Người Khơ mú có số dân đông thứ 8 trong 12 tộc người nói ngôn ngữ Môn - Khơme ở Việt Nam (1). Ở khu vực Tây Bắc, tộc người này tập trung đông nhất tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Giống như những cư dân nông nghiệp khác, họ thường tổ chức lễ hội cầu mùa vào mỗi dịp đầu năm mới, với mong muốn trời đất, thần linh phù hộ cho họ một năm làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt.
Người Khơ mú sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, họ canh tác các loại cây như lúa, ngô, khoai, sắn, chăn nuôi trâu bò. Đời sống vật chất của họ còn nhiều khó khăn nhưng đời sống tinh thần khá phong phú, họ còn bảo lưu gìn giữ và phát huy được nhiều nét văn hóa truyền thống, đặc biệt là các tín ngưỡng, phong tục, tập quán và lễ hội. Trong những nghi lễ liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, có hai lễ quan trọng liên quan đến nông nghiệp là: lễ cầu mùa và lễ rước mẹ lúa. Cầu mùa là lễ cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh phù hộ cho con người có một năm mưa thuận gió hòa, nương rẫy bội thu; còn rước mẹ lúa chính là lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và các thần linh đã phù hộ cho con người mạnh khỏe, làm ăn may mắn, thóc đầy kho, trâu bò đầy chuồng.
Lễ hội cầu mùa của người Khơ mú diễn ra ngày mồng 8, 9 tháng giêng hàng năm, gồm 5 phần chính: lễ tôn vinh thần lúa, thần màu, cây khoai sọ; lễ chọc lỗ, tra hạt; lễ cầu mưa; trích đoạn rước mẹ lúa; hội đón xuân mừng năm mới.
Lễ tôn vinh thần lúa, thần màu và cây khoai sọ
Đây là nghi thức tưởng nhớ người xưa đã biết tìm cây lúa, cây hoa màu và quan niệm về sự sống có linh hồn đối với cây cối. Lễ vật được các nam thanh, nữ tú trẻ khỏe, rước kiệu dâng lên gồm các sọt lúa, khoai sọ và hoa màu, một khóm cây bông lau, một khóm cây chè vè…
Nghi thức đầu tiên là cúng thần lúa và thần màu, do một người có uy tín trong tộc người thực hiện. Nội dung bài khấn như sau: “Năm qua, tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho con người mạnh khỏe, trâu bò, lợn gà đầy chuồng. Hôm nay ta làm mâm cao cỗ đầy xin mời các thần hãy rủ nhau đến thưởng thức mâm lễ của ta, các thần ở trên cũng xuống, ở dưới cũng lên, ai mà mù thì cõng, ai mà gầy thì dìu, trai ngồi trên, gái ngồi dưới, trẻ thì phục vụ. Mâm cỗ ta có đầu có đuôi, có rượu ngon, có thuốc, có chè, có trầu cau, cái gì trên trái đất này có ta đều đặt mâm cỗ này, không phải của ta nhai, không phải bã ta vứt đi, mời các thần thưởng thức trước. Các thần phải phù hộ cho con người của ta ai ai cũng mạnh khỏe, chân cứng đá mềm, dẫm cỏ cỏ nát, dẫm đá đá nứt, nhanh như sóc, mạnh như hổ, nói vang như sấm, gầm thét như hổ báo, làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu” (2).
Sau lời khấn, người cúng thổi pí tót - một loại sáo có 2 lỗ đặc trưng của người Khơ mú. Trong lễ cúng, tiếng sáo thể hiện giai điệu buồn man mác như lời than thở của đồng bào về một thời cực khổ xa xưa. Dứt tiếng sáo, trống chiêng nổi lên, đoàn rước kiệu đội lễ đi. Đi đầu đoàn rước là thày cúng, thày vừa đi vừa hò hét nhằm động viên lực lượng sản xuất tạo ra lương thực, tiếp sau là thần lúa, thần khoai sọ, thần ngô và các loại hoa màu. Trong đó, sọt lúa tượng trưng cho hồn lúa; sọt khoai sọ tượng trưng cho ma lúa; sọt cây lau, cây chè vè được dâng cúng nhằm tượng trưng cho ước vọng của người dân mong cho cây lúa to bằng cây lau, lá lúa dài và mượt như cây chè vè. Đi sau là đội văn nghệ gồm: Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, thanh thiếu niên, nhi đồng, đội bù nhìn, đội mõ và đội giáo mác. Mỗi đội đi theo đoàn rước đều có những nhiệm vụ khác nhau, đội văn nghệ có tính chất mua vui; đội bù nhìn xua đuổi các con thú đến phá rẫy. Đoàn rước vừa đi vừa múa, âm thanh và vũ điệu uyển chuyển tạo cho lễ hội một sự vui tươi, náo nhiệt khởi sự cho một mùa màng bội thu.
