TÁC ĐỘNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VỚI DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở THÁI BÌNH

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi hệ thống khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại cũng như trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định từ tính bằng thập kỷ hay đến hàng triệu năm. Sự biển đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình. Biến đổi khí hậu có thể giới hạn trong một vùng nhất định hay xuất hiện trên toàn địa cầu. Nguyên nhân gây ra có thể do các quá trình tự nhiên bên trong, tác động bên ngoài, hoặc do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển hay trong khai thác sử dụng đất (1).

Biến đổi khí hậu là vấn đề đang được toàn nhân loại quan tâm, đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội, môi trường toàn cầu. Trong những năm qua, nhiều nơi trên thế giới đã phải hứng chịu thiên tai như bão lớn, lũ lụt, hạn hán, khắc nghiệt, nắng nóng dữ dội, gây thiệt hại lớn về vật chất cũng như tính mạng con người. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chính các hoạt động của con người tác động lên hệ thống khí hậu đã làm cho khí hậu biến đổi. Vì vậy, con người cần phải có hành động thiết thực, phù hợp để ngăn chặn những biến đổi đó (2). Tình trạng trái đất nóng lên, nước biển dâng, động đất, sóng thần, lũ lụt, nắng nóng bất thường, băng tan trên các địa cực… đang là một thực tế không thể trốn tránh. Thiên nhiên dường như đang bắt loài người phải trả giá đắt cho những hành động xâm hại tự nhiên, tàn phá môi trường. Với tần suất, cường độ, mức độ thiệt hại ngày càng tăng của thảm họa thiên nhiên như hiện nay thì hệ lụy sâu xa của biến đổi khí hậu đối với mọi phương diện của cuộc sống con người cần được nhận diện sâu sắc hơn để kịp thời đề ra những đối sách ứng phó.

 Di tích lịch sử văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, bảo vật, cổ vật quốc gia thuộc công trình xây dựng, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (3). Đây là đối tượng chịu tác động thường xuyên nhất của môi trường tự nhiên và sẽ càng phải hứng chịu nhiều thách thức hơn trước tình trạng biến đổi khí hậu. Đó có thể là tác động trực tiếp như gió bão, ngập lụt, nắng nóng, nhiệt độ cao, xói mòn do mưa lớn..., hoặc tác động gián tiếp như: độ ẩm cao, các loài côn trùng, vi sinh vật gây tác hại...

Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển, với hơn 52km chiều dài bờ biển, có hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng chiều dài lên đến 8.492km, mật độ trung bình 5-6km/km2, địa hình bằng phẳng không có núi, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Thái Bình cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực không hề nhỏ trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tính đến năm 2015, trên toàn tỉnh có tổng số 2.539 di tích, phân bố ở khắp các xã, huyện, đậm đặc nhất là ở Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ. Huyện Hưng Hà có 667 di tích, Đông Hưng có 230, Quỳnh Phụ có 351, Thái Thụy có 477, Tiền Hải có 166, Kiến Xương có 265, Vũ Thư có 298 và thành phố Thái Bình có 85. Ngoài ra, Thái Bình còn có 2 khu vực đa dạng sinh học được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng, đó là Thái Thụy và Tiền Hải. Tác động của biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa đến sự tồn tại của các di tích lịch sử văn hóa, cũng như ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sinh thái của 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới (4). Hàng năm, các cơn giông bão, lũ lụt, nắng nóng, tình trạng nước biển dâng đã làm hư hỏng khá nhiều di tích. Ảnh hưởng của xâm thực mặn, ngập lũ gây bào mòn dẫn đến xói lở, oxi hóa, phá vỡ kết cấu di sản, di vật được lưu giữ trong các di tích này. Tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu với hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Thái Bình đã và đang đặt ra cho công tác quản lý những thách thức không nhỏ.

1. Tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Thái Bình

Năm 2005, May Cassar và Robyn Pender đã công bố rộng rãi những nghiên cứu đầu tiên dựa trên tác động của biến đổi khí hậu đối với các tòa nhà lịch sử, di tích khảo cổ học bị chôn vùi, công viên bảo tồn tự nhiên, vườn quốc gia ở nước Anh. Phương pháp nghiên cứu của nhóm này bao gồm đánh giá hiện tượng biến đổi khí hậu, tham khảo sự thích ứng, tiến hành làm bảng câu hỏi, khảo sát thực địa, tổ chức hội thảo khu vực, xem xét chính sách. Báo cáo đã đúc kết những bằng chứng liên quan đến tác động vật lý của khí hậu lên di sản văn hóa và đưa ra các khuyến cáo. Ngày 16 và 17 - 3 - 2006 tại Paris, Ủy ban Di sản Thế giới đã ra thông báo ghi nhận: “Tác động của biến đổi khí hậu đang và sẽ ảnh hưởng ngày càng nhiều đến các di sản thế giới, cả di sản thiên nhiên và di sản văn hóa”. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày với đêm, do sự mất cân bằng trong phân phối nguồn nước và độ ẩm không khí, có thể gây ra rạn nứt do hiện tượng co giãn vì nhiệt, làm xuống cấp, hư hỏng các viện bảo tàng, công trình cổ như thành quách, đền đài, lăng mộ (5). Sự tăng giảm bất thường của lượng mưa có thể gây ra sự khô hạn làm cháy, co ngót công trình hay lũ lụt từ sông, biển làm tăng nguy cơ cuốn trôi, sạt lở, xói mòn, ngập úng các di tích. Những yếu tố thời tiết cực đoan như bão tố, lốc xoáy, sấm sét gia tăng về tần suất xuất hiện cũng như cường độ, làm các di sản mau chóng xuống cấp. Ngoài ra, thiên tai và biến đổi khí hậu còn tạo ra nguy cơ tai nạn tiềm ẩn cho du khách, cư dân địa phương. Biến đổi khí hậu còn làm tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước thêm trầm trọng, làm giảm giá trị các di tích, gia tăng sự phát triển nấm mốc, côn trùng gây hại cho công trình. Ở Thái Bình, những biểu hiện của biến đối khí hậu đối với di tích lịch sử văn hóa có thể được nhìn nhận như sau:

Tác động của nước biển dâng

Vùng ven biển Thái Bình hàng năm phải chịu ngập lụt nặng nề trong mùa mưa và hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng nói trên, gia tăng diện tích ngập lụt, gây khó khăn cho thoát nước, tăng xói lở bờ biển, nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại của các di tích lịch sử văn hóa. Những di tích nằm ven bờ sông thậm chí có nguy cơ bị phá hủy nếu không có biện pháp gia cố hoặc di dời đến vị trí mới. Các di tích với kết cấu chất liệu cổ được xây dựng từ triều Lê, Nguyễn... không thể can thiệp nhiều với gia cố bê tông cốt thép vững chắc, hàng năm đều phải đối mặt với những hư hỏng khó tránh do độ ẩm gia tăng, nhiệt độ cao kéo dài. Hệ quả là gây ra hư nứt, sụt lún, xuống cấp, hầu hết hệ mái bị hư hỏng nặng, hoành rui bị mục, xệ, ngói xô vỡ, hệ thống bộ bị mối mọt, sức chịu lực giảm sút, tường ẩm, mốc, điêu khắc cổ bị oxi hóa trầm trọng...

Tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai

Sự gia tăng của các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai, cả về tần số lẫn cường độ do biến đổi khí hậu là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt, lâu dài đối với tất cả mọi lĩnh vực, vùng, cộng đồng. Bão, lũ lụt, hạn hán, mưa lớn, nắng nóng, tố lốc xảy ra hàng năm, gây thiệt hại đối với hệ thống di tích lịch sử văn hóa. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho thiên tai trở nên ác liệt hơn, có thể thành thảm họa đặc biệt đối với những di tích, di chỉ khảo cổ được phân bố nhiều ở vùng ven các sông Luộc, Hồng, Hóa, vùng ven biển Thái Thụy, Tiền Hải. Những di chỉ của nghề đúc đồng An Lộng, rèn sắt Cao Dương, thành Kỳ Bố Hải Khẩu, phòng tuyến Lưu Đồn, Vạn Đồn, cửa Đại Bàng, lăng Trần Thủ Độ, lăng Phạm Huy Đĩnh... đều sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Công tác bảo tồn, bảo vệ sẽ gặp khó khăn khi phải hứng chịu những hiện tượng tự nhiên bất lợi như mưa kéo dài, lụt lội, nắng nóng bất thường dẫn đến cuốn trôi, xáo trộn, hư hỏng bề mặt, bồi lấp... Điều này còn có khả năng khiến cho các di chỉ còn nằm bên dưới lòng đất chưa được khai quật bị vĩnh viễn vùi lấp.

