Các đại biểu Quốc hội sôi nổi đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 26-10, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục làm rõ, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình, trách nhiệm của đối tượng bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình trong tố giác hành vi bạo lực gia đình; biện pháp xử lý bạo lực gia đình…

Trong phần thảo luận, hầu hết các đại biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã triển khai dự án Luật một cách chủ động, tích cực theo hướng tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri…

Đề xuất giao cho ngành VHTTDL quản lý nguồn tài chính phòng, chống bạo lực gia đình

Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) đề xuất giao cho ngành VHTTDL quản lý nguồn tài chính phòng, chống bạo lực gia đình.

Đại biểu phân tích: “Thứ nhất, một tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở có vai trò rất to lớn trong công tác quần chúng ở cơ sở đó là Ban Công tác Mặt trận, nhưng trong dự thảo luật chưa có các quyết định đầy đủ để phát huy vai trò của tổ chức này, mới có quy định cho Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Vì vậy, đề nghị nên bổ sung vào điểm d, khoản 1, Điều 19 một địa chỉ nữa đó là Trưởng Ban Công tác Mặt trận và bổ sung vào khoản 2 Điều 32 là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố phối hợp với Trưởng Ban Công tác Mặt trận như thế cho đầy đủ và phát huy hiệu quả tốt hơn.

Vấn đề thứ hai, về nguồn tài chính để phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại Điều 42. Tại Điều 42 quy định có 3 nguồn tài chính cho phòng, chống bạo lực gia đình. Điểm a là nguồn ngân sách nhà nước; điểm b là viện trợ, tài trợ, tặng, cho, đóng góp, hỗ trợ, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; điểm c là nguồn tài chính hợp pháp khác. Vấn đề quản lý, sử dụng các nguồn này cần phải quy định rõ thêm.

Tại khoản 2, khoản 3 quy định rõ việc cấp ngân sách và giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung chi, mức chi cho hoạt động này. Theo đó, các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội được giao nhiệm vụ có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình là chủ thể quản lý nguồn ngân sách này và sử dụng theo quy định của Chính phủ. Còn nguồn viện trợ, tài trợ, ủng hộ, đóng góp và các nguồn tài chính khác tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 42 chưa thấy quy định do cơ quan, tổ chức nào quản lý; họ ủng hộ, đóng góp thì ủng hộ vào đâu, chỗ nào cũng chưa thấy. Việc sử dụng chi tiêu như thế nào cũng chưa thể quy định. Đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ thêm vấn đề này. Theo tôi, đề xuất theo hướng giao cho ngành văn hóa thông tin du lịch quản lý nguồn này.

Đại biểu cũng nêu ra con số thống kê cho thấy là 80% nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ, 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 14 tuổi đã từng bị bạo lực gia đình và các đối tượng khác, như người cao tuổi, người khuyết tật,... cũng thường là đối tượng của bạo lực gia đình. Với nguyên tắc ưu tiên như tại khoản 2, Điều 4 và với tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em thì nên chăng, chúng ta nghiên cứu thành lập Quỹ phòng, chống bạo lực gia đình, thu hút tốt hơn nguồn vốn xã hội hóa cho công tác này và giao cho một cơ quan quản lý. Nguồn quỹ này bao gồm 3 nguồn tại khoản 1 Điều 42 và việc sử dụng chi tiêu như thế nào thì giao cho Chính phủ quy định.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ ba, việc ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Kênh thông tin quan trọng, kịp thời và chính xác là từ chính người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Nếu họ im lặng thì thường khó có thông tin kịp thời được. Một thực trạng là 80% nạn nhân bị bạo lực gia đình là phụ nữ và 87,1% trong số đó đã chọn giải pháp im lặng. Cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi bạo lực gia đình, tại khoản 2 Điều 9 và Điều 11 chưa quy định rõ trách nhiệm này.

