Trong hai ngày 27 và 28-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nhiều nội dung đã được các đại biểu thảo luận, tập trung cho ý kiến. Trong đó, lĩnh vực văn hóa đã được các đại biểu quan tâm, nhiều ý kiến cho rằng mức đầu tư cho văn hóa còn thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La): Mức đầu tư cho văn hóa còn rất thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa
Nói về tầm quan trọng của văn hóa, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng: Văn hóa có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, mang tính lâu dài của đất nước, văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vì vậy, phát triển sự nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư. Từ khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 30 ngày 20-7-2004 về đầu tư văn hóa, đó là tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đầu tư cho văn hóa trở thành giải pháp để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi nhận định: “Tôi thấy mức đầu tư cho văn hóa còn rất thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Qua khảo sát và niên giám thống kê của một số tỉnh từ năm 2015 đến năm 2020, chưa có một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa”.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi phát biểu thảo luận
Đại biểu Hoàng Thị Đôi đưa ra biện pháp: để triển khai thực hiện hiệu quả kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, quan tâm tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh): Chấn hưng văn hóa phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người
Cùng đồng tình với quan điểm của đại biểu Đôi ở Đoàn Sơn La về tầm quan trọng phải tăng cường đầu tư cho văn hóa, vì phát triển văn hóa vẫn chưa thật tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Hà - Bắc Ninh nêu lên một số ý kiến:
Song song với phát triển kinh tế, việc xây dựng và phát triển văn hóa đã được quan tâm hơn nhiều, thể hiện qua các chương trình triển khai Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại các địa phương. Hội nghị văn hóa toàn quốc đã có tác động rất lớn, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành văn hóa cũng như ở các địa phương. Tại Bắc Ninh, tỉnh đã ban hành Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển văn hóa con người Bắc Ninh và tổ chức Hội nghị văn hóa toàn tỉnh. Tôi cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu Đôi ở Đoàn Sơn La về tầm quan trọng phải tăng cường đầu tư cho văn hóa, vì phát triển văn hóa vẫn chưa thật tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng phải tăng cường đầu tư cho văn hóa
Công cuộc chấn hưng văn hóa luôn phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, trong đó trọng tâm là thế hệ trẻ, bởi họ là nguồn lực chính trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, hành vi của họ sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hành vi văn hóa của cộng đồng. Thanh niên hiện nay được tiếp cận công nghệ rất sớm, số lượng người trẻ đông đảo sử dụng mạng xã hội ước tính là 71% người dùng, vì vậy, vấn đề văn hóa số rất cần được quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà đã đề cập đến những tồn tại trong ứng xử của thanh thiếu niên trên không gian mạng: Sự ảnh hưởng của những người trẻ nổi tiếng là thần tượng của đông đảo người hâm mộ có độ phủ rộng và ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ, họ chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật với vai trò như ca sĩ, diễn viên, người mẫu. Tuy nhiên, cách ứng xử của những thần tượng trẻ tuổi đôi khi lại gây ra rất nhiều quan ngại. Người hâm mộ trẻ thì đang ở lứa tuổi hình thành nhân cách, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, chưa phân biệt được giá trị thật, ảo của vô vàn thông tin trên mạng, dễ bị lôi cuốn vào những điều mới mẻ. Do vậy, những hành vi ứng xử lệch chuẩn của những người nổi tiếng dễ định hướng sai lệch trong việc hình thành nhân cách cho những người hâm mộ trẻ tuổi... Vì vậy, họ cần phải có trách nhiệm với những phát ngôn trên báo chí, mạng xã hội và cũng cần phải có trách nhiệm đối với hành vi và lối sống của mình.
Những nguồn thu nhập khủng từ các nền tảng trực tuyến như trên YouTube, Tiktok, Facebook tạo ra nhiều trào lưu. Bên cạnh những video có giá trị về giáo dục, văn hóa tinh thần thì lại có nhiều bạn trẻ, để nhanh chóng đạt được những mục tiêu tài chính như mong ước, thể hiện trên kênh cá nhân của mình lại không phải là tài năng để đem lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng mà là những nội dung phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, bạo lực, chỉ để câu like, câu view. Việc bất chấp để nổi tiếng theo cách này thể hiện lối sống thực dụng, suy thoái về tư tưởng của người tạo ra video. Đáng lo ngại là những video này lại dễ dàng thu hút sự chú ý của thanh niên, thậm chí nhiều trẻ em hằng ngày vẫn lướt xem. Hệ lụy là một bộ phận người xem là thanh thiếu niên sẽ có suy nghĩ lệch lạc rằng không cần phải chăm chỉ học hành, tu dưỡng đạo đức, chỉ cần làm những video giật gân là sẽ nổi tiếng và sẽ kiếm được nhiều tiền.
Ngoài ra, việc lướt xem các video có nội dung xấu, độc như vậy thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, dễ dẫn tới những hành vi không chuẩn mực của những thanh, thiếu niên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ án thương tâm xảy ra gần đây do người trẻ gây ra vì những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn tình, tiền. Đáng báo động hơn là thực trạng nhiều người, trong đó có các bạn trẻ khi chứng kiến các vụ bạo lực học đường, tai nạn giao thông hay những vụ án mạng lại có thái độ vô cảm, thản nhiên phát livestream, quay clip đưa lên mạng, thay vì hỗ trợ hoặc báo cho các cơ quan chức năng đến ứng cứu.
Quang cảnh phiên họp
Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Hà đưa ra một số kiến nghị: Một là, văn hóa đòi hỏi quá trình lâu dài để nuôi dưỡng và phát triển, để đạt được kết quả mong muốn thì cần phải có hành động cụ thể. Đề xuất Chính phủ cần chú trọng phát triển văn hóa khi triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua; sớm ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong báo cáo của Chính phủ là phát triển văn hóa phải được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tiến bộ, công bằng, xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hai là, cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa. Hạn chế và kiểm soát những video, những tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc, nghiêm trị những tổ chức, cá nhân có hành vi gây nguy hại cho cộng đồng. Đồng thời, có những chính sách ưu đãi đối với các nền tảng có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ngăn chặn những video hoặc bài đăng có nội dung độc hại; Ba là, có chế tài xử lý thích đáng và đủ sức răn đe với những trường hợp nghệ sĩ có phát ngôn, cư xử, lối sống không phù hợp, không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của giới trẻ.
Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước): Sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết của Quốc hội
Đề cập về phát triển văn hóa, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đánh giá: Trong giai đoạn trước, đầu tư cho văn hóa chủ yếu thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, sau khi chương trình này kết thúc năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm, nhưng luôn ở mức thấp. Trong khi năm 2022, Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện hoặc chưa được giải ngân. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Đại biểu Phan Viết Lượng: nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn thấp
Đại biểu Phan Viết Lượng đề xuất: Để phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành. Trong đó, cần ưu tiên các chính sách, giải pháp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật; xây dựng môi trường con người văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết 572 ngày 18-8-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội