1. Khái quát về phương tiện truyền thông mới
Khái niệm
Phương tiện truyền thông truyền thống là các phương tiện sử dụng cơ chế truyền thông kiểu cũ như: sách, báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, phim, ảnh, băng, đĩa… trong đó, mỗi phương tiện chỉ gắn với một cách thức truyền đạt thông tin, như chỉ bằng văn bản (báo giấy); chỉ bằng âm thanh (đài phát thanh, băng ghi tiếng); chỉ bằng hình ảnh (đài truyền hình, băng ghi hình)… Những phương tiện truyền thông kiểu này thường bị giới hạn về không gian và thời gian sử dụng do lệ thuộc vào thời điểm ra báo, lên sóng hay phát hình.
Phương tiện truyền thông mới (PTTTM) là các phương tiện thực hiện việc truyền đạt thông tin thông qua các kết nối internet như điện thoại thông minh (smartphone), các loại máy tính (để bàn, xách tay, máy tính bảng), máy nghe nhạc (ipod)… Các PTTTM có thể đồng thời tích hợp nhiều hình thức truyền thông đa phương tiện (multimedia) như: chữ viết, âm thanh, hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, đồ họa, mang tới sự sinh động, hấp dẫn và tính trực quan cao. Đặc trưng của các PTTTM là truyền thông mang tính di động, có tính cá nhân cao và hoàn toàn không bị giới hạn về không gian địa lý, thời gian cập nhật.
Đặc điểm, tính chất của PTTTM
Những mặt ưu thế vượt trội của các PTTTM:
Đa dạng, phong phú về thể loại, hình thức nên thỏa mãn được nhu cầu của mọi đối tượng tuổi tác, nghề nghiệp, sở thích, trình độ khác nhau.
Dung lượng thông tin rất lớn và ngắn gọn, được lấy từ nhiều nguồn, không bị trở ngại về không gian, thời gian, biên giới quốc gia.
Rất tiện ích, dễ sử dụng, cách tìm kiếm, truy cập đơn giản, có thể hoạt động mọi lúc, mọi nơi. Người sử dụng có thể tự do lựa chọn chương trình, thông tin mà không tốn nhiều chi phí hay phải đi xa, chờ đợi.
Tính cập nhật cao do các thông tin được đăng tải thường xuyên, liên tục, không phải qua các khâu in ấn, phát hành; thao tác công bố đơn giản, không tốn kém nhờ công nghệ hiện đại.
Có tính tương tác, kết nối cao, đáp ứng tốt nhu cầu giao tiếp, chia sẻ, thể hiện bản thân, nên được người dùng, đặc biệt là giới trẻ nồng nhiệt đón nhận. Phù hợp với nhịp sống nhanh, khẩn trương, thiếu thời gian và không gian chia sẻ ngoài đời thực của con người hiện đại.
Do có thể đồng thời tích hợp các hình thức đa phương tiện (văn bản, âm thanh, hình ảnh, đồ họa, màu sắc) cùng với công nghệ kỹ thuật hiện đại, nên rất sinh động, bắt mắt, hấp dẫn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các PTTTM cũng có những mặt hạn chế:
Do thông tin nhiều, đa dạng, phong phú, nên dẫn tới tình trạng nhiễu, loạn thông tin, thậm chí lợi dụng môi trường mạng để đưa các thông tin thất thiệt.
Khó kiểm định và giám sát, nên các trang web được tự do tung hoành, các thể loại phim đen, bạo lực, hành động được truy cập thoải mái, không hạn chế người xem, kể cả thanh thiếu niên và trẻ em.
Do phải chạy đua để đưa tin nhanh nhất, cập nhật nhất, nên không tránh khỏi tình trạng đưa tin dễ dãi, coi nhẹ tính chính xác, miễn là có tin mới, sốt dẻo. Vì mục đích câu khách, câu view, nên thường tập trung vào những chủ đề câu khách, giật gân, khai thác cảnh nóng…
Những thông tin lá cải về lĩnh vực giải trí, scandal của những người nổi tiếng, mặt trái của xã hội… phản ánh có phần thiếu khách quan dẫn tới nhận thức trái chiều về đời sống xã hội, đưa tới những hệ lụy về an ninh, trật tự, ổn định xã hội.
