Sáng ngày 26-10-2022, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành VHTTDL. Hội nghị - Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Dự và chủ trì Hội nghị - Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Trưởng ban thường trực ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ VHTTDL; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng - Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Hội nghị - Hội thảo còn có sự tham dự của hơn 120 đại biểu là đại diện các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL, Bộ TTTT, các Bộ, Ban ngành, các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Hội nghị - Hội thảo đã thu hút được gần 40 tham luận công phu, tâm huyết về chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực của Bộ VHTTDL, từ di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số. Các tham luận đã cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành VHTTDL.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi số được xác định là một trong ba giải pháp đột phá chiến lược để xây dựng một Việt Nam hùng cường thịnh vượng để đến năm 2045, kỷ niệm tròn 100 năm thành lập nước, Việt Nam chúng ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, điều này đã được kết tinh trí tuệ của toàn đảng, toàn dân ghi trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương vui mừng chia sẻ, thời gian qua, việc chuyển đổi số quốc gia tại Bộ VHTTDL đạt được nhiều kết quả tích cực. Thứ nhất, nhận thức và hành động về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Thứ hai, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số của Bộ. Thứ ba, hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành VHTTDL như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch. Thứ tư, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích. Thứ năm, công tác đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng. Thứ sáu, nguồn lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo đã tăng hằng năm.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: BTC
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả chúng ta đạt được chưa đồng đều ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, nhiều chỉ tiêu đạt được còn thấp so với mục tiêu đến năm 2025.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL về Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong thời gian tới đây và để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong ngành VHTTDL, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị - Hội thảo hôm nay với mong muốn tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các sở VHTTDL trên cả nước tham dự Hội nghị tại Hội trường này và qua các điểm cầu trực tuyến tập trung lắng nghe những kinh nghiệm, những thông tin khoa học mới nhất về chuyển đổi số hiện nay và chặng đường chuyển đổi số của ngành trong những năm tới. Đồng thời, tích cực trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị để cùng các chuyên gia tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu, bước đi chắc chắn để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới của Bộ VHTTDL, và đạt được những chuyển biến rõ rệt trong ngành chúng ta.
Thứ trưởng cũng tin tưởng sau Hội nghị - Hội thảo quan trọng này, sự nhìn nhận về tầm quan trọng của chuyển đổi số sẽ có vai trò dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: BTC
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đề nghị, chuyển đổi số ngành VHTTDL cần tập trung vào ưu tiên triển khai các nền tảng số dùng chung trong phạm vi toàn ngành toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh về 3 nền tảng số quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các chương trình chiến lược quốc gia và trong kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số:
Thứ nhất là nền tảng số về du lịch số, quản trị và kinh doanh du lịch. Nền tảng du lịch số, quản trị và kinh doanh du lịch cung cấp một hạ tầng mới cho hàng triệu doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú và cơ sở du lịch trên cả nước. Nếu như trước đây ứng dụng công nghệ thông tin là mỗi cơ quan tổ chức thì triển khai một hệ thống thông tin riêng lẻ, độc lập thì nay chúng ta có thể sử dụng một nền tảng dùng chung giống như điện, nước. Nếu như trước đây, mỗi một hệ thống thông tin chỉ giải quyết một nhiệm vụ du lịch cụ thể thì nay nền tảng số sẽ cung cấp đầy đủ các tính năng quản trị cơ bản kết nối các bên liên quan trong cả một hệ sinh thái, cung cấp sản phẩm dịch vụ và mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch số một cách hoàn chỉnh từ đầu đến cuối và thông suốt. Nền tảng số cũng thay đổi mô hình đầu tư, quản trị, vận hành các hạ tầng ứng dụng công nghệ và đặc biệt là việc bảo đảm an toàn thông tin. Như chúng tôi vẫn nói là nền tảng số được cung cấp như một dịch vụ giống như điện, giống như nước, dùng bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu, giúp tối ưu hóa đầu tư, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lữ hành hay các cơ sở du lịch nhỏ và vừa trong lĩnh vực này. Với việc sử dụng nền tảng số thì các doanh nghiệp du lịch có thể tập trung nguồn lực để phát triển các mô hình kinh doanh mới sáng tạo, thay vì phải sử dụng nguồn lực cho công nghệ.
