Sự chuyển dịch văn hóa sáng tạo ở Việt Nam - trường hợp văn học mạng

Hiện nay, không gian mạng đã và đang trở thành một môi trường quan trọng cho sự chuyển dịch của văn hóa sáng tạo. Chúng ta dễ dàng nhận ra xu hướng này ở sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của vô số website, diễn đàn và các ứng dụng trực tuyến dành cho việc sáng tác, nghe, xem, chia sẻ, tương tác, bình luận về các tác phẩm nghệ thuật. Thực tiễn đặt ra câu hỏi: sự dịch chuyển của văn hóa sáng tạo ở Việt Nam diễn ra như thế nào, nó ảnh hưởng đến văn học Việt Nam ra sao?... Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu trực tiếp 205 người thuộc nhiều độ tuổi và đối tượng ở Hà Nội có sử dụng thiết bị truy cập internet, nhằm tìm hiểu sự chuyển dịch của văn học mạng ở Việt Nam; dự báo xu hướng phát triển của văn học mạng nhằm đề xuất các chính sách phù hợp.

1. Sự xuất hiện của không gian sáng tạo mới

Tháng 11 - 1997, Chính phủ Việt Nam quyết định chính thức kết nối internet, tạo tiền đề cho việc hình thành báo điện tử, phát triển các trang mạng xã hội, blog, website… Trên hệ thống internet, các văn bản văn học đã chuyển hóa thành một kiểu dữ liệu đặc thù; được truyền đi, hiển thị và kết nối tương tác khi và chỉ khi hệ thống mạng hoạt động. Chỉ cần một máy tính kết nối mạng internet, người ta có thể đọc, viết, công bố các thông tin, văn bản văn chương rộng khắp. Đó cũng chính là tiền đề hình thành, phát triển loại hình văn học mới từ sau 1986: văn học mạng.

Sự kết nối internet đã tạo ra một không gian mạng rộng lớn, không biên giới và văn học đã có sự chuyển dịch sang không gian mới này. Năm 2005, khi mạng xã hội Yahoo! 3600 đi vào hoạt động ở Việt Nam với các tính năng đa dạng, hỗ trợ đắc lực cho các blogger, văn học mạng chính thức trở thành một hình thức sáng tác và công bố tác phẩm mới. Đây được tính là thời điểm mở đầu của văn học mạng. Trong thời kỳ này, các tác giả văn học mạng hầu hết đều rất trẻ. Điển hình trong số đó phải kể đến Trần Thu Trang với Cocktail cho tình yêu (2005), Nhật ký tình yêu TIO (2006), Phải lấy người như anh (2006); Hà Kin với Chuyện tình New York (2007); Phan Anh với Giường (2007); Keng với Dị bản (2008); Gào với Nhật ký son môi (2010); Đặng Thân với 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] (2011)Trong đó, Đi qua thương nhớ (2013) của Phong Việt là tác phẩm thơ đầu tiên thuộc loại hình văn học mạng được giới truyền thông chú ý, miêu tả thành công về mặt tiêu thụ như một “cơn sốt”.

Đặc biệt, những tác phẩm này sau khi thu hút được một lượng lớn độc giả trực tuyến, đã được xuất bản dưới dạng sách giấy, nhanh chóng bán với số lượng lớn và được tái bản nhiều lần. Tính đến năm 2017, Có một phố vừa đi qua phố (Đinh Vũ Hoàng Nguyên) được tái bản 13 lần; Phải lấy người như anh (Trần Thu Trang) bán được trên 10.000 bản trong 3 năm, Nhật ký tình yêu TIO, 99 tuần buôn chuyệnCocktail cho tình yêu của nhà văn này cũng bán được trung bình 3.000 bản/năm; Dị bản (Keng) đã bán trên 12.000 bản trong 1 năm; Trại hoa đỏ (Di Li) cũng phát hành 5.000 bản trong 1 năm. Một số tác phẩm như Người đàn ông có đôi mắt trong, Đi lạc vào thế giới của anh (Cấn Vân Khánh), Chờ tuyết rơi, Đảo cát trắng, Bóng giai nhân (Đặng Thiều Quang) cũng phát hành trung bình 2.000 bản/năm. Đây là con số mà không phải tác giả nào trong nước cũng có thể với tới. Nhiều tác phẩm văn học mạng sau khi được xuất bản thành sách đã giữ vị trí sách bán được nhiều nhất tại nhiều quầy sách của các nhà xuất bản.

