Phương án thiết kế thảm len trải sàn ứng dụng trong không gian nội thất

Thảm len trải sàn được làm từ loại xơ sợi mềm mịn, phủ một lớp sáp mỏng bên ngoài nên có khả năng chống cháy tự nhiên. Với nhiều ưu điểm về công năng sử dụng cũng như tính thẩm mỹ, thảm len đã trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình. Các nhà thiết kế, nghệ nhân cần phải nỗ lực sáng tạo, cho ra mắt những sản phẩm phù hợp với thị hiếu, luôn phát triển và thay đổi mẫu mã sao cho phù hợp với kiến trúc cũng như không gian nội thất của từng gia đình.

Nghiên cứu đối tượng sử dụng

Đây là bước đầu tiên trong quy trình thiết kế một sản phẩm ứng dụng nói chung và thảm len trải sàn nói riêng. Nhà thiết kế cần phải bám sát không gian nội thất để thuận chiều với phong cách và sự cảm thụ của đối tượng sử dụng. Bên cạnh đó, cần chú ý đến khả năng kinh tế của người sử dụng, từ đó đưa ra phương án hợp lý, phù hợp và thuận lợi cho việc thi công sản xuất.

Sưu tầm tài liệu xây dựng ý tưởng và sơ thảo ý tưởng

Tham khảo và nghiên cứu tài liệu liên quan đến chủ đề bằng hình ảnh hoặc sản phẩm thật sẽ giúp cho người thiết kế xác định được ý tưởng và hướng phác thảo chính. Nhà thiết kế thường tham khảo và sử dụng những nguồn tài liệu trên sách báo, trong thiên nhiên và cuộc sống thường nhật của con người. Trên cơ sở nhu cầu của đối tượng sử dụng, nhà thiết kế sẽ đưa ra ý tưởng thiết kế, một số phương án sơ thảo, định hướng cho phác thảo chính.

Xác định hình dáng và kích thước sản phẩm

Sản phẩm có hòa hợp trong không gian nội thất hay không cũng phụ thuộc vào hình dáng và kích thước của sản phẩm. Đối với thảm len trải sàn, có một số hình dáng cơ bản như hình vuông, chữ nhật, tròn, ô van… Đặc biệt, thảm sofa thường có hình dáng tự do, không theo khuôn khổ như hình chiếc lá, sóng nước, hoa quả, con vật… và tùy theo sự sáng tạo của nhà thiết kế.

Xác định bố cục trang trí

Trong thiết kế trang trí, bố cục là nền móng cho sự ổn định của họa tiết, màu sắc. Thiết kế thường dựa trên một số dạng bố cục cơ bản:

Bố cục tự do: thiết kế dựa trên những nguyên tắc cơ bản của cân giác, chính phụ, điểm nhấn, nhịp điệu, sắp xếp, tỷ lệ của hình, kết hợp màu sắc để trang trí. Để tạo nên một bố cục hài hòa, rất cần sự cân giác của cả hai trục tung và trục hoành.

Bố cục đăng đối: thiết kế dựa trên cơ sở của hai trục tung và trục hoành cắt nhau, hoặc hai đường chéo cắt nhau tạo thành bốn phần trang trí đối diện, kết hợp màu sắc để trang trí. Bên cạnh đó, thiết kế vẫn xoay quanh những nguyên tắc cơ bản là cân giác, nhịp điệu và chính phụ.

Bố cục đối xứng: thiết kế dựa trên cơ sở một trục, hoặc trục tung hoặc trục hoành, đường chéo hoặc trục lệch góc để chia thành hai phần trang trí đối xứng với nhau, kết hợp với màu sắc để trang trí. Yếu tố cân giác, chính phụ của hình vẫn là nguyên tắc cơ bản.

Bố cục hàng lối: dùng cụm họa tiết đã được cách điệu và đơn giản hóa có chính phụ, được lật đi lật lại, sắp xếp theo một quy luật nhất định, có nhịp điệu thống nhất theo hàng lối và kết hợp với màu sắc để trang trí.

Họa tiết trang trí

Trong trang trí sản phẩm ứng dụng, tư duy sáng tác phải đi liền với bố cục, họa tiết và màu sắc. Hình, mảng, màu sắc phải đẹp, hài hòa thì giá trị nghệ thuật của sản phẩm mới được nâng cao. Các chủ đề chính thường được đề cập tới trong trang trí thảm len như: hoa lá, hình động vật, họa tiết hình học, họa tiết minh văn, kiến trúc, phong cảnh, tích truyện cổ, hình người cách điệu… Nhiều năm nay, không những các tác phẩm nghệ thuật mà các dòng sản phẩm truyền thống đã từng nghiên cứu và khai thác những nét đẹp, vẻ đẹp của tự nhiên. Những chủ đề này đã trở thành những chủ đề chính cho việc nghiên cứu cấu trúc và cách điệu tạo thành họa tiết trang trí trên những sản phẩm nghệ thuật, phục vụ cuộc sống của con người.

Màu sắc của sản phẩm với không gian nội thất

Đối với thiết kế sản phẩm thảm len, điều quan trọng là sự hòa nhập màu sắc của sản phẩm với không gian nội thất. Trong lĩnh vực nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, có nhiều quan niệm và cách nhìn nhận về màu sắc, ví dụ như: màu đỏ tượng trưng cho sự mạnh mẽ, thường sử dụng làm điểm nhấn, tạo nên sự sang trọng; màu hồng là màu có sức hấp dẫn, mềm mại và tinh tế, thể hiện sự thân thiện và ấm áp; màu vàng có thể sử dụng gần như ở khắp mọi nơi, thể hiện sự tích cực và sáng tạo... Người nghệ sĩ đã khéo léo kết hợp màu sắc, tạo nên một sản phẩm hài hòa, phù hợp không gian sống và nhu cầu của người sử dụng. Ví dụ như, những gam màu nhẹ khi hòa quyện với nhau sẽ tạo nên không gian yên bình, thoải mái.

