Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành mỹ thuật

Ngày 28-10-2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành mỹ thuật.

Thông tư gồm 4 chương, 14 điều nhằm áp dụng đối với viên chức chuyên ngành mỹ thuật làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (gồm họa sĩ làm các công việc: tạo hình con rối; động tác phim hoạt hình; thiết kế trang trí sân khấu; hóa trang, phục trang sân khấu, điện ảnh; phục chế, trùng tu tác phẩm mỹ thuật; thiết kế cổ động trực quan; thiết kế mỹ thuật, dàn dựng triển lãm; thiết kế đồ họa) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngoài tiêu chuẩn chung, Thông tư quy định rõ tiêu chuẩn riêng cho từng chức danh.

Đối với Họa sĩ hạng IV, về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành mỹ thuật; Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật.

Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực mỹ thuật; Nắm được các thành tựu khoa học cơ bản liên quan đến nghiệp vụ; Nắm được các hình thức và phương pháp sáng tác; Biết khai thác, sử dụng 1 chất liệu trong sáng tác; Có khả năng phối hợp với đồng nghiệp trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về mỹ thuật.

Đối với Họa sĩ hạng III, về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành mỹ thuật. Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác phải được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” hoặc được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật; Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật.

Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực mỹ thuật; Nắm được các hình thức và phương pháp sáng tác; Khai thác, sử dụng thành thạo 1 chất liệu trong sáng tác, thể hiện công trình, tác phẩm; Có khả năng phối hợp với đồng nghiệp trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về mỹ thuật; Có khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động mỹ thuật.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng III: Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng IV hoặc tương đương từ đủ 2 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ cao đẳng hoặc từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ trung cấp. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh họa sĩ hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Đối với Họa sĩ hạng II, về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định như chức danh Họa sĩ hạng III.

Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực mỹ thuật; Nắm được kiến thức tổng hợp về các loại hình mỹ thuật; đặc trưng, đặc điểm của các môn nghệ thuật liên quan; các thành tựu khoa học kỹ thuật ở trong và ngoài nước liên quan đến nghiệp vụ mỹ thuật; Nắm được các hình thức, phương pháp sáng tác và các quy trình kỹ thuật nghiệp vụ liên quan; Biết khai thác, sử dụng thành thạo các chất liệu, có kinh nghiệm trong hoạt động sáng tác; Có khả năng nghiên cứu và phối hợp với đồng nghiệp trong tổ chức các hoạt động chuyên môn về mỹ thuật.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng II: Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng III hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng; Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng III hoặc tương đương có ít nhất 1 công trình, tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành cấp Bộ hoặc tương đương công nhận về chất lượng nghệ thuật hoặc được tặng giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp, triển lãm về văn học, nghệ thuật toàn quốc (hoặc cấp quốc gia); Được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” hoặc được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Đối với Họa sĩ hạng I, về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định như chức danh Họa sĩ hạng II và III.

Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực mỹ thuật; Nắm vững kiến thức tổng hợp về các loại hình mỹ thuật; đặc trưng, đặc điểm của các môn nghệ thuật liên quan; các thành tựu khoa học kỹ thuật ở trong và ngoài nước liên quan đến nghiệp vụ mỹ thuật; Nắm vững các hình thức, phương pháp sáng tác và các quy trình kỹ thuật nghiệp vụ liên quan; Khai thác, sử dụng thành thạo các chất liệu; có kinh nghiệm trong hoạt động sáng tác, thể hiện các công trình, tác phẩm; Có năng lực chỉ đạo và phối hợp với đồng nghiệp trong tổ chức các hoạt động chuyên môn về mỹ thuật; có khả năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sáng tạo về lĩnh vực mỹ thuật.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng I: Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng II hoặc tương đương từ đủ 6 năm trở lên. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng; Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng II hoặc tương đương có ít nhất 2 công trình, tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành cấp Bộ hoặc tương đương công nhận về chất lượng nghệ thuật hoặc được tặng giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp, triển lãm về văn học, nghệ thuật toàn quốc (hoặc cấp quốc gia); Được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” hoặc được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật.

Xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật

Thông tư quy định rõ việc thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau: Trường hợp khi tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo tiến sĩ, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng III: xếp bậc 3, hệ số lương 3,00, ngạch viên chức loại A1; Trình độ đào tạo thạc sĩ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng III: xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, ngạch viên chức loại A1; Trình độ đào tạo đại học được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng III: xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, ngạch viên chức loại A1; Trình độ đào tạo cao đẳng được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng IV: xếp bậc 2, hệ số lương 2,06, ngạch viên chức loại B; Trình độ đào tạo trung cấp được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp họa sĩ hạng IV: xếp bậc 1, hệ số lương 1,86, ngạch viên chức loại B.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-12-2022; bãi bỏ Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30-6-2016 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật.

Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới đó.

THANH DANH

;