Văn hóa dòng họ ở Đà Nẵng - nghiên cứu trường hợp dòng họ Ông thuộc làng Phong Lệ

Văn hóa dòng họ là một trong những chiếc nôi hình thành và nuôi dưỡng văn hóa dân tộc. Là chủ nhân của một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, từ rất sớm, người Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của gia đình, dòng tộc trong mối quan hệ nhà - làng - nước hết sức chặt chẽ. Trải qua những thăng trầm lịch sử, với yêu cầu trị thủy, sản xuất nông nghiệp và chống ngoại xâm, những mối quan hệ ấy ngày càng gắn kết máu thịt với nhau, tạo nên sức mạnh nội sinh quan trọng cho cả dân tộc.

Trong mỗi xóm làng, mỗi gia tộc của người Việt, nề nếp gia phong, truyền thống của dòng họ rất được coi trọng. Đó là một sợi dây ràng buộc, xuyên suốt qua nhiều thế hệ, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi con người. Bên cạnh những đặc điểm chung mang tính đại diện cho văn hóa dòng họ của người Việt, ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương, văn hóa dòng họ lại mang những sắc thái khác nhau, những đặc điểm riêng có, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho mỗi vùng đất. Xứ Quảng nói chung và Đà Nẵng nói riêng là một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Đặc điểm lịch sử, văn hóa độc đáo đã tạo cho mảnh đất này những nét rất riêng, trong đó có văn hóa dòng họ.

Trong số các dòng họ tại Đà Nẵng, bài viết này đi sâu tìm hiểu về văn hóa của dòng họ Ông, thuộc làng Phong Lệ, quận Cẩm Lệ - một dòng họ có nguồn gốc lâu đời cũng như có quá trình hình thành, phát triển độc đáo.

1. Khái quát văn hóa dòng họ và văn hóa dòng họ tại Đà Nẵng

Vài nét về văn hóa dòng họ

Trong Hán Việt từ điển giản yếu có giải thích: “Tộc là họ, thân thuộc, lòa” (1). Bên cạnh đó, tác giả cuốn Văn hóa dòng họ Việt Nam đã đưa ra nhận định: “Dòng họ là tổ chức của những người có cùng huyết thống, cùng một ông tổ sinh ra, theo thời gian và theo hệ thống dọc, thường tụ họp quanh một ngôi từ đường và sinh sống gần gũi trong làng xã, thời gian càng dài thì chi nhánh càng phát triển, không chỉ hạn chế bởi phạm vi biên giới” (2). Như vậy, có thể thấy rằng, dòng họ là vấn đề hết sức hệ trọng, điểm mấu chốt để xác định những người chung dòng họ chính là cùng huyết thống và có chung một ông tổ.

Văn hóa của một dòng họ là tổng thể những giá trị vật chất cũng như tinh thần mà dòng họ đó đã tạo dựng được trong quá trình hình thành và phát triển, nó phản ánh sinh động vai trò của dòng họ đó trong đời sống tự nhiên, chính trị, xã hội của địa phương. Văn hóa dòng họ được tất cả các thành viên của dòng họ giữ gìn, nâng niu và không ngừng vun đắp làm cho phong phú, dày dặn thêm. Bất cứ một hành động, việc làm nào làm phương hại đến văn hóa dòng họ đều bị cả cộng đồng lên án. Chính vì vậy, nhìn nhận đúng đắn và có biện pháp giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dòng họ trong bối cảnh hiện nay là vấn đề có tính thực tiễn cấp bách cần phải được quan tâm.

Khái quát về văn hóa dòng họ tại Đà Nẵng

Là một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể văn hóa xứ Quảng. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về văn hóa Đà Nẵng nói chung hay văn hóa dòng họ ở Đà Nẵng nói riêng, ta cần đặt trong không gian, bối cảnh chung của văn hóa xứ Quảng.

Trong bài viết Lịch sử hình thành các dòng họ Quảng Nam đã nhận định: “…cuộc di dân của người Việt vào vùng Nam Hải Vân là không phải kéo dài 700 năm suốt từ thời nhà Lý đến thời các vua Nguyễn mà có thể chia làm mấy giai đoạn chính: Từ 1306 đến 1402 là sự ổn định của vùng Bắc Hải Vân. Từ 1402 đến 1407 là 5 năm của những cuộc di dân đầu tiên được tổ chức quy mô, cẩn thận, nghiêm khắc và cương quyết dưới sự chỉ đạo của triều đình nhà Hồ… Từ 1471 đến 1671 là 200 năm của những cuộc di dân ồ ạt, tổ chức có, bắt buộc có, tù đày có, lính thú ở lại có, di dân tự phát có, tù binh có, ngoại kiều có… Mãi đến thời Tây Sơn và vua Nguyễn các di dân mới trở lại với số lượng không đáng kể” (3).

