Quan điểm của Đảng về vấn đề gia đình và xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay

Trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, gia đình luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Từ gia đình, con người được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Gia đình với hai chức năng cơ bản là tái sinh con người để duy trì nòi giống và xã hội hóa cá nhân để hình thành nhân cách mỗi con người, là nơi mỗi con người được rèn luyện, phát triển theo hướng chân - thiện - mỹ, từ đó hình thành văn hóa gia đình. Sự tồn tại của mỗi cộng đồng, làng, nước phụ thuộc vào sự tồn tại, phát triển của gia đình, nhất là văn hóa gia đình, vì gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hiện nay, gia đình có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hình thành nhân cách và giáo dục con người trở thành những công dân tốt, có đủ thể lực và trí lực để có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Liên hợp quốc đã lấy năm 1994 làm Năm quốc tế gia đình để các nước trên thế giới cũng nhận thức rõ vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển bền vững đất nước. Từ đó, mỗi quốc gia cần củng cố sự vững chắc của gia đình và phát huy giá trị của gia đình trở thành nhân tố quan trọng để ổn định và phát triển bền vững đất nước.

Ở Việt Nam, chúng ta nhận thức đúng vị trí, vai trò quan trọng của gia đình trong sự tiến bộ, phát triển của xã hội và hạnh phúc của mỗi cá nhân. Ðối với mỗi người dân Việt Nam, gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu, là tổ ấm của mỗi người để mọi người quan tâm và chia sẻ tình yêu thương. Xây dựng hạnh phúc gia đình là xây dựng tổ ấm, quan tâm, chăm sóc và chia sẻ tình yêu thương giữa các thành viên. Quá trình đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để gia đình Việt Nam tiếp thu những hệ giá trị văn hóa mới và bổ sung, phát triển hệ giá trị văn hóa gia đình truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề gia đình và văn hóa gia đình hiện nay cũng đang gặp không ít những khó khăn, thách thức.

Trong các nhiệm kỳ Ðại hội đại biểu toàn quốc, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề gia đình, xây dựng gia đình Việt Nam và được đặt ra với ví trí mang tầm chiến lược quốc gia. Trong đó, văn hóa gia đình có vị trí quan trọng, là mục tiêu, giá trị phải hướng tới, là cơ sở thúc đẩy sự phát triển bản thân gia đình nhằm phát triển con người và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cũng bàn đến trách nhiệm của gia đình trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đề cao vai trò gương mẫu của các thành viên trong gia đình, tập trung thực hiện tốt phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong các cộng đồng dân cư, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. “Tạo ra ở các đơn vị cơ sở (gia đình, làng, bản, xã, phường, khu tập thể, cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường, trường học, đơn vị bộ đội,…), các vùng dân cư (đô thị, nông thôn, miền núi,…) đời sống văn hóa lành mạnh, đáp ứng những nhu cầu văn hóa đa dạng và không ngừng tăng lên của các tầng lớp nhân dân. Gìn giữ và phát huy đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa” (1). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, giá trị gia đình một lần nữa được Đảng nhấn mạnh: gia đình là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội, có trách nhiệm trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình lối sống lành mạnh, có văn hóa. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nhấn mạnh đến việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong việc nuôi dưỡng, hình thành, giáo dục và phát triển nhân cách con người: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (2).

Việc xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được Đảng ta tiếp tục khẳng định trong Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư: “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mục tiêu của chỉ thị về xây dựng gia đình chỉ rõ: “Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Để thực hiện được mục tiêu trên, Đảng cũng xác định rõ các nhiệm vụ: “Cần nhận thức rõ gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”(3). Vì vậy, các chính sách của Nhà nước luôn chú ý tới nhiệm vụ xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ cũng như việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, chức năng của gia đình.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 tại Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đảng khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”(4). Từ đó, Đảng yêu cầu phải “chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính”. Trong đó, nhấn mạnh mục tiêu về xây dựng văn hóa gia đình thời kỳ đổi mới hiện nay: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách”. Nghị quyết cũng xác định rõ nhiệm vụ của gia đình trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở giai đoạn tiếp theo: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau. Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (5).

Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta nhấn: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” (6), “tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc”. Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Tăng cường xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” (7). Từ đó, Đảng ta nhấn mạnh việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay cần thực hiện: “Khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức, thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(8). Như vậy, gia đình có vị trí rất đặc biệt trong cuộc đời mỗi người và với những giá trị văn hóa gia đình được trao truyền qua nhiều thế hệ đã giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội; phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, tộc người, dân tộc và khu vực khác nhau, được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội nhất định.

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường hội nhập quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ. Sự giao lưu, hợp tác quốc tế đã đem đến cho gia đình Việt Nam cơ hội tiếp cận những kiến thức, giá trị văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới cũng như kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại và điều kiện phát triển kinh tế. Nhưng mặt trái của cơ chế thị trường, sự phát triển của công nghệ, mạng internet, mạng xã hội cũng tác động không nhỏ đến đời sống gia đình Việt Nam. Với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, sức lan tỏa của công nghệ thông tin điện tử đã ảnh hưởng đến cấu trúc, phá vỡ nền nếp gia phong, những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Tình hình mới cũng tiềm ẩn những thách thức, tạo ra xung đột trong việc bảo tồn các giá trị đạo đức truyền thống, hành vi ứng xử, phong tục tập quán, thuần phong, mỹ tục của gia đình, dân tộc với việc tiếp thu những yếu tố mới, quan điểm sống của xã hội hiện đại. Đồng thời, xuất hiện tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa các thành viên của gia đình, dẫn đến sự thiếu ổn định và bền vững của gia đình.

 Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và hướng tới xây dựng gia đình có đời sống kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh là yêu cầu bức thiết không chỉ đối với từng gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh cần thiết phải bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình. Xây dựng gia đình Việt Nam theo chuẩn mực văn hóa truyền thống gắn với mục tiêu xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cần xây dựng gia đình Việt Nam theo những nấc thang giá trị mới, vừa kế thừa được những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng nhân văn, tiến bộ trên thế giới, vừa bảo đảm các điều kiện để con người Việt Nam phát triển toàn diện. Gia đình hạnh phúc, bền vững sẽ là điểm tựa quan trọng để xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

__________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Các nghị quyết của Trung ương Đảng 1996 - 1999, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.170.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.103-104.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011).

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.76-77.

5. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.128.

7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143, 144.

Tác giả:  TS Lê Thị Bích Thủy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

;