Sau 14 ngày tranh tài sôi nổi và ấn tượng, tối ngày 28-10, tại Nhà Văn hóa tỉnh Hà Nam đã diễn ra lễ Bế mạc và trao giải Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022.
Đến dự buổi lễ Bế mạc, về đại biểu Trung ương có: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông - Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi; Vụ trưởng, Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly - thành viên Ban Chỉ đạo Liên hoan; Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương - Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan.
Về phía tỉnh Hà Nam có: Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy… và đông đảo các nghệ sĩ đến từ 16 đơn vị nghệ thuật tham gia.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ Bế mạc Liên hoan Chèo toàn quốc 2022
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát mang đậm đà tính dân tộc với sự kết hợp nhuần nhuyễn của các yếu tố như hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo. Trải qua thời gian nghệ thuật Chèo đã được nâng lên một mức, mang tính giá trị đời sống hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Nghệ thuật Chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần và trở thành một trong những môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022 cũng là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, Nghị quyết của Đảng về chấn hưng, phát triển văn hóa con người Việt Nam.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá chất lượng của Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ. Sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật Chèo.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng ghi nhận, biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao đã có sự quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn cho các vở diễn của mình; biểu dương các tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên đã khắc phục mọi khó khăn sau đại dịch COVID-19 để đem đến Liên hoan những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao. Liên hoan là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các Hội nghề nghiệp chuyên ngành hoạch định những chiến lược phát triển sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật sân khấu Chèo nói riêng.
Đồng thời ,Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần chú trọng hơn nữa, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để xây dựng nên những vở diễn đạt chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật đáp ứng sự trông đợi của bạn nghề và khán giả.
PGS, TS Trần Trí Trắc thay mặt Hội đồng Nghệ thuật đánh giá tổng kết Liên hoan
Thay mặt Hội đồng Nghệ thuật, PGS, TS Trần Trí Trắc, cũng đã có báo cáo tổng kết, đánh giá chất lượng của Liên hoan lần này. Theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật, dù cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến đâu nhưng thông qua hơn 2 tuần thi tài, 27 vở diễn của 16 đơn vị tham gia Liên hoan vẫn là những công trình mỹ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất Chèo truyền thống, với tính cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú, hấp dẫn. 27 vở diễn của Liên hoan là 27 bài ca về chân, thiện, mỹ. Với hình thức kết cấu: tự sự - kịch tính - trữ tình, có hậu với thủ pháp “miếng trò nối tiếp miếng trò”, “tả thực gắn với ước lệ” tạo cho vở diễn sự đa dạng màu sắc “hỷ, nộ, ái, ố, lạc”.
Có nhiều tác giả khẳng định được bản lĩnh sáng tác như: Doãn Hoàng Giang, Trần Đình Ngôn, Lê Chí Trung, Nguyễn Đăng Chương, Tạ Tuấn Minh, Hoàng Luyện, Lê Thế Song… Thông qua 27 tác phẩm có thể thấy các tác giả đã đắm mình trong đời sống, đã suy tư, trăn trở về cuộc sống và sáng tạo ra những hình tượng đậm chất tính hiện thực, hữu ích cho khán giả và phù hợp với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng.
