Cố thi sĩ Gia Dũng, tác giả phần lời Bài ca Trường Sơn
Những năm gần đây, đời sống âm nhạc ở nước ta thật muôn hình muôn vẻ nhưng dòng ca khúc truyền thống cách mạng nói chung, những bài ca về Trường Sơn nói riêng vẫn có chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc, cho dù cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của chúng ta đã có độ lùi thời gian gần 50 năm. Mỗi ca khúc có giá trị như một trang sử viết bằng âm thanh, phản ánh đời sống tinh thần, tâm tư, tình cảm của hàng triệu người Việt Nam trong những năm tháng không thể nào quên: Những buổi vui sao, cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục (Chính Hữu). Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại quyết định thành lập tuyến vận tải quân sự trên bộ chi viện cho chiến trường miền Nam qua dãy Trường Sơn từ Nghệ An đến Bình Phước (1959-2024), chúng ta hãy cùng nhìn lại sức sống của dòng ca khúc này!
Ðiều dễ nhận thấy qua những bài hát về Trường Sơn - từ ca khúc đầu tiên Vui mùa chiến thắng của nhạc sĩ Văn Chừng đến khi Phan Huỳnh Ðiểu phổ nhạc lời thơ Thúy Bắc, bài Sợi nhớ sợi thương năm 1978, lúc các binh trạm lần lượt rời khỏi Trường Sơn sau khi hoàn thành nhiệm vụ - là âm hưởng vui tươi hào hùng, niềm cảm hứng lạc quan tin tưởng vào một “ngày về chiến thắng” của toàn dân tộc. Âm hưởng vui tươi hào hùng, niềm cảm hứng lạc quan tin tưởng đó cũng lay động lòng người không khác gì lời thơ Tố Hữu: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai; Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình… Chẳng phải ngay những ca từ đầu tiên mở đầu cho dòng ca khúc về Trường Sơn, Văn Chừng cũng viết: “Chiều nay tôi đứng trên Trường Sơn lòng tràn đầy vui sướng mùa lúa thơm ngạt ngào. Dòng sông đưa nước về xuôi mang bóng nương ngô cùng bồng con phất cờ” sao?
Cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Tiêu biểu cho các ca khúc viết về Trường Sơn là Bài ca Trường Sơn (nhạc Trần Chung, lời thơ Gia Dũng):
... Ôi có những vì sao thức cùng ta đêm nay/ Như mắt em sáng lên muôn niềm tin/ Ta nhớ má Năm Căn, ta thương em Cửa Việt/ Mười bốn năm rồi giấc ngủ chưa tròn/ Cả miền Nam đang gọi chúng ta đi/ Trường Sơn ơi, Trường Sơn ơi/ Ðêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió /Trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa/ Ði ta đi tung cánh đại bàng/ Vang khúc nhạc hùng giải phóng miền Nam/ Giải phóng miền Nam.
