Sự chuyển mình của xiếc Việt

Xiếc là một loại hình nghệ thuật tổng hợp với những động tác kỹ xảo điêu luyện của cả người và thú. Ra đời và xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm, nghệ thuật xiếc cho đến nay đã tồn tại và phát triển qua nhiều giai đoạn với nhiều biến đổi. Trước xu thế phát triển, đổi mới các loại hình nghệ thuật, xiếc Việt ngày một đa dạng, phong phú, kỹ thuật, kỹ xảo biểu diễn được cải tiến, với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến đã đưa xiếc Việt hội nhập chung vào dòng chảy xiếc thế giới nhưng vẫn luôn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, xiếc Việt không ngừng đổi mới, ngày càng đáp ứng được thị hiếu của đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Từ nửa cuối TK XVIII, nghệ thuật xiếc hiện đại đã xuất hiện trên thế giới. Đến TK XIX, những đoàn xiếc bắt đầu thu hút công chúng với nhiều tiết mục phong phú như tung hứng, nhào lộn trên không… Xiếc Việt Nam xuất hiện từ khá sớm so với các loại hình nghệ thuật khác, song mỗi giai đoạn, phạm vi và tốc độ phát triển lại khác nhau. “Ở giai đoạn xã hội chủ nghĩa, xiếc Việt Nam đã phát triển nhanh hơn, phong phú hơn về môn loại, thể loại, ngôn ngữ, kỹ xảo, chương trình tiết mục và tổ chức, đã kết hợp các nghệ thuật phụ trợ như mỹ thuật, âm nhạc, múa, kịch câm, thể dục nhịp điệu, võ thuật dân tộc. Xiếc cũng ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật nên khả năng phản ánh hiện thực được phát huy nhiều hơn, gắn liền với tính dân tộc và hiện đại, mang sắc thái riêng của Việt Nam, phản ánh được những nét tiêu biểu của tính cách, tình cảm và sinh hoạt của dân tộc bằng ngôn ngữ đặc trưng của xiếc” (1).

Đặc biệt, vào đầu TK XIX, khi nhóm tạp kỹ Trung Quốc, gánh xiếc Nhật Bản, đoàn xiếc   Bostock của Anh, đoàn xiếc Rodeo của Mexico, Carnavale de Manila của Philippines… đến Việt Nam, gây ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng đương thời về trò xiếc mới lạ, hấp dẫn, mạo hiểm. Lịch sử ngành xiếc hiện đại Việt Nam ra đời từ hai nhóm xiếc vào ngày 16-1-1956 do ông Phạm Xuân Thư làm đội trưởng với 20 cán bộ và diễn viên tham gia phục vụ đặc thù nhỏ lẻ, đơn sơ. Ngày 15-5-1958, ông Tạ Duy Hiển đã sáp nhập gánh xiếc thú của mình với đội xiếc trung ương. “Thời đó, đoàn xiếc thú của ông Tạ Duy Hiển đã biểu diễn rất nhiều xiếc thú gồm hổ, báo, sư tử, ngựa vằn… Sau khi sáp nhập, đoàn xiếc được dẫn dắt bởi ông Tạ Duy Hiển và lấy tên Đoàn Xiếc Thống nhất (tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện nay), được Bộ Văn hóa chuyển thành đơn vị nghệ thuật do nhà nước quản lý với tổng số 47 người trong biên chế” (2).

Kế thừa phát huy truyền thống từ lâu đời trong dân gian, học tập, tiếp thu những thành tựu của xiếc thế giới, đến nay, xiếc Việt Nam đã có đầy đủ các bộ môn: nhào lộn, tung hứng, đu trên cao, thăng bằng, ảo thuật, hề, các tiết mục tạp kỹ, xiếc thú… và bước đầu thử nghiệm, dàn dựng một số chương trình xiếc theo chủ đề với phong cách hiện đại nhưng trên chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam. Xiếc Việt ngày càng được công chúng trong và ngoài nước đóng nhận. Các đoàn xiếc, nghệ sĩ, diễn viên đã khẳng định được tài năng, tên tuổi bằng các danh hiệu, giải thưởng qua các liên hoan xiếc trong nước và quốc tế. Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập toàn diện với thế giới, các đơn vị nghệ thuật xiếc nói chung, Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói riêng đang không ngừng cố gắng dàn dựng nhiều chương trình xiếc mang tính hội nhập cao, có chất lượng nghệ thuật, phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại. Điều này càng khẳng định vị thế của xiếc Việt Nam trên sân khấu xiếc thế giới.

