Sự thiếu hụt trong đào tạo sản xuất âm nhạc ở Việt Nam

Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động lớn tới mọi lĩnh vực của xã hội, trong đó có sản xuất âm nhạc. Ở Việt Nam, các cơ sở đào tạo hiện nay chủ yếu tập trung đào tạo nguồn nhân lực biểu diễn nghệ thuật trực tiếp mà chưa chú trọng đến đào tạo các ngành quản lý, sản xuất âm nhạc cũng như các ngành đạo diễn khác trong công nghiệp âm nhạc. Sự thiếu hụt này sẽ làm cho các sản phẩm âm nhạc từ thu thanh cho đến biểu diễn không đạt được chất lượng tốt nhất. Vì vậy, chúng ta cần tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực, xây dựng chương trình đào tạo, mở mã ngành mới, giải quyết vấn đề về đào tạo sản xuất âm nhạc trong các cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay.

1. Khái niệm về sản xuất âm nhạc và nhà sản xuất

Trong một dự án âm nhạc lớn, công việc sản xuất âm nhạc có thể có sự tham gia của ba chuyên gia: điều hành sản xuất (executive producer), là người giám sát các mối quan hệ đối tác kinh doanh và tài chính; nhà sản xuất thanh nhạc hoặc soạn thanh nhạc (vocal producer), là người huấn luyện kỹ thuật thanh nhạc, hỗ trợ trình diễn giọng hát và tham vấn các chuyên gia phê bình; nhà sản xuất âm nhạc (music producer) là người chỉ đạo quá trình sáng tạo tổng thể để thu âm bài hát và quyết định sản phẩm đầu cuối.

Có thể nói, sản xuất âm nhạc là một quy trình để một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh đến được với công chúng thưởng thức. Trong đó có nhiều khâu gồm: sáng tác âm nhạc, hòa âm/ chuyển soạn, thể hiện tác phẩm (dàn nhạc, ca sĩ), phòng thu (thu thanh, mix, hậu kỳ âm thanh) và phát hành/ xuất bản. Các khâu này có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, nếu một khâu không tốt sẽ dẫn đến một sản phẩm không hoàn chỉnh. Người quản lý, quán xuyến toàn bộ các khâu này được gọi là nhà sản xuất âm nhạc. Họ làm các công việc về tổ chức thực hiện sản phẩm âm nhạc, từ khâu sáng tác, chọn tác phẩm, người thể hiện, lên lịch thu thanh, chịu trách nhiệm về ê kíp thu thanh, các khoản thu chi, giám sát quá trình thu thanh, mix hay hậu kỳ âm thanh...

Trước đây, công việc quản lý sản xuất có rất nhiều khâu và mỗi khâu có thể do một người đảm nhiệm. Nhưng hiện nay, khi khoa học công nghệ phát triển, nhà sản xuất có thể chỉ là một thành viên. Họ làm tất cả các công việc từ hình thành ý tưởng, sáng tác nhạc, viết lời ca, biểu diễn, thu thanh, hậu kỳ cho đến xuất bản tác phẩm của mình. Từ đó, quan niệm về vai trò người sản xuất thời nay đã thay đổi rất nhiều. Một album hoàn chỉnh có thể được thu thanh và xuất bản bởi một nhà sản xuất trong một phòng thu cá nhân. Các phần mềm sản xuất âm nhạc như Cubase, Ableton Live, Protools, Digital Performer, Logic, Sonar... có khả năng thực hiện các công việc sáng tạo hay thu thanh đa kênh chỉ với một bộ máy tính. Từ đó, chi phí sản xuất cũng được giảm đáng kể.

Với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ thông tin, tác phẩm âm nhạc có thể đến với công chúng một cách rộng rãi hơn. Mạng internet đã giúp chúng ta có một cộng đồng riêng bất kể khoảng cách địa lý và ngôn ngữ; các mạng xã hội có thể kể đến như: Facebook, YouTube, My Space, Clip.vn, Zing.vn... đã cho chúng ta một điều kiện xuất bản hết sức thuận lợi và ít chi phí.