Ra đời tháng 10 năm 1968, ở thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta đang ở giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất nhưng Bài ca Trường Sơn không vì thế mà thiếu sự hào hùng, lãng mạn cách mạng. Bài hát để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán/thính giả về hình ảnh người chiến sĩ Trường Sơn đạp bằng mọi chông gai, vững niềm tin về ngày toàn thắng. Ðá tai mèo hiểm trở, “trên đường ta qua không một dấu chân người”, bao đêm “trời vắng trăng sao” có hề chi khi tim ta rực lửa, bên ta là hình ảnh những bà má Năm Căn, những người em Cửa Việt “mười bốn năm rồi giấc ngủ chưa tròn”. “Anh đi một nghìn ngày đêm để giành lại cho em một ngày không sợ hãi”. Trước khi đối mặt với quân thù, với bom rơi đạn nổ, người chiến sĩ Trường Sơn vẫn thu vào tầm mắt những vẻ đẹp yên bình, trong sáng, nên thơ của quê hương: này là chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác, này là tiếng suối trong như tiếng hát, này là đóa hoa rừng… Từ tiếng suối hát như một ám ảnh nghệ thuật, tiếp xúc với lời thơ Nguyễn Trung Thu, Trần Chung còn có Ðêm Trường Sơn nhớ Bác (1974): Ðêm Trường Sơn/ Chúng cháu nhìn trăng nhìn cây/ Cảnh về khuya như vẽ/ Bâng khuâng chúng cháu nghĩ/ Bác như đã đến nơi này/ Ơi đêm Trường Sơn/ Nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Mà ngỡ như từ Pác Bó/ Suối về đây ngân nga…
Phạm Tuyên, nhạc sĩ của ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn
Cũng cần phải nói thêm, cùng chung ý tứ với Bài ca Trường Sơn, trước đó chúng ta đã có Bước chân trên dải Trường Sơn (nhạc Vũ Trọng Hối, lời Ðăng Thục - 1966): Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/ Ðá mòn mà đôi gót không mòn/ Ta đi về phương Nam gió ngàn đưa chân ta về quê hương/ Quân về trong gió đang dâng triều lên/ Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết/ Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình; về sau là Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (sáng tác Huy Du, 1970): Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca/ Gửi tới quê nhà bao la biển xanh sóng vỗ hiền hòa/ Ðường Trường Sơn bát ngát có bao nhiêu ghềnh thác/ Hòa theo trong tiếng hát đem mùa xuân tới cho cuộc đời… Chung ý tứ nhưng mỗi bài một vẻ!
Trên con đường cứu nước huyền thoại năm xưa không chỉ có các anh bộ đội mà còn có sự góp mặt của những Cô gái mở đường (sáng tác Xuân Giao, 1966): Ði dưới trời khuya sao đêm lấp lánh/ Tiếng hát ai vang động cây rừng/ Phải chăng em cô gái mở đường/ Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát/ Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường/ Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường?…; (Chào em) cô gái Lam Hồng (sáng tác Ánh Dương, 1967): Chào em cô gái Lam Hồng giữa tiếng bom gào đạn dội/ Vẫn nghe vang vang câu hò trên đường niềm vui lớn tỏa lan trên quê ta/ Ði thông đường để những chuyến xe ta băng băng qua/ Hồng Lĩnh ơi đỉnh cao mây ngàn đã cùng em từ những đêm thức trọn/ Nối tiếp những mạch đường quê nhà đường rộn ràng những chuyến xe qua/ Tình nghĩa quê em sáng tỏ như ánh trăng đêm rằm/ Tiền phương tay lái mang tình em đảm đang…; hay cụ thể hơn là Người con gái sông La (sáng tác Doãn Nho 1970, lời thơ Phương Thúy): Người con gái quê ta đôi mắt trong tựa ngọc/ Ðôi giọt nước sông La thương như trời quê ta/ Em dõi theo từng ngày đếm từng loạt bom rơi/ Cho bom nổ bên tai em vẫn đứng giữa trời/ Ơ em vừa mười tám tròn đẹp như xuân sang/ Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Ðạp lên cái chết dáng em hiên ngang… Rồi người chiến sĩ nuôi quân - anh nuôi: Trăng đã dậy rồi, khơi bếp hồng lên nhé/ Lá nếp rau rừng thêm ấm tình anh nuôi/ Nổi lửa lên em, đánh Mỹ đêm ngày/ Vũ trụ theo ta vào trong chiến trận/ Có chị Hằng soi sáng canh thâu/ Ơi, miền Nam ơi có đêm nào ngủ được/ Lửa chiến tranh còn bỏng đất quê mình/ Yêu đất nước trải đường vô trong nớ/ Ðây tuyến hậu cần ta bủa lưới khắp nơi nơi/ Ơi, vũ khí ta mang đâu có là tên lửa/ Chỉ bếp than hồng này ủ chín hơi cơm/ Bát nước chè xanh, nhẹ gối bước dồn/ Thêm sức mạnh trên đường đi đánh Mỹ/ Nổi lửa lên em, nổi lửa lên em/ Ánh trăng sáng ngời đưa ta vào trận đánh… (Nổi lửa lên em - nhạc Huy Du, lời thơ Giang Lam, 1968). Có cả anh giải phóng quân Lào chung lý tưởng, chung chiến hào đánh Mỹ: Trên đỉnh Trường Sơn, ta gặp nhau giữa đường đi chiến đấu/ Anh giải phóng quân Lào, biên giới đẹp sao (…) Trường Sơn, mây núi bao la/ Lối quân đi bước mòn sỏi đá (a a)/ Trường Sơn, hai nước chúng ta/ Ðã ghi tạc nghĩa tình từ xưa (Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, sáng tác Hoàng Hà, 1970).