Từ nhận định trên, có thể thấy rằng, lịch sử các dòng họ Quảng Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng gắn liền với lịch sử di dân và định cư của người Việt về phương Nam, đặt trong mối quan hệ giao lưu, tiếp biến với các dân tộc bản địa, tiêu biểu và người Chăm. Chính lịch sử có nhiều biến động của vùng đất này đã tạo cho lịch sử các dòng họ ở đây cũng có những khác biệt về thời gian xuất hiện, về nguồn gốc cũng như quá trình phát triển của các dòng họ.

Theo nghiên cứu tại thành phố Đà Nẵng, nhiều dòng họ ở đây có lịch sử khá lâu đời. Trong đó, tộc Phan làng Đà Sơn, thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, được xem là dòng họ lâu đời nhất ở xứ Quảng. Đà Sơn là một trong những làng được thành lập sớm ở Hóa Châu. Ông Phan Công Thiên, sinh năm 1318 (đời vua Trần Minh Tông) là phò mã vua Trần (lấy công chúa Trần Ngọc Lãng) là tiền hiền thành lập làng Đà Sơn. Đi cùng với ông trong thời gian này còn có các tộc họ: Nguyễn, Kiều, Đỗ. Đây được xem là 4 tộc họ tiền hiền của làng.

Sau những bước chân đầu tiên của ông Phan Công Thiên vào khai phá làng Đà Sơn những năm nửa đầu TK XIV, đến nửa sau TK XV, nhất là sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, nhiều dòng họ từ phía Bắc đã di cư vào phương Nam để làm ăn sinh sống. Và mảnh đất Đà Nẵng đã được nhiều dòng họ chọn làm điểm dừng chân. Tiếp đó, dưới thời các chúa Nguyễn, những cư dân từ phía Bắc tiếp tục theo những đoàn lưu dân vào Nam. Nhiều dòng họ đã dừng chân lập làng tại Đà Nẵng, quần tụ hình thành những làng ấp trù phú.

Về nguồn gốc của các dòng họ trên địa bàn Đà Nẵng, có thể nói các dòng họ tại đây vốn xuất phát từ phía Bắc, nhiều nhất là ở đồng bằng Thanh Nghệ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuyên: “Xét về thành phần, có thể thấy một số họ là quan lại, tướng tá, binh sĩ đã từng tham gia bình Chiêm phạt Lỗ, được lệnh ở lại và đưa vợ con vào lập nghiệp; nhưng đông hơn cả vẫn là dân nghèo quê đất Bắc. Một bộ phận khác là người Chăm ở lại làm ăn thuận hòa với những lưu dân Việt mới đến. Ngoài ra, còn phải kể đến những người bị tù tội phải lưu đày” (4).

Bên cạnh những dòng họ gốc Việt, từ phía Bắc vào, tại Đà Nẵng, chúng ta sẽ không khó khi bắt gặp những dòng họ vốn tự nhận mình có gốc Chăm như họ Ông, họ Trà, họ Chế… Cùng với đó là những dòng họ gốc Hoa có mặt tại Đà Nẵng trong TK XVII, XVIII như họ Tiêu, Tăng, Châu, Mã, Lưu… Trong quá trình phát triển, những dòng họ này đã có sự giao lưu và gắn bó chặt chẽ với các dòng họ người Việt qua nhiều thế hệ.

Trong suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển của Đà Nẵng, các dòng họ ở đây với truyền thống yêu nước, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau đã xây dựng nên bản sắc văn hóa dòng họ rất độc đáo. Nhiều dòng họ đã có những đóng góp to lớn trong quá trình khai khẩn, mở mang đất đai, làng mạc ở Đà Nẵng. Lại có những dòng họ với truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm với nhiều tấm gương anh dũng như dòng họ Ông làng Phong Lệ với những cái tên tiêu biểu: Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường; dòng họ Thái làng Nghi An với nhà chí sĩ Thái Phiên và nhà cách mạng Thái Thị Bôi… Nhiều dòng họ nổi tiếng hiếu học, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương.

