SỨC SỐNG CỦA VĂN HÓA KHOAN DUNG THỜI THỊNH TRẦN

Khoan dung là khái niệm xuất hiện khá sớm trong văn hóa Á Đông. Theo một số tài liệu, thuật ngữ này được bàn đến trong Kinh Thư, có nghĩa là bao dung, độ lượng, rộng lòng tha thứ. Ngày nay, khái niệm khoan dung được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Khoan dung trở thành một vấn đề mang tính thời sự toàn cầu, trong bối cảnh tính đa dạng ở từng quốc gia và trên toàn thế giới đang bị xâm hại nghiêm trọng kéo theo nguy cơ xung đột văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội dẫn đến những tranh chấp, khủng bố, chiến tranh… diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Yêu cầu về một sự chung sống hòa bình, thái độ khoan dung, đối thoại, tôn trọng sự khác biệt của các nền văn hóa trên thế giới đặt ra cấp thiết.

Ngày 16-11-1995, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 28, UNESCO đã khởi xướng Ngày khoan dung quốc tế, thông qua bản Tuyên bố về các nguyên tắc (nguyên lý) của khoan dung. Trong bản tuyên bố, khoan dung được định nghĩa là “tôn trọng, chấp nhận và cảm thông đối với tính đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới, các hình thức biểu hiện và các cách thức tồn tại của con người. Lòng khoan dung được nuôi dưỡng bởi kiến thức, sự cởi mở, sự giao tiếp, sự tự do tư tưởng, khả năng nhận thức và đức tin. Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Khoan dung vừa là một bổn phận đạo đức, vừa là một đòi hỏi pháp lý và chính trị” (1). Quan điểm của UNESCO hàm chứa một ý niệm mới mẻ về lòng khoan dung. Theo đó, khoan dung không chỉ là một lối hành xử có văn hóa giữa các cá nhân trong một cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác mà quan trọng hơn, khoan dung còn là một nghĩa vụ chính trị mà tất cả các nhà nước đều phải có trách nhiệm thực hiện. Nó thuộc phạm trù văn hóa chính trị mà bất cứ chủ thể chính trị tiến bộ nào cũng phải thấm nhuần và hiện thực hóa.

Những vấn đề mang tầm thời đại và tính phổ quát của nhân loại ấy đã được đặc biệt đề cao, coi trọng và thực thi rất hiệu quả với những cách thức độc đáo ở đất nước ta, ngay từ thời đại nhà Trần, biểu hiện qua nhận thức và ứng xử của các chủ thể chính trị đối với những phương diện thử thách tinh thần khoan dung hơn cả, khi mà họ chưa biết và chưa đề cập đến những khái niệm lý luận, những nguyên lý của khoan dung.

1. Ứng xử đối với mâu thuẫn, lỗi lầm

Thứ nhất, hóa giải mâu thuẫn. Sử liệu ghi lại rất nhiều câu chuyện về việc hóa giải mâu thuẫn trong chính trị cũng như đời thường của nhà Trần. Một điểm thường thấy là mỗi khi xảy ra hiềm khích, mâu thuẫn, nhà Trần luôn đem tinh thần bao dung, độ lượng để hóa giải. Vua Trần Thái Tông tha tội nổi loạn, che chở và ban đất, ban chức An Sinh Vương cho Trần Liễu. Các vua Trần sau đó luôn tin tưởng giao cho Trần Quốc Tuấn và con em của ông trọng trách đánh giặc giữ nước. Còn Trần Quốc Tuấn cũng đã biết gạt bỏ tư thù, bỏ tiểu hiếu (không nghe theo lời cha giành lại thiên hạ) để thực hành đại hiếu (trung thành tuyệt đối với với đất nước và triều đình), cư xử hòa ái với các vương tôn quý tộc trong chi thứ họ Trần. Còn Trần Nhân Tông, với nhiều hành xử bao dung giúp người hòa giải như chuyện giúp Lê Tòng Giáo và Đinh Củng Viên, đã trở thành “thiên tử của hòa giải”. Đặt lợi ích quốc gia cao hơn lợi ích cá nhân, gia đình, nên vua quan, tướng lĩnh triều Trần đã vượt qua được những rào cản của tư thù nhỏ hẹp để đạt đến những ứng xử khoan dung đáng trân trọng.

