Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam

Sáng ngày 24-10, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) tổ chức Hội thảo Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam, tại Xưởng thứ Bảy (phường Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đến dự có PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL); bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL);... Sự kiện còn có sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế về sở hữu trí tuệ, bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan; các nhà khoa học, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo, chính sách văn hóa, quản lý văn hóa...; các nhà quản lý đến từ các Cục, Vụ của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL một số tỉnh/ thành phố và đại diện các cơ quan liên quan. Với hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, Hội thảo đã thu hút đông đảo các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nhiệp văn hóa, văn hóa - sáng tạo.

Toàn cảnh Hội thảo

Đây là một trong những hoạt động chính của Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (SIPE) do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) thực hiện, với sự hỗ trợ của Quỹ quốc tế vì Đa dạng văn hóa (IFCD - UNESCO), trong khuôn khổ Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.

Hội thảo nhằm mục đích công bố các kết quả nghiên cứu do đội ngũ chuyên gia quốc tế và các quốc gia của Dự án thực hiện trong năm 2022 về tổng quan khuôn khổ pháp lý hiện hành, thực trạng việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo ở Việt Nam.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Giám đốc Dự án SIPE phát biểu tại Hội thảo: “Vi phạm bản quyền ở Việt Nam diễn ra vô cùng nghiêm trọng, nhưng ở nước đang phát triển như Việt Nam, có những điểm chờ để chúng ta dần dần nâng cao nhận thức. Ý thức về bản quyền ở những nước phát triển có rất lâu, nhưng ở Việt Nam chưa có nhiều. Nên việc quan trọng là phải nâng cao nhận thức, chúng ta phải làm từ thực tế, đi sâu vào từng chủ thể liên quan đến việc thực thi bản quyền chứ không phải làm theo hình thức, chỉ tuyên truyền, mà không hiểu câu chuyện bên trong của các bên”.

Bà hy vọng rằng, với sự có mặt của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên sâu này và những người tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất, phân phối, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ, tiếp nhận… vì một đích chung. Đó là cùng chia sẻ nhận thức của mình, cùng nhau xây dựng, để từ đây các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam dần dần được gọi là các ngành công nghiệp được bảo hộ về vấn đề bản quyền.

Hội thảo tập trung thảo luận về những nội dung chính sau: Đánh giá tổng quan khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo; Đánh giá thực trạng nhận thức, hiểu biết chung và hiện trạng của việc thực thi quyền sở hữu trong các ngành văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian qua; Đánh giá vai trò của việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam; Cơ hội và thách thức của việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh phát triển của các nền tảng công nghệ số (Blockchain, Metarverse, NFT, in 3D,…); Giải pháp thúc đẩy việc bảo vệ và thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, TS Lê Tùng Sơn, Ths Hoàng Lan Phương, Giảng viên Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Chuyên gia quốc gia Dự án SIPE), đã trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu của Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam. Nghiên cứu khảo sát trên 59 đối tượng là chủ thể sáng tạo, 159 đối tượng là các tổ chức cá nhân thụ hưởng các sản phẩm văn hóa, phỏng vấn sâu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chủ thể sáng tạo, chuyên gia trong lĩnh vực quản lý, đặc biệt là quản lý văn hóa và quản lý về quyền sở hữu trí tuệ.

Theo kết quả nghiên cứu, 2 nhóm đối tượng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất là: tác phẩm âm nhạc, các bản ghi âm, ghi hình với tỷ lệ 76,9%; điện ảnh là 71,6%; tiếp sau là các xuất bản phẩm, chương trình máy tính. Quyền bị xâm phạm nhiều nhất là quyền sao chép tác phẩm - 64,9%; quyền làm tác phẩm phái sinh - 37,8%. Một số biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả như: biện pháp dân sự - khởi kiện, biện pháp hành chính và chủ thể tự đứng ra bảo vệ quyền của mình, tuy nhiên, các chủ thể cho rằng, việc thực hiện 3 giải pháp này chỉ mang lại hiệu quả ở mức độ trung bình, yếu và rất yếu.

Nghiên cứu của nhóm tác giả cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm bản quyền, đó là thói quen sử dụng miễn phí và môi trường mạng là một trong những điều kiện cực kỳ thuận lợi trọng việc sao chép, xâm phạm quyền tác giả.

Bên cạnh đó, pháp luật liên quan đến xử phạt hành chính các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe… Nghiên cứu cũng đã nêu những khuyến nghị, được coi như những gợi mở có tính thiết thực đối với việc củng cố thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Ông Miguel Matthew Del Mundo, Sáng lập của SIKAP (Hiệp hội những người sáng tạo nội dung sáng tạo của Philippines), chuyên gia tư vấn quốc tế của Dự án SIPE trình bày tham luận Cảnh quan và xu hướng của sở hữu trí tuệ sáng tạo ở khu vực châu Á

Có thể nói, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, không gian sáng tạo và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo ở Việt Nam cùng trao đổi và bàn luận về thực trạng việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các ngành văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam, từ đó có những gợi mở, giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho cán bộ quản lý nhà nước, nghệ sĩ, người thực hành, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

VÂN ANH - Ảnh: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

;