Phải có biện pháp đủ mạnh và quy định của pháp luật để phòng ngừa bạo lực gia đình đối với trẻ em

Bà Lý Anh Thư, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đánh giá cao dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội trong lần này và cho rằng, Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh lý rất kỹ lưỡng, chi tiết và thống nhất trình Quốc hội thông qua lần này để sớm ban hành. Đại biểu cũng đóng góp một ý kiến nhỏ trong việc tinh chỉnh câu chữ để khi luật ban hành thuận lợi cho việc thực hiện.

Đại biểu Lý Anh Thư cho rằng, tại điểm b khoản 2 Điều 13 dự thảo luật khi quy định về đảm bảo yêu cầu trong việc thông tin, truyền thông giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình có quy định “phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa bàn, chú trọng đến phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người thường xuyên kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, định kiến giới, kỳ thị, phân biệt đối xử khác, có hành vi cổ xúy cho bạo lực”, điều khoản này chưa phù hợp bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, điều khoản sửa đổi này mang tính chất liệt kê, trong khi đó, đối tượng cần phải tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình là rất nhiều, rất khó có thể liệt kê hết từng đối tượng.

Thứ hai, việc liệt kê từng đối tượng tại điều khoản này là chưa rõ ràng, không đầy đủ, chưa phù hợp khi đưa vào đối tượng người thường xuyên kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, định kiến giới, kỳ thị, phân biệt đối xử khác, có hành vi cổ xúy cho bạo lực gia đình là một trong những đối tượng cần xem xét truyền thông giáo dục.

Đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) phát biểu đóng góp ý kiến

Theo đại biểu Lý Anh Thư nếu cần liệt kê nhóm đối tượng này và nên sửa lại điều khoản này như sau: người thường xuyên có hành vi kỳ thị, phân biệt, đối xử, định kiến giới hoặc có hành vi kỳ thị, phân biệt, đối xử khác thì sẽ phù hợp hơn với Luật Bình đẳng giới. Với điều luật này tôi đồng tình với việc giữ nguyên quy định tại điểm b khoản 2 mà đã thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, đó là phù hợp với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo, vùng miền hơn là sửa đổi theo hiện tại.

Đại biểu  Lê Thanh Hoàn ( tỉnh Thanh Hoá) đóng góp một số ý kiến về 4 nội dung:

Thứ nhất, về nguyên tắc phòng chống bạo lực gia đình, về nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm tại Điều 4. Đề nghị cân nhắc chỉnh sửa, bổ sung quy định tại khoản 1 điều này, bởi lẽ tinh thần của luật là lấy nguyên tắc phòng ngừa là chính. Do đó, phải xác định lấy người có nguy cơ bị bạo lực gia đình và người có xu hướng thực hiện hành vi bạo lực gia đình làm trung tâm. Đây mới là nguyên tắc phòng, chống hành vi bạo lực gia đình, hạn chế đến mức tối đa xảy ra bạo lực gia đình.

Thứ hai, đề nghị xem lại nguyên tắc không hòa giải hành vi bạo lực gia đình tại khoản 2 Điều 17, bởi lẽ hành vi bạo lực gia đình là hành vi đã hoặc đang diễn ra, nếu kịp thời ngăn chặn, hòa giải các bên liên quan để chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình là điều nên làm. Nếu quy định không hòa giải hành vi cũng chưa thực sự rõ tính quy phạm văn bản luật.

Ngay tại khoản 1 đã nêu nguyên tắc “hòa giải là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình để không làm tái diễn bạo lực gia đình”. Do đó, đề nghị chỉnh lý quy định trong khoản 2 cho phù hợp.

Thứ ba, về yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình theo quy định tại Điều 24. Đề nghị cần xem lại nội dung. Công an cấp xã chỉ có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra hành vi để làm rõ vụ việc, thông tin, giải quyết khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3 Điều 20 chỉ khi tin báo, tố giác về bạo lực gia đình mà người bị bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc các vụ việc bạo lực gia đình có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì Chủ tịch UBND cấp xã mới phân công an cấp xã xử lý…