Thứ hai, tha thứ lỗi lầm. Với những hành vi sai trái và lỗi lầm, nhà Trần luôn rộng lượng tha thứ. Thế cho nên một tên tiểu tốt như Hoàng Cự Đà chỉ vì không được vua Trần Thái Tông ban cho món xoài ngon, mà tỏ ra giận dỗi, thậm chí tỏ ý phạm thượng, sinh lòng phản trắc lại được vua tha tội và thậm chí còn làm vua phải ăn năn. Hay một Trần Khánh Dư nhiều tật xấu và lỗi lầm từng bị cách chức xuống làm nghề bán than cuối cùng lại được vua Nhân Tông ban áo ngự, cho bàn việc binh lại hạ chiếu phục chức và phong làm Phó Đô tướng quân. Rồi chính sách khoan hồng thời hậu chiến của vua Trần như cho đốt hết thư biểu xin hàng của tướng lĩnh nhằm yên lòng kẻ phản trắc... Đó là những ứng xử đẹp, đầy nhân văn.

 
 
 
 
Một phần của bức thư họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ
vẽ cảnh Phật Hoàng (vua Trần Nhân Tông). Ảnh tư liệu 
 

2. Ứng xử đối với chiến tranh 

Chiến tranh là đỉnh điểm của xung đột, là sự thất bại của đối thoại, sự bất lực của khoan dung. Là triều đại của khoan dung, nhà Trần đặc biệt yêu chuộng hòa bình, hạn chế tối đa chiến tranh, xung đột và luôn có đường lối ngoại giao đối thoại. Đối thoại trở thành một trong những nguyên tắc khôn ngoan để nhà Trần duy trì hòa bình, độc lập dân tộc. Trong đường lối chính trị, nhà Trần luôn giữ quan hệ hòa hiếu với Chiêm Thành, Ai Lao, Mông Nguyên…; thắt chặt khối đoàn kết với các dân tộc miền núi phía Bắc, phía Tây… Trong 175 năm trị vì của nhà Trần và khoảng 100 năm thịnh Trần, dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đặc biệt là ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên, nhưng đó là những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Dù phải củng cố, phát triển bộ máy quyền lực, bình trị thiên hạ hay mở rộng cương vực quốc gia…, nhưng nhà Trần đã hạn chế tối đa các cuộc chiến tranh phân quyền, cát cứ, nồi da xáo thịt, tránh nạn binh đao, loạn lạc cho quốc gia… Những ứng xử chính trị đó thể hiện tầm nhìn chiến lược xa rộng, tầm cao văn hóa khoan dung, tấm lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần đối thoại, hòa giải yêu thương… mà nhân loại tiến bộ ngày nay đang phấn đấu vươn tới.

3. Ứng xử đối với vấn đề nhân quyền

Tôn trọng tự do cá nhân và giải phóng các vấn đề riêng tư. Thời đại phong kiến là thời đại của những định chế, định kiến, lễ giáo tiết chế, trói buộc con người, đặc biệt đối với những vấn đề luyến ái. Tuy nhiên, nhà Trần đã có những câu chuyện vượt ra ngoài khuôn khổ bởi những nhân vật khác thường, thể hiện thái độ khoan dung, khai phóng hiếm có. Việc thái hậu Trần Thị Dung tái giá với Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng được “gả” cho tướng Lê Phụ Trần, hay việc Trần Quốc Tuấn kết hôn với công chúa Thiên Thành,… thực chất là tôn trọng khát vọng làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, khát vọng tình yêu, hạnh phúc chính đáng của con người. Những câu chuyện hôn nhân của hoàng gia nhà Trần nói trên đến ngày nay có thể vẫn còn nhiều tranh cãi, thậm chí bị sử sách chỉ trích (1)… Nhưng, nếu chúng ta nhìn nhận lịch sử với cái nhìn công tâm hơn thì sẽ thấy những câu chuyện khác thường trong thời đại ấy lại có một mạch ngầm của khát vọng nhân bản, nhân quyền mà các minh quân triều Trần đã rộng lòng bảo vệ.

Có thể nói đỉnh cao của tinh thần bao dung, độ lượng được thể hiện trong ứng xử nhân đạo của nhà Trần với kẻ thù bại trận. Sau mỗi cuộc chiến, tù binh không những không bị giết hại, không bị ngược đãi mà được nuôi sống tử tế, chu cấp ngựa, chiến thuyền và lương thảo cho về nước an toàn… Điều đáng nói là việc đối xử nhân đạo với tù binh chiến tranh của nhà Trần không phải là việc tuân thủ theo những nguyên tắc cứng nhắc mà xuất phát từ tinh thần nhân ái, độ lượng. Đây cũng không chỉ là hành động cao thượng với kẻ bại trận, mà cao cả hơn, nó thể hiện tầm cao của văn hóa chính trị và đạo đức nhân văn, vươn tới khát vọng nhân bản, nhân quyền của nhân loại tiến bộ.