Ngoài ra, có rất nhiều người trẻ mới bước vào sáng tác như Nguyễn Dương Quỳnh Anh, Lạc Ngân Thiên, Bạch Tử, Đặng Hằng, Bùi Đình Huệ, Nguyễn Tâm, Hồ Nguyên Trừng… với hàng trăm tác phẩm thuộc thể loại khác nhau.

Từ blog cá nhân, nhiều tác giả đã hướng tới một không gian chuyên nghiệp hơn qua việc xây dựng những trang fanpage, website riêng. Ví dụ, trên trang fanpage của Kawi Hồng Phương có Hội những người mê mệt truyện của Kawi Hồng Phương. Nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi cũng đã nắm bắt xu thế của văn học trên mạng, bắt đầu tạo dựng những website riêng như một kênh giới thiệu, quảng bá tác phẩm đến với người đọc như: Trần Thu Trang (sachcuatrang.com hoặc tranthutrang.net), Vương Trí Nhàn (vuongtrinhan.blogspot.com), Nguyễn Ngọc Tư (nguyenngoctu.net), Phong Điệp (phongdiep.net)... Đặc biệt, sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi khiến văn học mạng ngày càng trở nên sôi nổi với những cuộc tranh luận văn học, ý kiến phản biện, tiếng nói nhà văn, thông tin văn học...

Bên cạnh các blog, website do cá nhân tạo lập, không gian của văn học mạng Việt Nam còn có sự hiện diện của các website và các diễn đàn chính thống hơn. Đó là các chuyên trang văn học, báo điện tử, website của một số hội văn học nghệ thuật, cập nhật những sáng tác, thông tin, lý luận phê bình… Ví dụ như chuyên trang eVăn của báo điện tử VnExpress, trang tin vannghesongcuulong do Ban công tác Nhà văn đồng bằng sông Cửu Long (trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam)…

Có thể nói, sự dịch chuyển từ bút lông sang bút chì, rồi từ sáng tác viết tay (bút mực) sang sáng tác trên máy chữ, rồi đến viết văn, làm thơ trên máy vi tính và truyền bá, phát hành/ xuất bản trên mạng là cả một bước tiến dài, là một sự chuyển dịch lớn của văn học ở Việt Nam.

2. Sự dịch chuyển trong biểu đạt nội dung và hình thức

Kết quả của việc mở rộng không gian của các lĩnh vực nghệ thuật từ ngoại tuyến sang trực tuyến đi cùng với quá trình gia tăng cơ hội tham dự của các tầng lớp xã hội. Internet, với đặc trưng thế giới ảo, đã cho phép văn học trên mạng phát triển một cách tự do, bùng nổ, đào thoát khỏi các tầng kiểm duyệt. Chính sự nhanh chóng, tiện dụng của internet khiến văn học mạng lúc nào cũng đầy ắp các sự kiện, trào lưu mới mẻ nhất. Chẳng hạn, khi văn học chính thống còn dè dặt với đề tài sex, đồng tính... thì văn học mạng đã đi trước rất nhiều với Những đống lửa trên vịnh Tây Tử của Trang Hạ, Một con đĩ yêu nghề của Nguyễn Ngọc Thạch...

Trong giới hạn nhất định, có thể nói, sự phổ biến trên mạng là một lối thoát cho xung đột, hay một cách thức giải tỏa nút thắt trong thế giới thực. Với thế giới thực, khả năng công bố tác phẩm và giới thiệu tác giả là có hạn, trong khi nhu cầu viết của người cầm bút lại vô cùng phong phú. Tự do và đơn giản hơn môi trường thực, internet cung cấp một không gian cho người viết thể nghiệm và cách tân cả về nội dung và hình thức văn học; gia tăng khả năng giao tiếp giữa người viết và công chúng, giúp người viết nhận được phản hồi tức thời từ độc giả để kịp thời điều chỉnh hoạt động sáng tác.

