Sông có một vị trí đặc biệt trong tâm thức người Nam Trung Bộ như núi đối với người Tây Bắc, rừng đối với người Tây Nguyên… Tiếp cận kho tàng ca dao Nam Trung Bộ, có thể thấy một hiện tượng thú vị: có hàng trăm bài ca dao nhắc đến hàng chục con sông ở vùng đất duyên hải này. Hầu hết các dòng sông được nhắc đến mang trong mình nhiều giá trị phản ánh, gắn với những quan niệm về cuộc sống, biểu hiện tâm hồn phong phú của con người nơi đây. Hiếm có nơi nào, sông được nhắc đến trong thơ ca dân gian một cách thiết tha, trìu mến, nhiều trường hợp được nâng lên thành biểu tượng như vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Hiện tượng này bắt nguồn trước hết từ đặc điểm địa hình của vùng Nam Trung Bộ. Ở khu vực này, sông là loại hình địa lí tự nhiên khá nổi bật. Hầu như ở mỗi tỉnh, thành đều có một con sông lớn và nhiều con sông nhỏ như: sông Hàn, sông Hoài, Thu Bồn, Tam Kỳ, Trà Khúc, sông Vệ, sông Lại, sông Côn, Đà Rằng, sông Cái (Nha Trang), sông Cái (Ninh Thuận), sông Dinh (Bình Thuận), sông Dinh (Ninh Thuận)... Hệ thống sông ngòi ở Nam Trung Bộ phân bố tương đối đồng đều, là kiểu địa hình phổ biến ở khắp khu vực.
Sông có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân vùng đất này. Nước sông khá trong, lưu lượng ổn định, có vai trò quan trọng trong lưu thông, cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất. Ngoài ra, do địa thế ngắn và dốc, sông ở khu vực này thường gây lũ vào mùa mưa, ảnh hưởng đến đời sống của con người. Bên cạnh đời sống vật chất, sông còn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nam Trung Bộ. Sông là hình ảnh thân thương của quê hương, gần gũi với đời sống thường nhật. Là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, gắn với truyền thống lịch sử, tín ngưỡng của địa phương… Từ dạng địa hình nổi bật, giữ vị trí quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Nam Trung Bộ, sông đã đi vào tâm thức cộng đồng, trở thành một phần máu thịt trong tâm hồn của con người nơi đây.
Khác với sông ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ thường có lưu vực lớn, trải dài qua nhiều địa phương, sông ở Nam Trung Bộ mang tính cục bộ, địa phương rõ nét. Hầu hết sông ngòi ở khu vực này đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Nam và đổ ra biển Đông. Đặc biệt, phần lớn những con sông này chỉ chảy trong địa phận một tỉnh/thành.
Nhắc đến một địa phương nào đó, người ta nhớ ngay đến con sông đặc trưng của vùng đất ấy. Nói đến Đà Nẵng là phải nhắc đến sông Hàn, nói đến Quảng Nam là nhắc sông Thu Bồn, Quảng Ngãi - sông Trà Khúc, Bình Định - sông Côn, Phú Yên - sông Đà Rằng, Khánh Hòa - sông Cái, Bình Thuận - sông Dinh… Vì vậy, sông đi vào tâm thức người Nam Trung Bộ trở thành biểu tượng của quê hương, là hình bóng của quê nhà. Sông là niềm tự hào khi nghĩ về quê hương, niềm nhớ thương khi mong ngóng về quê mẹ của người Nam Trung Bộ. Điều này lý giải tại sao trong thơ ca dân gian ở vùng đất này, có rất nhiều bài nhắc đến các dòng sông với tư cách là biểu tượng của địa phương, bằng giọng điệu thiết tha, tự hào.
