Ngày 1-11-2022, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam đã ấn nút khai trương Thư mục địa chí trực tuyến.
Mục đích của việc xây dựng và tạo lập CSDL thư mục địa chí các tỉnh, thành phố trong cả nước, trước hết nhằm phục vụ tra cứu trực tuyến dữ liệu thư mục trong cả nước. Đây cũng là một công việc hết sức có ý nghĩa của Hội Thư viện Việt Nam trong việc tham gia chuyển đổi số (theo chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ VHTTDL), phục vụ CMCN 4.0 ở nước ta.
Từ Tổng mục lục/danh mục/ thư mục địa chí này của Hội Thư viện Việt Nam, các thư viện tỉnh, thành phố và bạn đọc của thư viện cả nước có thể tra cứu trực tiếp danh mục các tài liệu địa chí của bất kỳ tỉnh, thành phố nào trong cả nước. Nếu cán bộ thư viện và bạn đọc ở địa phương nào có nhu cầu sao chụp tài liệu địa chí của tỉnh/thành phố nào đó, có thể liên hệ với thư viện tỉnh, thành phố đó để được phục vụ.
Công việc này của Hội Thư viện Việt Nam còn phục vụ cho việc chuyển đổi số trong các thư viện tỉnh, thành phố. Bởi vì mỗi thư viện tỉnh, thành phố muốn làm giàu tư liệu và tài nguyên thông tin (trong đó có tài liệu địa chí của cả nước), có thể tra cứu qua trang web của Hội Thư viện Việt Nam để tìm kiếm các tư liệu mình cần. Từ đó liên hệ với các thư viện tỉnh, thành phố có tư liệu địa chí được phổ biến trên trang web của Hội Thư viện Việt Nam, để có được tư liệu mình cần (bằng cách sao chụp hoặc scaner).
Việc làm này có ý nghĩa, để các thư viện chúng ta thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, thiết thực, nhằm đưa thông tin và tri thức đến với độc giả và cán bộ thư viện cả nước, đóng góp cho sự nghiệp thư viện hiện tại và tương lai. Mỗi tài liệu thư mục địa chí trong danh mục theo ISBD, gồm 8 vùng mô tả thư mục sách, thêm phần tóm tắt nội dung mỗi tài liệu và ký hiệu kho địa chí.
Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới hướng dẫn bạn đọc tra cứu Thư mục địa chí trực tuyến trên trang web của Hội Thư viện Việt Nam
Qua gần 2 tháng triển khai (từ 1-9-2022 đến cuối tháng 10-2022), Hội Thư viện Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của tất cả các thư viện tỉnh/thành phố trong cả nước. Nhiều Thư viện tỉnh/thành phố đã giao cho các bộ phận chuyên môn trong thư viện, triển khai khẩn trương, thực hiện theo yêu cầu và hướng dẫn của Hội Thư viện Việt Nam.
Đến ngày 31-10-2022, Hội thư viện Việt Nam đã nhận được Thư mục địa chí của hơn 40 thư viện tỉnh/ thành phố, với tổng số 40.644 tên tài liệu địa chí. Trong đó, các thư viện tỉnh/thành phố có trên 1.000 tài liệu địa chí như: Thừa Thiên - Huế (3.848 tài liệu); Nghệ An (2.380); Bắc Ninh (2.041); Quảng Ninh (2.001); Đà Nẵng (1.850); Yên Bái (1.712); Hà Tĩnh (1.591); Hải Dương (1.577); Cần Thơ (1.450); Trà Vinh (1.365); Lào Cai (1.354); An Giang (1.285); Thanh Hóa (1.222); Ninh Bình (1.049) và Vĩnh Long (1.043).
Các thư mục địa chí của các tỉnh, thành phố gửi về Hội Thư viện Việt Nam thời gian qua là những danh mục sách, tài liệu địa chí rất có giá trị của các thư viện tỉnh, thành phố, trong đó: có những tư liệu Hán Nôm từ TK XVII-XIII, tư liệu tiếng Pháp, tiếng Anh TK XIX-XX, tư liệu tiếng Việt trước Cách mạng tháng Tám 1945 và nhiều tư liệu từ năm 1945 trở lại đây. Đây có thể coi là bức tranh tổng quát nhất về địa chí Việt Nam (ở dạng thư mục), trong nhiều thế kỷ qua, phản ánh về đất nước, con người, địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh và nhiều nội dung phong phú khác… của các vùng miền, địa phương trong cả nước.
Ngoài ra Hội Thư viện Việt Nam cũng đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban Giám đốc và Phòng Tin học Thư viện Quốc gia Việt Nam để vận hành trang web của Hội trong suốt thời gian qua. Hy vọng đây là món quà tư liệu địa chí quý giá mà Hội Thư viện Việt Nam gửi tới Chi hội thư viện các tỉnh, thành phố và bạn đọc cả nước. Bạn đọc có thể tra cứu tài liệu địa chí tại trang web của Hội Thư viện Việt Nam: vla.org.vn.
HỮU GIỚI