Như vậy, có thể thấy rằng, bức tranh về dòng họ và văn hóa dòng họ tại Đà Nẵng rất đa dạng và phong phú. Lịch sử hình thành và phát triển cũng như nguồn gốc của các dòng họ là minh chứng hùng hồn cho quá trình khai hoang, mở đất và hình thành làng xã ở Đà Nẵng. Văn hóa dòng họ với sức mạnh của nó đã có những đóng góp quan trọng suốt diễn trình lịch sử, văn hóa của thành phố.

2. Tìm hiểu văn hóa dòng họ Ông, làng Phong Lệ, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng)

Khái quát về làng Phong Lệ

Lịch sử hình thành và phát triển của làng Phong Lệ

Làng Phong Lệ ra đời vào khoảng cuối TK XIV, tức là sau mốc thời gian 1306. Lúc mới thành lập, vùng đất Phong Lệ ngày nay nằm trong địa phận làng Đà Sơn do phò mã vua Trần là ông Phan Công Thiên thành lập. Năm 1404, con trai của ông Phan Công Thiên là Phan Công Nhâm đổi tên các trại thành tổng, xã rồi thành lập làng Đà Ly. Tên gọi làng Đà Ly tồn tại trong thời gian dài đến thời vua Thiệu Trị, làng Đà Ly có người làm quan lớn trong triều là Ông Ích Khiêm đã xin triều đình đổi tên làng từ Đà Ly thành Phong Lệ. Như vậy, tên gọi làng Phong Lệ tồn tại chính thức từ thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) đến nay.

Từ đường dòng họ Ông làng Phong Lệ

Ảnh: Chánh Tín

Thời vua Thành Thái, do diện tích của làng quá lớn, dân cư đông đúc gây nên nhiều khó khăn trong việc quản lý nên các vị hương chức trong làng đã đệ đơn lên triều đình xin tách làng Phong Lệ thành hai làng nhỏ với tên là Phong Nam và Phong Bắc, cách nhau dòng sông Yên. Làng Phong Bắc ngày nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ; làng Phong Nam thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Tuy vậy, người dân của hai làng vẫn luôn xem mình là cư dân của làng Phong Lệ xưa; tuy có khác biệt về mặt hành chính nhưng những phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống của làng vẫn được bảo tồn.

Đặc điểm văn hóa dân cư

Là một làng truyền thống điển hình của Đà Nẵng, làng Phong Lệ còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo. Đó là hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa như đình, chùa, miếu mạo… Đình làng Phong Lệ là nơi thờ Thần Nông, vị thần phù trợ cho sản xuất nông nghiệp. Đình được xây dựng từ giữa TK XIX với cấu trúc ba gian hai chái truyền thống, đình được trang trí với mô típ truyền thống gồm long, lân, quy, phụng, đặc biệt là hình ảnh chiếc sừng trâu vút cao hiếm thấy trong các ngôi đình Việt. Bên cạnh đình làng, Phong Lệ còn có nhiều di tích cổ khác như: dinh Ông, miếu Bà, miếu Thái giám… Gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa đó là những lễ hội truyền thống, tiêu biểu là lễ hội Mục đồng nhằm tôn vinh những đứa trẻ chăn trâu, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người dân làng Phong Lệ rất đa dạng. Bên cạnh đạo Phật là chủ yếu thì một số bậc cao niên trong làng cho biết trước đây một bộ phần người dân trong làng theo Ấn Độ giáo, chứng tỏ dấu tích văn hóa Chăm còn in đậm dấu ấn tại vùng đất này. Bên cạnh đó, việc thờ cúng ông bà tổ tiên, việc làng, việc họ được người dân làng Phong Lệ hết sức coi trọng. Tính cộng đồng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong tình làng nghĩa xóm là nét đặc trưng trong văn hóa của người dân Phong Lệ.

