M.I.Glinka (1804-1857) là nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga, được công nhận là người sáng lập nền âm nhạc cổ điển Nga; ông đồng thời còn là một thày giáo thanh nhạc, một ca sĩ xuất sắc. Tài năng của M.I.Glinka với tư cách là một ca sĩ, một thày giáo thanh nhạc đã đặt nền móng cho nghệ thuật biểu diễn Nga. Những bản romance, vở opera, ca khúc bất hủ của ông là những bài tập rất có giá trị để phát triển giọng hát. Ông đã để lại một di sản âm nhạc đồ sộ ở nhiều lĩnh vực khí nhạc và thanh nhạc. Trong đó, những tác phẩm Ouverture Điệu Hota vùng Aragon, Đêm ở Madrid và Kamarinskaya đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành giao hưởng Nga. Trong lĩnh vực thanh nhạc, ông đã thành công vang dội với các vở opera: Ivan Susanin và Ruslan và Ludmila.
Ở thời kỳ M.I.Glinka, ông là người đầu tiên phản ánh rõ nét những chủ đề trữ tình, thơ mộng vào romance Nga. 81 tác phẩm romance đã thể hiện rõ những nét tiêu biểu về dân ca Nga và thơ ca của các đại thi hào nổi tiếng. M.I.Glinka là một trong số những nhà soạn nhạc Nga đầu tiên sáng tác dựa trên nền tảng tiếp thu phong cách của một số nước trên thế giới để tạo nên nét riêng cho romance Nga. Đó là bước khởi đầu để romance Nga phát triển, khẳng định vị thế cùng các thể loại âm nhạc khác. Có thể nhận định rằng, M.I.Glinka đã tổng quát được những đặc điểm nổi bật của các nhạc sĩ đi trước và mở ra hướng đi mới cho nền văn hóa âm nhạc Nga.
1. Nội dung và hình tượng
Nội dung và hình tượng trong các romance của M.I.Glinka thường thể hiện chiều sâu về cảm xúc, sự biến đổi về nội tâm của nhân vật trữ tình, những lo âu, trăn trở, sự say mê, hoan hỉ của tình cảm, cảm xúc trần thế đối với người yêu. Trong tác phẩm của ông, cảnh vật thiên nhiên, nhân vật chủ đạo bộc lộ cảm xúc nội tại thông qua những hình tượng trong sáng, giản dị, hàm chứa nội tâm sâu sắc. Có thể nói, ông đã vẽ nên những bức tranh âm nhạc vừa phong phú về hình tượng, vừa đa dạng về nội dung. Điều đó được thể hiện trong các tác phẩm tiêu biểu như: Tôi nhớ phút giây diệu kỳ, Làn gió nhẹ trong đêm, Chim sơn ca, Adel, Ôi nàng tiên xinh đẹp!...
Trong romance Adel, M.I.Glinka đã tạo nên hình tượng cô gái đang ở tuổi trăng tròn, cuộc sống của Adel vốn được nâng niu ấp ủ bởi Hariti và Lel. Trong romance này, cuộc sống của cô bé Adel đã diễn ra trước mắt khán giả với cảnh tượng từ lúc còn nằm nôi cho đến khi trưởng thành. Giai điệu của điệu polka trong tác phẩm dường như được truyền hơi ấm bởi những hồi ức quá khứ. Trong đó vang lên tiếng sáo của Hariti và Lel, khẽ hát cho Adel nghe những lời chúc, những lời dặn dò đầy hạnh phúc trong cuộc sống tương lai của Adel.
Hình tượng Adel hạnh phúc tràn đầy, nhẹ nhàng bay bổng, được tạo ra bởi sự hòa quyện tinh tế của giai điệu. Ở đây, hình tượng người gia sư, người nuôi dạy của Adel lại có những đường nét tính cách mới, một sự thay đổi nội tại hay nói đúng hơn là một sự lo âu, trăn trở. Chính người gia sư lại già đi và thay đổi theo sự lớn lên, trưởng thành của Adel. Có thể, sự trưởng thành của cô gái sẽ làm cô quên mất những tình cảm yêu thương trước kia mọi người đã dành cho mình.
