Tản mạn về kịch bản chèo

Trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là hết sức cần thiết. Chèo là hình thức nghệ thuật độc đáo được sinh ra từ làng quê châu thổ Bắc Bộ, qua hàng ngàn năm gắn bó với đời sống của người nông dân lao động, chèo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ.

Quá trình vận động từ hình thức ca múa, diễn xướng dân gian để trở thành nghệ thuật sân khấu là cả một quá trình biến đổi không ngừng. Với những đặc sắc riêng có trong nghệ thuật và tiềm ẩn nhiều giá trị thẩm mỹ, nhân văn, chèo không chỉ là món ăn tinh thần trong lúc thư nhàn của người dân quê mùa, chất phác mà còn đi vào đời sống của họ với những bài học sâu sắc về đạo lý, nhân sinh. Chính vì vậy, chèo luôn có sức sống mãnh liệt và những vở chèo cổ như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Tôn Mạnh - Tôn Trọng, Từ Thức, Trương Viên, Kim Nham, Chu Mãi Thần sẽ mãi là những viên ngọc quý của sân khấu truyền thống Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ở nước ta, đã dần hình thành một đội ngũ những người làm chèo chuyên nghiệp. Họ là những nhà quản lý, các tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc công, nhạc sĩ, biên đạo... cùng tiếp nối người xưa chung tay xây đắp cho chèo. Tuy nhiên, do sự biến đổi xã hội và một phần do ảnh hưởng của tư duy nghệ thuật phương Tây nên trong suốt nhiều năm, chèo luôn nằm trong quỹ đạo của những cách tân nghệ thuật.

Vào những năm 1955-1960, hình thức kịch dân ca chèo được đội ngũ tác giả mới hình thành từ sau Cách mạng tháng Tám sử dụng trong sáng tác chèo. Đó là những vở chèo được kết cấu và biểu diễn theo lối kịch, lời thoại bằng văn xuôi, thỉnh thoảng có hát dân ca hoặc một đôi làn điệu chèo cổ. Tiêu biểu như vở Vườn cam của Lương Tá (Đoàn Chèo Ninh Bình), Chị Thắm - anh Hồng của Xuân Hinh (Đoàn Chèo Hà Tây).

Sau cách tân trên là cách tân theo hướng kịch chèo. Kịch chèo là các vở được viết theo lối kịch nói, tuân thủ theo nguyên tắc kịch 5 hồi. So với kịch dân ca chèo, kịch chèo đã gần chèo cổ hơn, lời thoại chủ yếu bằng những câu văn vần. Làn điệu dân ca bị hạn chế, làn điệu chèo cổ được sử dụng khá triệt để. Kịch chèo đã vận dụng lối diễn ước lệ, cách điệu, kết hợp với lối diễn “chân thực cảm” theo thể hệ Stanixlavxki. Về phương pháp thể loại, căn bản vẫn gần với kịch nói phương Tây. Vì vậy, các động tác hát múa, diễn thường không ăn nhập với nhau bởi các vở kịch chèo không còn cấu trúc tự sự như chèo cổ mà có cấu trúc theo hướng xung đột kịch. Kịch chèo có mặt trong kịch mục của hầu khắp các đoàn chèo chuyên nghiệp, suốt từ những năm1960 và kéo dài cho mãi tới cuối TK XX. Tiêu biểu cho những vở kịch chèo là Con trâu hai nhà của Trần Bảng (Đoàn Chèo Trung ương), Sợi tơ vàng của Việt Dung (Đoàn Chèo Hà Nội), Người con gái sông Lam của Trung Phong (Đoàn Chèo Nghệ An), Chiếc khăn hồng của Mai Bình (Đoàn Chèo Thanh Hóa), Người con gái sông Cấm của Phan Tất Quang (Đoàn Chèo Hải Phòng)... Tuy có những thành quả nghệ thuật nhất định nhưng kịch chèo cũng bộc lộ nhiều hạn chế, có nguy cơ làm mất đi cấu trúc hình thức chèo cổ.

