Thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, đô thị thông minh ở Thừa Thiên Huế - một số giải pháp cần thiết

Festival Huế đã trở thành thương hiệu văn hóa- du lịch của Thừa Thiên Huế - ảnh: Nguyễn Thanh Hà

 

1. Lời dẫn

Từ khi được tích hợp vào lãnh thổ Đại Việt hơn 700 năm trước đến nay, Thừa Thiên Huế luôn nổi danh là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược nên Huế luôn được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... tương ứng với thời kỳ Thừa Thiên Huế đóng vai trò là thủ phủ Đàng Trong (1636-1775), rồi kinh đô của 2 triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (1788-1945). Chính điều này đã tạo tiền đề làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu...; cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Huế cũng là nơi có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá. Vì vậy, Thừa Thiên Huế đã chọn con đường phát triển dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản, trong đó việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, đô thị thông minh được xem là một hướng đi quyết định, phù hợp với xu thế chung, nhằm tạo ra sức mạnh nội sinh, và cũng là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của địa phương (1).

2. Thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa ở Thừa Thiên Huế

Vai trò của các cấp, các ngành về phát triển công nghiệp văn hóa

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ được giao, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 24-5-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành 2 chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa và về du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Việc xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước cũng là quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và xây dựng thành phố sáng tạo, đô thị thông minh, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đúng hướng và bền vững. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đó là: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể; Tập trung chuyển đổi số trong ngành Du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh; Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng; Đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp để mở rộng thị trường; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, dịch vụ; hoàn thiện môi trường du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, đặc biệt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành với sự phát triển đột phá của Internet và trí tuệ nhân tạo đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Việc xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật Thừa Thiên Huế được đặt trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số hóa và internet giúp các ngành công nghiệp văn hóa hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là công tác tu bổ, trùng tu di tích sẽ được triển khai thuận lợi trên cơ sở lưu trữ ngân hàng dữ liệu bằng công nghệ số. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng chương trình 3D cho khu vực Thế Miếu - Hiển Lâm Các dưới dạng mô hình kỹ thuật số 3 chiều có độ chính xác cao, thực hiện kỹ thuật scan 3D và sử dụng dữ liệu thu được một cách triệt để trong hoạt động trùng tu di tích, phối hợp với Viện Công nghệ cao Hàn Quốc (KAIST) thực hiện quét và dựng phim quảng bá giới thiệu việc tái tạo Hoàng Thành Huế và di tích Hổ Quyền bằng công nghệ 3D, triển khai chương trình thực tế ảo “Đi tìm hoàng cung đã mất”. Phối hợp với một công ty của Mỹ scan 3D lăng vua Khải Định, lăng vua Tự Đức để phục vụ công tác trùng tu và quảng bá du lịch, scan 3D và số hóa toàn bộ các bảo vật quốc gia... Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, công tác quản lý nhà nước về văn hóa sẽ được đổi mới theo hướng hiện đại hóa dựa trên cơ sở xây dựng nền hành chính điện tử và đô thị thông minh; với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Thừa Thiên Huế sẽ được quảng bá, giới thiệu rộng rãi, nhanh chóng đến bạn bè trong nước và quốc tế; giao lưu, trao đổi văn hóa sẽ được mở rộng, các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa được kết nối, triển khai đồng bộ, thuận lợi... thúc đẩy sự phát triển hoạt động ngoại giao văn hóa.

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Thừa Thiên Huế với lợi thế là trung tâm giáo dục và đào tạo, có Đại học Huế với các trường thành viên, có Học viện Âm nhạc Huế cùng các trường cao đẳng, trung cấp có chuyên ngành đào tạo văn hóa nghệ thuật, với lực lượng văn nghệ sĩ đông đảo, chỉ riêng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật đã có 8 hội chuyên ngành gồm: nhà văn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa, sân khấu, kiến trúc, văn nghệ dân gian với 753 hội viên (2). Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ chung của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã dành sự quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần đối với các văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực triển khai còn chậm, một số chính sách ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống do bất cập trong cơ chế, nguồn lực; chưa có các chính sách đặc thù đối với văn nghệ sĩ, các chính sách về lương, phụ cấp đối với các văn nghệ sĩ nhìn chung vẫn còn thấp, chưa tương xứng, thiếu sự động viên khuyến khích; mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế; chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao phục vụ công chúng; chưa xứng tầm với vị thế hiện có; công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ chưa đạt hiệu quả; một số ngành đào tạo nghệ thuật gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh...