2. Tác động của PTTTM đến con người Việt Nam hiện nay
Những tác động tích cực
Phục vụ tốt cho việc học tập, nghiên cứu, nâng cao tri thức
Là công cụ hữu ích cho việc tìm kiếm thông tin, PTTTM nâng cao kiến thức mọi mặt, từ những vấn đề chuyên môn hẹp tới các lĩnh vực chính trị, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, luật pháp... Đơn cử, Google là một kho kiến thức khổng lồ mà người dùng có thể tìm kiếm ở đó mọi thông tin cũ và mới, trong nước và quốc tế. Đại đa số người dùng Việt Nam hiện nay đều thấy rằng khó tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu internet.
Thay đổi văn hóa thể hiện bản thân, phát huy cái tôi cá nhân
Môi trường mạng khuyến khích tiếng nói của cá nhân, cái tôi được tôn trọng và đề cao. Các PTTTM đang khiến nền văn hóa Việt Nam vốn thiên về tính cộng đồng chuyển dịch về tính cá nhân thông qua việc tự do thể hiện quan điểm, ý kiến, năng lực cá nhân thông qua các sản phẩm sáng tạo hay thậm chí sáng tác về bản thân. Mỗi người đều có không gian, thời gian riêng để bộc lộ cái tôi, thể hiện tối đa sự tự do tư tưởng và hành động.
Môi trường mạng cũng là không gian tự do nhất cho các hoạt động sáng tạo và truyền bá sáng tạo. Các cá nhân có cơ hội tối đa khám phá và thể hiện sở trường, tài năng, sức sáng tạo. Những sáng tạo này nhanh chóng được phát hiện và dễ dàng được đánh giá trong cộng đồng mạng. Không ít ca sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim trẻ tài năng của Việt Nam đã được phát hiện thông qua môi trường này.
Thay đổi văn hóa giao tiếp theo hướng liên văn hóa, toàn cầu hóa
Sự phát triển của các PTTTM đang làm thay đổi rõ rệt văn hóa giao tiếp của con người. Thói quen viết thư trên giấy và gửi qua bưu điện ngày càng mai một, thư điện tử (email) ngày càng phổ biến. Giao tiếp điện tử đang làm thay đổi sâu sắc văn hóa giao tiếp của con người: đó là sự giao tiếp xuyên không gian, xuyên quốc gia, không bị giới hạn bởi biên giới địa lý và lãnh thổ. Kết nối giao tiếp trở nên rất dễ dàng, đặc biệt là giao tiếp ẩn danh, giao tiếp nhập vai, tạo nên một làn sóng bộc lộ con người cá nhân trên mạng. Giao tiếp trên PTTTM đang thúc đẩy một kiểu giao tiếp toàn cầu hay là toàn cầu hóa giao tiếp. Trên các trang Facebook, Twitter… người ta có thể kết bạn, trao đổi, chia sẻ không giới hạn.