Vào những năm thập kỷ 60 của TK XX, một số nhà hoạt động trong ngành chèo còn có quan niệm: chèo là một hình thức “opera dân tộc” và chèo hiện đại chính là opera hiện đại có âm hưởng chèo. Bởi vậy, họ chủ trương đưa nhạc không lời phối hợp diễn tả hành động kịch, và đổi mới làn điệu chèo bằng cách viết các ca khúc mới có âm hưởng chèo nhưng cấu trúc theo nguyên tắc của ca khúc tân nhạc, có hòa thanh, phối khí, hát bè như opera. Chủ trương này đã làm xuất hiện kịch chèo opera. Một số vở kịch chèo opera tiêu biểu là: Cô giải phóng, Máu chúng ta đã chảy, Người chị (Đoàn Chèo Trung ương); Lá thư từ tuyến đầu (Đoàn Chèo Hải Phòng); Câu thơ thêu dở (Đoàn Chèo Nam Hà). Kịch chèo opera chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, tỏ ra bất cập hơn đối với cả kịch chèo bởi cấu trúc vở diễn vẫn theo lối kịch, đồng thời lại bỏ hát chèo để thay vào đó là 100% ca khúc mới theo lối opera.

Đầu những năm 1980 lại xuất hiện một hướng cách tân chèo, có người gọi là chèo cải tiến, sau được gọi là kịch hát mới. Tiêu biểu là một số vở như: Nàng Sita (Đoàn Chèo Hà Nội), Một tình yêu sẽ đến, Bông hồng kiêu hãnh (Đoàn Chèo Hà Sơn Bình). Về nghệ thuật biểu diễn, chèo cải tiến là một hình thức sân khấu lai tạp, dung nạp trong vở thủ pháp của nhiều thể loại (kịch, chèo, tuồng, cải lương, ca nhạc…).

Qua những cuộc cách tân trên, có thể thấy, rõ ràng con đường phát triển của chèo nói chung, kịch bản chèo nói riêng không hề đơn giản. Tuy nhiên, sóng gió cũng qua đi khi nhiều nhà làm chèo đã nhìn ra bất cập để rồi lại cùng nhau xây đắp nên những giá trị đích thực cho chèo.

Đến hôm nay, khi nhìn lại thành tựu của nền nghệ thuật sân khấu chèo cách mạng, chúng ta không thể không nói tới vai trò của những người làm chèo đã để lại dấu ấn - những người có công đầu trong việc giữ gìn bản sắc nghệ thuật và làm nên diện mạo sân khấu chèo hiện đại. Họ là các tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu như: Trần Huyền Trân, Trần Bảng, Trần Việt Ngữ, Hàn Thế Du, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Tào Mạt, Bùi Đức Hạnh, Đôn Truyền, An Viết Đàm, Hoài Giao, Ngọc Phúng, Văn Sử, Trần Trí Trắc, Trần Đình Ngôn…

Theo dòng chảy văn hóa dân tộc, nghệ thuật chèo luôn đồng hành cùng người dân Việt Nam qua bao thế hệ, là sự kết tinh truyền thống bao đời. Qua nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật chèo truyền thống gần đây, chúng ta phần nào nhìn nhận ra sự thiếu vắng những kịch bản được gọi là chèo đích thực. Như cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp Toàn quốc, tháng 10-2016, tại thành phố Ninh Bình với 27 vở diễn, rồi đến Liên hoan Sân khấu Chèo Toàn quốc, tại thành phố Bắc Giang, tháng 9-2019, với 26 tiết mục tham dự, nhiều vở diễn đã được viết theo lối chèo đích thực, ngoài ra còn có những tác phẩm được chuyển thể từ kịch nói sang chèo với những tay bút đã để lại nhiều dấu ấn cho nền nghệ thuật sân khấu đương thời như: Trần Đình Ngôn, Doãn Hoàng Giang, Hoài Giao, Chu Thơm, Lê Quý Hiền, Nguyễn Đăng Chương, Lê Trí Trung, Bùi Vũ Minh cùng một số tác giả trẻ như Nguyễn Toàn Thắng, Trần Phương Hạnh, Lê Thế Song, Nguyễn Sĩ Sang, Hồng Vân, Hồng Mặc Cát…