Các dòng họ trong làng Phong Lệ vồn có nguồn gốc từ vùng Thanh - Nghệ vào đây cùng sinh sống hòa hợp với một số dòng họ bản địa gốc Chăm. Tại Phong Lệ đã phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ với nhiều hiện vật quý về văn hóa Chăm như mảnh gốm, khuyên tai, giếng Chăm…

Người dân làng Phong Lệ sống chủ yếu bằng nghề nông trồng lúa nước, mỗi năm trồng 2 vụ. Bên cạnh trồng lúa, người dân còn trồng các loại hoa màu như ngô, khoai, sắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số nghề thủ công như làm bánh khô mè, nghề đan lưới, cào hến…

Quá trình hình thành và phát triển dòng họ Ông

Lịch sử hình thành và phát triển

Vùng đất Đà Nẵng nói chung và làng Phong Lệ nói riêng trước khi có mặt của người Việt chính là địa bàn sinh sống của người Chăm. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về dòng họ, văn hóa dòng họ ở xứ Quảng, bên cạnh nghiên cứu, tìm hiểu những dòng họ có nguồn gốc từ phía Bắc di cư vào, cũng cần đặc biệt chú ý đến những dòng họ bản địa, có gốc gác từ các dòng họ Chăm; dòng họ Ông làng Phong Lệ là một điển hình.

Theo lời kể của cụ Ông Ích Trưng, Trưởng ban đại diện hội đồng gia tộc, họ Ông có nguồn gốc Chăm. Năm 1069, nhà Lý đánh Chămpa và bắt người họ Ông mang ra ngoài Bắc. Vua Lý thấy người này có nghề dạy voi nên phong cho chức Quản tượng và cho sinh sống ở núi Voi, Hà Bắc, đổi họ thành Lý Trai, đây được xem là thủy tổ của dòng họ Ông ở ngoài Bắc.

Người này lấy vợ và sinh được 8 người con, trong đó có một người đi sang Lào, về sau đi vào vùng Phan Rang Tháp Chàm và sinh con đẻ cái. Trong đó, một người con là Ung (Ông) Văn Lào đã trở lại làng Phong Lệ cùng với các họ Phan, Phùng khai khẩn lập nên làng Phong Lệ. Ngài Ung (Ông) Văn Lào được xem là thủy tổ của dòng họ Ông làng Phong Lệ. Các ngài Ung (Ông) Văn Lào, Phan Công Nhâm và Phùng Văn Mươi được triều đình sắc phong là Tam Vị tiền hiền của làng Phong Lệ.

Trải qua thời gian dài, người họ Ông làng Phong Lệ đã sinh sống hòa hợp, kết hôn với các dòng họ khác trong làng và dần dần Việt hóa, nhiều người họ Ông khi được hỏi luôn cho mình là người Kinh mà đã quên đi gốc gác Chăm. Đây là một vấn đề mang tính lịch sử khá phức tạp. Bởi lẽ, cộng đồng họ Ông ở đây không sống tách biệt mà sống xen kẽ với các dòng họ khác. Trong đời sống, sinh hoạt, họ dần chịu ảnh hưởng của các dòng họ người Việt, nhiều phong tục tập quán riêng có cũng dần thay đổi cho phù hợp với cuộc sống mới.

Tính từ đời thủy tổ Ung (Ông) Văn Lào đến nay, dòng họ Ông đã trải qua 24 đời với 3 phái và 10 chi.

Một số đặc điểm nổi bật

Là một dòng họ có nguồn gốc Chăm, trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, con cháu dòng họ Ông vẫn giữ gìn được tên gọi dòng họ của mình. Mặc dù trong bối cảnh sống xen cài với người Việt, dần bị đồng hóa về nhiều mặt nhưng người họ Ông vẫn luôn có ý thức gìn giữ tên họ của mình trong bối cảnh việc cải tên, đổi họ diễn ra rất phổ biến thời bấy giờ.

Mặc dù đã trải qua 21 đời nhưng do chiến tranh, ly loạn nên trong gia phả của họ Ông bị thiếu từ đời thứ 2 đến đời thứ 11, từ đời thứ 11 trở đi thì được ghi chép đầy đủ. Căn cứ vào các tài liệu văn bia tại làng Phong Lệ và một số gia phả của các tộc trong làng thì vị thủy tổ tộc Ông là Ung (Ông) Văn Lào vốn cùng thời với ông Phan Công Nhâm và Phùng Văn Mươi, sinh vào khoảng nửa sau TK XIV.

Là một dòng họ có lịch sử lâu đời, trải qua quá trình chung sống hòa hợp với người Việt nên trong tín ngưỡng, phong tục tập quán của người họ Ông không có gì khác biệt so với người Việt. Việc thờ cúng ông bà tổ tiên, việc tộc họ như chạp mã, xuân thu nhị kỳ, thờ Tổ Cô… vẫn được con cháu họ Ông xem trọng và duy trì đều đặn. Từ đường của tộc được xây dựng khang trang, công tác tổ chức trong tộc được xây dựng bài bản, mối quan hệ trong thân tộc được đảm bảo.