Tiết mục biểu diễn trong

Liên hoan Xiếc 3 miền 2018. Ảnh Liên Hương

Bên cạnh đó, xiếc Việt cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn về lực lượng sáng tạo quá mỏng, thiếu đồng bộ, cơ sở vật chất, phương tiện chuyên dùng còn thiếu thốn… Xiếc vốn là nghề ngặt nghèo trong khâu đào tạo, lại gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm khi biểu diễn. Với đặc thù tuổi nghề ngắn, xiếc Việt Nam nói chung, Liên đoàn xiếc Việt Nam nói riêng luôn thiếu hụt đội ngũ diễn viên xiếc trẻ, tài năng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chính sách xã hội hóa là xu hướng tất yếu đối với lĩnh vực sân khấu vốn được ủ ấm trong cơ chế bao cấp nhiều thập niên. Việc cắt giảm từng phần ngân sách cấp cho các đơn vị sân khấu công lập để chuyển dịch dần tới đích xã hội hóa hoàn toàn vẫn còn nhiều gian nan. Các đoàn xiếc phải oằn mình, từ gồng gánh sự nghiệp. Người nghệ sỹ vốn chỉ quen tới giờ thì diễn bỗng dưng phải lo tính toán xem diễn ra sao, bán thế nào được vé…

Đứng trước yêu cầu mới của thời đại, nhằm khắc phục những khó khăn trên, các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt các đoàn nghệ thuật xiếc đang nỗ lực không ngừng nhằm mang lại hơi thở mới cho nghệ thuật xiếc nước nhà nhưng vẫn lưu giữ được nét văn hóa dân tộc trong từng tiết mục xiếc.

Xuất phát từ nền tảng xiếc dân gian Việt Nam, tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hóa dân tộc cũng như văn hóa thế giới, một số đạo diễn xiếc đã mạnh dạn sáng tạo, gắn kết các hình thức kỹ xảo xiếc với những cốt truyện dân gian Việt Nam. “Các nghệ sĩ xiếc phải cố gắng tìm đến những hình thức, những thủ pháp nghệ thuật mới nhằm sắp xếp những mảnh trò mang tính kỹ xảo đơn thuần rồi liên kết những mảnh trò thuộc các thể loại khác, tạo nên một tổng thể nhuần nhuyễn, nhất quán theo những nguyên tắc, những quy luật kết cấu của một vở kịch, có tính sân khấu, kịch tính và một cốt truyện như vốn có của một tác phẩm sân khấu”(3). Ngôn ngữ xiếc đã có những biến đổi, sáng tạo đáng kể để hình thành nên thể loại mới: kịch xiếc. Từ đó, nhiều vở kịch xiếc ra đời, được đông đảo công chúng yêu mến.

Những năm gần đây, xiếc Việt Nam liên tục đổi mới, khắc phục được nhiều hạn chế. Xiếc đi sâu khai thác đề tài dân gian, cấu trúc không gian, ngôn ngữ biểu hiện - xiếc hậu hiện đại cùng kỹ xảo điêu luyện, chuyên nghiệp hóa. Trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, ảnh hưởng của công nghệ thông tin có tác động rất lớn tới sở thích, thị hiếu của khán giả. Là một trong những đơn vị nghệ thuật hàng đầu của đất nước, Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn nỗ lực không ngừng để dàn dựng những chương trình xiếc mang tính hội nhập, có chất lượng nghệ thuật cao, phù hợp với yêu cầu của thời đại như: Phiên chợ Ba Tư, Làng tôi, Sơn tinh - Thủy tinh, Đám cưới chuột

Ngày nay, thị hiếu của khán giả cũng thay đổi so với trước. Công chúng mong chờ những màn biểu diễn vừa mang tính giải trí, vừa đảm bảo kỹ thuật, lại mang tính nghệ thuật cao. Để phục vụ đa dạng nhiều đối tượng khán giả, mở rộng đất biểu diễn, năm 2017, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mạnh dạn mời 15 nghệ sĩ xiếc quốc tế của Công ty Xiếc Nhật Bản (Happy Dream Circus) sang Việt Nam diễn với hợp đồng dài 8 tháng trong một chương trình kết hợp hài hòa, đan xen với các tiết mục xiếc Việt Nam. Chương trình biểu diễn đặc biệt này đầy kịch tính, mạo hiểm, táo bạo, hấp dẫn và mang tính nghệ thuật cao như: đu bay, nhào lộn trên không, vòng quay tử thần, mô tô bay trong lồng, phun lửa, đu trên cao…

Tiếp đó, rất nhiều tác phẩm xiếc chất lượng cao ra đời. Chỉ tính riêng năm 2017, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã xây dựng được nhiều chương trình mới như: Hà Nội của những giấc mơ, chương trình xiếc kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng Mười Nga Ký ức trong tôi, Sắc màu thời gian, Cướp biểnĐại hội xiếc thú chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam… Nhiều tiết mục mới được dàn dựng công phu với kỹ thuật cao đã kịp thời được đưa vào biểu diễn để làm mới chương trình như: nhào lộn trên cầu bật, thăng bằng trên xe đạp đế chân, xiếc phi ngựa (Ngày hội xuân của người Mông, Ngày hội thể thao của những chú gấu), tung vòng tập thể (Vũ hội sắc màu), xiếc lợn, xiếc mèo… Các chương trình, tiết mục mới của liên đoàn đã tạo được sức hút lớn không chỉ với khán giả nhỏ tuổi mà cả các bậc phụ huynh, du khách trong nước và nước ngoài.

