Điện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của tổ quốc, là quê hương của hơn 20 dân tộc anh em sinh sống. Những năm đầu TK XXI, Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo, tỉ lệ hộ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Tình trạng di cư tự do, tuyên truyền đạo trái phép, các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nói chung, các phong trào thi đua của phụ nữ nói riêng. Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” rộng khắp trong các tổ chức hội. Phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ. Do đó, đã thu hút được đông đảo phụ nữ các dân tộc trong tỉnh tham gia, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội LHPN tỉnh Điện Biên
Trước những nhiệm vụ quan trọng trong thời kì cách mạng mới, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IX (2002-2007), lần thứ X (2007-2012) đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” nhằm khẳng định, phát huy vai trò của phụ nữ trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện phong trào thi đua do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa nội dung, chỉ tiêu thi đua. Với nội dung phù hợp, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã được các cấp Hội phụ nữ tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai sâu rộng đến 100% cơ sở, được cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ tích cực hưởng ứng. Phong trào đã đi vào cuộc sống của các tầng lớp phụ nữ, trở thành động lực thúc đẩy chị em vượt qua khó khăn, phát huy phẩm chất tốt đẹp, khả năng sáng tạo, nâng cao vai trò của phụ nữ, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Các cấp Hội phụ nữ tỉnh đã năng động sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, cụ thể hóa thành nhiều phong trào với nội dung thi đua phong phú, đa dạng. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua gắn với việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, như phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức, phong trào “phụ nữ công an nhân dân tích cực học tập, năng động sáng tạo vì an ninh tổ quốc, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” ở các xã, phường...
Ban thường vụ tổ chức kí giao ước thi đua tới 100% huyện, thị, thành của hội, các đơn vị trực thuộc. Chú trọng phát động các đợt thi đua ngắn ngày gắn với các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh, thu hút đông đảo phụ nữ các dân tộc trong tỉnh tham gia.
Hàng năm, các cấp Hội LHPN đã xây dựng kế hoạch triển khai quán triệt nội dung phong trào thi đua đến cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp. Đó là thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hội viên...; tổ chức phát động thi đua kết hợp với kí cam kết thi đua ở từng cấp, vận động hội viên, phụ nữ đăng kí thực hiện 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua. Thực hiện tốt công tác kiểm tra tới 100% huyện, thị, thành; 60% cơ sở hội. Hướng dẫn, đôn đốc, uốn nắn kịp thời, giúp đỡ các cơ sở yếu kém.
Kết quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” những năm 2001-2010
Thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh: “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trong 10 năm (2001-2010), Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với đẩy mạnh “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam “tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”.
Qua các phong trào, đã tạo động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ hăng hái thi đua đạt nhiều thành tích trong học tập, lao động, công tác, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Phong trào “phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, mô hình “tổ - nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm”, mô hình “kết nghĩa giữa chi Hội phụ nữ người Kinh với phụ nữ dân tộc”… đã thật sự giúp phụ nữ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ năm 2001 đến năm 2006, Hội LHPN các cấp đã liên kết với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng triển khai chính sách khai thác nguồn vốn cho các hội viên vay với tổng nguồn vốn cho vay là 84,65 tỉ đồng; huy động tiết kiệm là 10,97 tỉ đồng. Từ 2 nguồn vốn đã thành lập được 2.357 nhóm phụ nữ tiết kiệm - tín dụng, giúp 30.866 lượt chị em vay vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập ổn định cuộc sống.
Qua phong trào “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện những tấm gương phụ nữ tiêu biểu, những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Đó là các mô hình “tín chấp nuôi lợn thịt”; mô hình “thêu truyền thống”; mô hình “vịt siêu trứng, cá rô phi đơn tính” đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình phụ nữ thoát nghèo.
Phong trào thi đua “mỗi gia đình nông thôn có một vườn rau sạch; nuôi từ 5 con gia cầm trở lên; không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn; không thả rông gia súc; có hố ủ phân gia súc, gia cầm; sạch nhà, sạch đường làng, khu phố” mặc dù mới được phát động từ năm 2007 nhưng đã có kết quả tốt. Hội LHPN còn phát động tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường làng, thôn bản, khu phố vào cuối năm.
Phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” theo những tiêu chuẩn gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”, trong 5 năm (2006 – 2011), đã có 43.712 lượt cán bộ hội viên đăng kí thực hiện, 31.835 lượt đạt tiêu chuẩn (chiếm 72.8%). Nhiều mô hình câu lạc bộ phụ nữ được xây dựng, đến năm 2010, toàn tỉnh có 183 loại hình câu lạc bộ với 8.953 hội viên tham gia sinh hoạt. Thông qua hoạt động tổ chức chiến dịch truyền thông, tập huấn kiến thức dân số, phòng chống tệ nạn xã hội, đã giúp các chị biết cách tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc, văn minh, lành mạnh, nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội, từng bước bình đẳng, góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội.
Hội phụ nữ các cấp tăng cường hoạt động nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học kĩ thuật, công nghệ cho chị em, tập huấn về khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, về quản lí vốn, tín dụng, thu hút hàng nghìn phụ nữ tham gia. Nhờ vậy, các tầng lớp phụ nữ được tiếp cận thường xuyên các nguồn thông tin khoa học kĩ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế cao.
Hoạt động xóa đói, giảm nghèo được mở rộng theo hướng bền vững, toàn diện, thiết thực với phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Giúp phụ nữ nghèo làm chủ hộ”. Trong 5 năm (2006 - 2011), đã giúp 800 hộ phụ nữ thoát nghèo, làm được 130 căn nhà tình thương cho phụ nữ nghèo với tổng số tiền 782,9 triệu đồng. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: “Mô hình lúa cao xạ”, “Vịt siêu trứng”, “Phụ nữ khá giúp phụ nữ nghèo”. Dựa trên thế mạnh của từng địa phương các cấp hội, đã khôi phục, phát huy các làng nghề truyền thống như: làng dệt thổ cẩm ở các xã thuộc huyện Tủa Chùa, làm chăn đệm, thêu khăn túi ở Điện Biên Phủ - Tuần Giáo (Điện Biên).
Qua thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp phụ nữ; góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của tỉnh; khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ các dân tộc tỉnh Điện Biên. Kết quả phong trào thi đua đã thúc đẩy việc tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, nâng cao chất lượng sinh hoạt, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Bên cạnh các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thì công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức, hiểu biết của phụ nữ về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới 100% cơ sở, cán bộ, hội viên cũng được triển khai. Các cấp hội chú trọng tuyên truyền, giáo dục chính trị cho cán bộ hội viên phụ nữ thông qua các hoạt động tọa đàm, hội thi, giao lưu văn nghệ, thể thao.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai tới 100% cơ sở hội. Triển khai, nhân rộng 2 mô hình điểm ống gạo tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm tại 76 xã, phường, 870 chi hội, đã thu được kết quả tốt.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, tham gia các hình thức dân chủ trực tiếp ở cộng đồng. Đội ngũ cán bộ nữ trên một số lĩnh vực phát triển về số lượng, chất lượng. Nữ cấp ủy, cấp xã, huyện, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong các cơ quan dân cử, cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến xã đã đóng góp tích cực vào việc lãnh đạo, quản lí nhà nước ở tỉnh. Nữ cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu giỏi việc nước, đảm việc nhà, tích cực nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tự khẳng định mình ở từng vị trí công tác.
Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” không chỉ khẳng định tầm quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn là động lực giúp chị em phụ nữ các dân tộc tỉnh Điện Biên phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Hội phụ nữ các cấp từ tỉnh đến cơ sở được củng cố phát triển; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của phần lớn gia đình được cải thiện; nhiều hộ xóa được đói, giảm được nghèo; năng lực công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của phụ nữ được nâng cao. Kết quả của phong trào thi đua góp phần nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, trở thành một lực lượng quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của tỉnh Điện Biên nói riêng, đất nước nói chung.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016
Tác giả : NGUYỄN THỊ HỒNG MIÊN