SỰ BIẾN ĐỔI CỦA NGHI LỄ CHẦU VĂN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Hiện nay, nghi lễ chầu văn nói chung và thực hành nghi lễ chầu văn nói riêng có nhiều biến đổi. Sự biến đổi thể hiện trên các phương diện: địa điểm, thời gian, không gian, đối tượng, thành phần tham gia và các bước thực hành nghi lễ. Vấn đề cần bàn luận: biến đổi của nghi lễ chầu văn là một quy luật tất yếu của loại hình di sản văn hóa phi vật thể, phù hợp với nhu cầu, nhịp sống của xã hội hiện đại, cần có sự chọn lọc và điều tiết để tránh vượt ngưỡng, biến tướng, giữ gìn được bản sắc của loại hình di sản - nghi lễ chầu văn.


Nghi lễ chầu văn là một chuỗi những hoạt động trước, trong và sau khi kết thúc một buổi chầu thánh theo một quy tắc, một trật tự nhất định trong thời gian và không gian thiêng tại những nơi thờ thánh. Thực tế cho thấy, những hoạt động trước và sau buổi lễ hầu thánh hiện nay so với trước biến đổi không nhiều. Trước khi hầu thánh ông, bà đồng vẫn phải thực hiện một số điều kiêng kỵ và các thủ tục bắt buộc, sau khi kết thúc lễ hầu thánh vẫn là lễ tạ, xây dựng niềm tin hay kiểm chứng kết quả mà thần thánh mang lại cho cá nhân và bản hội. Sự biến đổi của nghi lễ chầu văn hiện nay thể hiện rõ ở quá trình thực hành nghi lễ và diễn xướng, tức là trong buổi chầu thánh. Khi bàn đến cấu trúc thành tố trong thực hành của nghi lễ chầu văn, các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng bao gồm 3 thành tố cơ bản: địa điểm thời gian và không gian thực hành nghi lễ; đối tượng, thành phần tham gia thực hành nghi lễ; quy trình thực hành diễn xướng nghi lễ chầu văn. 

Về địa điểm thực hành nghi lễ, nếu như trước kia nghi lễ diễn ra ở các di tích như đền, phủ, miếu thì ngày nay ngoài đền, phủ, miếu còn có ở các chùa và điện thờ tư gia. Trước kia, thời gian thực hành nghi lễ thường được tổ chức vào tháng 8 và tháng 3 âm lịch thì ngày nay còn có thể diễn ra vào các ngày, tháng khác trong năm. Về không gian thực hành nghi lễ, cơ bản nghi lễ chầu văn diễn ra ở thờ tự, so với trước đây thần điện hiện nay rất đa dạng, từ thánh mẫu, đức thánh trần, các ông hoàng bà chúa, các cô, cậu đến các vị nhân thần, nhiên thần mang tính chất của vùng miền, địa phương. Ngoài ra còn có thể nhận thấy nghi lễ chầu văn còn được tổ chức thực hiện tại các không gian lan tỏa. Có thể ít thấy một hình thức tín ngưỡng nào của người Việt mà khả năng giao lưu, tích hợp văn hóa của địa phương, của các dân tộc khác nhau lại diễn ra mạnh mẽ như vậy. Đó cũng là lý do để nghi lễ chầu văn phát triển như ngày nay.

