Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước đã có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn để phát triển, “gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên” (1). Điều này phần nào đã đáp ứng đúng nhu cầu, đòi hỏi của nhân dân, được người dân hưởng ứng, nhiệt tình thực hiện, tạo thành sức mạnh mới làm động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực văn hóa còn nhiều vấn đề gây bức xúc trong xã hội, chậm được giải quyết, nhất là việc xây dựng nếp sống văn hóa chưa được coi trọng đúng mức. Các văn bản pháp luật về văn hóa còn thiếu đồng bộ, việc thể chế hóa các nghị quyết, quan điểm của Đảng còn chậm, ít đổi mới. Một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội, tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong lớp trẻ. Việc đấu tranh ngăn ngừa văn hóa phẩm độc hại chưa toàn diện, còn nhiều khuyết điểm, bất cập. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu, khoảng cách văn hóa giữa các vùng, miền chưa được cải thiện đáng kể. Tình trạng chạy theo thị hiếu tầm thường, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, có chiều hướng phát triển. “Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ” (2). Lĩnh vực sáng tạo văn học, nghệ thuật thiếu những tác phẩm nổi bật về chất lượng cũng như giá trị. Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị tinh thần của các công trình văn hóa, tâm linh có những phát triển lệch lạc, biến tướng, khuynh hướng thương mại hóa khá phổ biến… Giao lưu văn hóa chưa thật sự chủ động, tạo được nhiều nguồn lực để mở rộng hợp tác, giao lưu, giới thiệu những tinh hoa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Để góp phần phát triển văn hóa Việt Nam trong điều kiện hiện nay, để “văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (3), cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Phát triển văn hóa chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới đất nước, cho nên, toàn xã hội phải nhận thức rõ để thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa. Thực hiện điều này, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trước tiên là trong các cấp ủy Đảng, toàn bộ đảng viên, sau đó là tuyên truyền cho toàn xã hội nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò của văn hóa, yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc” (4), để từ nhận thức làm chuyển biến trong hành động của tất cả các cấp, các ngành, của toàn xã hội đối với việc giữ gìn, xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí giữ vững phương hướng chính trị, tư tưởng, vừa phát huy quyền tự do, dân chủ trong sáng tạo, sáng tác với ý thức chính trị, tính tự giác, trách nhiệm công dân cao nhất.
Chăm lo xây dựng văn hóa từ trong tổ chức đảng, bộ máy chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, trọng tâm là bồi dưỡng, hun đúc lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tình cảm, trách nhiệm. Khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo. Mọi cán bộ, đảng viên đều phải phấn đấu thực sự là công bộc của dân. Văn hóa lãnh đạo đòi hỏi cán bộ ở cương vị càng cao, trọng trách càng lớn, càng phải gương mẫu, tận tụy, tiêu biểu về nhân cách, tuyệt đối không lợi dụng chức, quyền để mưu lợi cá nhân, luôn trăn trở vì nước, vì dân.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế hiện có, thực hiện nghiêm túc các văn bản luật pháp về văn hóa, thông tin: “Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” (5). Chủ động trong việc quản lý, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động lễ hội. Rà soát, phát triển hợp lý các thiết chế văn hóa, sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về văn hóa, về quyền tác giả, các chính sách khác có liên quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thực tiễn Việt Nam. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội.
Tiếp tục chỉ đạo, quản lý hiệu quả hoạt động xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở như nhà văn hóa, thư viện, trạm phát thanh, truyền hình, điểm bưu điện văn hóa, sân chơi, sân thể thao, trung tâm văn hóa giải trí cho thanh thiếu niên. Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong việc xây dựng nếp sống văn minh như việc cưới, việc tang, lễ hội, đẩy lùi hủ tục, tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm, bạo lực, gây rối trật tự công cộng. Cải thiện văn hóa ở những vùng đời sống còn quá khó khăn, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Ba là, tiếp tục giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, bắt kịp sự phát triển của thời đại. Trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi cần phải vừa phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc anh em, làm phong phú nền văn hóa chung của cả nước, vừa kiên trì củng cố, nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, đấu tranh chống các khuynh hướng lợi dụng văn hóa để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa từ địa phương đến trung ương, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị với nông thôn, giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội.
Việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc phải gắn liền với lãnh đạo nâng cao nhận thức, tư tưởng, hiểu biết về văn hóa, khoa học hiện đại của quần chúng nhân dân, để quần chúng phân biệt được những gì thực sự là chân, thiện, mỹ. Qua đó, khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, kiên quyết “đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam” (6). Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh các hoạt động lễ hội, tôn tạo những di tích văn hóa lịch sử, cách mạng, suy tôn các anh hùng liệt sĩ, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đề cao văn hóa làng xã, văn hóa dòng họ… để tạo ra lá chắn chống lại sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa ngoại lai.
Trong quá trình bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, cần phải xử lý đúng đắn, linh hoạt mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với kinh tế, xã hội: “Xây dựng cơ chế giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội” (7). Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần tăng cường vai trò của văn hóa trong phát triển, không để cho lợi ích kinh tế trước mắt làm ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của việc duy trì, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Chú ý hệ chính sách đồng bộ, bên cạnh việc nhấn mạnh các chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, cần chú ý tới các chính sách xã hội hóa, bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích sáng tạo, đầu tư văn hóa, ưu đãi xã hội, bảo vệ, phát triển môi trường văn hóa, khuyến khích xây dựng văn hóa môi trường trong tình hình mới. Chỉ có xuất phát từ nền tảng văn hóa dân tộc thì mọi chính sách, hoạt động văn hóa mới có được gốc rễ bền vững, khả năng thực hiện triệt để.
Tiếp biến, giao thoa, ảnh hưởng như là một thuộc tính của văn hóa. Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, muốn phát triển văn hóa cần phải chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại với việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, nhằm hướng tới mục tiêu vừa quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới vừa làm phong phú văn hóa nước nhà trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Trong quá trình giao lưu văn hóa, chúng ta cần “chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiên cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa” (8), chú trọng nguyên tắc vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Hợp tác, tiếp thu, học hỏi ở những nền văn hóa lành mạnh, tiến bộ; bài trừ, phủ định những sản phẩm độc hại, những hành vi phản văn hóa; tỉnh táo trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù lợi dụng ngoại giao văn hóa để thực hiện các mưu đồ chính trị.
Bốn là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa. Đội ngũ cán bộ văn hóa có vai trò rất quan trọng trong hoạt động quản lý, phát triển văn hóa. Do đó, trong điều kiện hiện nay, cần phải xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ cơ sở vững mạnh, có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi, tâm huyết với sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, sự nghiệp trồng người. Đồng thời, họ phải là những con người có nhân cách, bản lĩnh, ý thức công dân, ý thức chính trị tốt, luôn biết chủ động khắc phục khó khăn, hy sinh, cống hiến, đam mê vì sự nghiệp văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, tạo điều kiện tốt về chế độ, chính sách, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống, nhất là đối với những cán bộ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao. Tôn trọng tự do sáng tác, xây dựng quan hệ chân thành, cởi mở đối với đội ngũ những người hoạt động văn hóa, có chính sách trọng dụng người tài, đồng thời chăm lo định hướng chính trị, ý thức trách nhiệm công dân, nhằm phát huy cao nhất sự đóng góp của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người làm báo cho sự nghiệp phát triển văn hóa.
_______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.123.
2, 3, 4, 5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, 2016, tr.125, 126, 127, 131, 129, 131.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thủy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018