Thứ hai: nền tảng dữ liệu số du lịch, chuyển đổi số, là chúng ta thay đổi cách làm, dựa trên công nghệ số và dữ liệu số, trước đây chúng ta làm như thế nào thì bây giờ làm khác đi nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Vì vậy dữ liệu là yếu tố đầu vào quan trọng cho việc đổi mới mô hình hoạt động, cung cấp dịch vụ và từ đó hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh. Nền tảng dữ liệu số cho ngành Du lịch được kỳ vọng cung cấp những thông tin, dữ liệu tài nguyên du lịch đã được số hóa, dữ liệu số về các tour du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và thị trường du lịch Việt Nam. Cơ quan nhà nước đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng dữ liệu mở và mở dữ liệu để các doanh nghiệp du lịch có thể tối ưu hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ và đưa ra các gói ưu đãi cho khách du lịch. Trong kỷ nguyên số thì chúng ta cần đặc biệt lưu ý vai trò của du khách trong việc bổ sung cập nhật thông tin dữ liệu thông qua việc tương tác một cách tự nhiên với các ứng dụng du lịch số, phát huy sức mạnh của cộng đồng, có như vậy thì dữ liệu của chúng ta mới đáp ứng được các tiêu chí về đúng, đủ, sạch, sống. Dữ liệu mới có giá trị để phân tích, dự báo và hoạch định chính sách.
Thứ ba, nền tảng mô hình hóa đa chiều, phục vụ phát triển bảo tàng số, chuyển đổi số là đưa các hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số. Chuyển đổi số ngành VHTTDL là thúc đẩy số hóa các di sản văn hóa hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có sự hiện diện số và hình thành bản đồ di sản số để người dân, du khách có thể thuận lợi các truy cập trên môi trường số. Công nghệ thực tế ảo cũng cho phép tổ chức các tour trải nghiệm trực tuyến từ xa, người dân trên toàn thế giới chưa có điều kiện đến Việt Nam nhưng vẫn có thể tiếp cận, trải nghiệm các giá trị văn hóa Việt Nam, không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ. Đây cũng là thực hiện sứ mệnh của ngành bảo tồn di sản và đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới.
Đây là 3 nền tảng quốc gia quan trọng mà trong các chương trình chiến lược quốc gia và trong kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã đặt đầu bài và giao nhiệm vụ cho ngành VHTTDL.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phấn khởi khi ngành VHTTDL cũng đã bước đầu triển khai những nền tảng số này, tuy nhiên chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu tiên, kết quả và là thước đo cuối cùng, sự thành công của những nền tảng này và chúng ta sẽ thu hút được bao nhiêu người sử dụng hằng ngày, bao nhiêu người sử dụng hằng tháng, mang lại giá trị thiết thực cho tất cả mọi người cũng như cho du khách.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng khẳng định, Bộ TTTT với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cùng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ luôn cam kết, đồng hành với Bộ VHTTDL trên chặng đường chuyển đổi số này.
Tại Hội nghị - Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 13 tham luận, chia thành 3 nhóm chuyên đề: Số hóa tài nguyên văn hóa; Du lịch số và Thể thao số; Chuyển đổi số góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh trình bày tham luận
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền trình bày tham luận
Tại nhóm chuyên đề Số hóa tài nguyên văn hóa: TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ về vấn đề “Xã hội hóa và công tác phát huy giá trị hiện vật bảo tàng trên môi trường số - Kinh nghiệm từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”; PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trình bày tham luận “Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên môi trường số”; Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tổng Công ty viễn thông Mobifone trình bày “Giải pháp chuyển đổi số của Mobifone cho ngành Du VHTTDL”; với tham luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế TS Phan Thanh Hải trình bày tham luận về “Định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy trình bày tham luận
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu trình bày tham luận
Nhóm chuyên đề về Du lịch số và Thể thao số: Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Phạm Văn Thủy trình bày tham luận “Kết nối di sản và danh thắng trong du lịch số”; TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ về “Hoạt động chuyển đổi số tại di tích Văn Miếu”; Giám đốc Trung tâm Giải pháp, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT Vinaphone) Đặng Thanh Hưng trình bày tham luận “Ứng dụng định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch”; PGS, TS Trần Hiếu, Viện trưởng, Viện Khoa học Thể dục thể thao chia sẻ về việc “Ứng dụng chuyển đổi số trong nghiên cứu khoa học Thể dục thể thao”; Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Tư vấn Chuyển đổi số - Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel Trịnh Thị Lan tham luận về “Giải pháp phát triển kho dữ liệu số về Di sản Văn hóa”.