Sự biến đổi về đối tượng và thành phần tham gia thực hành nghi lễ cũng diễn ra khá rõ nét, trong đó có pháp sư và vai trò của pháp sư, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử và bản hội. Nếu như trước đây, vai trò pháp sư trong nghi lễ chầu văn truyền thống thể hiện trên một số phương diện: giữ vai trò chủ thể trong nghi lễ chầu văn hầu đồng; cùng cung văn để thôi miên, mê hoặc ông, bà đồng đưa họ vào trạng thái ngây ngất; cúng thỉnh thánh theo một quy tắc, trình tự nhất định (thường là ba ngày); am hiểu chữ Hán, gia đình có truyền thống theo nghề thày cúng, hiểu sâu bản chất của tín ngưỡng, vai trò, vị trí của từng vị thần linh trong hệ thống thờ tứ phủ. Pháp sư trong nghi lễ chầu văn hiện nay đã có những thay đổi rõ rệt, cụ thể: giữ vai trò khách thể (làm nhiệm vụ đơn thuần của một thày cúng); trao nhiệm vụ thôi miên, mê hoặc ông, bà đồng cho cung văn (cùng với sự hỗ trợ của các yếu tố bên ngoài như: âm thanh, ánh sáng, đồ lễ, phục trang, đạo cụ, hương khói...; cúng thỉnh thánh trong một ngày thậm chí vài tiếng tùy theo nhu cầu của tín chủ, bản hội; ít hiểu chữ Hán, thậm chí dùng cả chữ Nôm, chữ quốc ngữ, pháp sư không nhất thiết là gia đình truyền thống theo nghề thày cúng; ít am hiểu về bản chất của tín ngưỡng, vị trí của từng vị thần linh trong hệ thống thờ tứ phủ. Thanh đồng trong nghi lễ chầu văn truyền thống được quy định cụ thể như: thường là bé trai dưới 15 tuổi hay cô gái chưa chồng còn trong trắng; phải ra trình đồng mở phủ vì có căn đồng và thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội; lén lút hành nghề; quan niệm xã hội: kỳ thị, ghẻ lạnh, xa lánh; phải làm nhiệm vụ với quan niệm con nhà thánh phải làm việc thánh. Thanh đồng trong nghi lễ chầu văn hiện nay có nhiều điểm khác trong truyền thống: độ tuổi trung bình trên 30, đã trưởng thành với đầy đủ những yếu tố, điều kiện, tác động của xã hội; chủ động ra hành nghề, thuộc nhóm người có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội; công khai hành nghề với tư cách là một thanh đồng chuyên nghiệp và xây dựng cả một mạng xã hội dày đặc; quan niệm xã hội: sùng bái, cứu rỗi, ban phát, che chở…; tồn tại thành một nghề độc lập, ổn định, có thu nhập cao, làm việc đời hơn việc thánh. Hầu dâng trong nghi lễ chầu văn truyền thống có thể thực hiện hai chức năng: lúc làm hầu dâng, lúc làm hầu chính. Trang phục các giá đồng do thanh đồng chuẩn bị, việc mua sắm do các đồng cựu chỉ định, sắp xếp. Hầu dâng trong nghi lễ chầu văn hiện nay ngoài việc thực hiện một chức năng phục vụ hầu chính còn thêm nhiệm vụ xây dựng mạng lưới con nhang đệ tử, hầu dâng chuyên nghiệp với tư cách nghề, hiện đang dần có xu hướng tự chuẩn bị với quan niệm đi câu phải sắm giỏ do các thanh đồng sắp xếp, mời gọi theo đẳng cấp với thanh đồng. Cung văn trong nghi lễ chầu văn truyền thống được quy định cụ thể: phải là con trai; thực hiện nhiều chức năng trong quá trình thực hành nghi lễ với vai trò chủ thể; nhiệm vụ chính là thỉnh, mời thánh nhập; đàn, hát phục vụ buổi lễ; am hiểu chữ Hán và có khả năng ứng tácnới văn; ít hoặc không có kiến thức âm nhạc cơ bản; thực hiện, tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nghi lễ kể cả hình thức và nội dung bài bản. Cung văn trong nghi lễ chầu văn hiện nay đã có những thay đổi nhất định: cả con trai và con gái; thực hiện một chức năng đàn, hát để phục vụ buổi lễ trong vai trò khách thể; nhiệm vụ chính là tạo sự phấn kích cho thanh đồng và người tham dự đạt đến sự thăng hoa; ít hoặc không am hiểu chữ Hán. Con nhang đệ tử trong nghi lễ chầu văn truyền thống chủ yếu là nữ (thương nhân buôn bán); nhu cầu tín ngưỡng đơn lẻ; mục đích: cầu bình an, sức khỏe, xin thánh lộc rơi lộc vãi. Con nhang đệ tử trong nghi lễ chầu văn hiện nay đã có nhiều thay đổi: gồm cả nam và nữ và nhiều thành phần xã hội khác như: công chức, viên chức; nhu cầu tín ngưỡng mang tính tập thể, bản hội; mục đích: cầu buôn may, bán đắt, cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức…

Sự biến đổi về diễn xướng trong quy trình thực hiện nghi lễ chầu văn, trong đó có biến đổi về làn điệu, nhạc cụ, âm nhạc, múa, trang phục. Về làn điệu hát chầu văn nói chung được cấu trúc nhạc theo phổ thơ, người cung căn giỏi phải am hiểu trên 30 làn điệu chính và có khả năng biến tấu một số các làn điệu biến cách. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến làn điệu đã nhận thấy sự tiếp nhận thêm các điệu lý, hò của vùng núi phía Bắc và Trung, Nam Bộ. Thậm chí còn đưa cả làn điệu dân ca nước ngoài. Nhạc cụ chầu văn xưa chủ yếu là đàn nguyệt, ngoài ra còn có trống, phách, thanh la, cảnh. Ngày nay bộ nhạc cụ còn có thêm sáo, nhị 1, nhị 2, tam thập lục, đàn tam, trống lớn, có nơi còn dùng cả đàn bầu. Tuy âm thanh có phần phong phú và náo nhiệt hơn, song phần nào lại giảm đi tính linh thiêng, huyền bí trong thực hành múa trong tín ngưỡng.