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) với 4 nội dung đóng góp

Thứ tư, về nội dung cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp bằng chứng xác nhận tình trạng thương tật theo đề nghị của người bệnh là người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tại Điều 29. Nội dung này đề nghị cần rà soát và quy định cho thống nhất với Luật Giám định tư pháp và cũng để tránh nhầm lẫn với việc xác định tỷ lệ thương tật… Do đó, đề nghị chỉ quy định về việc cung cấp hồ sơ bệnh án của người bị bạo lực gia đình theo yêu cầu của người bị bạo lực gia đình và các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - đại biểu Quốc Hội tỉnh Hải Dương đóng góp 2 ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo luật: Thứ nhất, đề nghị tại khoản 1 Điều 17, bổ sung hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình không áp dụng trong trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em. Lý do, trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị bạo lực gia đình và thực tế đã chứng minh có rất nhiều vụ bạo lực gia đình với trẻ em gây hậu quả rất thương tâm đã xảy ra. Với những đặc điểm thể chất còn non nớt, đặc điểm tâm lý phát triển chưa hoàn thiện thì khi bị bạo lực trẻ em rất hoảng loạn. Tổ chức hòa giải để hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp là biện pháp không thể áp dụng với trẻ em. Các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là trẻ em đều không có mâu thuẫn, tranh chấp từ phía trẻ em nên không cần thiết áp dụng biện pháp này và trẻ em cũng không thể xem xét, cân nhắc để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp với người gây bạo lực cho mình.

Thứ hai, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình ở Điều 22, Điều 33. Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của dự thảo luật thì thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là một trong 8 biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, tại khoản 1 Điều 33 dự thảo luật quy định “công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ, trực tiếp phục vụ lợi ích của cộng đồng, nơi người có hành vi bạo lực gia đình sinh sống”. Thực tế cho thấy trong rất nhiều trường hợp, người gây bạo lực và người bị bạo lực không cùng chung sống tại một địa bàn, nhất là những trường hợp đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là cha, mẹ, con riêng, anh chị em của người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ cha, mẹ nuôi và con nuôi, như quy định tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật. Đồng thời, hành vi bạo lực của các đối tượng này lại thường xảy ra tại nơi người bị bạo lực cư trú chứ không phải là nơi người gây bạo lực cư trú. Theo đó, quyết định của UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định tổ chức việc người có hành vi bạo lực gia đình tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng tại nơi người đó sinh sống như quy định tại khoản 3 Điều 33 trong dự thảo luật là chưa phù hợp. Mặt khác, việc thực hiện hành vi bạo lực ở một nơi nhưng thực hiện công việc phục vụ cộng đồng ở một nơi khác, trong trường hợp này sẽ không đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa bạo lực gia đình như trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga - đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đóng góp ý kiến

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, bạo lực gia đình đối với trẻ em trên thực tế vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và nhiều vụ việc đau xót, thương tâm đã được báo chí phản ánh, gây bất bình trong dư luận, vì vậy phải có biện pháp đủ mạnh và quy định của pháp luật để phòng ngừa, cho nên tôi trân trọng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát và bổ sung các quy định vừa nêu vào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)…

Trong khi đó, theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) phải xác định cho được, xác định cho đúng, xác định cho đủ hành vi bạo lực gia đình

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, để phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là phải xác định cho được, xác định cho đúng, xác định cho đủ hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo luật về 15 nhóm hành vi bạo lực gia đình, tham chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự và Nghị định số 144/2021 của Chính phủ, còn thiếu 5 nhóm hành vi:

Một là, hành vi xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của thành viên gia đình, như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình lập hội, hội họp hợp pháp; ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; cản trở việc khiếu nại, tố cáo, thực hiện quyền tự do ngôn luận báo chí tiếp cận thông tin; cản trở thành viên gia đình tham gia các hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, y tế.

Hai là, hành vi xâm phạm quyền sở hữu của các thành viên gia đình như chiếm giữ trái phép, sử dụng trái phép, cố ý làm hư hỏng tài sản.

Ba là, hành vi bạo lực về tâm lý, kinh tế như cô lập, xua đuổi, gây áp lực thường xuyên về tâm lý, kích động tình dục, lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình; ép buộc thành viên gia đình làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động; ép buộc thành viên gia đình đi xin ăn hoặc lang thang kiếm sống.