Điểm qua những tác giả trên, ngoài một vài người là tác giả chèo chính thống, còn lại họ đều là những nhà viết kịch được đào tạo tuân thủ lối viết kịch 5 hồi, tổ chức xung đột kịch theo thể hệ Sitanixlavaski, khi đưa lên dàn dựng cho sân khấu chèo quả là một thách thức với người chuyển thể chèo và đạo diễn. Thế nhưng các vở diễn trên vẫn được ra đời, và đóng góp một phần không nhỏ vào số lượng vở diễn tham gia liên hoan, một thực tế mà nhiều nhà làm chèo đích thực đang đồng hành. Phải chăng đây là một quy luật tất yếu? Bởi số lượng kịch bản chèo đích thực đủ để đáp ứng cho 16 đơn vị nghệ thuật chèo trên toàn quốc không phải là con số nhỏ, với mảng đề tài phong phú đang là một thách thức với nhiều tay viết chèo hiện nay. Vì vậy, số lượng kịch bản của những tác giả chưa thuần chèo đã góp phần tạo nên vẻ phong phú cho những vở diễn dự thi, còn chất lượng đến đâu, thực sự chèo hay chưa thì ta không vội bàn đến. Nhìn lại những tác phẩm tham dự liên hoan vẫn còn đâu đó những tác phẩm đã xuất hiện từ những năm giữa và cuối TK XX như: Ánh sao đầu núi của Tào Mạt, Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm, Người con gái Kinh Bắc của Xuân Yến, Huy Cờ, Huyền thoại sông và núi của Hoài Giao, Trinh phụ hai chồng của Trần Đình Ngôn… Thực tế trên cho thấy sự báo động về số lượng, chất lượng của những vở diễn chèo bởi lao động sáng tạo nghệ thuật cho từng đặc trưng, thể loại là một quá trình tiếp nhận. Số lượng những vở diễn đoạt giải thưởng cao vẫn chỉ vẻn vẹn của mấy tên tuổi như: Trần Đình Ngôn, Xuân Yến, Huy Cờ, Hoài Giao, Nguyễn Đăng Chương… Một tín hiệu đáng mừng là đã thấy bóng dáng của một số cây viết trẻ, họ đều được đào tạo tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội như: Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Sĩ Sang, Trần Phương Hạnh, Hồng Mặc Cát, Lê Thế Song… Tuy ngòi bút có nét đậm nhạt khác nhau, những tác phẩm nghệ thuật cũng mang nét riêng của người sáng tác, thể tài khai thác tương đối đa dạng, phong phú nhưng nhìn lại hai kỳ liên hoan cho thấy số, vở diễn của đội ngũ tác giả trẻ còn khiêm tốn, hay nói cho đúng, còn chưa có những vở diễn tinh tế, sắc sảo, xứng tầm với thế hệ cha anh. Có những vở diễn viết theo lối kết cấu kịch 5 hồi, bố cục chặt chẽ, kết cấu chuyện kịch mạch lạc, chỉ hơi tiếc khi chuyển thể sang chèo lại thiếu đi cấu trúc kể chuyện, bởi cứ đến điệu hát là tác giả chuyển thể “cắm” hát vào, thiếu đi những nét tinh tế của chèo truyền thống như nói lối, nói sử, ngâm, vịnh, vỉa, thơ… trước khi bắc cầu vào câu hát, khoảng trống, sự tĩnh lặng để người thưởng thức đón nhận phút thăng hoa, ngâm ngợi của làn điệu hát chèo. Đây quả là một điều đáng tiếc… Cũng có những vở diễn đã viết theo lối của chèo, nhưng vốn liếng nghề của người cầm bút còn chưa phong phú, sự am hiểu về hệ thống làn điệu chèo còn khiêm tốn, nên làn điệu sử dụng cho tình huống kịch chưa được đắc địa. Đây cũng là lẽ đương nhiên, bởi kế thừa, biến đổi, tiếp nhận nghệ thuật là một quá trình. Thực tế trên cho chúng ta thấy, để trở thành một nhà viết chèo đích thực, ngoài sự siêng năng học tập, rèn luyện thì yếu tố năng khiếu cũng chiếm phần không nhỏ. TK XX, đầu TK XXI xuất hiện nhiều tên tuổi của những nhà làm chèo kể trên, đã làm thay đổi diện mạo của nghệ thuật chèo theo hướng tích cực.