Sông Hàn trong ca dao Đà Nẵng: “Quê ta có dải sông Hàn/Có hòn Non Nước, có hang Sơn Trà”. Sông Thu Bồn trong ca dao Quảng Nam: “Quảng Nam có lụa Phú Bông/Có khoai Trà Đỏa, có sông Thu Bồn”; “Sông Thu chẳng thiếu đò đưa/Bùi khoai chợ Được, mát dừa Kiến Tân”. Sông Trà Khúc trong ca dao Quảng Ngãi: “Ai về núi Ấn, sông Trà/Có thương cô bậu ghé nhà mà thăm”; “Sông Trà sát núi Long Đầu/Nước kia chảy mãi, rồng chầu ngày xưa”. Sông Côn, sông Lại trong ca dao Bình Định: “Nước Lại giang mênh mang mùa nắng/Dòng sông Côn lai láng mùa mưa/Đã cam tháng đợi năm chờ/Duyên em đục chịu, trong nhờ quản bao”. Sông Đà Rằng trong ca dao Phú Yên: “Sông Ba chảy xuống Đà Rằng/Ai thương Đắc Lắc cho bằng Phú Yên”. Sông Cái (còn gọi sông Nha Trang) trong ca dao Khánh Hòa: “Sông Nha Trang cát vàng nước lục/Thảnh thơi con cá đục lội dọc lội ngang”.
Trong tâm thức của người Nam Trung Bộ, sông không chỉ là hình ảnh chung mà còn gắn với từng giai đoạn lịch sử của địa phương. Với con người nơi đây, sông được xem là những chứng nhân lịch sử. Đó là những dòng sông từng chứng kiến, ghi lại nhiều sự kiện lịch sử thăng trầm của quê hương. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các dòng sông được nhắc đến trong thơ ca dân gian Nam Trung Bộ đều gắn liền với những biến cố lịch sử quan trọng diễn ra trên chính quê hương nơi con sông ấy chảy qua. Sông Hàn, sông Câu Nhí được nhắc đến với sự kiện giặc Pháp xâm lược, tiến hành các cuộc khai thác thuộc địa ở nước ta: “Đứng bên ni sông ngó qua bên tê sông, thấy nước xanh như tàu lá/Đứng bên ni Hà Thân ngó qua Hàn, thấy phố xá nghinh ngang/Kể từ Tây lại cửa Hàn/Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu”. Sông Con hiện lên trong tâm thức người Quảng Nam gắn với phong trào Cần Vương vào những năm cuối TK XIX, do chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, tục gọi Hường Hiệu lãnh đạo: “Ai lên mấy nhánh sông Con/Hỏi thăm Hường Hiệu có còn đánh Tây”; “Đường đi chín khúc sông Con/Hỏi thăm ông Hường Hiệu có còn hay không”. Sông Trà Khúc trong tâm thức người Quảng Ngãi gắn với những chiến công oanh liệt trước kẻ thù của nhân dân nơi đây: “Ai về Cổ Lũy cô thôn/ Nước sông Trà Khúc sóng dồn lăn tăn”. Sông Côn được xem là dòng sông huyền thoại của người Bình Định. Trong tâm khảm của con người xứ Nẫu, dòng sông Côn luôn gắn với hào khí của vùng đất võ, địa linh nhân kiệt, phong trào Tây Sơn lẫy lừng, cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của Mai Xuân Thưởng: “Ngó vô Linh Đổng mây mờ/Nhớ Mai Nguyên soái dựng cờ chống Tây/Sông Côn khi cạn khi đầy/Khí thiêng đất nước nơi này còn ghi”.
Như vậy, sông hiện lên trong tâm thức người Nam Trung Bộ không chỉ là biểu tượng quê hương mà còn là nhân chứng của lịch sử. Trong ký ức những sự kiện lịch sử trọng đại của địa phương thường gắn liền với dòng sông quê hương. Đúng như Trương Hán Siêu đã viết: “Đến nay nước sông tuy chảy hoài/Mà nhục quân thù không rửa nổi” (Bạch Đằng giang phú). Nhiều địa phương Nam Trung Bộ, dòng sông chính là nơi chứng kiến, ghi dấu thất bại thảm hại của quân thù và chiến công oanh liệt của nhân dân.
Đi vào tâm thức người Nam Trung Bộ, nổi bật nhất là hình ảnh những dòng sông ký thác tình cảm, quan niệm về cuộc sống của con người. Sông giữ vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Nam Trung Bộ. Từ hình ảnh những dòng sông quê hương gần gũi, quen thuộc, có mặt thường xuyên trong sinh hoạt thường ngày, sông đã lặng lẽ đi vào tâm thức cộng đồng, trở thành những biểu tượng của người Nam Trung Bộ. Đồng thời, sông là nơi những người ở đây gửi gắm tâm tư, tỏ bày quan niệm, thể hiện những cung bậc trong tâm hồn.