4. Ứng xử đối với sự khác biệt

Thứ nhất, khác biệt về tôn giáo. Bản thân mỗi tôn giáo đã hàm chứa những sự khác biệt. Ba tôn giáo lớn xuất hiện ở Đại Việt lúc bấy giờ (Nho, Phật, Đạo) đều có những điểm riêng. Nhưng không như thời Lê sơ độc tôn Nho giáo, triều Trần tìm thấy trong mỗi giáo những điều bổ ích cho sự phát triển của chế độ quân chủ và của đất nước, của xã hội, đón nhận những tinh hoa của chúng đồng thời biến đổi cho phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Vì vậy, giữa các tôn giáo, tín ngưỡng không có sự bài xích lẫn nhau mà là sự chung sống hòa bình. Triều Trần coi trọng cả nhà nho, nhà sư và đạo sĩ. Những kỳ thi tam giáo đã sớm được tổ chức một cách nghiêm túc để chọn lựa những người theo các tư tưởng khác nhau, hiện thực hóa những giáo lý đa dạng đó, đưa họ về cùng giới tuyến để họ có điều kiện đóng góp cho đất nước. Nhà Trần đã vượt qua những lối tư duy cảm tính, nhận thức chủ quan và định kiến - rào cản của sự khoan dung, đối thoại - để những yếu tố dị biệt trong từng tôn giáo thống nhất được với nhau trên nền tảng của văn hóa dân tộc. Có thể coi hiện tượng tam giáo đồng nguyên là một minh chứng đẹp đẽ, một nét son cho văn hóa khoan dung triều Trần.

Thứ hai, khác biệt về đẳng cấp, địa vị xã hội. Đẳng cấp, địa vị xã hội là rào cản, ranh giới chia tách con người. Nhà Trần, tuy có sự phân chia đẳng cấp và địa vị xã hội như bao triều đại quân chủ khác, nhưng chính những nhà cầm quyền đã xóa nhòa ranh giới, khác biệt ấy bằng sự hòa đồng hiếm có. Trước hết, đó là sự hòa đồng giữa quân và thần. Vua Thánh Tông “xuống chiếu cho các vương hầu, tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải khăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau” (2). Sự hòa đồng đã lan rộng từ hoàng cung ra khắp dân gian. Giữa nhà cầm quyền và tầng lớp bình dân đôi khi không còn khoảng cách. Lúc chiến tranh loạn lạc hay đất nước thái bình thịnh trị, vua Trần và thần dân đã đồng cam cộng khổ, sống trong tình yêu thương. Nhà Trần đã không tự coi mình là tầng lớp quý tộc hay kẻ thống trị đứng cao hơn cộng đồng, coi thường dân chúng. Sự hài hòa trong ứng xử đời thường ấy đã góp phần tạo nên màu sắc hài hòa giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình. Các nghệ thuật dân gian cũng được trình diễn trong sinh hoạt và nghi lễ cung đình. Trong triều có đại nhạc dùng trong đại lễ, còn tiểu nhạc dùng cả trong sinh hoạt văn hóa quý tộc và dân gian. Trong các lễ hội truyền thống, vua quan và thần dân cùng nắm tay nhau múa hát không phân biệt. Có buổi yến tiệc trong hoàng cung, khi vua quan cùng nhau uống rượu, múa hát, một vị quan đã “đội mo nang, cầm dùi làm tửu lệnh” (3). Tín ngưỡng phồn thực dân gian đã vượt qua bức tường thành kiên cố để vào chốn hoàng cung thâm nghiêm, thật là hiện tượng hiếm có trong thời phong kiến. Điều này, trong con mắt Nho gia các triều đại sau này, thật là khó chấp nhận (4).

Thứ ba, khác biệt giữa cái chính thống và cái phi chính thống. Trong thời đại khai phóng như thịnh Trần, nhiều khuôn phép đã không còn vuông tròn được nữa. Chẳng hạn chuyện vua Trần Minh Tông, khi có người dâng sớ nói rằng hiện dân gian có nhiều kẻ du thủ du thực, đến tuổi già vẫn không có tên trong sổ bộ, mà lại không đóng góp phu thuế và sưu dịch, đã trả lời: “Nếu không như thế thì sao gọi là cảnh đời thái bình? Nhà ngươi lại muốn ta bắt chúng nó làm nên trò trống gì nữa?”. Như vậy, trong sự hình dung của ngài, cảnh đời thái bình - một xã hội không chiến tranh, có trật tự, kỷ cương - không phải là một xã hội mà tất thảy mọi thứ đều nằm trong khuôn phép định sẵn. Những kẻ du thủ du thực nói trên, trong cách nghĩ của Trần Minh Tông, chính là những cái ngoài khuôn khổ, là cái phi chính thống khác biệt với cái chính thống nhưng cũng có quyền được tồn tại trong sự bao dung, không thành kiến của cuộc đời. Đây là cách tư duy cởi mở, hiện đại, tiệm cận với tư duy của con người ở thời đại dân chủ hôm nay.

