SỬ DỤNG CHẤT LIỆU ÂM NHẠC TRONG CÁC TÁC PHẨM VIẾT CHO ĐÀN PHÍM ĐIỆN TỬ

Trong xu thế hội nhập toàn cầu như hiện nay, các nhạc sĩ Việt Nam đã và đang đóng góp công sức vào quá trình tìm về cội nguồn, khai thác những đặc trưng mang bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều tác phẩm sáng tác cho đàn phím điện tử ra đời, tuy chưa đầy đủ các thể loại, cấu trúc, hình thức, ngôn ngữ âm nhạc để được gọi là một trường phái riêng nhưng đó được xem là những viên gạch đầu tiên để xây dựng và phát triển bộ môn nghệ thuật này. Các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng, tiếp thu có chọn lọc những yếu tố truyền thống, giúp cho người học, người nghe cảm nhận được tính dân tộc trong đó, tạo cho nghệ thuật đàn phím một bản sắc riêng.

Chất liệu âm nhạc là vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực sáng tác, nó được ví như vật liệu để xây dựng những công trình kiến trúc. Chất liệu âm nhạc còn giúp con người nhận ra bản sắc văn hóa, nguồn cội dân tộc. Trong các tác phẩm viết cho đàn phím điện tử, nhiều nhạc sĩ đã sử dụng và khai thác chất liệu từ âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, tùy thuộc vào bút pháp, nhận thức thẩm mỹ, mà nhạc sĩ sử dụng, khai thác chất liệu đó ở mức độ, quy mô và phương pháp khác nhau. Trong bài viết, tác giả chỉ đưa ra một số nhận định chủ quan về các chủ đề cụ thể như: các tác phẩm ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam; ca ngợi hai cuộc kháng chiến của dân tộc; các tác phẩm trong chương trình giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và một số tác phẩm dân ca vùng miền.

Sử dụng các bài bản, làn điệu dân ca

Trong số những tác phẩm Việt Nam viết cho đàn phím điện tử có sử dụng các làn điệu dân ca, nhạc sĩ thường sử dụng hai thủ pháp chính đó là: lấy nguyên bài dân ca để biên soạn, chuyển soạn, hoặc lấy một chủ đề hay hạt nhân trong các làn điệu dân ca Việt Nam để phát triển, biến tấu. Trong mỗi tác phẩm, sau phần mở đầu, các nhạc sĩ thường giới thiệu ngay vào giai điệu chính của bài và thêm phần kết. Tuy nhiên trong quá trình biên soạn, chuyển soạn các nghệ sĩ còn thêm bè cho giai điệu (tay phải), thêm phần dạo đầu, dạo giữa, phần kết hoặc thêm phần phát triển, phần hợp âm đệm máy của tay trái, kỹ thuật bend...

Đa phần tác phẩm viết cho đàn phím điện tử lấy một chủ đề dân ca, được các tác giả Việt Nam sáng tác theo hình thức biến tấu của khuôn mẫu âm nhạc cổ điển châu Âu, gồm có chủ đề và nhiều biến tấu. Qua từng biến tấu tác giả đã khai thác những tính năng kỹ thuật độc đáo của cây đàn thông qua các thủ pháp sáng tác nhằm tạo hình tượng âm nhạc trong tác phẩm, đồng thời tạo điều kiện giúp người chơi đàn phát huy được kỹ thuật ngón tay.

Như vậy, ở dạng khai thác, sử dụng chất liệu từ các làn điệu bài bản dân ca để biên soạn, chuyển soạn, phát triển, biến tấu, đặc điểm nổi bật là hầu hết các tác giả giữ nguyên phần giai điệu. Việc xử lý hòa thanh, phối khí cho phần đệm hay phần bè được tính toán khá kỹ lưỡng, nhuần nhuyễn để tránh cảm giác thô cứng khi sử dụng hòa thanh theo công năng cổ điển châu Âu. Những tác phẩm theo dạng này đều được sử dụng làm các bài độc tấu trên đàn phím điện tử, có tác dụng giúp những người mới học làm quen và hiểu biết thêm về các làn điệu dân ca Việt Nam.