Tác động của sự nóng lên toàn cầu

Hội nghị chống biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015 đã chỉ ra những thách thức chưa từng có trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ không khí gia tăng sẽ tác động rất lớn đến loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là các công trình sử dụng vật liệu gỗ. Các công trình kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng cổ ở Thái Bình thường được xây dựng bằng nguyên vật liệu truyền thống như gỗ, gạch..., nên rất khó đương đầu với thách thức của thời tiết khắc nghiệt. Sự tác động của nhiệt độ tăng cao, nắng gắt, mưa nhiều kèm theo gió bão sẽ làm cho vật liệu kiến trúc nhanh xuống cấp, hư tổn, giảm tuổi thọ của công trình. Các hiện vật thường được làm từ giấy, gỗ, tre, sắt… rất dễ bị tác động bởi thay đổi thời tiết, độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ… Thời tiết nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật sinh trưởng, làm hại hiện vật, nhất là đồ giấy, dệt, da, những tác phẩm nghệ thuật như tranh sơn dầu, tranh lụa… Các chất liệu khác như đá điêu khắc, phù điêu, bi ký… khó hư hại hơn, nhưng cũng dễ xuống cấp trước tác động của thời tiết khắc nghiệt. Các di tích kiến trúc nghệ thuật càng cổ thì càng dễ bị tổn thương trước tác động của điều kiện tự nhiên.

Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ không khí gia tăng, lượng mưa tăng giảm thất thường, nước biển dâng, gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, lũ, lốc, gió mạnh, sét...). Điều này sẽ khiến cho các di tích ở Thái Bình bị ảnh hưởng nặng, trong đó phải kể đến nguy cơ gây cháy, hư nứt, xuống cấp công trình, làm gia tăng nấm mốc, phá vỡ kết cấu… dẫn đến nguy cơ mất mát, biến dạng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế văn hóa, xã hội. Việc nhận thức đúng đắn về tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Thái Bình sẽ góp phần hoạch định những việc làm cần thiết để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

2. Những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa ở Thái Bình

Bảo vệ di tích lịch sử văn hóa dưới tác động của biến đổi khí hậu là một công việc vừa cấp bách, vừa có tính lâu dài, phức tạp. Việc thực hiện mục tiêu ứng phó, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đến di tích lịch sử văn hóa ở Thái Bình phải được đặt trong tổng thể chiến lược chung của các bộ, ngành liên quan và của cả quốc gia. Đồng thời, công tác thực hiện cần được phối hợp, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong thời gian qua, để ứng phó với biến đổi khí hậu, các cấp, ngành chức năng tỉnh Thái Bình đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể. Đó là chủ động ứng phó, giám sát khí hậu, hỗ trợ cảnh báo sớm; thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; ứng phó với nước biển dâng phù hợp với vùng ven biển; bảo vệ, phát triển bền vững rừng ven biển; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng; tăng cường nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng, ưu tiên hỗ trợ với các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, nâng cao sức ứng phó, giảm thiểu rủi ro khi đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Để góp phần giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu và ứng phó trước những tác động của nó đối với di tích lịch sử văn hóa thì công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa cần thực hiện tốt một số vấn đề. Xây dựng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng các chương trình mục tiêu ứng phó và kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để quản lý di tích trên địa bàn tỉnh trước tác động của biến đổi khí hậu. Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật nhằm phát hiện sớm các di tích bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di tích lịch sử văn hóa trước tác động của biến đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, coi đây là giải pháp cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Biến đổi khí hậu là một thực thể đã, đang và sẽ tiếp tục diễn biến trong tương lai. Tác động của biến đổi khí hậu có ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn tích cực. Các di tích lịch sử văn hóa cổ xưa ở Thái Bình sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi sự tàn phá của thời gian, khí hậu và các hoạt động mang tính tiêu cực của con người. Việc xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo tồn hệ thống di tích lịch sử văn hóa của Thái Bình đặt ra cho những nhà quản lý văn hóa nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều chuyên gia các ngành liên quan.

______________

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, 2008.

2. Nguyễn Quốc Hùng, Tác động của thay đổi khí hậu đối với di sản văn hóa và thiên nhiên - Những vấn đề đặt ra, Tạp chí Di sản văn hóa, 2007.

3. Luật Di sản văn hóa và nghị định hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.

4. Sở VHTTDL Thái Bình, Báo cáo Kế hoạch hành động ứng phó với biển đổi khí hậu ngành văn hóa, thể thao và du lịch Thái Bình năm 2015.

5. Lê Anh Tuấn, Tác động của biến đổi khí hậu lên di sản văn hóa và bảo tàng ở khu vực sông Mê Kông, Hội thảo quốc tế Bảo tàng với di sản văn hóa ở lưu vực sông Mê Kông và sông Hằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, 2012.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017

Tác giả : NGUYỄN TRI PHƯƠNG

;