Có thể nói hiếm có triều đại phong kiến nào ở nước ta có bầu không khí xã hội thông thoáng như thời thịnh Trần. Đây là triều đại mà xã hội đủ rộng để dung chứa mọi sự khác biệt, dung chứa những thứ ngoài khuôn khổ, những thứ tưởng chừng khó dung chứa. Triều Trần trở thành triều đại của khai phóng, khoan dung.

Có thể tạm lý giải hiện tượng này qua một số căn nguyên cơ bản. Thứ nhất, do bối cảnh hào hùng của thời đại với các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông vĩ đại, thời đại vẫy vùng của cánh tay Sát Thát và hào khí Đông A. Thứ hai, do ảnh hưởng của Phật giáo (chính xác hơn là Thiền học theo phái Nam Tông của Lục tổ Huệ Năng) với tinh thần vô chấp, phóng túng, nhập thế. Lựa chọn Thiền tông như một quốc giáo, nhà cầm quyền thời đại này coi đó là “một hệ tư tưởng triết học để xây dựng được con người phù hợp với thời đại: dũng cảm, tự tin, cởi mở, nhân ái, bao dung…” (5). Thứ ba, do nền kinh tế với chế độ ruộng đất đa sở hữu khiến quan hệ hoàng tộc và nội bộ triều đình tránh được những mâu thuẫn về quyền lực, khiến xã hội triều Trần cởi mở, khai phóng hơn. Thứ tư, do xuất thân là dân chài ven biển, nên nhà Trần đã “mang lên kinh đô Thăng Long chất dân dã, chất biển, cái tinh thần phóng khoáng, khỏe khoắn và cởi mở” (6). Sự cộng hưởng đó đã làm nên một sức mạnh kỳ diệu nâng cánh cho tư duy chính trị của nhà Trần vượt ra ngoài những giới hạn của đẳng cấp hay kiềm tỏa của Nho giáo, làm nên màu sắc độc đáo cho văn hóa chính trị thời đại này.

Tinh thần khoan dung, khai phóng của triều Trần đã mở ra những năng lực to lớn: tạo nên lối ứng xử và nhận thức biện chứng, mềm dẻo, linh hoạt; tạo sự đồng thuận xã hội, tổng hợp được sức mạnh của toàn dân tộc, thu phục nhân tâm, phát huy sĩ khí; tạo mối quan hệ bang giao hòa hiếu, giữ cho đất nước thái bình, độc lập; tạo sự đa dạng văn hóa… Tinh thần khoan dung, khai phóng cũng thể hiện bản lĩnh văn hóa, tầm cao trí tuệ, tâm hồn nhân ái, bao dung của những nhà cầm quyền, của trí thức thời đại bấy giờ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế nhiều biến động hiện nay, sự nghiệp phát triển đất nước của chúng ta không thể tách rời triết lý khoan dung. Việt Nam đã hưởng ứng sự kiện Năm quốc tế khoan dung như một sự hòa nhịp khát vọng hòa hợp, đồng thuận cao của nhân loại tiến bộ. Đây cũng là dịp để nước ta chủ động hội nhập với cộng đồng thế giới và cũng làm cho thế giới hiểu rõ hơn những di sản văn hóa truyền thống của mình. Những giá trị của văn hóa khoan dung mà cha ông ta đã gây dựng từ xa xưa, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những ứng xử đẹp như bao dung với lỗi lầm, yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, đề cao nhân quyền, tôn trọng sự khác biệt… mà nhà Trần đã thực hiện chính là những vấn đề cốt lõi và vĩnh cửu của văn hóa khoan dung. Vì thế, kế thừa, phát huy tinh thần khoan dung vừa là niềm tự hào, vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu để ngày nay chúng ta kiến tạo một hình ảnh Việt Nam văn minh, tiến bộ và cường thịnh.

______________

1, 2, 3. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr.9 - 33.

4. Lời bình của Ngô Sĩ Liên: “Xem thế đủ thấy, tuy bây giờ vua tôi cùng vui, không gò bó vào lễ pháp, cũng là điều giản dị, chất phác của phong tục, nhưng không còn chừng mực gì nữa”, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, sđd, tr.25.

5. Đỗ Lai Thúy, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2005, tr.169.

6. Trần Quốc Vượng, khoalichsu.edu.vn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 - 2018

Tác giả : NGHIÊM THỊ THU NGA

;