Hình thành tác phong làm việc khẩn trương, năng động
Trong bối cảnh nhịp sống số, môi trường làm việc dựa nhiều vào sự trợ giúp của mạng góp phần tạo nên một tác phong làm việc khẩn trương, năng động, nhanh nhạy. Mọi thông tin có thể được tra cứu ngay, các liên hệ có thể kết nối ngay, những chỉ dẫn có thể tìm được ngay để xử lý công việc. Tiện ích của các PTTTM góp phần tạo nên những cách ứng xử linh hoạt, nhạy bén, uyển chuyển. Từ đó góp phần hình thành một lối tư duy độc lập, sáng tạo, ít chịu sự phụ thuộc, kiểm soát, áp đặt. Tác phong khẩn trương, tinh thần chủ động đó rất cần thiết đối với con người Việt Nam để khắc phục tác phong nông nghiệp, tư duy tiểu nông phù hợp với yêu cầu phát triển của hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Khuyến khích tinh thần công dân, sự quan tâm đến những vấn đề xã hội
Với những tính năng cung cấp thông tin nhanh nhạy, toàn diện và trực tiếp, đồng thời có sự tương tác cao, các phương tiện truyền thông mới kích thích các tầng lớp dân chúng quan tâm đến những vấn đề thời sự của xã hội. Các bàn thảo dân chủ trên mạng giúp họ biểu lộ và phát huy tinh thần công dân, thể hiện quyền tự do ngôn luận. Trên các diễn đàn, mọi người đều có quyền bình đẳng bày tỏ ý kiến, quan điểm gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân; thể hiện chính kiến trước những vấn đề trọng đại của quốc gia; phản biện những vấn đề xã hội và quản lý nhà nước…
Đặc biệt, giới trẻ thường không quan tâm lắm đến đời sống chính trị xã hội theo kiểu truyền thống, nhưng lại tỏ ra đặc biệt gắn bó và có trách nhiệm thông qua các PTTTM. Trong tay những người trẻ có nhiệt huyết, các phương tiện này biến thành những công cụ rất hữu ích và hiệu quả, giúp họ mở rộng tầm nhìn về các vấn đề xã hội chính trị, biến họ thành những công dân có trách nhiệm với xã hội, đất nước.
Hình thành những quan niệm mới, định hướng giá trị mới
Không gian mạng với tràn ngập các thông tin, hình ảnh đáng ngưỡng mộ của các chính khách, nhà hoạt động xã hội, doanh nhân thành đạt, ngôi sao điện ảnh, ca sĩ, cầu thủ nổi tiếng… góp phần kích thích và khuyến khích giới trẻ học tập, noi gương, phấn đấu thực hiện các hoài bão. Hiện nay, quan niệm của giới trẻ về sự thành đạt đã có nhiều thay đổi. Thay vì những quan niệm cao siêu, lý tưởng của các thế hệ cha anh trước kia, giới trẻ hiện nay định hướng đến những mục tiêu cụ thể, thiết thực như làm giàu chính đáng, trở thành doanh nhân, trí thức thành đạt, người nổi tiếng.
Những tác động tiêu cực
Đề cao thái quá cái tôi dẫn đến quan niệm tiêu cực về giá trị cá nhân
Xu thế cá nhân hóa mạnh mẽ khi tham gia môi trường mạng cũng có thể dẫn đến sự đề cao thái quá cái tôi cá nhân. Xuất hiện những quan niệm mới, nhiều khi rất tiêu cực về giá trị con người, về sự nổi tiếng. Lợi dụng môi trường mạng, nhiều người ra sức đánh bóng tên tuổi bằng nhiều cách, thậm chí rất phản cảm, thiếu văn hóa như tung ảnh nóng, khoe hàng, tạo scandal để trở nên nổi tiếng. Người dùng Việt Nam hiện nay ngày càng trở nên háo danh hơn trên mạng xã hội. Họ cố tìm các chiêu trò để lôi kéo sự chú ý của mọi người, để thể hiện là tôi khác người, tôi đặc biệt, tôi cá tính, tôi thú vị. Nhiều người dùng mạng xã hội như một bàn đạp để thỏa mãn cơn khát hào quang ảo tưởng, trong khi họ chẳng quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội của đất nước.
Ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý
Các nhà tâm lý học và y học Việt Nam đang lo lắng đối phó với một căn bệnh mới - bệnh nghiện mạng xã hội và game online (trò chơi trực tuyến). Những biểu hiện của bệnh cũng giống như nghiện ma túy: bệnh nhân thèm vào mạng xã hội, thèm chơi game, mất tập trung, luôn nói về những đam mê này và hoàn toàn mất đi các hứng thú khác. Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có các biểu hiện như quên thời gian, sao lãng ăn uống, ngủ, nghỉ, dễ nổi cáu, hay tức giận vô cớ, căng thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng. Ở mức độ nặng thì trở thành rối loạn tâm lý, trầm cảm, hoang tưởng, tâm thần phân liệt... Việc tiếp xúc liên tục, ngồi quá lâu với màn hình máy tính cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, giảm sút khả năng vận động, mơ hồ trong nhận thức, suy giảm sức khỏe.