Bốn là, hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Năm là, hành vi sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) phát biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật

Ngoài ra, để bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học, logic, dễ tiếp cận, dễ thực hiện, tránh trùng lặp, sót lọt hành vi bạo lực gia đình, trên cơ sở quy định tại các Điều 3, 6, 9, 12, 20 chính luật này và quy định của Bộ luật Hình sự, nên phân hành vi bạo lực gia đình thành 6 nhóm trên cơ sở khách thể bị hành vi bạo lực gia đình xâm hại. Nhóm 1 là các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Nhóm 2 là các hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự. Nhóm 3 là các hành vi xâm phạm sở hữu kinh tế. Nhóm 4 là các hành vi xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Nhóm 5 là các hành vi xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình. Nhóm 6 là các hành vi xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng...

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Tiếp tục nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo hơn để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện dự luật

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, thay mặt Chính phủ, cơ quan soạn thảo dự án luật giải trình báo cáo thêm một số ý kiến với đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, ngoài việc phân công của Chủ tọa kỳ họp, Bộ trưởng còn nhận được sự ủy quyền của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội về việc báo cáo thêm những nội dung mà 2 cơ quan đã trình Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trong phiên làm việc buổi chiều hôm nay, các đại biểu đã dành sự quan tâm phát biểu ý kiến rất tâm huyết, rất trách nhiệm với mong muốn là hoàn thiện luật này, các đại biểu cũng đã đồng tình trong quá trình chỉnh lý so với kỳ họp thứ 3. Luật này cũng đã tiếp cận và hoàn thiện được 4 mục tiêu lớn, trong đó mục tiêu xuyên suốt bao trùm là thể chế hóa các quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Thực tế hóa sâu hơn về quyền con người trong Hiến pháp 2013 đã được quy định, đó là vấn đề bám sát các thông lệ quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để không trái với quá trình hội nhập và khắc phục những bất cập của luật cũ. Từ đó, các đại biểu cũng ủng hộ với 5 nhóm vấn đề mới mà trong luật đã đề cập. Tuy nhiên, như đại biểu băn khoăn và phân tích, để hoàn thiện thì phải tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn, xem xét một cách thấu đáo hơn để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo xin được trân trọng cảm ơn và sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo những ý kiến của đại biểu để nghiên cứu, tham mưu báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và giải trình. Chúng tôi chỉ xin được nói thêm mấy điểm có tính chất giải trình và mang tính chia sẻ.

Thứ nhất là qua 17 ý kiến, chúng ta có thể tạm khu trú lại về mấy nhóm vấn đề lớn sau đây.

Nhóm vấn đề mà các đại biểu quan tâm là đối với người yếu thế, trong luật các đại biểu mong muốn là phải có những chính sách cụ thể hơn để bảo vệ trẻ em trong vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình. Quả thực đây là một chủ trương xuyên suốt và một điều rất trăn trở trong tất cả các cấp lãnh đạo của chúng ta cũng như những người đang làm luật. Vì vậy, mà tinh thần này đã xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật, nó đã mở rộng hơn so với đối tượng yếu thế khác. Đây cũng là thể hiện ngay trong nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình đã được quy định tại Điều 4, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và ở nhiều nội dung khác đã ghi trong các điều luật cụ thể. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra để làm rõ thêm về nội hàm mà đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu

Nhóm vấn đề thứ hai mà đại biểu đề cập, đó là mong muốn quản lý tốt hơn nguồn tài chính được cấp, trong đó có đại biểu mong muốn giải quyết và làm rõ về cơ quan quản lý nguồn vốn này. Ngoài việc theo luật thì trong quá trình xây dựng chúng tôi cũng thấy rằng, nếu xây dựng đề xuất trình Quốc hội về cơ chế quỹ tài chính ngoài ngân sách thì không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay, mà áp dụng theo cơ chế quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ, như Nghị định 93/2019. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng, không nhất thiết phải quy định thêm về vấn đề quản lý các nguồn không phải từ ngân sách.