Để 27 tác phẩm được thăng hoa, hoàn mỹ trên sân khấu Nhà Văn hóa Hà Nam 14 ngày đêm vừa qua không thể không nhắc đến bàn tay “phù thủy” của các đạo diễn: Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Hoàng Quỳnh Mai, Nguyễn Quang Thập, Hà Quốc Minh, Vũ Tự Long, Đoàn Đình Vinh, Hoài Thu… Họ là những đạo diễn có tài, có danh, có phong cách riêng nên những sáng tạo của họ đều mang tính chuyên nghiệp, tính chèo và tính cách tân, sạch sẽ, chỉn chu và hoành tráng. Nhờ các đạo diễn mà họa sĩ cũng đã có nhiều sáng tạo, bắt mắt khán giả và thể hiện khá tốt không gian, thời gian của tích truyện. Đặc biệt một số trang trí đã tham gia vào kịch bản theo thủ pháp “trang trí trong diễn xuất và diễn xuất trong trang trí”, biến trang trí như nhân vật, cùng với các nhân vật hành động, tạo được ấn tượng độc đáo với khán giả. Cùng với các họa sĩ, các nhạc sĩ Hạnh Nhân, Đào Tuấn Hải, Dương Thanh Nam, Đặng Tiến Mạnh, Trần Vinh, Vũ Văn Thiềng… đã sáng tạo theo thủ pháp: ca truyền thống kết hợp với ca khúc cách tân và cùng dàn nhạc đa âm thanh, đa nhạc cụ của dân tộc với hiện đại, thể hiện được không khí, tình cảm, tiết tấu của tác phẩm và múa, hát của các diễn viên, hấp dẫn khán giả.
Nghệ thuật biên đạo múa ở Liên hoan lần này cũng có nét mới mẻ, đó là múa hiện đại đã hòa vào múa dân gian, các biên đạo đã biết kết hợp múa dân gian với múa hiện đại vào những lớp mở màn hay kết vở, phù hợp với âm nhạc, tạo được cảm xúc nhân vât cũng như cảm thụ của khán giả.
Các diễn viên trong 14 ngày đêm đã cháy hết mình cho hình tượng, đã “thổ tận can tràng” bằng “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần”. Xuất hiện nhiều gương mặt nghệ sĩ vừa có năng khiếu bẩm sinh, vừa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp hát đúng nơi, đúng nhịp, đúng tình - cảnh - sự của nhân vật và lôi cuốn khán giả của cơ chế thị trường hôm nay như: Ngô Thị Hồ, Thúy Hà, Bùi Văn Dũng, Lê Thị Hồng Vân, Nguyễn Ngọc Cao, Phạm Thị Hồng Tươi, Hồng Thắm, Trang Nhung, Trúc Mai, Ngọc Ánh…
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cũng chỉ ra những hạn chế của Liên hoan như: “Trước hết, về tác giả, tuy đã xuất hiện một số gương mặt mới nhưng đội ngũ biên kịch Chèo chưa đông, chưa mạnh (ở liên hoan này chỉ có 7 tác giả chính Chèo). Do đó 14 ngày đêm đã qua, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy nhiều tác phẩm có “tích hay, trò lạ”, có hình thức mới mẻ, đột phá, mà phần lớn vẫn là tích cũ, trò cũ, diễn cũ, trang trí, phục trang cũ. Nhiều vở kết cấu lỏng lẻo, thiếu logic, lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu…, hơn nữa, không ít vở chủ đề thiếu tính triết lý nhân sinh, thiếu mới mẻ và phù hợp đương thời.
Đối với đạo diễn, tuy là có nghề, có kinh nghiệm nhưng không ít trong số họ lặp lại chính mình, làm cũ chính mình trong trang trí, trong ca, trong múa… Đặc biệt nhiều nhân vật phụ lấn át nhân vật chính, tính kịch át tính trữ tình hoặc trữ tình lấn át tính kịch, tạo cho vở mang phong cách “kịch cắm ca”… Đối với nghệ sĩ biểu diễn, không ít diễn viên hát phô, hát chênh nhịp, hát sến, quên lời, nói ngọng, rơi đạo cụ trên sân khấu không biết xử lý ra sao, hoặc lúc mất tiếng, lúc micro vang ra những tiếng không cần thiết và quần áo thiếu chỉnh chu…
Hiện thực cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế vẫn chưa vào Chèo và Chèo vẫn chưa thể hiện được xung đột trung tâm, nhân vật trung tâm, hành động trung tâm của thời đại “chuyển dịch giá trị” vào sáng tạo của nghệ sĩ. Nghệ sĩ phải chăng đã đứng ngoài cuộc và đang thờ ơ với cuộc sống “chuyển dịch giá trị đương thời”.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy trao giải xuất sắc cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Lại Xuân Môn và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy trao giải cho các thành phần sáng tạo xuất sắc của Liên hoan
Kết quả, Ban Tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho 41 cá nhân, Huy chương Bạc cho 66 cá nhân, Huy chương Đồng cho 9 cá nhân.