2. Quy trình sản xuất âm nhạc

Sáng tác âm nhạc

Đây được xem là quá trình quan trọng nhất trong quy trình sản xuất âm nhạc. Từ những ý tưởng về nội dung, hình tượng âm nhạc, nhạc sĩ sẽ sử dụng nhiều thủ pháp sáng tác để biến chúng thành tác phẩm âm nhạc. Một tác phẩm âm nhạc gồm những yếu tố như: giai điệu, hòa âm, khúc thức, tiết tấu, nhịp độ, âm sắc, âm vực, cường độ, cách cấu tạo... Tất cả yếu tố này song song tồn tại trong một tác phẩm và có mối quan hệ tương hỗ nhau, không tách rời mà thống nhất, vang lên đồng thời. Điều này cho thấy, nhạc sĩ phải có kiến thức âm nhạc tốt, đặc biệt đối với các tác phẩm khí nhạc, nhạc sĩ phải am hiểu về các loại nhạc cụ, có thể họ cũng là nhạc công giỏi.

Hòa âm ca khúc, chuyển soạn ca khúc

Đây là quá trình người soạn nhạc thường phải làm đối với một ca khúc. Đối với ca khúc chỉ có phần nhạc và lời ca, người soạn nhạc thường phải đặt các hợp âm để từ đó soạn tổng phổ và phân phổ cho các nhạc cụ biểu diễn. Chuyển soạn là nghệ thuật soạn lại một tác phẩm đã viết trước đó để trình diễn theo một cách khác với dạng nguyên gốc (1). Bản chuyển soạn có thể bao gồm cả quá trình tái hòa âm, phát triển, thêm các yếu tố mới để thể hiện đầy đủ cấu trúc tiết tấu, hòa thanh và giai điệu. Các yếu tố cần xem xét khi chuyển soạn là cấu trúc, nhạc cụ, phong cách, điệu tính, giai điệu, hòa thanh, tiết tấu, nhịp điệu… Người chuyển soạn có thể chỉ giữ lại giai điệu và sáng tạo lại mọi thứ để chuyển tác phẩm đó thành một dạng hoàn toàn mới.

Có thể nói, công việc hòa âm chuyển soạn là một công việc sáng tạo thứ hai của ca khúc, người soạn nhạc, về một khía cạnh nào đó cũng là tác giả thứ hai của ca khúc (đặc biệt trong nhạc đại chúng). Nhưng trên thực tế, bản quyền thường thuộc về người sáng tác và khi chuyển soạn cũng cần có sự đồng ý của tác giả.

Thể hiện tác phẩm

Để góp phần thành công cho các tác phẩm hay chương trình biểu diễn, không thể không nhắc tới các công việc như: chỉ huy dàn nhạc, nhạc công biểu diễn, ca sĩ thể hiện. Một tác phẩm thành công phải vừa có chất lượng tốt, giá trị cao, vừa được đông đảo công chúng đón nhận. Nếu sản phẩm bán được càng nhiều trên thị trường thì nhà sản xuất sẽ càng thành công trong lĩnh vực kinh doanh và ngược lại. Vì vậy, nhà sản xuất phải nắm bắt được thị hiếu của khán giả để cân bằng các yếu tố. Họ chọn lựa những người phù hợp nhất cho công việc thể hiện tác phẩm. Trên thực tế, ca sĩ muốn làm đĩa nhạc riêng, có thể cần một người sản xuất làm các công việc liên quan đến sản xuất âm nhạc, sao cho đĩa nhạc đến được nhiều hơn với công chúng. Nhiều ca sĩ muốn sản phẩm ra đời theo đúng yêu cầu và sở trường, họ có thể tham gia vào các công việc của nhà sản xuất. Khi đó, ca sĩ sẽ đóng vai trò là người đồng sản xuất. Ngày nay, nhà sản xuất có xu hướng ứng dụng công nghệ trong sản xuất âm nhạc. Họ sử dụng các phần mềm chuyên dụng để làm phần nhạc đệm, thu thanh và các công việc hậu kỳ khác.

Thu thanh

Đây là quá trình ghi nhớ âm thanh vào một phương tiện lưu trữ nào đó. Các phương tiện như đầu thu đa kênh kỹ thuật số, máy tính... đều hoạt động trên cùng một nguyên lý thu thanh. Quá trình thu thanh, người kỹ sư thường thực hiện quy trình gồm hai bước: thu thanh đa kênh và Mixdown.