Nguồn nhân lực du lịch luôn được củng cố, nâng cao, phát triển cả số lượng và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như nhu cầu phát triển du lịch. Với 70% tổng số lao động trực tiếp phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, 90% tổng số lao động làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch đã qua đào tạo trong các lĩnh vực liên quan, đạt trình độ trung cấp du lịch trở lên hoặc có chứng chỉ chuyên ngành, 100% lao động tham gia kinh doanh dịch vụ tại các điểm du lịch được bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến kinh doanh dịch vụ và văn hóa giao tiếp, ứng xử trong du lịch. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đặc biệt đợt bùng phát trở lại vào năm 2021, lao động trong ngành Du lịch bị nghỉ việc khoảng 10.000 người, 90% cơ sở lưu trú dừng đón khách, hoạt động lữ hành tê liệt gần như hoàn toàn. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40.000 lao động trong ngành Du lịch, trong đó có 16.000 lao động trực tiếp và 24.000 lao động làm việc gián tiếp. Qua năm 2020, tổng số lao động trong ngành còn lại khoảng 20.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 8.000 người (giảm 8.000 người so với năm 2019), lao động gián tiếp tương ứng còn khoảng 12.000 (giảm 12.000 người).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo chuyên ngành về du lịch, trong đó, hầu hết đào tạo một số ngành đơn lẻ, chỉ có 2 cơ sở đào tạo hoàn toàn về du lịch. Đại học Huế là một trong các đại học trọng điểm quốc gia theo mô hình đại học cấp vùng; có thể đáp ứng được việc đào tạo nguồn lao động có trình độ cao đẳng, đại học và dạy nghề để cung cấp nguồn lao động có trình độ cao cho các vùng, miền trong cả nước. Trường Cao đẳng Du lịch Huế được đầu tư khá đồng bộ, có khả năng đào tạo nghiệp vụ du lịch theo Chương trình VITOS với 13 nghề đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ngành Du lịch cũng được quan tâm, được cử tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng quản lý du lịch. Ngành Du lịch đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nhằm cung cấp, hỗ trợ cho người dân trên địa bàn các địa phương trên có những kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và kỹ năng cần thiết trong phát triển, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của du khách, củng cố và nâng cao hình ảnh điểm đến.

Ứng dụng khoa học và công nghệ

Chuyển đổi số là sự phát triển mang tính đột phá, nó đưa mọi giá trị văn hóa, di sản, lễ hội, hoạt động du lịch lên môi trường số, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới. Tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra các nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số bao gồm phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực, trong đó mục tiêu: “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á”.

