Tăng cường công tác quản lý di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào

Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, được Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Trong suốt thời gian qua, công tác quản lý tại khu di tích đã thu được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải có những kinh nghiệm áp dụng cũng như những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng quản lý khu di tích trong thời gian tới.

Thực tiễn công tác quản lý các di tích quốc gia đặc biệt trên toàn quốc cũng như các tỉnh thành trong khu vực thời gian qua đã thu được nhiều thành tựu cơ bản góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Trên cơ sở đó, chúng ta thu được nhiều bài học kinh nghiệm tiêu biểu có thể áp dụng hiệu quả đối với những khu di tích có điều kiện tương đồng nhau. Đây cũng là cơ sở lý luận cũng như thực tiễn đưa ra giải pháp tăng cường công tác quản lý di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trong thời gian tới.

1. Giải pháp tăng cường công tác quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào

Cũng như các địa phương có các di tích quốc gia đặc biệt trong cả nước, việc tăng cường hiệu quả công tác quản lý di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang là việc làm cần thiết, đặc biệt là sau khi di tích được nâng cấp từ di tích cấp quốc gia lên di tích quốc gia đặc biệt, theo đó, yêu cầu của công tác quản lý di tích cũng được nâng cao hơn. Để đáp ứng được yêu cầu đó cần phải có những nhóm giải pháp tổng thể cũng như cụ thể, qua đó tăng cường hiệu quả quản lý di tích, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nhằm phục vụ tốt công tác quản lý di tích theo các mục tiêu đặt ra, cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn các di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cùng các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang, đã tập trung nguồn lực để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cũng như khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng trong thực hiện công tác này. Việc kết hợp giữa quản lý nhà nước và sự tham gia quản lý của cộng đồng, trên cơ sở phát huy tối đa vai trò tự quản của cộng đồng cùng với việc tăng cường sự tham gia định hướng và giám sát của nhà nước đối với công tác quản lý di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, xuất phát từ những căn cứ khoa học và thực tiễn trong công tác quản lý di tích này thời gian qua, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp tổng thể cũng như cụ thể để tăng cường công tác quản lý di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.

Nhóm giải pháp tổng thể

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di tích cho chính quyền, cộng đồng địa phương và du khách. Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Di sản văn hóa thông qua các tổ chức chính trị xã hội, xây dựng chương trình giáo dục Luật Di sản tại các điểm trường học trên địa bàn di tích. Trên cơ sở đó, giáo dục các nhân tố trong cộng đồng tích cực tham gia vào công tác gìn giữ và bảo vệ di tích.

Thứ hai, tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý di tích nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Bên cạnh đó, cần lựa chọn đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn để thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị của các di tích đến khách tham quan trong và ngoài nước.

Thứ ba, triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích gắn với phát triển du lịch. Trong quy hoạch tổng thể khu di tích được phê duyệt cần lập và phê duyệt các gói dự án bảo tồn để sớm triển khai nhằm giữ được kịp thời các di tích có nguy cơ bị mai một, xây dựng quy chế bảo tồn cụ thể phù hợp với đặc thù khu di tích, cắm mốc giới bảo vệ di tích, xây tường rào bảo vệ để ngăn chặn tình trạng xâm hại di tích…; triển khai các dự án hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch và kết nối tham quan trong khu vực…

Thứ tư, huy động nguồn lực để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích. Để thực hiện được nhiệm vụ này, UBND tỉnh Tuyên Quang và các cấp quản lý khu di tích cần tạo cơ chế và xây dựng các chính sách với những lưu ý và mục tiêu cơ bản: đẩy mạnh hợp tác trong khu vực, tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài nước vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích. Tuy nhiên để thu hút sự phát triển về nhân lực, kinh nghiệm chuyên môn và tài chính của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, ngoài các yếu tố tài chính thì công tác lựa chọn, đề xuất, xây dựng dự án cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng; huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích một cách bền vững thông qua các hình thức như: tranh thủ sự giúp đỡ về kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của các tổ chức khoa học chuyên nghiệp trên cơ sở đó tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ và hỗ trợ về mặt tài chính của các cơ quan quản lý văn hóa trong nước và quốc tế; huy động các nguồn tài trợ về tinh thần, vật chất của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý di tích. Việc bảo tồn di tích nhất thiết phải theo đúng trình tự, thủ tục hành chính, phải được sự phê duyệt và giám sát của chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn. Công tác kiểm tra, thanh tra cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch và kịp thời ngay từ khâu đầu tiên của quá trình bảo tồn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để các nhà khoa học tham gia tư vấn trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn di tích tại khu di tích này.