Ngay từ đầu năm 2018, liên đoàn xiếc đã xây dựng, giới thiệu nhiều chương trình như: Chào xuân 2018 với ngày hội xiếc thú cùng các chú hề. Tiết mục xiếc thú ngày càng đa dạng, không chỉ có xiếc khỉ, chó, mèo, lợn, trăn… mà còn có xiếc vẹt, xiếc đà điểu… Rạp xiếc 1300 chỗ chật kín khán giả vào các buổi diễn Gala xiếc ba miền nhân dịp chào mừng ngày 30-4 và 1-5; Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên nhân dịp tết thiếu nhi 1-6…

Điều đáng ghi nhận khi xem các chương trình xiếc Việt hiện nay không còn là những trò diễn đơn lẻ mà là những chương trình có kịch bản tổng thể, thống nhất từ nội dung, âm nhạc đến trang phục. “Kỹ thuật xiếc thì ở đâu cũng giống nhau, để làm nên bản sắc riêng thì xiếc Việt Nam phải giữ được hồn dân tộc. Bên cạnh việc hiện đại hóa các tiết mục theo xu hướng quốc tế, yếu tố truyền thống luôn được hướng tới, đó là phần âm nhạc, đạo cụ, trang phục... phải thể hiện được chất liệu của người Việt” (4). Các chương trình, tiết mục xiếc không chỉ được nâng cao kỹ thuật mà còn kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật, đẩy mạnh vai trò của người đạo diễn. Chương trình Hà Nội của những giấc mơ (2017) được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân dịp 63 năm ngày giải phóng thủ đô đã mang lại cho khán giả một cách nhìn rất mới về nghệ thuật xiếc. Trong không gian cổ kính và sang trọng của Nhà hát Lớn, những pha trình diễn đầy mạo hiểm, làm thót tim khán giả; những dụng cụ nấu bếp đời thường như nồi niêu, xoong chảo trở thành đạo cụ… được đưa lên sân khấu đầy thú vị. Thông qua ngôn ngữ xiếc, các nghệ sĩ kể nhiều câu chuyện đặc biệt về Hà Nội. Đó không chỉ là một Hà Nội cổ kính, thơ mộng trong tiết trời se lạnh cuối thu, còn là Hà Nội của thời khắc lịch sử những ngày cuối đông năm 1946 giữa bom đạn khói lửa, hay hình ảnh Hà Nội hiện đại ngày nay…

Cho tới nay, các đoàn xiếc Việt Nam đã lưu diễn ở nhiều nơi và giành được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ liên hoan xiếc quốc tế (năm 2017, giải bạc cho tiết mục Tạo hình trên dây da tại Liên hoan Xiếc quốc tế Golden Circus lần thứ 35 tại Ý; giải Mái bạt vàng - giải thưởng cao nhất cho tiết mục nhào lộn trên không Cánh chim Việt…). Ngay cả ở các nước có thế mạnh về xiếc thì những buổi diễn của xiếc Việt Nam vẫn thu hút đông đảo khán giả. Để các tổ chức nước ngoài ký hợp đồng cho xiếc Việt lưu diễn ở nước họ, đòi hỏi buổi biểu diễn phải đạt chất lượng và bán được nhiều vé, đó là việc không dễ. Tuy vậy, “số lần xiếc Việt biểu diễn ở nước ngoài ngày càng nhiều, thậm chí có những năm Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã diễn tới 1.400 buổi trên thế giới trong khi chỉ diễn trong nước hơn 370 buổi”(5). Riêng gánh xiếc Làng tôi, đã biểu diễn nhiều năm tại các quốc gia châu Âu, để lại dấu ấn khó quên trong lòng hàng triệu khán giả thế giới. Trong đó, phải kể đến chương trình phục vụ lễ giáng sinh tại cộng hòa Pháp với sự hiện diện của Tổng thống Pháp cùng phu nhân. Mới đây nhất, hai anh em Quốc Cơ và Quốc Nghiệp đã làm dậy sóng làng xiếc Việt Nam và quốc tế khi liên tiếp có những bài thi ấn tượng tại cuộc thi Britain’s got talent 2018. Hình ảnh Quốc Cơ chồng đầu làm bệ đỡ cho Quốc Nghiệp giữ thăng bằng bước lên những bậc cao như khắc họa hình ảnh người chiến sĩ băng đèo, vượt suối, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước… đã khiến khán giả quốc tế trầm trồ kính phục, khán giả Việt Nam tự hào xiếc Việt.