Chuyển đổi số hướng đến hoàn thiện chính quyền điện tử và xây dựng Chính quyền số tập trung vào việc quản lý nhà nước thực hiện qua môi trường mạng, văn bản ban hành có áp dụng chữ ký số; triển khai quy trình số trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; liên thông hệ thống thông tin chuyên ngành. Chuyển đổi số hướng đến xây dựng Xã hội số tập trung xây dựng các giải pháp truyền thông; giám sát, đánh giá và có phương án đảm bảo tất cả các phản ánh hiện trường, góp ý của người dân. Chuyển đổi số hướng đến phát triển Kinh tế số tập trung vào nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt; cung cấp dịch vụ sản phẩm hàng hóa tham gia vào sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, hầu hết hoạt động và tương tác của người dân, du khách diễn ra trong môi trường số, từ đặt vé, đặt tour, mua dịch vụ… cho đến hành vi đơn giản như chụp ảnh check in tại các điểm đến. Nhu cầu mua sắm trực tuyến cũng như việc tiếp cận các giải pháp không tiếp xúc đang tăng nhanh hơn bao giờ hết, theo kết quả các nghiên cứu người tiêu dùng mong muốn tăng cường sử dụng các công nghệ không tiếp xúc sau đại dịch. Huế là một thành phố du lịch, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, hằng năm nơi đây thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước. Thừa Thiên Huế đã từng bước xây dựng thành phố thông minh để giữ cho thành phố ngày càng trở nên hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn đồng thời dễ sống hơn với người dân và du khách, tạo dựng hình ảnh văn hoa, du lịch Huế thân thiện, mến khách. Việc xây dựng Hệ sinh thái du lịch thông minh của Thừa Thiên Huế dựa trên ba quan điểm: Xây dựng Điểm đến thông minh; tạo nên sự Trải nghiệm thông minh, và hỗ trợ cho công tác Quản lý/ Kinh doanh thông minh.

Trong kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành văn hóa - du lịch; số hóa tài liệu Hán Nôm, các di sản văn hóa vật thể, số hóa bảo tàng, thư viện... phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở; phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ khách du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tập huấn đội ngũ nhân lực văn hóa, du lịch tại các doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số… Đây là nền tảng quan trọng để hướng đến hình thành hệ sinh thái thông minh ở Thừa Thiên Huế.

Việc quảng bá điểm đến cũng đã được ngành văn hóa, du lịch triển khai bằng giải pháp trên mạng xã hội, như kênh Visithue trên Facebook, YouTube, Instagram, Zalo, TikTok… thường xuyên đăng tải thông tin mới nhất về hoạt động du lịch thành phố nên lượt truy cập, tương tác, chia sẻ ngày càng gia tăng.

Ngành Du lịch đã xây dựng gian hàng ảo quảng bá du lịch và quầy thông tin VR 360; đồng thời phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mở rộng ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh tại các điểm du lịch khác.

Các sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực

Về du lịch văn hóa

Di sản Huế từng là nơi hội tụ trí tuệ, tài hoa của cả dân tộc mà đỉnh cao là 7 di sản đã được UNESCO công nhận và ghi danh (3). Toàn tỉnh có gần 1000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia và 94 di tích cấp tỉnh; 205 công trình, địa điểm nằm trong danh mục Kiểm kê của UBND tỉnh đã phê duyệt, công bố. Quan hệ hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các địa phương trong khu vực và quốc tế không ngừng được củng cố, phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu. Liên kết phát triển du lịch 3 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam tiếp tục giữ vai trò bền vững, sâu rộng, là mô hình điểm liên kết về phát triển du lịch của cả nước; bên cạnh đó, công tác liên kết được mở rộng ra ở 2 đầu cầu đất nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Công tác liên kết phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế còn được phối hợp với các ngành liên quan như ngành đường sắt, bưu điện và các đại lý du lịch trực tuyến có uy tín.

Hằng năm, các địa phương trong liên kết đã hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài nước, phối hợp đón các đoàn famtrip, presstrip khảo sát du lịch. Phối hợp sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm giới thiệu du lịch các địa phương bằng nhiều ngôn ngữ. Bên cạnh đó, ngành Du lịch tỉnh còn phối hợp tốt với Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) và Sở Du lịch: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trong các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Hình thành và khai thác trục Không gian văn hóa nghệ thuật trung tâm thành phố Huế, đường Lê Lợi từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân; trong đó có Công viên 03/2, Công viên tượng Phan Bội Châu, Bảo tàng Mỹ thuật Huế với Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng và Không gian nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Công viên Tứ Tượng, Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán; gắn với đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu - cầu đi bộ gỗ Lim; từ đó góp phần hình thành các sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, bên cạnh các nguồn tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thế giới hiện có như hệ thống lăng tẩm, đền đài gắn liền với quần thể di tích cố đô Huế, các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, di tích cấp tỉnh, hệ thống nhà vườn, làng nghề truyền thống cùng hằng trăm lễ hội tiêu biểu.