Lễ chọc lỗ, tra hạt
Sau khi đốt nương, người Khơ mú để 3 ngày cho đất nguội rồi mới chọc lỗ tra hạt. Trước khi làm lễ, người ta dựng lều ở giữa nương. Lều vừa là nơi trú ẩn mưa nắng, nghỉ ngơi khi làm nương rẫy, vừa là nơi cúng ma nương và liên quan đến phong tục tập quán ma nhà của từng dòng họ. Sau khi cúng xong ma nhà, tại lều nương, chủ sẽ dùng giẻ đốt, hoặc cành cây tươi cúng khấn xua đuổi ma xúi, ma ăn bám thóc giống. Nội dung bài cúng như sau: “ta tra lúa nương đầu tiên, ma xúi, ma ăn bám đừng có ăn thóc giống nhà ta, đừng có ăn thóc giống hao hụt của ta. Ta cúng, hun khói bằng giẻ, xua đuổi bằng cành cây hãy phù hộ cho ta thóc, nương ta tra ít nhưng diện tích nương ta tra được rộng, ma đói, ma xúi hãy lên rừng, xuống biển tìm ăn bao la” (3). Sau đó, người chủ tế (ở gia đình là chủ hộ) chọc 3 lỗ (động thổ) tra hạt trước rồi tất cả mọi người sẽ cùng thực hiện sau. Trong khi mọi người thực hiện nghi thức, đội chiêng, trống đều hòa âm múa theo điệu nhạc.
Sau khi tra hạt xong, mọi người lấy nước rửa tay, rửa gậy chọc lỗ, tra hạt, chủ nhà đứng trước lán nương lúa tưới nước ra xung quanh, vừa làm vừa khấn: “tưới cho cây lúa mọc, cho cây lúa nảy mầm, cho hạt chắc bông dài, gốc lúa to bằng gốc lau, bông lúa dài bằng quả núc nắc…” (4) với ý niệm và ước vọng năm nay lúa sẽ tốt tươi không bị hạn hán.
Lễ cầu mưa
Đây là nghi lễ chính của lễ hội cầu mùa. Cách cầu mưa của người Khơ mú không chỉ là hình thức ma thuật bắt chước, diễn lại hiện tượng mưa rơi như vẩy nước, tuốt lá mà còn làm các điều xúi quẩy để chọc tức trời, thuồng luồng hay ma hạn hán để chúng bực mình làm mưa xuống. Họ dùng những loại cây, lá, đồ vật có sẵn làm hình tượng biểu trưng: cây chuối hoa đỏ tượng trưng cho mào con thuồng luồng; cây chuối rừng, cây ráy ngứa làm cho đất ẩm ướt; cây dương xỉ bám chặt vào đất chống xói mòn; chày, cối giã gạo để cho cuộc sống sung túc, no ấm; búa rìu tượng trưng cho thần sấm sét…
Trong tiếng chiêng, trống, thần sấm sét, thần thuồng luồng, con rắn, con rết… được tái hiện, tạo nên không khí thiêng liêng, huyền bí. Đó chính là sự giao hòa âm dương, vũ trụ, khi cha trời mưa vào lòng mẹ đất, để cây cối đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa, kết trái. Bản chất nghi lễ này là sự thể hiện ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
Lễ rước mẹ lúa
Nghi lễ được thực hiện sau khi thu hoạch xong mùa màng nhằm đón rước mẹ lúa về nhà. Do tập quán canh tác xa nhà, người Khơ mú phải làm kho ở trên nương để tích trữ lương thực, sau khi thu hoạch xong họ sẽ chuyển thóc lúa về kho chính ở nhà. Sau khi thu hoạch, họ để lại một cụm thóc tại kho ở trên nương (tượng trưng cho mẹ lúa), sáng sớm gia đình sẽ cử 4 người đi rước mẹ lúa về. Họ mang theo bồ đựng thóc, bầu bí, thuổng đào khoai sọ. Hai thanh niên chưa lập gia đình sẽ mang kiệu để rước mẹ lúa về và tiến hành nghi lễ. Trước đó, chủ hộ làm lễ cúng vía cho các thành viên trong nhà, cúng đầu gối - biểu tượng cho sức mạnh của con người. Ý nghĩa bài cúng trích dịch như sau: “gọi hồn, gọi vía cho các thành viên trong gia đình về nhà không đi xa để con người được khỏe mạnh, dẫm đá đá nứt, dẫm cỏ cỏ nát, nói vang như sấm, nhanh như sóc, mạnh như hổ” (5). Sau khi cúng vía cho các thành viên xong, chủ hộ cúng các nông cụ sản xuất như cuốc, xẻng, liềm, cày, bừa… với mục đích để tạ ơn chúng đã giúp con người làm ra nhiều của cải. Bài cúng được trích dịch như sau: “…Dao ơi hôm nay ta tổ chức rước mẹ lúa về nhà, ta được thóc, được gạo nhờ mày giúp ta, ta làm lễ tạ ơn mày, ta lấy máu gà bôi cho mày ăn, sang năm, mày lại giúp ta nữa, phát cỏ cỏ sạch, chặt cây cây đứt, mày không được phản ta” (6).