Sử dụng thang âm truyền thống

Thang âm truyền thống là sản phẩm được sáng tạo, kết tinh có tính lịch sử trong tư duy nghệ thuật của con người qua nhiều thế hệ khác nhau. Bởi vậy, nó có một mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi với những phong tục, tập quán và đặc trưng mang tính dân tộc của mỗi nền văn hóa. Sử dụng thang âm truyền thống nhằm kết nối con người trở về với cội nguồn và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Thang âm truyền thống rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Những chất liệu được khai thác, sử dụng từ thang âm truyền thống Việt Nam chỉ có thể cảm nhận được chứ khó để diễn tả bằng ngôn ngữ, hoặc các quy chuẩn về thang âm, cao độ trên bảy bậc của âm nhạc phương Tây. Trong các tác phẩm viết cho đàn phím điện tử, các nhạc sĩ Việt Nam thường sử dụng thang âm 5 âm (ngũ cung) và khá phổ biến được xem là đại diện cho các vùng miền dân ca tiêu biểu của người Việt. Có bốn dạng thang âm 5 âm thường được sử dụng như:

Thang âm 5 âm loại I (Đô Bắc), còn gọi là điệu Bắc, có tính chất vui, khỏe:

 
 
 

 Thang âm 5 âm loại II (Đô Nam), còn gọi là điệu Nam, thường có tính chất mềm mại, duyên dáng:

 
 
 

Thang âm 5 âm loại III (Đô Xuân), còn gọi là điệu Xuân, thường có tính chất vui:

 
 
 

Thang âm 5 âm loại IV (Đô Oán), còn gọi là điệu Oán, thường được dùng phổ biến trong âm nhạc cổ truyền Nam bộ, có tính chất mềm mại, buồn da diết:

 
 
 

Ngoài ra, qua nghiên cứu một số bài dân ca thuộc các dân tộc vùng Tây Nguyên, chúng tôi thấy có hai dạng thang âm 5 âm chủ yếu thường được các nhạc sĩ Việt Nam sử dụng trong các tác phẩm viết cho đàn phím điện tử như:

Thang âm 5 âm vùng Tây Nguyên loại I:

 
 
 

Thang âm 5 âm vùng Tây Nguyên loại II:

 
 

Sử dụng âm hưởng dân gian để tạo giai điệu mới

Đây thực sự là những sáng tạo của các nhạc sĩ, là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam với các thủ pháp sáng tác châu Âu, cả trong khai thác và xử lý tiết tấu, hòa thanh, khúc thức sáng tác. Tính năng kỹ thuật của nhạc cụ được khai thác triệt để, giá trị thẩm mỹ cũng như giá trị học thuật của tác phẩm ngày càng tiến gần đến các tiêu chí của âm nhạc hàn lâm, tạo màu sắc trong sử dụng hòa thanh cổ điển châu Âu. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho cây đàn phím điện tử tại Việt Nam mang một nét độc đáo riêng và có vị trí khá đặc biệt trong đời sống xã hội hiện nay.

Nhìn chung, các tác phẩm có giai điệu mới mang âm hưởng của âm nhạc dân gian, được viết cho đàn phím điện tử cũng là một khuynh hướng chung trong những sáng tác cho các loại nhạc cụ phương Tây khác ở nước ta và các nước trên thế giới. Những hình tượng âm nhạc được xây dựng trên âm hưởng dân gian luôn tạo cảm xúc cho con người Việt Nam về hình ảnh của quê hương đất nước.

Trong thời kỳ đầu mới du nhập vào Việt Nam, ở những năm 70 TK XX, đàn phím điện tử được sử dụng rất phổ biến trong các phòng trà, quán bar... thời kỳ này cây đàn được sử dụng với vai trò đệm hát, ít người độc tấu, hòa tấu hay truyền dạy, vì trình độ còn hạn chế và ít tài liệu. Sau 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đời sống của nhân dân được nâng cao, người yêu âm nhạc có điều kiện để thưởng thức và tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Năm 1996, Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ cập âm nhạc phổ thông, nên đã có nhiều hơn các tác phẩm Việt Nam viết cho đàn phím điện tử ra đời, công việc biên soạn giáo trình, sách và các công trình nghiên cứu liên quan đến nhạc cụ này cũng được quan tâm đúng mức. Trong đó, phải kể đến các nghệ sĩ tiêu biểu như: Xuân Tứ, Việt Thanh, Lê Vũ, Lưu Minh... và rất nhiều nghệ sĩ khác cũng đi sâu vào tìm hiểu, biên soạn, chuyển soạn và sáng tác nhiều tác phẩm cho bộ môn này. Đó cũng là những người thày tiên phong đóng góp rất nhiều công lao cho việc phát triển bộ môn đàn phím điện tử ở Việt Nam.