Trong đó, thu thanh đa kênh là quá trình thu thanh nhiều kênh cùng một lúc hoặc thu thanh đúp thêm từng kênh một. Mỗi nhạc cụ, giọng hát được thu vào một rãnh riêng biệt. Các rãnh này có thể thu lần lượt, trong khi thu rãnh hát thì có thể nghe lại các rãnh nhạc cụ đã thu thanh trước đó. Các phương tiện thu thanh phải có khả năng thu thanh nhiều kênh đồng thời. Chẳng hạn khi thu thanh cho ban nhạc ta có thể thu Drums, Bass, Piano, Guitar... mỗi nhạc cụ trên một rãnh riêng biệt. Khi các nhạc cụ này cùng chơi, ta thu thanh lại, khi phát ta vẫn nghe được họ chơi cùng nhau. Nếu sau đó ta muốn thêm một rãnh Lead Guitar, ta sẽ phát bốn rãnh của bốn nhạc cụ đã thu và trong khi đó thu thanh chồng Lead Guitar lên. Quá trình thu kiểu này gọi là “thu đúp” (overdub). Thường người ta hay thu thanh các rãnh tiết tấu trước, chẳng hạn như Drums, Bass, Guitar chơi tiết tấu... Tiếp đến họ sẽ thu thanh chồng lên lần lượt các nhạc cụ solo, hát, hát bè... Sau khi tất cả các công đoạn thu thanh chồng các bè đã hoàn tất, người ta thu lại phần hát chính.

Mixdown là quá trình đồng thời tái thu thanh lại các rãnh đã thu đa kênh trước đó thành một rãnh stereo (hai kênh) hoặc mono (một kênh), sau đó có thể nghe lại trên các phương tiện nghe nhìn như đầu CD, đầu cassette, mp3... Thông thường, các thiết bị thu thanh đa kênh được nối với bàn mixer đa kênh sao cho mỗi rãnh vào một đường trên mixer để tiện cho việc mix âm thanh độc lập từng đường. Sau đó từ mixer sẽ đưa ra hai đường tổng để thu lại vào một thiết bị cuối như đầu băng cassette, đầu Minidisk, DAT...

Chỉnh sửa và mix

Mix là một công đoạn chỉnh sửa, thêm hiệu ứng sau khi thu thanh. Quá trình này tổng hợp âm thanh đã được thu trước đó và trộn lại thành một hay hai kênh. Trong quá trình này, mức độ âm lượng, tần số, cường độ và vị trí âm thanh của tín hiệu gốc được biến đổi bởi người mix. Các hiệu ứng âm thanh như delay, reverb cũng có thể được áp dụng để tăng cường cho bản mix. Thực tế, các phương pháp sáng tạo, hợp với nguyên tắc thẩm mỹ được thực hiện lần lượt để tạo ra một bản mix hấp dẫn và lôi cuốn người nghe. Quá trình mix được hoàn thành trong phòng thu với tư cách là một phần của sản suất âm nhạc. Công đoạn của mix thường theo sau công đoạn thu thanh đa kênh và trước công đoạn hậu kỳ âm thanh. Người thực hiện công đoạn mix gọi là mixingengineer. Ngày nay, trong các phòng thu cá nhân, đôi khi người sản xuất lại là chính là người làm các công đoạn mix.

Hậu kỳ âm thanh

Hậu kỳ âm thanh là quá trình hoàn thiện cuối cùng sản phẩm âm thanh, nằm giữa công đoạn chỉnh sửa, mix và công đoạn nhân bản thương mại. Hậu kỳ làm cho bản nhạc thêm chi tiết, sống động hơn và không làm ảnh hưởng đến sự hoàn thiện bước đầu của bản mix. Quá trình này hết sức quan trọng và cũng khó khăn nhất. Người kỹ sư hậu kỳ âm thanh thường phải có trình độ cao và một tai nghe rất tốt.

Trên thực tế, giữa quá trình biên tập, mix và quá trình hậu kỳ có rất nhiều điểm khác nhau. Quá trình mix, ta thường làm việc với từng rãnh riêng biệt và mục đích tạo ra hiệu quả tốt nhất cho từng rãnh. Tất nhiên, quá trình mix khi ta kết hợp các rãnh lại sẽ phải có được một chất lượng tốt nhất. Quá trình hậu kỳ lại chú trọng đến đến sự hoàn hảo của toàn bộ tổng thể tác phẩm (là bản mix chỉ bao gồm hai kênh strereo). Hậu kỳ âm thanh làm cho bản mix cuối cùng đạt chuẩn chất lượng thương mại. Các tập tin âm thanh phải vang lên tốt trên mọi phương tiện nghe nhìn bất kỳ, tất nhiên, mỗi hệ thống nghe nghìn có thể có một bản hậu kỳ khác nhau. Quá trình hậu kỳ có thể gồm nhiều công đoạn: xử lý âm lượng tín hiệu, thiết lập mức âm lượng cực đại (normalize), xử lý cường độ tín hiệu (dynamic), cân bằng tần số âm thanh (EQ).