Xuyên suốt tác phẩm, giai điệu chủ đạo quen thuộc của romance này lại vang lên một cách dung hòa và nhẹ nhàng, như một sự trăn trở, một lời căn dặn đối với Adel cần phải tạo dựng từ sâu thẳm trong tâm hồn cô một tình yêu thủy chung đối với nghệ thuật thi ca: “Adel, hãy yêu tiếng sáo của ta”.
Ví dụ 1:
Khó có thể tìm thấy trong nền âm nhạc Nga một romance nào khác được phổ biến rộng rãi và được yêu thích như romance Chim sơn ca (thơ N.V.Kukolnik). Tình yêu của công chúng dành cho romance này có lẽ là bởi những đường nét tuyệt mỹ, sự ngây thơ trong sáng, sự giản dị trong tâm hồn nhân vật thông qua những giai điệu âm nhạc trong tác phẩm. Hình tượng về khúc hát của con chim sơn ca đã thức tỉnh nhân vật trữ tình thể hiện những cảm xúc, tình cảm đối với người yêu của mình. Tác giả đã vẽ nên những đường nét hoa mỹ, điểm tô và các nốt luyến láy, nhấn nhá miêu tả sự tự nhiên của con chim sơn ca.
Nửa cuối TK XIX, tác phẩm Chim sơn ca đã được Mily Alexeyevich Balakiev (người lãnh đạo Nhóm khỏe - nhóm nhạc cổ điển ở Nga) chuyển soạn thành tác phẩm cho piano.
Ví dụ 2:
Ôi! Nàng tiên xinh đẹp của tôi! là một trong những tác phẩm để lại dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác romance của M.I.Glinka. Ông đã viết tác phẩm này dựa theo thơ của N.V.Kukolnik. Tác phẩm có nội dung và hình tượng thể hiện chiều sâu về những cảm xúc của nhân vật trong tấm thảm kịch, kẻ phụ tình và tình nhân của cô gái. Ông đã thể hiện qua lời hát của nhân vật vang lên tới đỉnh điểm của sự ghen tuông, phẫn nộ bằng những âm tiết giật, ngắt quãng, được nhấn mạnh một cách chói tai, đanh sắc.
Ví dụ 3:
Đó là sự ngưng đọng, chết lặng trong tình yêu của nhân vật để đạt tới cực điểm của sự yên bình và hạnh phúc. Nhưng thật bất ngờ, đột ngột, không một lý do, nguyên cớ, không có cả một sự chuyển đổi tâm lý nào, một sự nghi ngờ đầy ghen tuông bỗng trào lên, bùng nổ trong tâm hồn nhân vật. Tác phẩm Ôi! Nàng tiên xinh đẹp của tôi! cho thấy, M.I.Glinka đã đạt được chiều sâu của sự hiểu biết và biểu hiện về nội dung và hình tượng âm nhạc trong tác phẩm mà từ đó, tất cả các phương tiện biểu hiện khác cần phải dựa trên cơ sở đó để thể hiện.
2. Đặc điểm âm nhạc
Romance của M.I.Glinka thường chứa đựng những hạt nhân chủ đề súc tích, phát triển cân đối, hài hòa, có sự phân chia ranh giới chặt chẽ giữa các câu, đoạn. Đây cũng là những chi tiết mà các nhà soạn Nga sau này như: Rachmaninov, Balakirev... đã khai thác. Những chi tiết đó được thể hiện qua đường nét giai điệu: đi ngang, chuyển động bước đi liền bậc hoặc cách bậc theo hình lượn sóng, đôi khi có bước nhảy xa và ngược hướng đột ngột. Cách phát triển giai điệu romance của ông uyển chuyển nhịp nhàng, liên quan đến sự chuyển động âm thanh của phương pháp đồng nhất âm khu. Điều đó đòi hỏi người hát phải có sự rèn luyện một cách nghiêm túc ngay từ giai đoạn đầu, để đáp ứng những yêu cầu về sự tinh tế trong cách hát và xử lý tác phẩm.