Cùng với sự biến đổi về làn điệu và nhạc cụ, âm nhạc cũng có những biến đổi nhất định. Nhìn chung âm nhạc chầu văn tuy có biến đổi, song vẫn là một thứ âm nhạc thiêng tái diễn thần thế của bóng, tài hoa sống động một thời của thần, thánh khi ở trần gian với bao điều tốt đẹp, làm nhiều việc tốt cho dân, cho nước. Về lối hát, Nam Định là nơi nổi tiếng với lối hát chân phương, mộc mạc, giản dị, dân dã. Song ở một số nơi lại thêm các làn điệu chèo, ca trù khiến âm nhạc chầu văn được chau chuốt hơn, long lanh hơn bởi sử dụng nhiều nốt hoa mỹ. Về múa trong nghi lễ chầu văn có hầu đồng là một thành tố quan trọng, tạo hiệu ứng rõ rệt của một thanh đồng trong buổi thực hành nghi lễ. Bản chất của múa trong hầu đồng xưa chính là phần tái hiện lại cung cách, điệu bộ hoặc công việc của ông hoàng, bà chúa khi ở trần gian. Theo tác giả Lê Ngọc Canh, múa hầu bóng tồn tại theo hai loại, mỗi loại có những yêu cầu và tiêu chí nhất định. Đó là loại múa theo giá đồng có đạo cụ và loại múa theo giá đồng tay không. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, hầu hết các giá đồng đều sử dụng đạo cụ cho phong phú và màu sắc. Mỗi giá đồng tương ứng với một vị thánh, mỗi vị thánh lại có một tính cách, trang phục, đạo cụ riêng. Múa trong nghi lễ chầu văn có hầu đồng hiện nay được cách điệu và phức tạp hơn nhiều, vẫn là các đạo cụ ấy nhưng hầu hết các thanh đồng hiện nay đều vận dụng chất liệu múa cơ bản thông qua băng đĩa hoặc học hỏi ở diễn viên các đoàn nghệ thuật để nâng cao tay nghề. Cụ thể như múa đao kiếm ngày nay đẹp hơn nhiều, họ bắt chước có chủ đích các chất liệu múa truyền thống cơ bản như múa kiếm, loan kiếm, thậm chí cả đế kiếm trong nghệ thuật xiếc. Xét về yếu tố nghệ thuật diễn xướng, trình diễn thì múa trong nghi lễ chầu văn có hầu đồng hiện nay phong phú, đa dạng và đẹp hơn nhiều, song xét về góc độ tâm linh thì yếu tố ngẫu hứng, ứng tác để làm nên loại hình múa thiêng đã phai nhạt và phần nào đó bản chất của các hành động múa trong nghi lễ đã có thay đổi nhất định.

Về trang phục trong nghi lễ chầu văn hiện nay so với xưa cũng thay đổi khá nhiều. Trang phục trong hầu đồng cổ xưa theo lời kể của các đồng cao tuổi ban đầu chỉ là chiếc áo dài, còn lại các giá thánh đều được biểu lộ bằng chiếc thắt lưng các màu để biểu hiện cho các thánh mẫu. Nhìn chung về phương diện trang phục trong nghi lễ chầu văn hiện nay rất phong phú và đa dạng. Tính đa dạng được biểu hiện trong chất liệu, kiểu dáng cùng các yếu tố trang trí kèm theo. Về kiểu dáng, nhìn chung là kiểu áo dài, vạt chéo sang cạnh nách ở những giá hàng mẫu, quan, chầu, ông hoàng. Tuy nhiên có một số trang phục không theo quy luật chung mà phụ thuộc theo lai lịch nguồn gốc xuất thân của thánh. Về hoa văn, thông thường các áo mẫu, chầu đều thêu cửu phượng, áo các quan thêu rồng, hổ phù, áo các ông hoàng thêu phúc - lộc - thọ. Ngày nay có nhiều thay đổi khá rõ nét, cụ thể như bộ cô Đôi thượng ngàn lại thêu thêm hoa, lá, chim, bướm. Bộ cô Bơ thêu cả tôm, cua, ếch… Sự tùy hứng và tùy tiện đó đã làm cho trang phục của nghi lễ chầu văn hiện nay không theo một nguyên tắc nhất quán nào. Đôi khi còn thể hiện sở thích cá nhân của ông, bà đồng chứ không phải thể hiện dấu ấn của các vị thần linh mà họ vào vai. Những tư liệu khảo sát nghiên cứu trong mối tương quan so sánh giữa thực hành nghi lễ chầu văn truyền thống và hiện nay đã làm rõ sự biến đổi của nghi lễ chầu văn trong xã hội hiện đại. Có 4 vấn đề đặt ra cần bàn luận:

Một là, biến đổi của nghi lễ chầu văn là một quy luật tất yếu của loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Sự thay đổi về phương diện lịch sử, kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội của nước ta trải qua các thời kỳ đã là những tác nhân dẫn đến sự biến đổi tôn giáo, tín ngưỡng. Nghi lễ chầu văn là một thực thể xã hội với thiết chế niềm tin, thực hành nghi lễ và sự tồn tại nhờ có sự cố kết cộng đồng, cộng đồng là chủ thể sáng tạo văn hóa và họ có trách nhiệm bảo tồn, trao truyền văn hóa. Phát triển văn hóa, phát triển cộng đồng sẽ trở thành một quy luật tất yếu tác động đến sự biến đổi của nghi lễ chầu văn.

Hai là, có thể nhận định rằng, sự biến đổi nghi lễ chầu văn hiện nay là phù hợp với nhu cầu, nhịp sống của xã hội hiện đại. Trong quá trình biến đổi luôn có tính kế thừa, bảo lưu, phát triển. Quá trình đó đã khẳng định vai trò, vị trí của nghi lễ chầu văn truyền thống và hiện đại trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Qua đó đã làm cho các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống được tỏa sáng trong xã hội hiện đại.

Ba là, sự biến đổi nghi lễ chầu văn - hầu đồng trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa cần có chọn lọc để tránh vượt ngưỡng trở thành biến tướng. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa có thể diễn ra ở ba cấp độ khác nhau, trong đó có tiếp nhận nguyên mẫu, tiếp nhận có chọn lọc, tiếp nhận để biến đổi cho phù hợp với cộng đồng, quốc gia dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa trong xã hội đương đại. Nhìn vào ba cấp độ của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, thông qua quá trình biến đổi thực hành nghi lễ chầu văn cho thấy thực hành tín ngưỡng này đang diễn ra ở cấp độ ba. Vấn đề đặt ra ở đây là nghi lễ chầu văn đã tiếp nhận các yếu tố văn hóa vùng miền để làm phong phú, đa dạng bản sắc riêng của mình trong tổng thể chung của nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt. Tuy nhiên, quá trình phát triển hiện nay không ít người, kể cả các thành viên trong bản hội cũng không hẳn là sự hiện diện của thần linh về ngự giá, mà họ cho rằng đó như một cách làm ăn hiển hiện trong xã hội hiện tại, trong nền kinh tế thị trường, trong đó mọi vấn đề đều quy ra hàng hóa để trao đổi cung - cầu, giá cả, lời - lãi, được - mất. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc vượt ngưỡng làm cho nghi lễ chầu văn - hầu đồng biến tướng sang dịch vụ tâm linh mang yếu tố thương mại hóa. Chắc chắn rằng cần có sự quan tâm đồng bộ của các cấp chính quyền, của nhân dân trên nhiều phương diện, đặc biệt là vấn đề tư tưởng và nhận thức về vai trò, giá trị, bản sắc của loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Bốn là, khi nghiên cứu về sự biến đổi các thành tố của nghi lễ chầu văn cần thiết phải có sự điều tiết hợp lý, đúng với tinh thần, bản chất của nghi lễ này, cũng cần xác định rằng, nếu không có sự điều tiết hợp lý sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ tính đặc thù của tín ngưỡng thờ mẫu. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, với sự biến đổi hầu hết các yếu tố/thành tố cấu thành nghi lễ đã phần nào làm cho nghi lễ chầu văn - hầu đồng nói riêng và tín ngưỡng thờ mẫu nói chung đã và đang bị ảnh hưởng bởi quan niệm điện to, phủ lớn mới sang. Điều đó đã khiến cho phần nào giảm đi sự trong sáng của tục thờ nguyên thủy mang tính nội đạo. Thực tế hiện nay nhiều thanh đồng phần lớn thay đổi ở cách nhập thần, họ hoàn toàn tỉnh táo khi mà theo lý thuyết là đã nhường thân xác để cho thánh nhập. Sự biến đổi diện mạo thần linh đã làm cho các đồng đền, thủ từ lại có sự biến đổi để thích nghi dẫn đến việc nhiều địa phương còn lên đồng những giá thần linh địa phương rất lạ làm cho các cung văn lúng túng khi hát thỉnh mời hoặc ca ngợi công đức thần. Điều đó dẫn đến việc các cung văn, thanh đồng tự do ứng tác, tùy thích theo cách hiểu của mỗi người… Chắc chắn rằng các nguyên tắc, trật tự, lề lối, âm nhạc, múa, phục trang, đạo cụ trong nghi lễ chầu văn - hầu đồng không còn giữ được vẻ nguyên sơ vốn có của nó.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 - 2017

Tác giả : TRẦN HẢI MINH

;