Xu hướng bắt chước các hành vi bạo lực trong game, phim hành động, tiểu thuyết kiếm hiệp với những cảnh đâm chém, giết chóc, đấm đá, võ thuật cũng có chiều hướng gia tăng. Biết bao vụ án thương tâm đã xảy ra chỉ vì lý do lãng xẹt coi đời thường là thế giới ảo, hoặc nhiều game thủ quen tay giết người chỉ bằng vài nút phím dẫn tới những hành vi giết người không gớm tay ngoài đời thực.
Hình thành những thú vui bệnh hoạn, những hành vi lệch chuẩn
Từ những trang web khiêu dâm, những phòng chat sex, chợ tình trên mạng đã dẫn tới những hiện tượng buông thả, suy đồi như “săn xác”, “săn rau”, “săn tình”, “chợ tình di động”… Một biểu hiện vô văn hóa khác đang làm ô nhiễm bầu không khí mạng là ném đá hội đồng - hiện tượng phản đối gay gắt trước quan điểm của một cá nhân hay tập thể nào đó thông qua các đăng tải bình luận. Hình thức này có thể bị đẩy lên cao trào khi có sự thổi bùng của các thành viên quá khích, dùng những lời lẽ cay độc chỉ trích thậm tệ các ý kiến khác mình, kêu gọi đám đông hưởng ứng, tạo thành phong trào a dua, đánh đòn hội đồng để đối phương không ngóc đầu lên được. Nhiều khi ném đá là ảo, nhưng tổn thương là thật và người bị ném đá bị thiệt hại vô cùng về uy tín, vị thế và niềm tin vào cuộc sống.
Nhiều nghiên cứu về truyền thông gần đây đã đưa ra khái niệm lưu manh trên mạng (internet holigan) để chỉ những kẻ coi internet như một thứ vũ khí đả thương đối phương, dùng nickname nặc danh hoặc blog giả để bình luận, phỉ báng, chửi bới người khác, hoặc châm ngòi làm bùng nổ những cuộc khẩu chiến. Ngoài ra, những chuyện “lộ hàng”, tung ảnh nóng, quay và phát tán phim đen cá nhân, gieo tin đồn thất thiệt về các “sao”, người của công chúng đang tràn lan trên mạng. Nếu không tỉnh táo, người sử dụng rất dễ bị ảnh hưởng trong suy nghĩ, nhận thức và hành động.
Biến con người trở thành thụ động, sống trong thế giới ảo
Thế giới ảo, không gian ảo đã biến con người trở thành thụ động, mất khả năng giao tiếp ngoài đời thực, làm lỏng lẻo các quan hệ với gia đình và cộng đồng. Giới trẻ hiện nay có thể giam mình suốt ngày trong phòng với một chiếc máy tính hoặc điện thoại nối mạng, không còn thời gian riêng tư cho việc nghỉ ngơi, lấy lại sức, ngày càng xao nhãng các bổn phận, trách nhiệm với gia đình và xã hội. Ngồi suốt ngày trước màn hình hay với “dế yêu”, họ dần xa rời các hoạt động thực tế, bỏ bê các trò chơi thể lực, trở thành những con người què quặt, mất cân đối. Thế giới ảo hạn chế những giao tiếp mặt đối mặt, khiến họ dần bị tách biệt với cuộc sống, trở nên lãnh cảm và phát sinh những căn bệnh tâm lý khó lường.