Khi “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù” thì những kỷ vật ngỡ bình thường của những anh trai làng chuẩn bị lên đường đánh giặc, đến với Trường Sơn cũng hóa thiêng liêng: Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Ðặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn/ Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi/ Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui/ Gậy trong tay mồ hôi đã bóng/ Màu gỗ quê hương mang cả mối tình dân/ Như nhắn nhủ những ai lên đường (mà)/ Lời hứa với bao người thân (Chiếc gậy Trường Sơn, sáng tác Phạm Tuyên, 1967). Quả là “màu gỗ quê hương mang cả mối tình dân”. Chính “mối tình dân” ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho “người người lớp lớp xông ra trận”: Trường Sơn ơi, cho dẫu hiểm nguy bền tâm vững chí/ Trong bước đi nghe tiếng đồng quê/ Nghe gió reo bờ tre gốc lúa/ Như tiếng người mến thương vẫn dặn dò/ Giữ vững truyền thống của đất nước…
Nhạc sĩ Huy Thục sống mãi cùng Tiếng đàn Ta Lư
Dẫu “Ðạn bom quân thù đang vấy máu” và khó mà thống kê cho hết những thiệt hại, mất mát kẻ thù đã gây nên thì Trường Sơn cũng không thiếu những phút giây trữ tình, lãng mạn. Nhạc sĩ Huy Thục bày tỏ niềm hứng khởi với Tiếng đàn Ta Lư (1968): Ði chiến trường gùi trên vai nặng trĩu/ Ðàn Ta Lư em cất tiếng ca vui cùng núi rừng/ Mừng thắng trận quê em/ Từ trên đỉnh núi cao chon von/ Thánh thót nhịp nhàng vang lời em ca/ Theo nhịp bước quân đi trong tiếng đàn Ta Lư… Nhạc sĩ Hoàng Tạo sau những âm giai mạnh mẽ, chắc khỏe của Tên lửa về bên sông Ðà (Ðêm nay ta về bên sông Ðà, rừng phấp phới nở hoa/ Gió vẫy lá rung bánh xe xích sắt ngỡ ai vui…) bỗng đằm thắm, dịu êm với Ðưa anh đi hái măng rừng (1971): Trường Sơn khi nắng, khi mưa rừng/ Trên đây mưa nắng như không chia/ Con suối mô trong khi mô đục/ Nắng mưa năm tháng em đã từng/ Nắng mưa năm tháng em đã từng/ Hành quân qua đây anh nghỉ lại/ Cơm nước có bếp em sẵn đây/ Các anh ưa thích món ăn măng/ Em đưa đi hái cái măng non/ Chúng em theo dấu cây măng mọc/ Ðưa anh đi hái cái măng rừng...