Sau bài cúng nông cụ là bài cúng các con vật như trâu, bò cũng với ý nghĩa tạ ơn chúng đã giúp con người cày cấy, mang lại thóc lúa: “trâu ơi, bò ơi, ta dùng tiết gà bôi đầu gối mày, ta gọi hồn vía mày về nhà cùng với gia đình, mày hãy khỏe mạnh, ăn cỏ nhiều. Hôm nay ta tạ ơn mày, ta cắm các loại hoa đẹp nhất trên rừng ta phủ lên lưng mày loại vải ta dệt đẹp nhất. Sang năm mày hãy giúp ta cày bừa, làm được nhiều thóc lúa hơn” (7).
Tiếp đó, chủ lễ cúng rượu cần nhằm thông báo với tổ tiên ngày tốt, tháng đẹp để đón mẹ lúa về nhà, để tổ tiên phù hộ được khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi. Đó cũng là quy trình gieo trồng, thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp. Sau bài khấn này, chủ nhà sẽ mang các loại hoa màu như bí, khoai sọ đã đồ chín đổ ra mẹt hoặc nia to cạnh bàn thờ, các thành viên tới dự buổi lễ tranh nhau ăn, vừa ăn vừa ném bôi vào người nhau, nhằm thể hiện tổ tiên đã phù hộ làm được nhiều hoa màu.
Hội đón xuân, mừng năm mới
Sau phần lễ, người dân mở hội ăn uống, ca hát. Đây chính là lúc các trò chơi dân gian được thể hiện rõ nhất. Người Khơ mú ở Yên Bái vẫn còn lưu giữ được những nét cơ bản của trò chơi truyền thống như: ném còn, múa chui dây, nhảy chữ thập, trâu không sừng húc nhau, trèo cây không chạm bụng… Mỗi trò chơi không chỉ mang lại tiếng cười, sự phấn khích, náo nhiệt cho lễ hội mà còn mô phỏng lại những hoạt động, rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai trong lao động sản xuất. Ngoài ra, đó là những lời gửi gắm của người xưa răn dạy con cháu chịu khó làm lụng, cần cù để có được cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Lễ hội cầu mùa của người Khơ mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái phản ánh niềm tin của tộc người vào thiên nhiên, đất trời, nương, rẫy… đó còn là những ước vọng về một mùa màng bội thu. So với những đổi thay, tiếp biến văn hóa của nhiều lễ hội khác, thì lễ hội cầu mùa của người Khơ mú vẫn giữ được nhiều nét sơ khai, bản địa, thể hiện bản chất dung dị, tự nhiên của cư dân vùng cao. Thông qua từng nghi lễ liên quan đến trồng trọt, canh tác nương rẫy chúng ta thấy được quy luật lôgic trong đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân: để có cây mọc thì phải làm lễ tra hạt, khi hạt đã mọc lên thì phải cúng cho cây có hồn, khi cây đã có hồn phải cúng cho trời đổ mưa để cây có nước uống, ruộng nương xanh tốt, đến khi đơm hoa kết trái phải cúng để xin thu hoạch về… Có thể thấy rõ quy trình sinh trưởng của cây, bên cạnh đó chính là sự hậu thuẫn của cha trời, mẹ đất.
Hầu hết các lễ hội nông nghiệp đều liên quan đến tín ngưỡng thờ thần thiên nhiên, phản ánh đức tin và ước vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội cầu mùa của người Khơ mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái là một nét văn hóa đặc sắc, giàu tính nhân văn góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của kho tàng lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam.
___________
1. Nhiều tác giả, Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1972.
2, 3, 4, 5, 6, 7. Tư liệu điền dã của tác giả.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018
Tác giả : NGUYỄN VĂN DƯƠNG