Ảnh hưởng đến quan điểm sống, nhân sinh quan của con người
Các nguyên tắc sống mà văn học mạng và các loại hình nghệ thuật trên mạng đang cổ xúy như giải thoát mọi ràng buộc của thực tại, để cho tư duy nghỉ ngơi, không phức tạp hóa mọi sự, ru vỗ, vuốt ve tình cảm, gieo ảo tưởng về cái nên có thay cho cái hiện có đưa tới những biến chuyển lớn trong quan điểm sống của người dùng, đặc biệt là giới trẻ, cổ xúy cho những tư tưởng tự do tình dục, tự do khám phá và thỏa mãn bản thân, làm lu mờ những mục đích sống tốt đẹp khác. Một số người trẻ đang khủng hoảng niềm tin vì không lý giải được các vấn đề phức tạp của cuộc sống, nhưng cũng chưa tìm được lẽ sống, niềm tin phù hợp. Trong trạng thái hoang mang, chới với vì không muốn rập khuôn theo cách sống của lớp người cũ, nhưng cũng chưa bắt gặp được mẫu thức mới thuyết phục và phù hợp, họ sẽ rất dễ bị lung lạc và sa vào những quan điểm sống hư vô chủ nghĩa, hoài nghi tất cả, hoặc chủ nghĩa hiện sinh, sống gấp, hưởng lạc…
Ở một phương diện khác, khi đã quá quen với những cảnh chém giết đẫm máu, những pha ly kỳ, rùng rợn trong các bộ phim hành động, kinh dị trên mạng, các xúc cảm dường như trở nên chai lỳ, người ta quen dần với một lối sống lạnh lùng, thiếu nhân tính, nhiều khi bàng quan, vô cảm.
Ảnh hưởng đến ngôn ngữ dân tộc, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt
Hiện nay trên các phương tiện truyền thông mới đang phát triển tràn lan một loại ngôn ngữ mới, thường được gọi là “ngôn ngữ thời @”. Lớp người lớn tuổi nhiều khi không thể hiểu nổi thứ ngôn ngữ của giới trẻ hôm nay. Bên cạnh việc thể hiện sự sáng tạo, nghịch ngợm, cá tính của tuổi teen và phần nào làm phong phú, tươi mới hơn cho ngôn ngữ đời sống, thì ngôn ngữ mạng cũng đang có những tác động tiêu cực đến tiếng nói, chữ viết của dân tộc. Những hiện tượng biến tấu từ viết tắt, tiết kiệm ký tự đến bóp méo về ngữ âm và chính tả theo nguyên tắc càng lạ, càng khó hiểu càng tốt đang ngày càng thịnh hành. Không ít bạn trẻ thỏa sức sử dụng vô tư các loại ký hiệu trên bàn phím, miễn sao tạo thành một loại ngôn ngữ kỳ bí, khác lạ giúp họ thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, thày cô giáo.
Trong văn học mạng, các anh hùng bàn phím có thể sử dụng thoải mái những ngôn ngữ bình dân, suồng sã, tục tĩu, khó được chấp nhận nếu công bố ở sách in hay báo giấy. Tình trạng này đang tạo nên ở giới trẻ thói quen sử dụng một thứ ngôn ngữ thô lậu, biến dạng, làm tổn hại đến sự trong sáng của tiếng Việt, có thể đưa lại những hậu quả khó lường cho văn hóa dân tộc.