M.I.Glinka viết nhiều tác phẩm romance ở dạng đoạn nhạc được nhắc lại từng câu hoặc từng đoạn, tiêu biểu như: Cây bạch đào nở hoa, Đừng hát nữa người đẹp ơi, Lẽ nào tôi quên, Ngọn lửa khát vọng cháy trong máu nóng... Đây là cấu trúc phổ biến trong dân ca của nhiều nước trên thế giới, thường được biểu hiện ở dạng nhắc lại các khổ thơ.
Trong quá trình phát triển giai điệu, M.I.Glinka đã kế thừa những chất liệu âm nhạc dân gian Nga để tạo nên sự giản dị, trong sáng và gần gũi với công chúng lúc bấy giờ. Có thể nhận thấy rất rõ đặc điểm này ở nhiều tác phẩm: Adel, Ôi nàng tiên xinh đẹp...
Tác phẩm Adel được viết theo tiết tấu của điệu polka. Đây là điệu nhảy dân gian phổ biến ở Nga, thể hiện sự linh hoạt, vui tươi, trong sáng, hồn nhiên của nhân vật trong tác phẩm.
Ví dụ 4:
Trong tác phẩm Ôi nàng tiên xinh đẹp của tôi!, sự nhịp nhàng tha thiết của tiết tấu được lặp lại để nhấn mạnh sự uyển chuyển của tiết điệu. Tác phẩm này đã được M.I.Glinka tạo nên những đường nét giai điệu liền kề trong cấu trúc quãng 3, liên quan đến phương pháp đồng nhất âm khu, với tâm điểm là nốt h1. Đây là vị trí trung tâm để phát triển giọng hát tự nhiên và người hát phải tuân thủ việc lấy hơi nhanh nhưng không được giật âm thanh, không được phát ra tiếng hít hơi. Phương pháp đồng nhất âm khu được ông đưa vào tác phẩm này thể hiện qua đường nét giai điệu chuyển động lên xuống quanh âm tâm điểm (h1), giúp cho người học được rèn luyện màu âm bao quanh vùng trung tâm của chất giọng, sau đó được mở rộng dần ở âm vực cao và thấp hơn.
Ví dụ 5:
Nhắc lại là thủ pháp được sử dụng khá nhiều trong romance của M.I.Glinka. Ông thường viết thủ pháp nhắc lại có thay đổi đường nét giai điệu ở cuối câu, cuối đoạn (Tôi yêu nỗi buồn của tôi, Đừng hát nữa người đẹp ơi!..), ở dạng câu 2 nhắc lại nguyên dạng hoặc có thay đổi. Đây cũng là thủ pháp giúp cho người học thói quen chuẩn bị, định hướng giữa các phân đoạn, làm chủ được cách xử lý tác phẩm.
Ví dụ 6:
Tác phẩm Chim sơn ca có hai yếu tố âm nhạc được phân chia tách bạch một cách rõ rệt: Yếu tố chủ đề chim sơn ca và yếu tố chủ quan của nhân vật trữ tình. Trong phần mở đầu, phần giữa và phần cuối của romance đều vang lên các đường nét hoa mỹ, điểm tô và các nốt luyến láy, nhấn nhá như tiếng hót của con chim sơn ca.
Ví dụ 7:
Mô tiến cũng là thủ pháp được ông sử dụng để phát triển giai điệu. Thủ pháp này nhằm mục đích củng cố độ chuẩn xác của cao độ, tiết tấu, đồng thời mở dần âm khu của giọng hát, giúp cho ca sĩ phát triển chất giọng của mình. Đó là phương pháp phát triển giọng hát liên quan đến phương pháp đồng nhất âm khu trong lý thuyết dạy học thanh nhạc mà ông đã đưa ra. Có thể nhận thấy, ông đã khéo léo đưa vào tác phẩm những đường nét giai điệu trên cơ sở của phương pháp đồng nhất âm khu, nhằm hướng đến củng cố và phát triển giọng hát theo phương pháp đồng nhất âm khu, làm cho người học luôn cảm thấy thoải mái và dễ dàng đạt tới sự mở rộng âm vực của âm thanh, đặc biệt là ở giai đoạn đầu mới học.