Xây dựng các thương hiệu du lịch quốc gia: Laguna Resort, Lăng Cô - Bạch Mã, Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh: Lễ hội Điện Huệ Nam, Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Quán Thế Âm, Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã - Hồ Truồi…

Áo dài được xem là di sản đặc biệt của Cố đô Huế, đã và đang được bảo tồn, phát huy và lan tỏa trong đời sống đương đại. Với tính chất vừa là một nghề thủ công truyền thống (tạo nên áo dài), vừa là ngành thiết kế thời trang, áo dài không chỉ là hình ảnh, là bản sắc văn hóa của Thừa Thiên Huế mà còn là một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, sản phẩm du lịch dịch vụ đặc trưng, là thứ góp phần quan trọng để Huế trở nên giàu có, sang trọng bằng chính thế mạnh của mình. Ngày 29-03-2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 678/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”.Vì vậy, việc triển khai thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, cung ứng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm áo dài Huế đến với cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế. Cùng với áo dài, có thể thúc đẩy phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, phụ kiện hỗ trợ. Đây chính là cách phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, Huế cũng đang phát huy và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc, gắn với khai thác không gian cảnh quan văn hóa đặc trưng của Huế. Sự ra đời của 5 bảo tàng công lập (Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Thiên nhiên khu vực miền Trung tại Huế) và 5 Bảo tàng ngoài công lập (Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham) cho thấy Huế là một trong những trung tâm có hệ thống bảo tàng độc đáo. Các bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật gắn liền với văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử cách mạng, các anh hùng, danh nhân tiêu biểu, nghệ sĩ tài hoa của quê hương đất nước, trong đó có nhiều hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đến nay, Huế có 10 nhóm hiện vật và hiện vật (gồm 35 hiện vật) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia (4).

Với nỗ lực đó, Thừa Thiên Huế đã dần khẳng định vị thế của một trung tâm du lịch lớn của đất nước. Năm 2019, Cố đô đã đón gần 4,48 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 2 triệu lượt. Năm 2023, ngành Du lịch đã có sự phục hồi khá tốt sau đại dịch COVID-19, dự kiến đón khoảng 3,3-3,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 1,1 triệu lượt khách quốc tế (5).

Về điện ảnh

Thừa Thiên Huế đã hình thành hệ thống rạp, cụm rạp chiếu phim đáp ứng nhu cầu xem phim của người dân thành phố Huế và các địa phương lân cận. Ngoài rạp chiếu phim công lập Đông Ba thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, còn có các phòng chiếu phim hiện đại Cinestar, BHD Star, Starlight Cinema, Lotte Cinema với hệ thống phòng chiếu phim có trang thiết bị hiện đại, nguồn phim mới và phong phú tại các vị trí thuận lợi, trung tâm thành phố Huế. Hằng năm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho hàng chục đoàn làm phim, phóng viên trong và ngoài nước đến quay phim tại địa phương.

Vượt lên trên những khó khăn do dịch COVID diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã phối hợp cùng Bộ VHTTDL tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII năm 2021 được giới chuyên môn và truyền thông đánh giá cao. Đây là khởi đầu của nền công nghiệp điện ảnh phát triển ở Huế; đồng thời cố đô Huế cũng đặt ra mục tiêu trở thành một trong những phim trường lớn, đẹp nhất cả nước với những cơ chế thuận lợi thu hút các đoàn làm phim trong và ngoài nước đến Huế.