Thứ sáu, phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý di tích. Để thực hiện được giải pháp này cần tăng cường công tác xã hội hóa trong tu bổ, tôn tạo di tích cũng như sự tham gia giám sát của cộng đồng trong công tác quản lý di tích. Đồng thời, đơn vị quản lý di tích và các địa phương nơi có di tích cần vận dụng linh hoạt các chính sách để động viên những người am hiểu, nhiệt tình tham gia quản lý khu di tích.

Nhóm giải pháp cụ thể

Thứ nhất, tạo cơ chế, chính sách tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Sau khi di tích Tân Trào được chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt, việc đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích này vẫn chưa có những bước đột phá. Do vậy việc ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp sẽ là những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Để làm được những việc này, các cấp quản lý di tích tỉnh Tuyên Quang cần:

Tạo cơ chế để huy động, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di tích. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, khuyến khích, huy động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đóng góp kinh phí, vật chất, nhân công cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tạo cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực đầu tư như: chính sách ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích; có chính sách thuế, phí, lệ phí khuyến khích đầu tư; coi trọng quyền làm chủ của cộng đồng trong công tác quản lý di tích...

Tập trung tăng cường nguồn lực để đầu tư cho bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Để tạo đột phá trong đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích, UBND tỉnh Tuyên Quang cần có chính sách tăng cường đầu tư cho công tác này, trong đó cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm tham quan di tích; tổ chức tập trung đầu tư các dự án theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể khu di tích; tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất… Bên cạnh đó, cần ban hành chính sách kêu gọi đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích trên cơ sở huy động và sử dụng hợp lý nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác quản lý di tích.

Ban hành cơ chế chính sách huy động các nguồn lực từ trung ương trong các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn chính phủ, tranh thủ sự ủng hộ từ Bộ VHTTDL và các cơ quan trung ương về vật chất cũng như kinh nghiệm, trí tuệ khoa học… cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di tích. Qua thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý khu di tích thuộc Ban quản lý di tích lịch sử và sinh thái Tân Trào và cán bộ văn hóa các xã thuộc hai huyện Sơn Dương, Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang, có thể thấy đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích về cơ bản chưa được đào tạo đúng chuyên môn, kinh nghiệm trong thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đa số các cán bộ quản lý vừa làm, vừa học hỏi để tích lũy kinh nghiệm. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thực hiện công tác quản lý di tích. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tuyên Quang cần có chiến lược thu hút đội ngũ cán bộ chất lượng cao, có kiến thức và kinh nghiệm trong công tác quản lý di tích. Đồng thời có cơ chế, chính sách cử cán bộ đi học tập, tham quan nghiên cứu kinh nghiệm quản lý ở một số di tích có điều kiện tương đồng trong khu vực và cả nước, tạo điều kiện để họ có điều kiện tiếp xúc với các kiến thức mới, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Thứ ba, tăng cường phối hợp liên ngành. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích cần chú ý đến sự phối hợp của các lĩnh vực liên quan, trong đó cần quan tâm đến mối liên hệ giữa việc quản lý di tích với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình đô thị hóa nông thôn, xây dựng, môi trường, quản lý phát triển công nghiệp, nông nghiệp... trên địa bàn di tích. Để tạo thuận lợi cho việc phát triển hài hòa giữa quản lý khu di tích với các lĩnh vực khác có liên quan, UBND tỉnh Tuyên Quang cần xây dựng cơ chế để đảm bảo sự phối hợp liên ngành nhất quán giữa các bên liên quan trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đây cũng chính là cơ sở để thực hiện công tác quản lý di tích trong mối liên hệ hài hòa và sự phát triển bền vững của di tích trong mối liên hệ với các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh Tuyên Quang.

Thứ tư, tăng cường xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích sẽ tạo được lợi thế đáng kể trong tận dụng các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Để thực hiện được giải pháp này, UBND tỉnh Tuyên Quang cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích, thu hút đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản. Cơ chế phải tạo được điều kiện trước mắt cũng như lâu dài cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… đầu tư trong công tác này.