Âm vực trong các romance của M.I.Glinka dao động từ quãng 8 đến quãng 10. Ông ít khai thác các nốt ở âm vực trầm mà chủ yếu là ở âm vực trung và cao, âm thấp nhất là c1 và cao nhất là g2.
3. Kỹ thuật thanh nhạc và xử lý tác phẩm
Các kỹ thuật thanh nhạc mà M.I.Glinka hướng tới chính là việc nuôi dưỡng và rèn luyện chất giọng. Trên nền tảng này, đòi hỏi ca sĩ phải toàn tâm toàn ý, tập trung vào nhiệm vụ rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc. Nguyên tắc này được M.I.Glinka tuân thủ một cách tuyệt đối.
Từ quan điểm trên, ông đã sáng tác các tác phẩm thanh nhạc nhằm nâng cao chất lượng giọng hát. Romance của ông thường phản ánh quan điểm riêng của mình về việc cần phải làm việc với một nghệ sĩ thanh nhạc như thế nào và người hát phải tuân thủ một cách chính xác các nguyên tắc, phương pháp cơ bản của ông. M.I.Glinka là người đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp đồng nhất âm khu để phát triển giọng hát. Bản chất của phương pháp này là cần bắt đầu việc luyện tập từ âm khu trung, nghĩa là bắt đầu với những âm vực mà giọng hát đó nghe tự nhiên và hay nhất, sau đó dần dần mở rộng phạm vi âm vực, hoàn thiện chất lượng âm thanh của các âm vực còn lại theo cả hai chiều: lên và xuống. Những thanh âm đầu tiên được bắt đầu theo phương pháp của M.I.Glinka được gọi là “quãng giọng tự nhiên” cần được thực hiện mà không cần bất kỳ một nỗ lực, một sự bó buộc thanh âm nào. Kỹ thuật này được M.I. Glinka rút ra từ chính thực tiễn biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc của mình.
Tác phẩm Ôi! Nàng tiên xinh đẹp của tôi! (thơ của N.V.Kukolnik) đã để lại dấu ấn đậm nét trong phong cách sáng tác của M.I.Glinka. Đan xen giữa legato là kỹ thuật staccato sắc nét và các kỹ thuật thanh nhạc buộc người hát phải có cách xử lý khéo léo, chuẩn xác, đặc biệt là ở những điểm nhấn không cố định.
Để đạt được âm thanh hay và đẹp cho tác phẩm, người hát thực sự giải phóng thanh quản và duy trì sự chính xác của từng cao độ. Các cơ trong cơ thể cần được thả lỏng, nén hơi tốt để đẩy âm thanh liên tục và đều đặn.
Ví dụ 8:
Tác phẩm Ôi! nàng tiên xinh đẹp của tôi! cho thấy, M.I.Glinka đã tìm cách khai thác chiều sâu trong chất giọng tự nhiên của ca sĩ, từ đó, tất cả các phương tiện biểu cảm cần phải được dựa vào kỹ thuật của nghệ sĩ thanh nhạc. Bên cạnh quan điểm phát triển tự nhiên của chất giọng, M.I.Glinka còn chú trọng tới cách phát âm. Thông qua phát âm, người nghệ sĩ phải đạt được thanh âm chuẩn xác, nhẹ và tròn đầy, từ đó sẽ tiếp tục mài giũa, trau dồi những kỹ thuật thanh nhạc phức tạp hơn. Vì vậy, với phương pháp của M.I.Glinka, khi học, nghệ sĩ thanh nhạc cần đặc biệt chú ý đến hơi thở, giữ gìn thanh âm tự nhiên của giọng hát, sự rõ ràng của cách phát âm, nhạc tính, tính ngân nga của việc phát âm các ca từ.
Một thủ pháp kỹ thuật quan trọng đối với M.I.Glinka là tạo cho ca sĩ cất tiếng hát ngay lập tức (hát thẳng vào nốt) trong thanh âm ngân rung tự nhiên. Việc cất tiếng hát như vậy đầu tiên được thực hiện đối với các yếu tố đơn giản nhất, sau đó mới mở rộng tới các thanh âm khác. Và chỉ sau khi thành thạo những kỹ thuật này, người học mới có thể chuyển sang luyện tập sử dụng các âm bồi, các nét hoa mỹ thêm thắt (mordent, trills), nhịp điệu nhanh.