Đặc biệt, internet tạo ra môi trường hoàn hảo cho tự do sáng tác. Trên mạng, người ta dễ dàng đọc và chấp nhận những sáng tác theo thể thức mới, lạ lẫm hơn hay những câu chữ, từ ngữ mà có lẽ khi xuất bản dưới dạng sách in, ít có nhà xuất bản nào dám đăng tải. Ngoài những cây bút có chủ đích trong các sáng tác, còn có các trường hợp ngẫu nhiên, ban đầu chỉ là chia sẻ cá nhân trong các diễn đàn, rồi “vô tình” tạo hiện tượng và được in thành sách, như trường hợp Nguyễn Thị Thu Hiền (webtretho) với Khi lấy chàng hoặc Cu Siu (voz) với Chị ơi, anh yêu em (1). Không những thế, mạng cũng là kênh phân phối, thậm chí là kênh phân phối chính, các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh... đến với người hưởng thụ.

Ở môi trường mạng, nhà văn mạng được tự xuất bản các tác phẩm một cách dễ dàng và nhanh chóng. Khi nghệ sĩ cho ra mắt bất cứ sản phẩm nghệ thuật nào, họ sẽ ngay lập tức nhận được phản hồi của khán giả. Hơn thế, trong không gian của mạng, mọi người dễ dàng kết nối, lập ra các hội, phe, nhóm… Trong các hội lại phân chia theo các tiêu chí như cùng chung sở thích, cùng nghề nghiệp, cùng mê thể thao và chia làm rất nhiều loại khác nhau… Ví như: Hội những người mê phim, trong hội này lại có chia thành hội mê phim Hàn Quốc, hội mê phim Mỹ, hội mê phim dã sử Trung Quốc… Đặc biệt, trong hội những người yêu thích văn học mạng còn có Hội những người đam mê truyện ngược: Ngược! Ngược! Ngược. Thành viên của các hội, nhóm này thường trên dưới một triệu người, số lượt thích trang lên đến vài triệu (2).

Tuy vậy, không gian ảo không phải là hoàn toàn tự do, vì trên thực tế, một số yếu tố về đạo đức và trách nhiệm, rồi các quy ước, luật lệ trên internet đã hình thành và được cộng đồng cư dân mạng thừa nhận (3). Trên trang Wattpad, nhóm Teeny Squad được quy định độ tuổi rõ ràng, loại truyện sẽ công bố. Trong những dịp đặc biệt, nhóm còn tổ chức loại, tuyển thành viên bằng các tác phẩm mới (4).

Xét trên tổng thể, văn học mạng đã góp phần tạo nên tính dân chủ, bình đẳng cả trong hoạt động sáng tạo cũng như tiếp thu, tiếp nhận các giá trị truyền thống và hiện đại.

3. Từ tiếp nhận thụ động sang tiếp nhận chủ động

Quá trình sáng tạo nghệ thuật bao gồm nhiều yếu tố, trong đó yếu tố tiếp nhận đóng một vai trò quan trọng. Hiện nay, ngoài những cách tiếp nhận và thể hiện truyền thống, các mạng xã hội, diễn đàn…, đều có tính năng đo lường phản ứng của khán giả thông qua lượng xem (view), người thích (like) hoặc không thích (dislike). Đặc biệt, đối với văn học mạng việc tiếp nhận không chỉ đơn giản là việc đọc bằng thị giác mà còn đòi hỏi huy động các yếu tố khác của con người như về cảm giác, tri giác, tưởng tượng, thị hiếu... Thậm chí, việc một tác phẩm có được thừa nhận là một tác phẩm văn học hay không phụ thuộc nhiều vào chính bạn đọc - công chúng. Đối với trường hợp của văn học mạng, bên cạnh phương tiện truyền tải, đối tượng tiếp nhận cũng có nhiều khác biệt, kéo theo các hệ quả khác như yêu cầu về nội dung, hình thức của tác phẩm…

Công chúng văn học thời đại nào cũng có các cấp độ khác nhau trong tiếp cận tác phẩm như: đọc, đồng cảm, phê bình, đánh giá. Việc tiếp nhận văn học mạng cũng tuân theo những bước này. Tuy nhiên, với mỗi người khi tham gia vào đời sống văn học mạng, tùy theo mối quan tâm, mục đích và điều kiện của mình, sẽ xác lập một phương thức tiếp cận riêng. Căn cứ vào mức độ chuyên sâu của quá trình tiếp nhận tác phẩm và tương tác với nhà văn, với các chủ thể tiếp nhận khác, chúng tôi tạm phân chia các cấp độ tiếp nhận của người đọc văn học mạng như sau: cấp độ thứ nhất (tìm kiếm tác phẩm), cấp độ thứ hai (đọc), cấp độ thứ ba (bình luận), cấp độ thứ tư (đồng sáng tạo tác phẩm với tác giả). Đây có thể gọi là đồng sáng tạo ở nghĩa bóng (tưởng tượng, suy diễn, mở rộng...) lẫn nghĩa đen (người đọc tự do tùy nghi thêm bớt, bình luận...). Với văn học mạng, độc giả đốt cháy mọi khoảng cách không gian để thường xuyên đối diện trực tiếp với tác giả, là điều độc giả sách in khó có được.