Giám đốc Trung tâm Giải pháp, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT Vinaphone) Đặng Thanh Hưng trình bày tham luận
Viện trưởng, Viện Khoa học Thể dục thể thao Trần Hiếu trình bày tham luận
Nhóm chuyên đề Chuyển đổi số góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia: Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng trình bày tham luận “Chuyển đổi số trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan”; TS, NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ về “Điện ảnh chuyển đổi số và tình yêu phim Việt”; nhà báo Trần Mai Anh, Người sáng lập quỹ Thiện Nhân và những người bạn tham luận về “Những xu hướng mới trong chuyển đổi số ngành văn nhóa, du lịch”; Giám đốc Dự án, Công ty Giải pháp Chuyển đổi BKAV Nguyễn Xuân Đoàn trình bày về “Phương pháp luận chuyển đổi số”.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng trình bày tham luận
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà trình bày tham luận
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm huyết, khoa học từ thực tiễn đã và đang diễn ra trong cuộc sống, các đơn vị tham luận đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi vì vấn đề số hóa đã được Lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm chỉ đạo từ rất sớm, ngay khi Chính phủ điện tử được triển khai. Trong một thời gian ngắn, các hoạt động chuyển đổi số trong ngành VHTTDL đã được triển khai thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, di sản, bảo tồn, bảo tàng…
Những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành VHTTDL, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch COVID-19. Hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà trong mùa giãn cách nhưng vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là “đi” du lịch tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột. Hay khi thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ nổi tiếng của ngành Văn hóa biểu diễn trực tuyến, hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu của ngành thể thao...
Trên cơ sở Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, các nền tảng số, hệ thống thông tin và dữ liệu số đã và đang được Bộ VHTTDL thực hiện đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho người lao động thuộc Bộ. Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã và đang từng bước chuyển đổi sang môi trường số. Các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết nối hệ thống Một cửa điện tử của Bộ; hệ thống thư điện tử; chữ ký số… đang được triển khai mạnh mẽ tại Bộ; đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin…
Các tham luận cũng nêu lên một số hạn chế cũng như những khó khăn và bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành VHTTDL.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương vui mừng chia sẻ, mỗi cơ quan đơn vị, mỗi địa phương cũng đã có bước đi, cách làm của mình để hòa chung với quá trình chuyển đổi số quốc gia, điều này có thể thấy ở các bài tham luận của các cơ quan, địa phương như Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám đã nhiều năm làm số hóa các văn bia của Văn Miếu, phát huy giá trị chuyển đổi số trong phục vụ tham quan du lịch cũng như ở Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh 2 năm vừa qua, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng làm thúc đẩy nhanh thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Chúng ta thấy rằng, các bảo tàng, các trung tâm di tích cũng đã hoạt động một phần nào, hay là các trung tâm nghệ thuật biểu diễn, từ đó chúng ta thấy rằng dịch bệnh có một phần tiêu cực nhưng cũng có tác động tích cực đến việc chuyển đổi số như là nhu cầu bắt buộc.
Thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL, đã xây dựng một số các dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới, là nền tảng để chúng ta thực hiện chuyển đổi số. Đó là dự án về nền tảng cơ sở dữ liệu, dự án nền tảng bảo tàng số về các di sản văn hóa và nền tảng về triển khai nhiệm vụ của lĩnh vực du lịch. 3 dự án này trong đó đặc biệt là dự án phải chú trọng về liên kết các cơ quan đơn vị, tạo ra sự thay đổi, chủ động trong các cơ quan đơn vị. Tích hợp các cơ sở dữ liệu của cơ quan đơn vị mình vào chung trên hệ thống của Bộ, và địa phương cũng có các công cụ để chúng ta kết nối với nhau và chia sẻ những dữ liệu hết sức quý giá phục vụ cho công tác chuyên môn.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh 3 điều: Thứ nhất là xây dựng một hạ tầng kỹ thuật thực sự ưu việt trên cơ sở các dự án căn cơ và các dự án thực sự thiết thực, cũng như tính toán rất kỹ để đảm bảo tiết kiệm các chi phí. Thứ hai là coi việc chuyển đổi số và xây dựng các dữ liệu là công việc thường xuyên và trường kỳ để chúng ta xây dựng kho dữ liệu cho mình. Thứ ba là kết nối chia sẻ, sử dụng công cụ chung mà Bộ sẽ ban hành. Tất cả các điều đó sẽ được duy trì, đảm bảo bởi một hệ thống an ninh an toàn về thông tin, đảm bảo bảo mật và tính duy trì của hệ thống.
Với những gì đã thu được tại hội thảo lần này, Thứ trưởng cũng mong muốn trong lần hội thảo tiếp theo hằng năm, các đại biểu sẽ được nghe nhiều bài tham luận hơn và với các ví dụ trực quan sâu sắc hơn.
Các đại biểu bấm nút khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL
Một trong những sự kiện đáng chú ý tại hội nghị là khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ VHTTDL một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Hệ thống được triển khai cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở VHTTDL 63 tỉnh, thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm.
Bài, ảnh: THANH DANH