Chim sơn ca là một tác phẩm có những yêu cầu về xử lý tinh tế kỹ thuật thanh nhạc. Giai điệu của tác phẩm luôn ẩn chứa những đường nét hoa mỹ, điểm tô và các nốt luyến láy, nhấn nhá cụ thể để khắc họa hình ảnh con chim sơn ca. Và ca sĩ phải thể hiện chính xác một cách tuyệt đối những đường nét hoa mỹ, tinh tế đó. Tác phẩm luôn vang lên giai điệu của những làn sóng dao động, yêu cầu người hát phải thể hiện các kỹ thuật khác nhau của thanh nhạc.
Ví dụ 9:
Để tuân thủ một cách chặt chẽ và thực hiện sự tinh tế theo những diễn tiến của tác phẩm, người ca sĩ cần cảm nhận được sự không ngừng nghỉ, không gián đoạn khúc hát của con chim sơn ca. Romance này sẽ bị mất hiệu quả nghệ thuật nếu người hát quên mất việc nghe, tưởng tượng tiếng hót, tiếng hát của con chim sơn ca, nếu chỉ vướng bận vào những cảm xúc yêu đương của mình. Đây là một trong những tác phẩm tương đối khó, người ca sĩ sẽ thể hiện tốt khi họ đã nắm vững một cách thành thạo các thủ pháp, kỹ thuật thanh nhạc cơ bản.
4. Phần đệm piano
Ngoài phần lời được lấy từ thơ ca, M.I.Glinka rất chú ý tới phần đệm nhằm mục đích hỗ trợ giọng hát, giúp cho ca sĩ giữ vững nhịp và tập trung hơn nữa vào việc thể hiện kỹ thuật thanh nhạc. Romance của M.I.Glinka thường có phần đệm được bắt đầu cùng với phần hát và đệm kết hợp giữa hòa âm và giai điệu là kiểu đệm được sử dụng nhiều nhất. Đôi khi, ông cũng viết giai điệu ở bè trầm họa lại đường nét của phần hát để nhấn mạnh và làm nổi bật hình tượng âm nhạc.
M.I.Glinka chủ yếu khai thác các hợp âm thuận chiều và sử dụng ly điệu để tạo thêm sự thay đổi về màu sắc âm thanh, làm cho ca sĩ thêm cảm nhận sự hài hòa của tác phẩm. Cách đệm như vậy vừa có chức năng duy trì, vừa hỗ trợ cho giai điệu vừa tạo màu sắc hài hòa cho tác phẩm. Với người học thanh nhạc ở giai đoạn đầu thì cách đệm này sẽ giúp cho họ vững vàng hơn về nhịp phách, giúp cho người hát có thể tự tin thể hiện tác phẩm.
Phần đệm trong các Romance của ông còn có tác dụng tô điểm cho giai điệu, tạo hình tượng âm nhạc rõ ràng hơn. Thủ pháp đó làm nổi rõ nhạc cảm và tạo ra sự hài hòa với phần hát. Đôi khi, M.I.Glinka còn viết phần đệm theo kiểu phức điệu để tạo nên sự mới lạ cho tác phẩm. Với kiểu đệm này, ca sĩ sẽ đồng thời phát triển cả các kỹ năng thính giác và nhịp điệu tiết tấu đan xen, đòi hỏi người hát phải vững vàng kỹ năng xử lý tác phẩm. Kiểu đệm này cũng làm cho phần hòa thanh phức tạp hơn.
Đệm hợp âm là cách đệm dùng để giữ nhịp cho ca sĩ hát chính xác nhịp điệu, tiết tấu. M.I.Glinca thường viết kiểu đệm này bằng cách giữ hợp âm kéo dài và đi bè trầm là những nốt của hợp âm để giữ nhịp. Thủ pháp này làm cho phần đệm nghe dày hơn, giúp ca sĩ làm chủ giai điệu và không bị căng thẳng khi hát.
Phần đệm piano của M.I.Glinka thường mang tính phụ họa, dẫn dắt phần hát, nâng đỡ giọng hát, cùng với giai điệu để tạo nên hình tượng âm nhạc, đồng thời bổ sung cho giai điệu thêm bay bổng. Ông thường điểm những nét giai điệu đan xen với hợp âm để làm tôn thêm phần hát. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phần đệm với giai điệu làm cho người hát cảm nhận rõ hơn hình tượng của thơ ca và âm nhạc để thể hiện sự tinh tế trong tác phẩm.
Đệm hợp âm theo kiểu rải là thủ pháp thường được ông sử dụng bằng cách rải các nốt chính của hợp âm trên những quãng rộng, còn bè trầm điểm vào phách mạnh hoặc vào đầu phách để giữ nhịp. Cách rải xuôi chiều được dùng nhiều hơn đảo chiều. Kiểu đệm này được thể hiện khá rõ trong romance Trong không trung bao la:
Ví dụ 10:
Phần đệm của M.Glinka còn thể hiện nghệ thuật xen kẽ luân phiên các câu hát bằng các cú đoạn dừng nghỉ nhỏ trong suốt thời gian của cả một đoạn nhạc. Sự trì hoãn đó là những điều hết sức quan trọng và tinh tế để cho người hát thể hiện kỹ thuật thanh nhạc, khoe giọng hát và sự biểu cảm trong phát âm ở từng ca từ.
Ví dụ 11:
Một trong số các yêu cầu của chương trình đào tạo nghệ sĩ thanh nhạc tại Việt Nam là việc nghiên cứu và biểu diễn romance của các nhà soạn nhạc, giúp phát triển giọng hát một cách toàn diện. M.I.Glinka là một nhà soạn nhạc xuất sắc của trường phái thanh nhạc Nga. Ông xác lập các truyền thống được tiếp tục trong các tác phẩm của P.I.Tchaikovsky, S.V.Rachmaninov và nhiều nhà soạn nhạc khác. Những quan điểm sáng tạo trong tác phẩm của họ đã đại diện cho các cấp độ phát triển. Nếu tác phẩm M.I.Glinka là cần thiết cho cấp độ cơ bản, với những người bắt đầu học thanh nhạc, thì tác phẩm của P.I.Tchaikovsky và S.V.Rachmaninov... đã đạt tới sự phát triển ở mức độ biểu diễn, hoàn thiện, nâng cao các kỹ năng ấy. Một sự phát triển đa chiều như vậy của người nghệ sĩ trong bộ môn thanh nhạc bao gồm việc áp dụng và sử dụng nhiều phương pháp đã vượt qua được thử thách của thời gian để đạt được kết quả tốt nhất.
Đến nay, romance Nga đã trở thành không thể thiếu trong đào tạo thanh nhạc tại các Học viện, Nhạc viện và các trường Nghệ thuật lớn trong toàn quốc. Việc tìm hiểu thể loại romance của các nhạc sĩ Nga nói chung, romance của M.I.Glinka nói riêng, sẽ tiếp tục làm sáng tỏ những giá trị nghệ thuật thanh nhạc, làm tiền đề cho sự phát triển ngành thanh nhạc ở Việt Nam. Đó là điều cốt lõi, cần duy trì và phát huy trong đào tạo để tiếp tục nuôi dưỡng những ca sĩ nguồn - những tài năng ca hát, có thể sánh ngang tầm khu vực và quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trung Kiên, Những vấn đề sư phạm thanh nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2014.
2. Mai Khanh, Sách học thanh nhạc, Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa và Thông tin, Hà Nội, 1982.
3. Hồ Mộ La, Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008.
4. Nhiều tác giả, Педагогические вокальные советы (Những lời khuyên sư phạm thanh nhạc), Nxb Âm nhạc Matxcova, 1962.
5. V.N.Guekov, O.P.Kolovsky, Критика и музыкознание (Phê bình và nhận thức âm nhạc), Nxb Âm nhạc Matxcova, 1980.
6: M.I.Glinka, Романсы и песни, Romances and Songs (Romance của Glinka dành cho giọng hát có phần đệm piano), Nxb Âm nhạc Matxcova, 2004.
Tác giả: Nguyễn Khánh Ly
Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021