Chính vì vậy, yếu tố đồng sáng tạo của người tiếp nhận ở kiểu hình thức sáng tác văn học này rất dễ nhận thấy. Với tác phẩm văn học mạng, tác giả thường cho ra mắt công chúng theo từng phần (đặc biệt là thể loại tiểu thuyết). Ở đó, bạn đọc có quyền khen - chê với những lý lẽ của mình, đồng thời đưa ra những định hướng cho phần tiếp theo của tác phẩm, chẳng hạn như số phận của các nhân vật, cách xử lý các tình huống, cái kết thúc của tác phẩm. Đây có thể được coi là sự dịch chuyển lớn của văn học mạng. Sự đồng sáng tạo này, phần nào cho thấy rõ người đọc có sự thay đổi cách tiếp nhận: từ tiếp nhận thụ động sang tiếp nhận chủ động.

4. Kết luận

Những bước tiến vượt bậc của khoa học công nghệ cùng với nó là quá trình toàn cầu hóa đã tác động đến mọi mặt đời sống của con người như: kinh tế, chính trị, xã hội, nghệ thuật... Đây cũng chính là yếu tố quan trọng dẫn đến sự ra đời và phát triển các loại hình văn học mạng ở Việt Nam.

Sự ra đời và lan truyền của những tác phẩm văn học mạng đã tạo nên sự chuyển dịch lớn trong văn học ở Việt Nam hiện nay: một là, sự dịch chuyển từ sáng tạo các tác phẩm văn học từ không gian ngoại tuyến sang không gian trực tuyến, sự xuất hiện của không gian sáng tạo mới này đã giúp cho các tác giả dễ dàng đưa tác phẩm đến với độc giả; hai là, sự gia tăng cơ hội tham gia xây dựng nội dung và hình thức cho các tác phẩm văn học của các tầng lớp xã hội vào lĩnh vực văn học đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhà văn và công chúng; ba là, sự dịch chuyển trong nội dung và hình thức đã giúp thúc đẩy quá trình dân chủ hóa.

Điều này được thể hiện rõ thông qua 3 đặc điểm chính: ở môi trường mạng, các tác phẩm nghệ thuật có thể được phát hành mà không phải thông qua khâu kiểm duyệt và cấp phép; người dùng internet được phép không tiết lộ danh tính thực của mình; môi trường mạng có khả năng siêu liên kết, trong đó các yếu tố riêng lẻ của dữ liệu như văn bản, âm thanh, hình ảnh (động và tĩnh) có thể được kết hợp với nhau một cách dễ dàng. Nhờ vào những đặc tính vừa mang tính cá nhân vừa mang tính kết nối này, không gian mạng thực sự trở thành một nơi lý tưởng cho các trải nghiệm nghệ thuật tương đối tự do và dành cho tất cả mọi người.

Với cách thức tiếp cận như trên, chúng tôi nhận thấy rằng, việc từ chối thành tựu của văn minh là điều bất khả thi, nhưng để đưa thành tựu này trở thành một phương tiện hữu ích trong việc phục vụ xã hội lại phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa và nhận thức của người sử dụng. Vì thế, giáo dục bản lĩnh, cách hành xử văn minh, nâng cao trình độ cho độc giả và những người hoạt động sáng tạo là một chiến lược quan trọng trong việc phát triển văn học Việt Nam một cách lành mạnh, bền vững.

_______________

1. Phùng Thị Hiền Lương, Văn học mạng và vấn đề tiếp nhận, Luận văn thạc sĩ Lý luận văn học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, 2014, tr.26.

2, 4. Nguyễn Thị Thu Trang, Tác động của văn học mạng và nghệ thuật trên mạng đối với cộng đồng mạng ở Việt Nam hiện nay, Đề tài khoa học cấp Bộ (2017-2018), tr.245.

3. Phạm Thị Thúy Nguyệt, Xã hội internet và văn hóa Việt Nam đương đại, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM, 2014.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

;