Phác thảo ý tưởng thiết kế

Trong giai đoạn phác thảo, người thiết kế cần có tư duy về: 1) Tính thẩm mỹ, cần dựa trên cơ sở và quy luật của thiết kế, bố cục, màu sắc, hình, nét, mảng làm sao có nhịp điệu, đảm bảo sự hài hòa của tổng thể; 2) Tính sáng tạo, thiết kế không trùng lặp với những sản phẩm đã có trên thị trường, mọi nghiên cứu thiết kế cần dựa trên xu hướng và có những bước cải tiến sáng tạo mạnh mẽ; 3) Công năng sử dụng, thiết kế cần nghiên cứu kỹ không gian sử dụng để đảm bảo thuận lợi cho việc ứng dụng sản phẩm trong nội thất; 4) Tính kinh tế, sản phẩm cần được lựa chọn những chất liệu có giá thành phù hợp và đảm bảo chất lượng thẩm mỹ, đồng thời đưa ra những phương án thi công thuận lợi, giản tiện, giảm được thời gian và chi phí, đảm bảo mức đầu tư kinh phí thấp nhất trong sản xuất.

Các thủ pháp và kỹ thuật thể hiện

Thiết kế bản vẽ sản phẩm là bước đầu tiên cho sản phẩm ứng dụng, từ phác thảo bố cục bằng chất liệu chì để nghiên cứu về mảng, hình, nét sau đó chuyển sang phác thảo mầu sắc và thể hiện các gam màu khác nhau để lựa chọn.

Phóng to bản vẽ bằng kích thước theo tỷ lệ 1/1, đây là bước có thể dùng máy photo phóng to hoặc phóng thủ công bằng tay dựa trên nguyên tắc kẻ ô. Đây cũng chính là bản chuẩn cho công việc in và vẽ công nghệ ô karo.

Vẽ công nghệ ô karo là một bước rất quan trọng cho việc thể hiện chất liệu thật, bởi khi đã lên khung dệt, người thợ căn cứ theo bản mẫu ô karo để dệt, nếu ô karo vẽ sai thì thợ dệt cũng dệt sai.

Dệt trên khung dây là công việc sau khi đã có bản vẽ ô karo và bắt đầu mắc dây tạo thành lớp lót đế của thảm theo đúng kích thước và đúng mật độ.

Sau khi hoàn thành phần lót đế của thảm, thợ dệt bắt đầu dệt vào mặt thảm, từ phần biên trở đi, cách dệt lần lượt từng hàng len một và chạy cuốn chiếu cho hết tấm thảm. Những bước này thuộc về kỹ thuật của thợ dệt, nếu sản phẩm quá to thì người thiết kế cần chia mẫu thành nhiều phần cho phù hợp với khung dệt, thuận tiện cho việc thi công. Nếu thời gian quá gấp thì cần thêm nhiều người cùng dệt, hoặc thay đổi ca để sản phẩm được thể hiện liên tục cho kịp tiến độ trong thời gian gấp.

Cắt tỉa hoàn thiện là bước cuối sau khi đã hoàn thành phần dệt trên khung. Công đoạn sửa mặt thảm, cắt tỉa hình, tỉa nét, tỉa tách mảng màu trên mặt thảm, rất cần người có tay nghề cao, biết nhìn hình vẽ cũng như những mảng màu của họa tiết hay mảng màu nền, để tỉa cho phù hợp với ý đồ của tác giả. Điều quan trọng là tay nghề phải có kỹ thuật thì tỉa những họa tiết trang trí trên bề mặt thảm mới đẹp, hoặc tạo các dạng phù điêu nhẹ mới đảm bảo về mỹ thuật.

Có thể nói, thảm len trải sàn không chỉ đẹp qua sự cảm nhận thị giác, mà phải phù hợp trong không gian nội thất ứng dụng. Trong cùng một tổng thể, nội thất phải kết hợp hài hòa với các đồ vật, sản phẩm dệt phải phù hợp với môi trường cảnh quan xung quanh và phải đáp ứng được sở thích của đối tượng sử dụng. Người sáng tác phải hiểu từng công đoạn của kỹ thuật dệt, cần phải lựa chọn các phương pháp thiết kế sao cho sản phẩm vừa phong phú về mặt nội dung, hình thức, vừa tạo hiệu quả ứng dụng trong không gian nội thất.

Bên cạnh giá trị nghệ thuật, kỹ thuật chế tác thảm len có thể tạo ra chất liệu mịn, xốp, độ cao thấp trên bề mặt thảm, dễ thích nghi và hòa quyện với không gian nội thất. Do dệt bằng tay nên người thợ thủ công dễ dàng chỉnh sửa hoa văn, kể cả những họa tiết nhỏ nhất, phức tạp nhất theo đúng thiết kế. Hiện nay, thảm len trải sàn xuất hiện nhiều mẫu mã mang phong cách hiện đại như thảm 3D với nhiều hình dáng, kích thước, hoa văn khác nhau. Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, người thiết kế cần phải cập nhật, nâng cao kiến thức thẩm mỹ trong phát triển hệ thống mẫu mã, xây dựng phương án cho việc thiết kế sản phẩm vừa có tính thẩm mỹ, vừa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Tác giả: Phạm Văn Tiến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

;