Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: 45 năm, một đội ngũ, một chặng đường

     Giữa những năm 60 của TK XX, nhằm có một cơ quan ngôn luận chính thức của Bộ Văn hóa, công bố những kết quả nghiên cứu, phổ biến đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng về văn hóa nghệ thuật, liên kết các cơ quan văn hóa nghệ thuật, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) đã đề xuất thành lập Viện Nghiên cứu Nghệ thuật. Vào năm 1972, Bộ cho phép xuất bản tờ Thông tin Nghệ thuật, in rônêô và lưu hành nội bộ, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật.

     Rồi ngày ấy cũng đến, 30-6-1973, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật chính thức được thành lập. Tạp chí ra đời là dấu ấn quan trọng đối với sự phát triển chung của ngành văn hóa, là sự nỗ lực hết sức của tập thể cán bộ, công chức, vì hoàn cảnh lúc đó vô cùng khó khăn. Do đặc thù của một tạp chí có tính bao quát tất cả các ngành nghệ thuật như: sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, múa… nên trong quá trình phát triển, Tạp chí đã quy tụ được những nhà nghiên cứu hàng đầu ở các lĩnh vực chuyên sâu.

     Trải qua 45 năm, từ Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật đến Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật hôm nay, là cả một chặng đường nỗ lực phấn đấu, không ngừng sáng tạo và trưởng thành của một tạp chí chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch và gia đình.

     Với sứ mệnh vừa là một cơ quan ngôn luận của Bộ, vừa là một trung tâm nghiên cứu, tham mưu cho công tác quản lý, hoạch định chính sách văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch, gia đình… của Bộ và của xã hội, trong nhiều năm qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã phát huy được sức mạnh của từng tổ chức, từng cá nhân... Chi bộ, Chính quyền, Công đoàn và các tổ chức xã hội luôn thống nhất trong hoạch định kế hoạch và thực thi chiến lược phát triển; chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của từng người; chú trọng chăm lo quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Và, như một hiệu ứng đáng trân trọng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhiều thế hệ của Tạp chí cũng đã tận lực, tận tâm cống hiến hết mình cho sự phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, góp phần phát triển Bộ, ngành và xã hội trong không ít năm qua.

     Nhìn lại chặng đường 45 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, không thể không nhắc tới sự đồng lòng, đoàn kết xây dựng Tạp chí của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên nhiều thế hệ. Đặc biệt, trong thời điểm này, Tạp chí trân trọng ghi danh đội ngũ lãnh đạo với những tên tuổi đáng kính như: nhà nghiên cứu Hà Xuân Trường, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, chủ nhiệm Tạp chí khi mới ra đời; GS Trần Đình Thọ, Tổng Biên tập đầu tiên, tiếp đó là các Tổng biên tập Lê Như Dực - Kính Dân (1979-1981), Nguyễn Đức Đàn (1981-1985), Hồ Sĩ Vịnh (1986-1996), Nguyễn Chí Bền (1997-2002), Phạm Vũ Dũng (2003-2014)… Ngoài ra còn có nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng như: nhà viết kịch Kính Dân, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, họa sĩ, Phó Tổng Biên tập Trần Tuy, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, Nguyễn Thụy Loan, Đỗ Lai Thúy, Bùi Khởi Giang, Nguyễn Minh San,... Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn sát cánh bên nhau, khẳng định quan điểm coi những thuận lợi là động lực, những khó khăn là tất yếu trong việc thực hiện tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

     Kể từ khi hình thành đến nay, trong quá trình 45 năm xây dựng và trưởng thành, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn nhận được sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo, Công đoàn và các đơn vị tham mưu của Bộ VHTTDL trong việc động viên, tạo vị thế, điều kiện, chính sách và có những đánh giá đúng, kịp thời đối với sự hoạt động và đóng góp của Tạp chí. Qua gần nửa thế kỷ, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ngày càng được khẳng định với tư cách cơ quan ngôn luận về văn hóa nghệ thuật của Bộ VHTTD; cơ quan nghiên cứu, thông tin công tác lý luận học thuật trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch, gia đình theo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xuất bản, giới thiệu những công trình nghiên cứu lý luận, phê bình học thuật về văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước, phản ánh những ý kiến của nhân dân về xây dựng, phát triển nền văn hóa mới, về giao lưu văn hóa nghệ thuật với thế giới. Hơn 400 số tạp chí với nội dung phong phú, hình thức trang trọng, những ấn phẩm sách nghiên cứu, sách phổ cập văn hóa trong và ngoài nước đã lần lượt ra mắt bạn đọc trong suốt 45 năm qua, góp phần tích cực vào việc nâng cao tri thức văn hóa nghệ thuật cho toàn xã hội, khơi dậy ý thức tự hào, tự tôn dân tộc…