Có thể nói, các tác phẩm Việt Nam có hình thức và kỹ thuật phần nào tương đồng với các tác phẩm cổ điển phương Tây, thậm chí có khả năng bổ trợ thêm cho việc giảng dạy một số kỹ năng, kỹ thuật đặc biệt. Cho dù số lượng các tác phẩm còn khiêm tốn, nhưng hoàn toàn có thể đáp ứng được phần nào như cầu tối thiểu trong việc dạy và học cũng như biểu diễn. Xét về khía cạnh giai điệu và các điệu thức ngũ cung, các tác phẩm Việt Nam có phần khác biệt và mang những âm hưởng màu sắc riêng. Các tác phẩm Việt Nam viết cho đàn phím điện tử đã kết hợp được nhuần nhuyễn giữa việc sử dụng các chất liệu, ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam với các kỹ năng, ngôn ngữ, hình thức của âm nhạc cổ điển phương Tây.

Thông qua những tổng hợp, nghiên cứu về chất liệu âm nhạc trong các tác phẩm Việt Nam viết cho đàn phím điện tử, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt khá lớn giữa các tác giả và tác phẩm. Có những tác phẩm được sáng tác bởi các nhạc sĩ đã qua đào tạo chuyên ngành sáng tác một cách bài bản, chuyên sâu, họ cũng chính là các nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng, bên cạnh đó cũng có nhiều tác phẩm chỉ mang tính đối phó và do các nghệ sĩ biểu diễn đơn thuần chứ không được đào tạo bài bản. Chính vì vậy, sản phẩm âm nhạc được sáng tác vừa mang phong cách viết chuyên nghiệp, cấu trúc thống nhất, chặt chẽ, vừa có được sự khai thác tốt về tính năng nhạc cụ và đặc biệt là phải phù hợp đối tượng. Từ đó, trong mỗi tác phẩm âm nhạc cần phải đạt được ba yếu tố hết sức quan trọng, đó là sự hoàn thiện về cấu trúc, âm hưởng đặc trưng của dân tộc và phù hợp đối tượng.

Trải qua năm tháng chiến tranh, các nghệ sĩ Việt Nam đến với cây đàn phím điện tử, đa phần là xuất phát từ tình yêu âm nhạc, tự học, tự vượt lên chính mình để cống hiến cho sự phát triển của cây đàn và để phục vụ cho đời sống tinh thần. Do phần lớn các nhạc sĩ chưa qua trường lớp đào tạo về chuyên ngành sáng tác chuyên nghiệp nên đa phần tác phẩm Việt Nam chủ yếu là chuyển soạn dựa trên các bài dân ca hoặc ca khúc có sẵn, số lượng các tác phẩm sáng tác rất ít. Đặc điểm này dẫn đến việc bị giới hạn về phạm vi, cấu trúc tác phẩm, và sự đa dạng trong ứng dụng các tính năng nhạc cụ. Tuy nhiên, ở góc độ sáng tạo, các nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam cũng đã vận dụng nhuần nhuyễn các thủ pháp để đưa ra những cách thể hiện độc đáo, hiếm thấy, để có thể xây dựng phong cách riêng của tác phẩm Việt Nam viết cho cây đàn. Đây là các yếu tố cần được nghiên cứu, phát triển theo hướng chuyên sâu, tinh xảo và phổ biến hơn. Từ việc phân tích các tác phẩm Việt Nam viết cho cây đàn, phần nào có được sự nhìn nhận khách quan, chân thực về quá trình hình thành và phát triển của cây đàn trong áp dụng dạy học các tác phẩm Việt Nam, thấy rõ được những đặc điểm trội bật cũng như các hạn chế để có thể hoạch định được những giải pháp mang tính toàn diện, giúp làm giàu kho tàng tác phẩm về số lượng và chất lượng, nâng cao hiệu quả trong truyền dạy tác phẩm dân tộc và đóng góp vào quá trình diễn tấu cũng như dạy học bộ môn đàn phím điện tử cho mọi đối tượng người học tại Việt Nam.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Kim Bình, Ngọc Thanh, Các tác phẩm độc tấu soạn cho đàn phím điện tử, tập 1, 2, 3, Nxb TP.HCM, 2010.

2. Việt Thanh, Những tác phẩm chọn lọc cho đàn organ keyboard, tập 1, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1996.

3. Xuân Tùng, Lưu Minh, Tuyển tập tác phẩm Việt Nam soạn cho đàn phím điện tử, Nxb Hà Nội, 1997.

4. Nguyễn Xuân Tứ, Phương pháp dạy và học đàn phím điện tử (electronic keyboard), tập 1, 2, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2004.

5. Lê Vũ, Quang Đạt, Quang Hiển, Độc tấu trên đàn organ keyboard, tập 1, 2, 3, 4, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1998.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Tác giả : THÁI ĐÌNH DŨNG

;