Trao 1 giải Xuất sắc, 6 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng cho các vở diễn. Trong đó, vở diễn xuất sắc nhất được trao cho vở Đất liền và biển cả của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa. 6 Huy chương vàng được trao cho các vở: Linh từ Quốc mẫu - Nhà hát Chèo Hà Nội; Vang bóng một thời (Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân) - Đoàn Chèo Hải Phòng; Khóc giữa trời xanh - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam; Nguyễn Đình Nghị - Nhà hát Chèo Hưng Yên; Mật chỉ giữa hoàng cung - Nhà hát Chèo Quân đội; Thiên duyên huyền tích - Nhà hát Chèo Thái Bình.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao giải thưởng cho thành phần sáng tạo gồm: tác giả, nhà viết kịch, TS Nguyễn Đăng Chương với vở Đất liền và biển cả - Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Đạo diễn, NSƯT Hoài Thu vở Linh từ Quốc mẫu - Nhà hát Chèo Hà Nội; nhạc sĩ Vũ Thiềng vở Đất liền và biển cả - Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Biên đạo múa Ths Hoài Anh vở Vang bóng một thời - Đoàn Chèo Hải Phòng.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao Huy chương Vàng cho các đơn vị có vở diễn xuất sắc tại Liên hoan
Các nghệ sĩ nhận Huy chương Bạc
Ban Tổ chức trao Huy chương Đồng cho các vở diễn
NSƯT Thu Huyền - Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội, một trong những đơn vị thành công nhất tại Liên hoan không giấu được niềm vui mừng, chị chia sẻ: Liên hoan Chèo toàn quốc - 2022 chính là ngày hội của làng chèo, là dịp để các nghệ sĩ được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Liên hoan cũng là dịp để các nghệ sĩ đem các tác phẩm đến trình diễn, giới thiệu với các bạn nghề, khẳng định tài năng của mình đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ được thăng hoa trên sân khấu và được bạn nghề ghi nhận, đánh giá, đó là điều vô cùng quý giá với các nghệ sĩ.
Nhà hát Chèo Hà Nội tự hào là luôn nuôi dưỡng được dàn diễn viên trẻ, tài năng, có thể kế cận thế hệ đi trước vì vậy mà vừa tạo được tiếng vang tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022 với vở Trung Trinh liệt nữ (Huy chương Vàng), Nhà hát vẫn có thể tham gia Liên hoan này với 2 vở: Linh từ quốc mẫu (đề tài lịch sử), Tình mẹ (đề tài hiện đại) và đều đạt giải cao. Linh Từ quốc mẫu đạt Huy chương Vàng. Giải đạo diễn xuất sắc nhất được trao cho NSƯT Hoài Thu (vở Tình mẹ), 3 nghệ sĩ được Huy chương vàng, 7 nghệ sĩ đạt Huy chương Bạc. Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng trao giải Nhạc công xuất sắc cho NSƯT Văn Thắng, Đăng Công, dàn nhạc và chỉ huy Tất Trọng. Cảm ơn Bộ VHTTDL, Cục NTBD, Hội NSSK VN và tỉnh Hà Nam đã phối hợp tổ chức thành công Liên hoan Chèo 2022.
Liên hoan đã khép lại với những thành công ở nhiều góc độ, thế nhưng di sản của nghệ thuật Chèo vẫn mãi còn đọng lại trong lòng khán giả yêu nghệ thuật vùng đất Núi Đọi - sông Châu nổi tiếng với khung cảnh hữu tình, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tươi đẹp và những lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc.
THANH TÂM - Ảnh: VƯƠNG HÀ