Nói đến mưa nắng, lãng mạn Trường Sơn; nói đến măng rừng, nói đến “anh và em”, cả niềm khát khao luyến ái rất đỗi con người thì không thể không nhắc đến Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây (lời thơ Phạm Tiến Duật viết năm 1969, Hoàng Hiệp phổ nhạc năm 1971): Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Ðường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây/ Trường Sơn Tây anh đi, thương em/ Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo/ Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Hết rau rồi, em có lấy măng không?/ Còn em thương bên Tây anh mùa đông/ Nước khe cạn, bướm bay lèn đá/ Biết lòng anh say miền đất lạ/ Chắc em lo đường chắn bom thù/ Anh lên xe, trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ/ Em xuống núi, nắng về rực rỡ/ Cái nhành cây gạt mối riêng tư/ Từ nơi em đưa sang bên nơi anh/ Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến/ Như tình yêu nối lời vô tận/ Ðông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn. Lời thơ cũng chính là ca từ thật đẹp! So với nguyên tác thơ, nhạc sĩ bớt đi 2 đoạn làm ca từ trở nên tinh gọn, bay bổng hơn. Lời bài hát chưa đầy 150 chữ song đã bao quát cả đời sống vật chất, tinh thần cũng như những khía cạnh sâu kín trong tâm tư, khát khao luyến ái của người chiến sĩ. Có điều, khi đã xác định “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” thì khát khao luyến ái kia vừa mới nhen lên đã ngay lập tức bị “cái gạt nước xua đi nỗi nhớ” và “cái nhành cây gạt mối riêng tư”.
Vẫn chuyện Trường Sơn Ðông nắng, Tây mưa, chuyện “anh và em”… ta còn có một Sợi nhớ sợi thương thật nhiều dư âm - nhân vật trữ tình trong lời thơ tiếng hát ấy đã hữu hình hóa cái vô hình, biến nhớ, thương thành “sợi”, muốn xòe bàn tay che kín trời nắng đốt (“xòa bóng mát”), muốn xua đuổi mây để “che mưa anh”. Khi không che được nắng, “đuổi” được mây thì “em nghiêng hết về phương anh”: Trường Sơn Ðông/ Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt/ Bên mưa quây/ Em dang tay/ Em xoè tay/ Chẳng thể nào/(mà) Xua tan mây/ Chẳng thể nào/ (mà) Che anh được/ Rút sợi thương/ (ấy mấy) Chằm mái lợp/ Rút sợi nhớ/ (ấy mấy) Ðan vòm xanh/ Nghiêng sườn Ðông/ (mà) Che mưa anh/ Nghiêng sườn Tây/ Xòa bóng mát/ Rợp trời thương/ (ấy mấy) Màu xanh suốt/ (mà) Em nghiêng hết/ (ấy mấy) Về phương anh…
Còn nhiều, nhiều nữa những tác giả - tác phẩm âm nhạc về Trường Sơn. Chưa đầy 20 năm mà biết bao ca khúc! Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến trường kỳ, lúc Mỹ đã “cút”, Ngụy chuẩn bị “nhào”, nhạc sĩ Hoàng Hiệp một lần nữa ghi dấu ấn khi phổ nhạc bài thơ Lá đỏ (Nguyễn Ðình Thi viết tháng 12/1974, phổ nhạc đầu năm 1975) lay động lòng người: Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ/ Em đứng (đứng ở) bên đường/ Như quê hương/ Vai áo bạc/ Quàng súng trường/ Ðoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa/ Chào em, em gái tiền phương/ Ơi em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn!…
Thật hào sảng, xao xuyến! Thật sinh động mà cũng lắm sắc màu! Bên cạnh màu lá đỏ của rừng Trường Sơn là màu xanh của quân phục, màu vai áo bạc của em. Em đứng bên đường như sắc màu quê hương, như dáng hình xứ sở. Thời khắc “rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ” cũng là lúc đoàn quân “vội vã” đi qua, tiến về phía trước để giải phóng quê hương. “Trong anh và em hôm nay/ Ðều có một phần đất nước”. Cả anh và em chỉ kịp trao nhau nụ cười nhưng bằng ánh mắt đã cùng hẹn ước về một lần gặp lại giữa Sài Gòn - cái đích của cuộc trường chinh ba mươi năm.
Non nửa thế kỷ đã qua đi, ít nhất hai thế hệ người Việt Nam đã sinh ra, lớn lên trong thời bình. Con đường Trường Sơn năm xưa không còn khó khăn, gian khổ như trước: “đường lớn đã mở, đi tới tương lai”… nhưng sống mãi với muôn thuở non sông là những tượng đài bằng âm thanh của một thời hào hùng, lãng mạn!
PHẠM VÕ THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024