Để có một vở chèo đúng nghĩa, chúng ta nên có chủ trương đào tạo cơ bản cho đội ngũ tác giả chèo. Muốn trở thành một tác giả chèo đích thực, phải biết được cấu trúc của một vở diễn chèo, ngôn ngữ văn chương chèo, mô hình nhân vật chèo, mô hình làn điệu chèo, tư duy trong sáng tác phải chèo. Cần nhìn nhận chèo là một hiện tượng văn hóa dân tộc mang bản sắc vùng miền để có phương án bảo tồn và phát triển một cách hợp lý. Có những chính sách ưu tiên đãi ngộ đối với những người làm chèo. Tuyên truyền giáo dục thẩm mỹ về những bài học triết lý nhân sinh của chèo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhìn lại dòng chảy nghệ thuật, theo thời gian, đội ngũ tác giả kể trên nhiều người đã đi vào thế hệ “những người muôn năm cũ”. Nhưng điều đáng quý là chúng ta vẫn còn đấy nhiều nhà lý luận uyên bác, nhà viết chèo đích thực như: GS Trần Bảng, TS Trần Đình Ngôn, PGS Tất Thắng, PGS.TS Trần Trí Trắc, PGS.TS Phạm Duy Khuê, PGS. TS Đinh Quang Trung… và nhiều gương mặt NSND tiêu biểu của làng chèo còn nắm chắc lòng bản của một tích chèo truyền thống như: NSND Thanh Hoài, NSND Khắc Tư, NSND, Thúy Ngần, NSND Diễm Lộc, NSND Thúy Mùi, NSND Thanh Ngoan... Mong rằng sự cầu tiến của đội ngũ tác giả trẻ có trách nhiệm với nghiệp chèo nên bớt chút thời gian tham khảo, tìm hiểu thêm về lý luận, thực tiễn chèo truyền thống của những nhà làm chèo tiêu biểu kể trên, để trang bị, tích lũy thêm vốn liếng cho mình trên con đường sáng tác.

Mỗi khi Tết đến xuân về, tiếng trống chèo lại thúc giục tinh thần tự hào về truyền thống quê hương của người dân đất Việt. Những câu chuyện xưa và nay lại được cô đào anh kép kể lại qua những tích trò, đêm diễn hội xuân. Nghệ thuật chèo luôn đồng hành cùng đời sống tinh thần của người dân Việt Nam qua bao thế hệ, Văn dĩ tải đạo, đó là nét đẹp tất yếu, theo dòng chảy văn hóa muôn đời, và hồn thơ của thi sĩ Nguyễn Bính luôn hòa cảm với nét xuân của quê hương Việt Nam yêu dấu.

Xuân này vui Tết lại vui quê

Lại chuyện bán buôn chuyện hội hè,

Xanh biếc đầu xuân nương mạ sớm

Dậu tầm xuân nở bướm vàng hoe.

 

Vào đám làng tôi mở trống chèo

Bay cờ, lộng gió, đỏ đuôi nheo

Lớp màn Thị Kính nuôi con mọn

Tôi biết người xem lệ chảy nhiều…

Nghệ thuật chèo luôn hòa cảm trong mạch nguồn đời sống, văn hóa tinh thần của người dân Việt. Để chèo luôn giữ được bản sắc riêng, không bị lai tạp với một hình thức nghệ thuật khác, là cả một quá trình vận động, nhận thức, tiếp nhận. Những thành công và hạn chế luôn được đánh giá và có sự sàng lọc khách quan. Biết bao tâm huyết của nhiều thế hệ tiền nhân, nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật trong nhiều thế kỷ qua, có cả những thành công và thất bại, luôn là bài học quý báu cho những người làm chèo kế tiếp, rút ra kinh nghiệm trong quá trình sáng tác.

Đất nước đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa văn hóa, việc bảo tồn, phát huy những nét tinh hoa đích thực của nghệ thuật truyền thống của dân tộc là điều hết sức cần thiết. Cần có nhiều vở chèo mới xứng tầm vở diễn kinh điển, mong sao nhiều nhân vật trong những tích chèo hôm nay lại thăng hoa xứng tầm với Thị Mầu, Thị Phương, Phù Thủy, Xúy Vân, Ông Mãng... giúp cho mạch nguồn của điệu chèo truyền thống, tích chèo hiện đại mãi ngân vang mỗi khi tết đến, xuân về...

Mùa xuân mới lại sắp về trên quê hương Việt Nam đang đổi mới. Hội nhập, tiếp thu có sàng lọc những nét tinh hoa văn hóa của nhân loại là điều cần thiết. Mong sao những tác giả chèo cùng hòa cảm với sắc xuân tươi mới, thăng hoa, nâng bút để có thêm nhiều tác phẩm mới, cho những tích chèo xưa và nay được hòa theo dòng chảy nghệ thuật truyền thống muôn đời.

Tác giả: Lê Tuấn Cường

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

;