Xuất bản và phát hành

Đây là công đoạn đưa sản phẩm đến với người nghe, gồm nhiều khâu như in ấn, quảng bá. Các sản phẩm âm nhạc được phát hành qua các phương tiện khác nhau như CD, DVD, radio, TV, internet... Mỗi định dạng sản phẩm có một thế mạnh riêng và phục vụ một đối tượng riêng. Nhưng nói chung, nó phải thỏa mãn những tiêu chuẩn thương mại. Ngày nay, các sản phẩm âm nhạc cung cấp trên mạng internet đang phát triển rất nhanh. Đây là cách xuất bản ít tốn kém nhưng lại đến được với người nghe nhanh và nhiều nhất. Các sản phẩm âm nhạc điện tử như hip hop, rap hay các định dạng video ngắn thường được xuất bản theo cách này.

Sản xuất âm nhạc có thể có nhiều khâu được thay đổi tùy theo dự án, nhưng nhìn chung chúng thường theo các quy trình đã đề cập ở trên. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, nhiều nhà sản xuất “nghiệp dư” đã tự cho ra đời những tác phẩm của riêng mình, điều đó dẫn đến nhiều biến đổi trong thị trường âm nhạc. Nhiều sản phẩm âm nhạc tốt ra đời và được biết đến nhanh chóng, nhưng cũng có nhiều sản phẩm âm nhạc mang tính nghiệp dư, cóp nhặt cùng với sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp đã làm cho thị trường có những sản phẩm âm nhạc dễ dãi, kém chất lượng, ảnh hưởng không tốt tới thị hiếu âm nhạc của công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Những sản phẩm này trong thời đại công nghệ bùng nổ lại càng lan truyền nhanh chóng trên các trang mạng và gây ra sự tò mò, hiếu kỳ, thậm chí đón nhận một cách thích thú của một bộ phận công chúng trẻ.

3. Thực trạng đào tạo ngành sản xuất âm nhạc ở Việt Nam

Ngày 10-10-2017, Bộ Giáo dục đã ban hành Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT trong đó có danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học. Danh mục này có khối ngành nghệ thuật mà trong đó có 34 ngành đào tạo về các lĩnh vực như mỹ thuật, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật nghe nhìn, mỹ thuật ứng dụng, nhưng không có mã ngành đào tạo sản xuất âm nhạc. Vì thế, có thể khẳng định rằng ở Việt Nam chưa có cơ sở nào chính thức đào tạo ngành này. Các nghệ sĩ ở Việt Nam hiện nay có một số ít người học ở nước ngoài, còn lại đều tự học hỏi và trưởng thành qua thực tiễn công việc. Nghệ sĩ kèn saxophone, Trần Mạnh Tuấn là người đầu tiên học đại học chuyên ngành Viết và Sản xuất âm nhạc đương đại (Bachelor of Music in Contemporary Writing and Production) ở Trường Âm nhạc Berklee (Boston, Mỹ) năm 1999. Sau đó, nhạc sĩ Đức Trí, nghệ sĩ Anna Trương cũng theo học tại ngôi trường danh tiếng này. Phải nói rằng, việc học tập ở một trường nổi tiếng thế giới với những ngành nghề mới sẽ giúp họ có những kiến thức nền tảng vững chắc trên con đường hoạt động nghệ thuật, là một thuận lợi lớn trong sự nghiệp của mỗi nghệ sĩ.

Ở Việt Nam, Trường nhạc MPU (MPU School of Music) là một trường tư gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Đức Trí, được thành lập năm 2011. Đây là nơi đào tạo hai lĩnh vực chính là biểu diễn nhạc cụ, viết và sản xuất âm nhạc. Ngoài ra, Trường nhạc MPU còn giảng dạy các môn như sáng tác ca khúc, khí nhạc, nhạc cho hình ảnh (film, TV, quảng cáo, game...), chép nhạc. Các ngành học chủ yếu là đào tạo ngắn hạn, có những ngành kéo dài 2-3 năm (tập trung) hoặc dài hơn nếu học viên đăng ký không tập trung, bán thời gian. Học viên sẽ được học các môn liên quan đến chuyên ngành như hòa âm, phối khí, kỹ thuật audio phòng thu, kỹ thuật sản xuất, ứng dụng đa phương tiện, viết nhạc cho hình ảnh, chỉ huy ban nhạc... Đây là Trường tư thục đầu tiên đào tạo về lĩnh vực sản xuất âm nhạc theo hướng chuyên nghiệp, tuy nhiên do không thuộc hệ thống đào tạo công lập, nên không được cấp bằng theo quy định mà chỉ được cấp chứng nhận. Tuy nhiên, Trường vẫn rất nhiều học viên theo học, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, đặc biệt là ở TP.HCM, một thị trường sôi động nhất về âm nhạc ở Việt Nam.