Về nghệ thuật biểu diễn

Hoạt động nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế không ngừng được quan tâm, nâng cao chất lượng, hằng năm nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật được dàn dựng, phục hồi; các vở diễn, nghệ sĩ thường xuyên được tham gia các Liên hoan, hội thi hội diễn toàn quốc và khu vực đạt được nhiều huy chương các loại. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Đề án bảo tồn phát huy giá trị di sản Ca Huế và Đề án phát triển Ca Huế trở thành sản phẩm văn hóa trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc phục vụ du lịch góp phần đưa Ca Huế trên Sông Hương trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc thù của tỉnh, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách mỗi khi đến Huế

Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc sắc thường niên nhân các ngày lễ lớn của tỉnh phục vụ quần chúng nhân dân và dần trở thành sản phẩm văn hóa của địa phương như: Đêm Giao thừa, hoạt động mừng Đảng mừng Xuân; Kỷ niệm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế; Hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Giải Việt dã truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế; Chương trình tham gia “Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam”... Đặc biệt là việc xây dựng và triển khai Đề án Festival Huế 4 mùa, từng bước xây dựng Huế thật sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 theo như tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ cộng đồng, phục vụ du khách cũng đã được ngành Văn hóa, UBND thành phố Huế cùng các ngành xây dựng triển khai tại một số điểm tuyến phố văn hóa, phố đêm, phục vụ du khách trong và ngoài nước. Hoạt động nghệ thuật trình diễn của các doanh nghiệp cũng được tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ kinh doanh phát triển, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của người dân.

Về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm

Thực hiện Quyết định số 2658/QĐ-UBND ngày 12-11-2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị, hình thành Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng với hàng trăm hiện vật, tác phẩm gắn liền với đời sống của danh họa Lê Bá Đảng. Lập đề án Sắp xếp hệ thống tượng, biểu tượng kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 để chỉnh trang, làm đẹp không gian đô thị và phát huy giá trị các tác phẩm. Xây dựng Quy định một số cơ chế chính sách bảo tồn và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống có nguy cơ mai một thất truyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hằng năm, duy trì từ 40 đến 50 cuộc trưng bày, triển lãm văn hóa, nghệ thuật; các cuộc triển lãm có chuyên môn cao, một số được tổ chức chu đáo, phần lớn được xã hội hóa, do các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thực hiện; thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần phát triển hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn. Mặc dù nhu cầu về trưng bày triển lãm tại Huế khá lớn nhưng đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế vẫ chưa có trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật xứng tầm.

Về quảng cáo

Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định số 129/QĐ-UBND ngày 20-1-2015). Hằng năm, Tỉnh và Sở đã ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tuyên truyền, quảng cáo theo quy định. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện phong trào Nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần trên địa bàn tỉnh; khuyến khích quảng cáo bảng các vật liệu thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo đối với các sản y tế, rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động… Chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo rao vặt gây mất mỹ quan đô thị; triển khai việc kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn bảng biển quảng cáo trước trong và sau bão. Chỉ đạo lập Đề án đổi mới hoạt động tuyên truyền quảng cáo, hướng đến áp dụng các phương tiện công nghệ hiện đại phù hợp với cảnh quan đô thị.

Triển khai xây dựng hệ thống màn hình điện tử, pano xã hội hóa phục vụ tuyên truyền chính trị kết hợp quảng cáo thương mại, tạo nên bộ mặt mới về hệ thống pa nô tuyên truyền, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, quảng bá các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh. Lắp đặt 12 bảng quảng cáo rao vặt miễn phí trên địa bàn thành phố Huế để giải quyết nhu cầu quảng cáo rao vặt, với hình thức xã hội hóa; ngăn chặn việc dán các quảng cáo rao vặt ở tường rào các cơ quan, công sở, di tích lịch sử văn hóa; trên các trụ điện, các điểm vui chơi công cộng..; góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Sở VHTT là đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý thống nhất về nội dung và hình thức hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn; tuyên truyền, quảng bá các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Đã huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư, tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống công cụ trực quan đồng bộ phục vụ có hiệu quả cho công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, của thành phố Huế. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn có đủ điều kiện và năng lực đầu tư xây dựng các công trình tuyên truyền kết hợp với quảng cáo hiện đại, bền vững để thuận lợi trong việc điều hành, triển khai; ưu tiên các doanh nghiệp có cam kết thực hiện đúng và đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền của tỉnh. Trên địa bàn thành phố Huế đã hoàn thành hệ thống 11 vị trí quy hoạch tuyên truyền kết hợp với quảng cáo thương mại theo phương thức xã hội hóa (đạt tỷ lệ 100%) phục vụ cho công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Tại một số vị trí còn lại, thành phố Huế, thị xã, các huyện, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện công tác tuyên truyền xã hội hóa trên địa bàn.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành rà soát việc thực hiện quy hoạch đối với các bảng quảng cáo tấm lớn ngoài trời, đặc biệt là hai khu vực quy hoạch phía Bắc phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà và cánh đồng Thanh Lam, thị xã Hương Thủy và đã có văn bản thông báo hướng dẫn đến các doanh nghiệp, đơn vị yêu cầu thực hiện các thủ tục thuê đất, xin cấp phép xây dựng theo đúng quy chuẩn và làm thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo đến quảng cáo theo quy định. Đồng thời, tiến hành tháo dỡ một số bảng quảng cáo tấm lớn không còn phù hợp với sự phát triển không gian cảnh quan đô thị.