Nhóm vấn đề thứ ba, đây cũng là vấn đề các đại biểu dánh khá nhiều thời gian để thảo luận. Đó là trách nhiệm của công an xã được ghi trong Điều 24 và khoản 3 Điều 20. Thực tế, như các đồng chí đã biết, hiện nay lực lượng công an xã đa số là công an chính quy, trong chức năng, nhiệm vụ của công an, chúng tôi thấy rằng khi làm việc với Bộ Công an thì chức năng về phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ đó là 2 vấn đề lớn của ngành công an đang triển khai. Biện pháp này chính là hình thức về phòng ngừa xã hội và nó cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp bạo lực gia đình do công an xử lý, cụ thể ở đây người bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, với mục đích là làm rõ thông tin các vụ việc, chưa phải xử lý hành chính hay xử lý hình sự. Chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn ý kiến này.

Nhóm vấn đề thứ tư, các đại biểu cũng quan tâm khá kỹ, đó là các đối tượng được áp dụng như thành viên của gia đình, quy định tại khoản 2 Điều 3. Ở đây là vì: Thứ nhất là nhóm đối tượng đã ly hôn, ly thân, có quan hệ gia đình trước đây thì lâu nay vẫn vi phạm nhưng đang có một khoảng trống. Vì vậy, phải đưa nhóm đối tượng này vào để áp dụng tương tự như thành viên của gia đình và điều này cũng không sai với các quy định hiện hành.

Nhóm vấn đề thứ năm là biện pháp hỗ trợ xử lý bạo lực gia đình. Ở đây có 3 biện pháp mới, gồm: Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực, thực hiện phục vụ công việc cộng đồng. Các đại biểu cho rằng việc này phải nên cân nhắc cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiên cứu vấn đề này, nhưng phải nhìn thấy ở góc độ chúng ta sẽ lựa chọn các biện pháp giữa góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư hay thực hiện việc nhiệm vụ phục vụ cộng đồng. Vừa có ý nghĩa giáo dục tự nguyện, đồng thời thể hiện mục tiêu giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình nhận thức được hành vi sai trái của mình để khắc phục và hoàn thiện.

Nhóm vấn đề thứ sáu, đó là góp ý thêm về kỹ năng soạn thảo, kỹ năng lập pháp, về một số nội dung đang còn sót cần phải được đề cập một cách đầy đủ hơn, lượng hóa hơn, bao quát hơn ở một số điều luật. Về vấn đề này cơ quan soạn thảo rất cảm ơn và sẽ cố gắng nghiên cứu một cách thấu đáo để chúng tôi báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tiếp thu và báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp này.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ hai, so với lần trước có nhiều điểm mới và đã được tiếp thu như các đại biểu đã ghi nhận. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rộng, khó để khu trú hết. Mặc dù đã cố gắng nghiên cứu và có tham vấn kinh nghiệm, rất nhiều hội thảo, nghiên cứu các mô hình thực tiễn ở địa phương, gặp gỡ, trao đổi, lấy ý kiến nhiều, đặc biệt là tiếp thu ý kiến của đại biểu chuyên trách, tuy nhiên dù đã cố gắng nhưng năng lực cũng có hạn, khó đáp ứng được hết, mong các đại biểu cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ để chúng tôi sửa chữa các điều luật như mong muốn của các đại biểu. Ngay sau phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban đã triệu tập cơ quan soạn thảo ngồi lại ngay để làm, tinh thần là ngay và luôn để xem xét, tiếp thu một cách đầy đủ nhất ý kiến của các đại biểu.

Kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một buổi làm việc tích cực, dân chủ, nghiêm túc, khẩn trương đã có 17 ý kiến phát biểu, 1 ý kiến tranh luận. Các ý kiến đều sâu sắc, trách nhiệm cao trên tinh thần xây dựng, nghiên cứu sâu và nhiều vấn đề từ thực tiễn. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý. Tuy nhiên, đây là dự án luật được dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân rất quan tâm, vì vậy phiên thảo luận tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của đại biểu. Bộ phận Thư ký đã ghi chép, ghi âm đầy đủ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo yêu cầu chất lượng, khả thi, thống nhất với các điều luật liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

;