Những năm gần đây, các cuộc thi, chương trình ca nhạc, gameshow truyền hình liên tục được sản xuất và phát sóng, vai trò của người sản xuất âm nhạc cũng dần được đề cao. Khi công nghiệp âm nhạc phát triển, chắc chắn nhu cầu của xã hội sẽ cần những nhà sản xuất tài năng, được học hành một cách bài bản. Ở Việt Nam trước đây, việc chỉ tập trung đào tạo những ngành nghề biểu diễn trực tiếp như múa, thanh nhạc, nhạc cụ mà không quan tâm đến các ngành nghề phía sau hỗ trợ như sáng tác, hòa âm, phối khí, chuyển soạn, sản xuất âm nhạc, đạo diễn âm nhạc, đạo diễn âm thanh, đạo diễn ánh sáng, quản lý âm nhạc… dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực và phát triển không đồng đều. Đã có nhiều chương trình lớn, biểu diễn tốt ở tất cả các khâu nhưng lại không thành công chỉ vì người làm kỹ thuật âm thanh không thực hiện tốt vai trò của mình. Vì thế, quy trình sản xuất phải tốt ở tất cả các khâu thì sản phẩm âm nhạc cuối cùng mới hoàn chỉnh. Mặt khác, việc không trang bị đầy đủ kiến thức dẫn đến nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ rất giỏi về nghề nhưng lại chưa có kỹ năng để có thể quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đến với đúng đối tượng khán thính giả. Việc đầu tư vào nguồn nhân lực không đồng đều ở các ngành như vậy dẫn đến một nền công nghiệp âm nhạc chưa phát triển. Ở châu Á, đã có những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… đầu tư rất đồng đều và mạnh trong lĩnh vực âm nhạc. Họ có đầy đủ các thành phần trong quy trình sản xuất, hoạt động một cách hiệu quả, cho ra đời những sản phẩm có chất lượng.

4. Kết luận

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu xã hội là một vấn đề mà bất cứ trường nào cũng phải nghĩ tới. Sản xuất âm nhạc ở Việt Nam vẫn là lĩnh vực mới mẻ, cần nhiều sự quan tâm của xã hội cũng như cần có một môi trường lành mạnh, chuyên nghiệp để có tạo ra những sản phẩm có giá trị, được đông đảo công chúng đón nhận. Sản phẩm âm nhạc của Việt Nam còn chưa tiếp cận được với thị trường quốc tế do thiếu hụt nhiều khâu đồng bộ trong sản xuất, quảng bá. Muốn có được nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực sản xuất âm nhạc, chúng ta cần tập trung đầu tư vào nguồn giảng viên, xây dựng chương trình đào tạo, mở mã ngành mới. Muốn hội nhập và đưa các sản phẩm ra quốc tế, chúng ta càng cần một quy trình đào tạo chuyên nghiệp để hình thành nên một nền công nghiệp âm nhạc, đảm bảo các yêu cầu cả về chất và lượng mới có thể bắt kịp với sự phát triển của công nghiệp âm nhạc trên thế giới.

_______________

1. Định nghĩa của Hội nhạc sĩ Liên bang Mỹ.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Mai Kiên, Nguyễn Đức Trịnh, Giáo trình soạn nhạc trên máy vi tính, Nxb Quân đội nhân dân, 2009.

2. Nguyễn Tiến Mạnh, Vai trò của nhà sản xuất âm nhạc và công nghệ sản xuất âm nhạc, hoinhacsi.vn, 23-8-2013.

3. Thùy Trang, Producer - “Đầu bếp” âm nhạc quyền năng, nld.com.vn, 6-4-2017.

4. Berklee.edu.

5. Mpu.edu.vn.

6. Wikipedia, Từ khóa: Music Producer, truy cập ngày 10-12-2020.

Tác giả: Nguyễn Mai Kiên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

;