     Đối với nhiệm vụ chính trị được giao viết, biên tập, xuất bản, phát hành tạp chí in, trong nhiều năm qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm, xuất bản mỗi tháng 1 số tạp chí, từ 120 - 140 trang in, dao động từ 1000 đến 1600 bản, đăng tải mỗi số khoảng 35 - 38 công trình, chuyên luận, bài viết khoa học, tin tức, ảnh thời sự, nghệ thuật, ý kiến bạn đọc với nội dung chuẩn xác, hình thức đẹp, chất lượng khoa học cao.

     Qua nhiều lần tái tạo, cấu trúc của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ngày càng mang tính khoa học và tạo độ mở cho các vấn đề cần đăng tải, trên cơ sở bố cục 3 mảng về: Văn hóa - Nghệ thuật - Thông tin tư liệu. Hơn nữa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng tạo độ linh hoạt để mở nhiều chuyên đề chính luận và khoa học như: Học và làm theo gương Bác; vấn đề xây dựng đạo đức gia đình; vấn đề xây dựng lối sống văn hóa trong thể thao; vấn đề xây dựng văn hóa du lịch, nhiều chuyên đề về văn hóa nghệ thuật các vùng miền trên cả nước và chuyên đề về các ngành, loại hình nghệ thuật cổ truyền và đương đại… Một hiệu quả đáng ghi nhận là Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật không chỉ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa, nghệ thuật, gia đình được giao mà còn quan tâm phản ánh sâu sắc lĩnh vực du lịch, thể thao thuộc sự quản lý của Bộ. Đồng thời, giữ vững vị thế là tạp chí khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa của cả nước, được tính điểm công trình cao của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực cao cho Bộ, ngành và xã hội.

     Trên nền tảng đó, nhiều công trình, bài viết khoa học được đăng tải trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã đề cập sâu sắc tình hình và hiện trạng của đời sống văn hóa, thể thao, du lịch trong và ngoài nước, có tác động tích cực đến chiến lược phát triển ngành, được độc giả đón đọc vì vừa mang tính học thuật, lý luận, vừa mang đậm tính cập nhật, phổ cập, ứng dụng vào thực tiễn đời sống văn hóa ở phạm vi rộng trong nước và nước ngoài. Đồng thời, nhiều công trình đăng tải trên Tạp chí đã được xã hội ghi nhận và đạt giải Báo chí quốc gia, giải của Hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam…

     Trong nhiều năm nay, với thương hiệu và uy tín bền vững, hầu hết các bài viết, chuyên luận khoa học được đăng tải trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đều nhận được tin tưởng, đánh giá cao và cho điểm cao nhất trong ngành khi xét tuyển nhân lực bậc cao như thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư; nhiều bài viết của các học giả Việt kiều nước ngoài ở Nga, Pháp, Đức, Campuchia, Lào… đăng tải trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã nhận được sự đánh giá tốt từ các độc giả ngoài nước, tạo hiệu ứng rộng cho thương hiệu Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

     Với sự hiện diện của Văn phòng Đại diện Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tại TP. HCM, cùng công tác phát hành được mở ra trên diện rộng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ngày càng hội tụ những điều kiện để có thể gia tăng quy mô hoạt động và phát triển mạnh mẽ hơn.

     Bên cạnh đó, dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư, thực tế không đủ hoạt động, nhưng Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật vẫn thống nhất hình thành Tủ sách Văn hóa Nghệ thuật, thực hành tiết kiệm kinh phí để đầu tư biên soạn, dịch thuật, xuất bản những cuốn sách quý, chọn lọc trong và ngoài nước về văn hóa nghệ thuật. Hơn 30 cuốn sách dịch, tuyển, biên soạn ra mắt trong thời gian qua như : Tìm hiểu về bản sắc dân tộc của văn hóa (1993), Văn hóa vì con người (1993), Văn hóa Việt Nam - một chặng đường (1993), Đường vào văn hóa (1993), Văn hóa nghệ thuật Nam Bộ (1997), Văn hóa nghệ thuật Trung Bộ (1998), Âm nhạc - lý luận và cây đời (1994), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thực tiễn và giải pháp (1999), Hỏi đáp về văn hóa Việt Nam (1998), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam (2000), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam (2000), Văn hóa học, những lý thuyết nhân học văn hóa (2000), Tuyển tập V.I.A. Propp (2003), Đờn ca tài tử đặc trưng và đóng góp (2013), Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới hội nhập (2013)… đã tạo ra một hiệu ứng, uy tín rộng lớn cho Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong lĩnh vực phổ biến tri thức qua sách. Bằng những sản phẩm của mình, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã góp phần nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, phổ cập nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng đang nảy sinh và được toàn xã hội quan tâm. Đó là vấn đề quan niệm văn hóa, quan niệm nghệ thuật; là mối quan hệ giữa truyền thống và đổi mới trong văn hóa; là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc; là quan hệ biện chứng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là việc khẳng định vai trò mục tiêu, động lực của văn hóa trong phát triển; là việc hiểu và triển khai như thế nào chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa…