3. Một số giải pháp phát huy tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực của PTTTM đến con người Việt Nam
Tăng cường quản lý thông tin trên các PTTTM
Đẩy mạnh quản lý thông tin, ngăn chặn những hệ lụy từ tác động tiêu cực của PTTTM hiện nay là công việc vô cùng cấp bách. Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và bình đẳng cho mọi đơn vị, cá nhân cung cấp và sử dụng internet trên lãnh thổ Việt Nam. Có cơ chế phối hợp giữa các quốc gia trong việc quản lý các dịch vụ thông tin xuyên biên giới, phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu hội nhập. Các yêu cầu đối với các công ty công nghệ, các nhà mạng nước ngoài tuân thủ quy định luật pháp của Việt Nam phải được tiến hành bằng cả giải pháp quản lý lẫn giải pháp kỹ thuật. Có chế tài xử phạt nghiêm minh các sai phạm đối với các đơn vị cung cấp và sử dụng dịch vụ trong nước. Tăng cường an ninh mạng, ứng dụng các biện pháp công nghệ cao nhằm ngăn chặn, hạn chế những nội dung không lành mạnh như khiêu dâm, bạo lực, giết chóc, kỳ thị tôn giáo, các thông tin thất thiệt, scandal, thiếu nhân tính…
Tăng cường khả năng tự vệ cho người sử dụng
Trước hết cần hướng dẫn, trang bị cho người sử dụng những hiểu biết cần thiết trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin trên mạng. Hiện nay, thanh thiếu niên Việt Nam đang bị thả nổi trong việc lựa chọn và khai thác thế giới mạng. Chúng ta đang phó mặc cho người dùng tự tìm kiếm, khai thác, sử dụng mạng, vì vậy họ rất dễ rơi vào mê hồn trận của những hiểm họa rình rập trên mạng. Do vậy, rất cần giáo dục nhận thức của người dùng, nâng cao ý thức trách nhiệm của họ. Để làm được điều đó, công tác truyền thông xã hội, giáo dục, tuyên truyền cần được chú trọng hơn nữa. Ngoài ra, việc giám sát, kiểm tra, định hướng tại gia đình và trong nhà trường cũng là một khâu quan trọng. Chính sự thiếu quan tâm của gia đình và nhà trường đã khiến một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay sa vào những hình thức giải trí trên mạng rất phù phiếm, lệch lạc. Khi vòng bảo vệ từ gia đình và nhà trường đã lỏng lẻo, sự quản lý của nhà nước lại thiếu và yếu, thì giới trẻ rất dễ bị sa ngã, hư hỏng.
Xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú
Một khi con người được sống trong một môi trường văn hóa lành mạnh, có đời sống văn hóa phong phú, thỏa mãn các nhu cầu tinh thần đa dạng của họ, thì những cám dỗ khác trên môi trường mạng ít hấp dẫn họ hơn. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, các hoạt động xã hội bên ngoài sẽ tạo nên sự cân bằng giữa cuộc sống ảo với cuộc sống thực. Việc nghiện thế giới ảo hiện nay một phần xuất phát từ tình trạng thanh thiếu niên Việt Nam thiếu sân chơi, thiếu các phương tiện và cơ sở vui chơi giải trí, do vậy họ đành phải thể hiện cái tôi trên không gian ảo. Ngoài ra, cần khuyến khích họ tham gia các công tác xã hội, các hoạt động thể chất để có thể trở thành những con người phát triển hài hòa.
Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, xây dựng văn hóa mạng trong cộng đồng mạng
Quản lý văn hóa theo xu hướng dân chủ, nhân văn không phải là kiểm duyệt gắt gao, dựng nên các rào cản làm ảnh hưởng đến tự do hưởng thụ văn hóa, sáng tạo văn hóa, tiêu dùng văn hóa của con người, mà điều quan trọng là định hướng thẩm mỹ cho công chúng, giáo dục mỹ cảm đúng đắn, hướng họ đến chân, thiện, mỹ, đến những cái hay, cái đẹp đích thực trong tiếp nhận các giá trị văn hóa, nghệ thuật. Để làm được điều đó rất cần lắng nghe, tìm hiểu những nhu cầu, đòi hỏi của giới trẻ hiện nay. Một sự định hướng, giáo dục kiên trì, phù hợp có thể sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc cấm đoán, ngăn cản một cách thô bạo, thiếu hiểu biết, duy ý chí. Bên cạnh đó, cộng đồng mạng cần có sự tự điều chỉnh, điều tiết, xây dựng một văn hóa ứng xử thật tích cực, có ý thức với các phát ngôn, thông tin của mình, góp phần hình thành một cộng đồng mạng Việt Nam hiểu biết, trí tuệ, văn minh và có trách nhiệm.
_______________
1. Nguyễn Thị Phương Châm, Internet, mạng lưới xã hội và sự thể hiện bản sắc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013.
2. Từ Thị Loan, Các loại hình giải trí trên phương tiện truyền thông mới tác động đến lối sống, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2017.
3. Bùi Hoài Sơn, Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
4. Nguyễn Quý Thanh, Internet - sinh viên - lối sống: nghiên cứu xã hội học về phương tiện truyền thông kiểu mới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.
Tác giả: Từ Thị Loan
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 - 2018