Sông trong tâm thức người Nam Trung Bộ được xem như mạch nguồn giá trị của con người ở vùng đất này. Đó là mạch nguồn của tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gắn bó cộng đồng, tình nghĩa giữa người với người: “Sông Thu Bồn chảy về cửa Đại/Lạch Bình Tây chảy mãi ra Hàn/Ai về Đà Nẵng, Hội An/Cho ta nhắn gửi đôi hàng tâm tư”; “Sông Tiên nước chảy ngược dòng/Ai về Tiên Phước cho lòng vấn vương”.
Với tính chất bền vững, là dòng nước của đôi bờ, sông trong tâm thức người Nam Trung Bộ đôi khi là sự ngăn cách, nhưng phần lớn là chốn hẹn hò, đích đến của tình yêu, cũng có khi là biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Sông là hình ảnh của sự ngăn cách: “Chẻ tre bện sáo ngăn sông/Đến khi đó vợ đây chồng mới hay/Chẻ tre bện sáo cho dày/Ngăn sông Trà Khúc đợi ngày gặp em”. Sông là hình ảnh của những ước mong: “Cù lao Xanh thương anh ở đảo/Sông Hà Giao dạo khúc tâm tình/Mong sao hai đứa tụi mình/Như mây với nắng bóng hình có nhau; Nước nào trong bằng nước sông Dinh/Đố ai ăn ở chung tình bằng em; Hà Thanh nước mãi trong xanh/Đèo Son thắm mãi mối tình đôi ta/Sông sâu cầu đã bắc qua/Nén hương bên tháp gọi là đền ơn”.
Với tính chất không bao giờ vơi cạn, sông trong tâm thức người Nam Trung Bộ còn là biểu tượng của sự thủy chung, bền vững, trường tồn. Vì vậy, cấu trúc: bao giờ nước sông X cạn được con người nơi đây sử dụng thường xuyên như cách mượn sông để khẳng định tấm lòng mình, đặc biệt trong tình yêu. Ví dụ: “Bao giờ cạn nước Thu Bồn/Ngập chùa Non Nước lời đồn em mới tin”; “Bao giờ cầu Mống gãy đôi/Sông Thu cạn nước em mới thôi thương chàng”; “Cho dù cạn nước Thu Bồn/Hải Vân hóa cát, biển Đông thành đèo/Dù cho cay đắng trăm điều/Cũng không lay được tình keo nghĩa dày”; “Bao giờ núi Ấn hết tranh/Sông Trà hết nước anh mới đành xa em”; “Bao giờ rừng thủ hết gai/Sông Trà hết nước mới sai lời nguyền”; “Bao giờ rừng An Lão hết cây/Sông Lại Giang hết nước thì em đây mới hết tình”.
Gần gũi với đời sống, mang tính chất vững bền, không bao giờ vơi cạn, sông đã đi vào tâm thức của người Nam Trung Bộ với hình ảnh của sự trường tồn, gắn bó, chung thủy. Do đó, trong quan niệm về cuộc sống, đặc biệt trong tình yêu, người dân nơi đây thường lấy sông làm thước đo giá trị, mượn sông để nói thay cho mình. Đây là nét độc đáo ít gặp ở các cộng đồng dân cư khác.
Tóm lại, với số lượng lớn, là dạng địa hình nổi bật ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, sông ngòi có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của con người nơi đây. Gần gũi với cuộc sống, gắn bó với những sinh hoạt thường ngày, từ bao đời nay, sông đã đi vào tâm thức cộng đồng, giữ một vị trí nhất định trong giá trị tinh thần của người Nam Trung Bộ. Sông là biểu tượng của quê hương, là chứng nhân lịch sử, hình ảnh của tình người, thước đo của sự bền vững, thủy chung. Hiếm có nơi đâu như ở Nam Trung Bộ, sông lại có một vị trí quan trọng trong tâm thức cộng đồng như vậy. Điều này phản ánh phần nào đặc trưng tâm lý, tính cách của con người Nam Trung Bộ. Tiếp cận nghiên cứu sông nước từ góc độ văn hóa sẽ giúp chúng ta khám phá được nhiều điều thú vị.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018
Tác giả : PHẠM TUẤN VŨ