Nhằm kịp thời bắt kịp với chuyển động của xã hội, hiện đại hóa hoạt động tuyên truyền quảng bá, Sở VHTT đang xây dựng Quy hoạch quảng cáo ngoài trời đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trình UBND tỉnh trong năm 2023.

3. Giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, đô thị thông minh ở Thừa Thiên Huế

Trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, đô thị thông minh, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, như nhận thức của một số cấp, ngành, đơn vị về công nghiệp văn hóa còn hạn chế; việc thiếu đầu tư cho các thiết chế văn hóa, dịch vụ khiến Thừa Thiên Huế đến nay vẫn chưa khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh; kết cấu hạ tầng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa còn thiếu đồng bộ, không có khả năng đón đoàn khách lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu cao cấp của khách; sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; thể chế, cơ chế và các chính sách đặc thù, ưu tiên cho sáng tạo văn hóa chưa hoàn thiện; sản phẩm, dịch vụ và thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; các nguồn lực dành cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn nhỏ lẻ; doanh nghiệp văn hóa phần lớn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp; chưa xây dựng được cơ chế chính sách để thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội và các nhà đầu tư lớn mạnh vào phát triển công nghiệp văn hóa ở Thừa Thiên Huế.

Thời gian tới, để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, góp phần tạo ra sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của Thừa Thiên Huế, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, đô thị thông minh gắn với công tác quảng bá, tuyên truyền về lợi thế, tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa để thu hút nguồn lực đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nâng cấp, khai thác phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa. Khuyến khích phát triển các cơ sở mỹ thuật tư nhân: các bảo tàng mỹ thuật tư nhân, các sưu tập tư nhân, các gallery, các không gian sáng tạo nghệ thuật, cơ sở nghệ thuật không gian mới, không gian sáng tạo khởi nghiệp; hình thành các trung tâm thiết kế thời trang và mạng lưới liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong ngành. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật; ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật truyền thống Huế, tổ chức sự kiện... Khuyến khích phát triển các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Thứ hai, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa; hoàn thiện cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm phát triển đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý, huy động các nguồn lực đầu tư nhằm phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa Huế. Nghiên cứu cơ chế hợp tác công - tư trong quản lý, khai thác, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững. Xây dựng chiến lược phát triển giáo dục sáng tạo, trong đó chú trọng tạo lập môi trường nuôi dưỡng sáng tạo văn hóa, hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường sáng tạo, đào tạo chuyên gia và công dân sáng tạo. Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành hệ sinh thái sáng tạo; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện nguồn lực của tỉnh. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê, các chỉ báo, chỉ số, tiêu chí nhằm đánh giá thực trạng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa với trình độ chuyên môn cao. Thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học, các nhà sáng tạo có quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội; hỗ trợ trao truyền tri thức, kỹ năng, bí quyết thực hành, một số hoạt động khác có liên quan trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nguồn nhân lực văn hóa, du lịch, hình thành đội ngũ chuyên gia sâu và liên ngành. Ban hành chương trình giáo dục sáng tạo và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm gắn kết các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ với nhau và với cộng đồng xã hội.