     Hơn nữa, với mục tiêu xây dựng Tạp chí như một trung tâm báo chí - nghiên cứu, nhiều năm qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp thành phố, cấp cơ sở, nhiều đề tài nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng đã tham gia nhiều tham luận Hội thảo khoa học quốc gia, hàng trăm bài viết trên các phương tiện báo chí, truyền thông cả nước. Những hoạt động khoa học, đào tạo này đã góp phần không nhỏ trong tạo dựng thương hiệu của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong đời sống sinh hoạt và văn hóa nước nhà.

     Trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ, những năm gần đây, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã cho ra đời trang web www.vhnt.org.vn, mở rộng thông tin tới độc giả. Trang web đã trở thành địa chỉ truy cập tin cậy và bổ ích của các nhà khoa học, các cộng tác viên, thày cô giáo, sinh viên trong nước và quốc tế. Thời gian tới, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sẽ hoàn thành và khai trương Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật, hy vọng đây cũng sẽ là một địa chỉ tin cậy của bạn đọc gần xa.

     Hoạt động của Chi bộ, Công đoàn Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn được cấp trên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tạp chí quan tâm, ủng hộ, tôn trọng và đánh giá cao. Bằng nhiều biện pháp, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật chú trọng phát triển đồng đều Chi bộ, Chính quyền, Công đoàn và các tổ chức đoàn thể trên tinh thần thống nhất, thực thi tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức và cùng tiến bộ, cùng phát triển. Vì thế, trong 45 năm qua (1973- 2018), Chính quyền Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã nhiều lần đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, nhiều năm liền nhận được Cờ thi đua xuất sắc của Bộ VHTTDL, Huân chương lao động hạng Ba (1993), hạng Nhì (1998), hạng Nhất (2003), Huân chương Độc lập hạng Ba (2008); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2018); Chi bộ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhiều năm liền năm đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh, đặc biệt, năm 2012 đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu; Công đoàn Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật liên tục đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh xuất sắc, bằng khen của Công đoàn Viên chức Việt Nam… Đây là những kết quả không dễ có được trong bối cảnh hiện nay.

     Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, cho đến nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã thực sự trở thành cơ quan phát ngôn, diễn đàn thông tin nghiên cứu lý luận của ngành văn hóa, thể thao và du lich, của các nhà khoa học, các cộng tác viên, cán bộ nhân dân và đông đảo bạn đọc. Vị thế của Tạp chí hôm nay được xây dựng nên từ sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng, sự gắng gỏi của đội ngũ biên tập viên, sự nhiệt tình cộng tác của các nhà khoa học hàng đầu, các cộng tác viên và bạn đọc nhiều thế hệ.

     Phát huy những thành tựu trong 45 năm qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật có rất nhiều lợi thế để bắt nhịp với xu thế của thời đại. Tạp chí đang không ngừng cố gắng kế thừa, học hỏi, tự tin, nối tiếp truyền thống để bước tiếp, làm trọn vẹn nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận về nghiên cứu, lý luận, thông tin văn hóa nghệ thuật của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, sự biến động của xu hướng phát triển mạnh báo chí và truyền thông thế giới với sự lên ngôi của báo chí điện tử, truyền thông mạng… đã đặt ra những thách thức sống còn cho báo chí in, đặc biệt là tạp chí in như Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Chắc chắn, sẽ còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sẽ không ngừng cố gắng để luôn xứng đáng là một trong những tạp chí nghiên cứu hàng đầu của Bộ VHTTDL, là địa chỉ tin cậy của đông đảo bạn đọc trong nước và nước ngoài.

 

Tác giả: Nguyễn Liên Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018

 

;