Thứ năm, tăng cường mối liên hệ vùng trong hợp tác và phát triển công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Việc tăng cường mối liên hệ vùng trong hợp tác và phát triển công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đóng vai trò quan trọng, qua đó huy động được nguồn nội lực cũng như ngoại lực của di tích phục vụ cho công tác quản lý di tích. Trước mắt đặt di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trong mối liên hệ với các di tích cách mạng thuộc hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Để thực hiện được giải pháp này, UBND tỉnh Tuyên Quang cần: đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ các nguồn lực từ tài nguyên văn hóa, thu hút sự giúp đỡ về nhân lực, kinh nghiệm chuyên môn và hỗ trợ tài chính của các khu vực trong mối liên hệ vùng với di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc lựa chọn, đề xuất, xây dựng dự án đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư trong tổng thể phát triển văn hóa và du lịch của khu vực. Các hoạt động này được thực hiện thông qua các hình thức như: tranh thủ sự giúp đỡ về kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tài chính của các tổ chức, cá nhân trong trong và ngoài khu vực. Ngoài ra, UBND tỉnh Tuyên Quang phải căn cứ vào Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, coi đây là căn cứ quan trọng để thực hiện chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên cơ sở mối liên hệ vùng, trước mắt là với các di tích quốc gia đặc biệt thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Thứ sáu, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trên cơ sở phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Xuất phát từ thực tiễn hoạt động du lịch của khu di tích cũng như xu thế tham quan mới của khách, trong thời gian tới UBND tỉnh Tuyên Quang cần khai thác những thế mạnh từ tài nguyên văn hóa và đời sống cộng đồng trong khu vực di tích phục vụ cho tham quan trải nghiệm và du lịch cộng đồng. Để thực hiện được mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào phải xây dựng đề án cụ thể, đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cùng thống nhất phương án. Sau đó tiến hành công tác quảng bá, xây dựng các tour, tuyến tham quan du lịch trải nghiệm và cộng đồng khu vực di tích mô hình du lịch này. Để thực hiện mô hình du lịch này, trước mắt, chính quyền UBND tỉnh Tuyên Quang cần tập trung đầu tư bước đầu cho một số cơ sở hạ tầng thiết yếu như hệ thống đường xá, cảnh quan, khu vệ sinh, khu dịch vụ…

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các khu vực di tích. Một trong những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào là việc sở hữu di tích với nhiều loại hình. Bên cạnh đó, các di tích nằm trải dài trên một không gian rộng lớn. Sự kém hiểu biết của một bộ phận người dân cũng như việc không thể bao quát hết được các di tích trong khu vực của các cấp quản lý di tích thuộc khu vực di tích quốc gia đặc biệt Tân trào tỉnh Tuyên Quang đã dẫn đến những vi phạm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích này. Do đó, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích là việc làm quan trọng trên cơ sở đó đảm bảo chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Quá trình thanh tra, kiểm tra cần căn cứ trên những quy phạm pháp luật của Luật Di sản văn hóa và các văn bản hiện hành của nhà nước cũng như quy định cụ thể của UBND tỉnh Tuyên Quang việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. UBND tỉnh Tuyên Quang cần tiến hành phân cấp, phân công rõ ràng trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào với UBND hai huyện Yên Sơn, Sơn Dương cũng như UBND các xã có di tích thuộc khu vực di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, mặt khác tạo căn cứ pháp lý rõ ràng trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm tại khu di sản. Cần xây dựng cơ chế giám sát đa chiều giữa Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào với UBND hai huyện Yên Sơn, Sơn Dương cũng như UBND các xã có di tích thuộc khu vực di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào và cộng đồng các dân tộc sinh sống trong khu vực di tích.

Các di tích và các điểm di tích thuộc di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào được coi là những di sản văn hóa với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc tiêu biểu của quốc gia phải được bảo tồn theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành của nhà nước. Các cấp quản lý và cộng đồng địa phương phải khai thác và phát huy thế mạnh giá trị di tích phục vụ cho đời sống xã hội đương đại và cho chính cộng đồng, có như vậy mới bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản một cách tốt nhất.

 

Tác giả : Hà Thúy Mai

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018

;