Một đặc điểm nổi bật nữa không thể không nói khi nhắc đến dòng họ Ông là truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm mà hai tên tuổi còn lưu danh trong sử sách là Ông Ích Khiêm (đời thứ 18) và Ông Ích Đường (đời thứ 20).

Những đóng góp của dòng họ Ông

Đóng góp trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước

Tháng 9-1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng, cùng với nhân dân các làng Hải Châu, Mỹ Khê, An Hải, Nại Hiên…, nhân dân làng Phong Lệ, trong đó có con cháu họ Ông đã tích cực tham gia chống Pháp dưới sự chỉ huy của Thống chế Lê Đình Lý và một người con ưu tú của họ Ông là Ông Ích Khiêm (5).

Ông Ích Khiêm đã huy động nhân dân xây dựng phòng tuyến Liên Trì và củng cố các đồn trại. Trong điều kiện chiến đấu còn thô sơ, Ông Ích Khiêm đã sáng tạo nên cách đánh mưu trí là dùng trái mù u, một loại quả nhỏ, tròn và có vỏ rất cứng để đánh Pháp. Khi đánh ta giả vờ thua trận bỏ chạy, khi Pháp đuổi theo thì ta rải trái mù u ra đường, giặc Pháp mang giày đinh nên giẫm phải trái mù u té ngã, nhân dân ta đổ ra hò reo giết giặc, thu vũ khí. Sau này, Ông Ích Khiêm được triều đình tín nhiệm giao cho chức Tiễu phủ sứ, lập nhiều chiến công lớn, tiêu diệt nhiều toán thổ phỉ, giặc giã ở vùng miền núi phía Bắc.

Khi phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đứng đầu nổ ra, nhiều người con của dòng họ Ông đã tích cực tham gia. Tại Quảng Nam, dưới ngọn cờ của Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến, 3 người con trai của Ông Ích Khiêm là Ông Ích Kiền, Ông Ích Thiện và Ông Ích Hoắc đã hăng hái tham gia và trở thành những vị tướng lĩnh có tài dưới ngọn cờ Cần Vương.

Hơn 20 năm sau, tấm gương hy sinh anh dũng của một người họ Ông đã được nhân dân ca ngợi, đó chính là Ông Ích Đường, một lãnh đạo của phong trào chống thuế ở địa phương. Ông đã lãnh đạo nhân dân địa phương vùng lên chống sưu thuế, diệt ác ôn; ông bị bắt và bị chém đầu tại chợ Túy Loan (6). Trong cuộc khởi nghĩa bất thành của vua Duy Tân và bộ đôi Thái Phiên, Trần Cao Vân, hai người họ Ông là Ông Văn Cầu và Ông Văn Long đã hăng hái tham gia với nhiệm vụ chặt cây chặn đường quân Pháp.

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dòng họ Ông đã có 46 người con ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhiều Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình có công cách mạng.

Đóng góp trong quá trình khai khẩn đất đai, phát triển kinh tế

Dòng họ Ông cùng với họ Phan và họ Phùng được xem là “Tam vị Tiền hiền” có công lập nên làng Phong Lệ. Vào đời thứ 12, ngài Ông Văn Đợi đã di chuyển lên phía Tây vừa để lánh nạn, vừa lao động sản xuất, cùng nhân dân lập nên xã hiệu mới là Phong Tây, được sắc phong làm Tiền hiền của làng.

Tiếp tục sự nghiệp của cha ông, đời thứ 18 có Ông Ích Khiêm, một vị quan thanh liêm, bộc trực đã có công vận động nhân dân trong làng khai hoang vỡ hóa, đắp đập, mở mang đồng ruộng, làm đường. Ông còn vận động nhân dân mở mang sản xuất, phát triển kinh tế và quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần ở địa phương. Qua nhiều thế hệ, dòng họ Ông cùng với các dòng họ khác đã góp sức mình xây dựng nên làng Phong Lệ giàu đẹp, trù phú, một mảnh đất địa linh nhân kiệt của Đà Nẵng.