Không chỉ đổi mới nội dung các chương trình, mà công tác phát triển marketing, đặc biệt, phát triển khán giả cũng ngày càng được chú trọng. Suốt vài thập kỷ qua, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên thế giới rất quan tâm đến vấn đề marketing trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Với sự phát triển bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, sự đa dạng các loại hình văn hóa nghệ thuật, các đơn vị, tổ chức văn hóa nghệ thuật phải nghiên cứu, tìm tòi những phương hướng để phát triển bền vững. Phát triển khán giả đóng vai trò quan trọng đối với các loại hình nghệ thuật nói chung, xiếc nói riêng. Các chương trình nghệ thuật xiếc được dàn dựng, thiết kế theo nhu cầu của khán giả, kế hợp với nặng lực, sở trường của từng đơn vị nghệ thuật xiếc. Nhờ hoạt động phát triển khán giả mà các đơn vị nghệ thuật xiếc luôn chủ động sáng tạo các tiết mục đặc sắc.

Nhằm nâng cao chất lượng các chương trình phục vụ khán giả, bắt kịp xu thế trị trường, Liên đoàn Xiếc Việt Nam thống nhất đưa ra những chiến lược quảng cáo, tiếp thị với mục đích thu hút nhiều khán giả nhanh chóng và trực tiếp nhất. Mỗi năm, liên đoàn đều đưa ra lịch biểu diễn, các chương trình cụ thể trên website. Từ đó, khán giả cũng như các đơn vị báo chí, truyền thông có thể dựa vào để tiếp cận, truyền tải tốt thông tin tới công chúng. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khán giả mua vé, ngoài quầy bán vé tại rạp, liên đoàn xiếc còn bán vé trọn gói theo hợp đồng; bán vé trực tiếp đến trường học, các cơ quan, doanh nghiệp; bán vé trực tuyến qua website, điện thoại…

Đặc biệt, ngày 20-4-2018, lần đầu tiên Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức hội nghị khách hàng nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp, phản hồi của khán giả, khách hàng về chất lượng chương trình; nhu cầu, xu hướng mới để nhanh chóng tiếp cận khản giả, thay đổi hình thức phục vụ tốt hơn. Đối tác chiến lược của liên đoàn xiếc chính là các công ty lữ hành du lịch, công ty tổ chức sự kiện, nhà tổ chức biểu diễn thường xuyên ký hợp đồng biểu diễn lớn. Tại hội nghị, NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi, những người làm ra sản phẩm nghệ thuật rất cần lắng nghe những ý kiến phản hồi từ khách hàng để có thể biết được những sản phẩm mình đưa ra có phù hợp với yêu cầu của người xem hay không. Chúng tôi mong muốn được đối thoại trực tiếp với các khách hàng để cùng tháo gỡ những khúc mắc, tìm tiếng nói chung, đồng hành giữa khách hàng và Liên đoàn Xiếc” (6). Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước đang cắt giảm, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng như nhiều đơn vị nghệ thuật đang đối mặt với nhiều khó khăn. Qua việc tổ chức hội nghị khách hàng, có thể biết được điểm mạnh, điểm yếu của các chương trình xiếc hiện tại. Từ đó, tìm ra cách khắc phục, nâng cao chương trình hơn.

Nghệ thuật xiếc là một thành tố không thể tách rời và chịu sự chi phối của nền văn hóa xã hội đương thời, đồng thời cũng là yếu tố phản ánh, chuyển tải những nét văn hóa từng thời kỳ. Thông qua các tiết mục xiếc, chúng ta có thể giới thiệu tới khán giả trong nước và quốc tế về văn hóa, con người Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi ngày càng xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới, đồng thời chính sách xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật với việc cắt giảm ngân sách nhà nước, xiếc Việt Nam càng phải cố gắng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của đa dạng khán giả. Chính sự mạnh dạn sáng tạo của các đạo diễn xiếc, sự cố gắng không ngừng của các nghệ sĩ, cán bộ trong các đơn vị nghệ thuật xiếc đã và đang mang lại nhiều thành quả mới cho ngành xiếc Việt Nam hôm nay.

_______________

1. Lê Anh, Nghệ thuật xiếc Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1 (77), 1988, tr.33.

2. Toquoc.vn

3. Nguyễn Ngọc Trúc, Những biến đổi trong ngôn ngữ xiếc từ cuối TK XIX đến nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 11 (329), 2011, tr.56, 57.

4. Hanoimoi.com.vn

5. Sankhau.com.vn

6. Phát biểu của NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Hội nghị khách hàng ngày 20-4- 2018.

Tác giả : Nguyễn Liên Hương

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018

 

;