợp, cơ chế đãi ngộ xứng tầm; vận dụng mọi mối quan hệ và tổ chức xã hội hóa, tổ chức các sự kiện… nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên và viên chức, người lao động của Tạp chí.
Thứ tư về nội dung chuyên môn: Phải xây dựng một form tờ tạp chí hài hòa, hợp lý, có các chuyên trang, chuyên mục trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tiêu chí của tờ Tạp chí nhưng phải hết sức linh hoạt. Ứng dụng công nghệ thông tin khi sử dụng hình ảnh, âm thanh mang tính hiện đại, phù hợp với thời kỳ cách mạng 4.0. Đặc biệt, phải có những bài viết nghiên cứu sâu, có giá trị về lý luận cũng như thực tiễn, có thể vận dụng được vào cuộc sống đương đại.
Có chế tài đặt bài để khắc họa từng chủ đề trọng tâm muốn đăng tải. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, vấn đề nội dung cũng như hình thức tác phẩm báo chí phải được đổi mới toàn diện, phù hợp với xu thế chung của thời đại. Việc bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí nói chung cũng như Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nói riêng, do vậy Tạp chí phải có các giải pháp hữu hiệu, phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ mới có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ năm về hình thức thể hiện, Tạp chí phải được trình bày đẹp mắt, không rườm rà, rõ ràng từng mục, từng chuyên đề, tránh trùng lặp, nhàm chán hoặc đi theo lối mòn, nhất là phải có tính khái quát hình tượng, đặc trưng cho văn hóa dân tộc, văn hóa Việt Nam. Không màu mè, đơn giản nhưng giữ được nét đặc trưng, sang trọng.
Thứ sáu về công tác đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên cử cán bộ phóng viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở các lớp do Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan hữu quan tổ chức. Đặc biệt là các cơ sở đào tạo của nước ngoài để cập nhật tốt nhất những thông tin mới nhất của quốc tế và thế giới. Tăng cường đưa phóng viên và cộng tác viên đi cơ sở để nắm thực tiễn sinh động và có những bài viết chất lượng nhất.
Thứ bảy là phải xây dựng môi trường cơ quan văn hóa lành mạnh, để Tạp chí trở thành gia đình thứ hai của các phóng viên, cộng tác viên và nhân viên, luôn tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các chuyến đi thực tế và nâng cao trình độ chuyên môn cho phóng viên và cán bộ nhân viên. Tăng cường phối hợp giao lưu với các cơ quan báo chí khác cũng như Sở VHTTDL ở các địa phương.
Thứ tám là tích cực triển khai chuyển đổi số trong cơ quan Tạp chí, theo đúng tinh thần của Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký phê duyệt. Cụ thể phải tích cực triển khai các mô hình sản phẩm thông tin mới: “Về phát triển các sản phẩm báo chí số, Chiến lược triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.
Để phát triển nền tảng số, Chiến lược xây dựng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; xây dựng chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và nền tảng truyền hình số (trực tuyến) quốc gia; nền tảng báo chí điện tử.
Thúc đẩy phát triển nền tảng số cho các cơ quan báo chí thực hiện phân phối nội dung báo chí, chia sẻ dữ liệu báo chí; khuyến khích cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Hỗ trợ các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tại các cơ quan báo chí; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số lĩnh vực báo chí qua các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia” (3).
Trên đây là một số ý kiến tham luận của tôi xin gửi đến Ban Tổ chức hội thảo tham khảo, xin cảm ơn Ban Tổ chức đã mời tôi tham gia viết tham luận này. Kính mong Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật mãi mãi giữ được thương hiệu của mình. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!
_______________
1, 2, 3. Quyết định Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, số 348/QĐ-TTg, ngày 6-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Ths. TRẦN ANH TUẤN
Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Công nghệ và Đào tạo Toàn cầu
_______________
Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023