Đóng góp trong xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương

Là một dòng họ lớn trong vùng, dòng họ Ông có vai trò quan trọng trong việc vận động con cháu trong tộc, nhân dân trong làng xây dựng đời sống văn hóa mới. Điều này được thể hiên trong hương ước của dòng họ, quy định cụ thể những chuẩn mực ứng xử giữa các thành viên trong tộc, giữ gìn uy tín, thanh danh của dòng họ, bảo tồn văn hóa tryền thống, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau…

Tộc còn vận động tất cả các gia đình tích cực hưởng ứng chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước như hiến đất mở rộng đường giao thông, cuộc vận động gia đình, họ tộc văn hóa, vì người nghèo... Xây dựng quỹ khuyến học để kịp thời động viên, khuyến khích con cháu trong học tập.

Văn hóa dòng họ Đà Nẵng trong bối cảnh hiện nay

Nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa dòng họ trong bối cảnh hiện nay, trong những năm qua, các cấp lãnh đạo của thành phố Đà Đẵng và ban ngành liên quan đã ban hành nhiều chính sách nhằm khôi phục và phát triển văn hóa dòng họ. Việc làm này được khéo léo kết hợp với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do Mặt trận các cấp phát động. Phong trào xây dựng Dòng họ văn hóa, Dòng họ không có tệ nạn xã hội, Dòng họ tự quản về an ninh trật tự và môi trường… diễn ra sôi nổi ở các địa phương.

Cuộc sống ngày càng phát triển, con cháu càng có điều kiện để chăm lo đến công việc của tộc họ, của ông bà tổ tiên. Nhiều dòng họ ở Đà Nẵng đã đầu tư khá lớn kinh phí để xây dựng mới từ đường, mộ tổ; tổ chức các hoạt động có quy mô lớn như lễ chạp mã, lễ khuyến học hay tổ chức các chuyến hành trình đi tìm lại cội nguồn ở các tỉnh phía Bắc…

Bên cạnh những thuận lợi đạt được, văn hóa dòng họ ở Đà Nẵng hiện nay vẫn phải đang đối mặt với những thách thức. Đó là sự tồn tại của tư tưởng phong kiến lạc hậu trong một số dòng họ như trọng nam khinh nữ, tư tưởng bè phái, nặng nề về thứ bậc, tộc trưởng, con trưởng, cháu đích tôn hay sự đố kỵ, ghen ghét giữa các dòng họ…

Cùng với đó, ở một số địa phương chịu ảnh hưởng của các dự án giải tỏa, nhiều dòng họ phải rời khỏi nơi sinh sống từ bao đời để đi đến những nơi định cư mới, mối quan hệ trong tộc dần xa cách khi mỗi thành viên sinh sống một nơi. Đến Đà Nẵng, không khó để tìm thấy những con đường chỉ toàn là nhà thờ họ, từ đường của các dòng họ đã được quy hoạch về một khu vực.

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của văn hóa dòng họ trong bất cứ thời đại nào của lịch sử. Trong bối cảnh hiện nay, dòng họ và văn hóa dòng họ lại càng phải được xem trọng, tôn vinh. Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa dòng họ, thiết nghĩ, các cấp ngành của thành phố Đà Nẵng cần có những giải pháp thiết thực như hoàn thiện chính sách hoạt động của dòng họ, đẩy mạnh xây dựng dòng họ văn hóa với bộ tiêu chuẩn cụ thể, đồng thời đẩy mạnh hoạt động liên kết, phối hợp giữa các dòng họ.

_______________

1. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, Nxb Văn hóa Thông tin, 2009, tr.603.

2. Đỗ Trọng Am, Văn hóa dòng họ Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2011, tr.30.

3. Hồ Trung Tú, Lịch sử hình thành các dòng họ Quảng Nam, xuquang.com, 2006.

4. Nguyễn Xuyên (2004), Thân tộc với vùng đất Quảng Nam, hothan.org, 2004.

5. Ông Ích Khiêm (1832-1884), danh tướng triều Nguyễn, quê làng Phong Lệ, 15 tuổi đỗ Cử nhân, làm quan dưới triều Tự Đức, nổi tiếng cương trực, thanh liêm, có công lớn trong việc tiễu phỉ và đánh dẹp quân phiến loạn Trung Quốc. Ông được triều đình tặng tước Kiêu Dũng Nam.

6. Ông Ích Đường (?-1908), là cháu nội Ông Ích Khiêm, lãnh đạo nhân dân Hòa Vang đấu tranh trong phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, bị giặc Pháp bắt và xử trảm tại chợ Túy Loan, Hòa Vang.

Tác giả: Tăng Chánh Tín

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

;