Thứ tư, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong nước và ngoài nước. Tăng cường hợp tác, hội nhập với các thành phố có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh nhằm đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực, như du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang... Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu với đầy đủ các nội dung về di sản văn hóa, thành phố sáng tạo, kết nối chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.

Thứ năm, phát triển thị trường các ngành công nghiệp văn hóa. Kết nối các hoạt động xây dựng thị trường trong các lĩnh vực khác nhau, lấy thiết kế sáng tạo làm nền tảng cho các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, kích cầu dịch vụ văn hóa để gia tăng hình ảnh và phát triển thị trường cho các hoạt động về công nghiệp văn hóa. Chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế, như ở khu vực nông thôn, làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống thông qua các chương trình đào tạo, hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế, để nâng cao năng lực sáng tạo cho người sản xuất, marketing hướng đến những thị trường mục tiêu cụ thể và triển lãm hay trưng bày tại các hội chợ thương mại quốc gia và quốc tế. Đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế. Lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao như áo dài, ẩm thực, làng nghề truyền thống… để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Huế với cả nước và thế giới.

Thứ sáu, tiến hành quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa cho các công trình, dự án văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa giành cho cộng đồng. Triển khai hiệu quả một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Cố đô Huế và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa du lịch. Thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Huế - Kinh đô Ẩm thực”.

4. Thay lời kết

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045” đã khẳng định vai trò của văn hóa trong mục tiêu chiến lược xây dựng Huế “trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa”. Trong bối cảnh đó, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, đô thị thông minh là hướng đi phù hợp với xu thế chung và điều kiện thực tế của địa phương, góp phần tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thừa Thiên Huế. Đây cũng là một phần quan trọng trong quá trình “chấn hưng văn hóa”, rất cần thiết và nhiều ý nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang phát động và tổ chức triển khai.

Riêng đối với Cố đô Huế, đây là quá trình cụ thể hóa các nhiệm vụ, triển khai các giải pháp, góp phần từng bước hiện thực hóa nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết 54-NQ/TW đã đề ra.

Cùng với chính sách cởi mở của tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là “chìa khóa vàng” để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Điều cần thiết là xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, đô thị thông minh trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Cùng với đó là các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời quan tâm đào tạo con người, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao...

Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp cũng một số đơn vị chuyên môn, xây dựng hồ sơ trình UNESCO để sớm gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.

_____________________

1. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24-5-2021 của Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế đều khẳng định việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa, du lịch của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế.

2. Trong đó, trên 50% hội viên có trình độ đại học trở lên, trong đó có 03 Giáo sư, 5 Phó Giáo sư, 19 Tiến sĩ; 3 Nghệ sĩ Nhân dân, 34 Nghệ sĩ Ưu tú, 13 Nhà giáo Ưu tú, 5 Nghệ nhân Nhân dân, 15 Nghệ nhân ưu tú là lực lượng nòng cốt xây dựng phong trào văn hóa, nghệ thuật ở các cơ quan, ban ngành và một số địa phương.

3. Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017).

4. Gồm: Bộ Cửu vị thần công, Bộ Cửu đỉnh, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Bia Khiêm Cung Ký, Bộ sưu tập vạc đồng thời Chúa Nguyễn, Ngai vua triều Nguyễn, Áo Tế giao, Bia Ngự kiến Thiên Mụ tự (do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý) và Bộ chóp tháp Champa Linh Thái, Bệ thờ Vân Trạch Hòa (do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế quản lý).

5. Số liệu do Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cung cấp.

 

TS. PHAN THANH HẢI

Ủy viên Hội đồng DSVHQG, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế

 

-------------------------

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 – những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)

 

;