Những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu
Tín ngưỡng thờ Mẫu là loại hình tín ngưỡng bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ nữ thần (nhưng không phải tất cả nữ thần đều là Mẫu), là một bộ phận của ý thức xã hội, được hình thành từ chế độ thị tộc mẫu hệ, tôn vinh những người phụ nữ có công với nước, với cộng đồng, tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội làm Thánh Mẫu, Vương mẫu... Và qua đó, người ta gửi gắm niềm tin vào sự che chở, giúp đỡ của các lực lượng siêu nhiên thuộc nữ thần.
Tín ngưỡng thờ Mẫu có chức năng giáo dục đạo đức, định hướng nhân cách sống cao đẹp cho con người. Nó hướng con người đến cách sống với niềm tự tôn dân tộc thông qua những vị Thánh Mẫu đã được lịch sử hóa gắn với tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình. Đồng thời, đó cũng là chân lý, ánh sáng dẫn dắt con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ, biết sống khoan dung độ lượng, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều thời kỳ giao thoa văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn luôn rộng mở, hòa nhập, dung hợp và tiếp nhận những giá trị của các tôn giáo, tín ngưỡng dân gian khác như: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo… thể hiện sự giao lưu, tiếp nhận có chọn lọc. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện phong tục, tập quán, lối sống cao đẹp của người Việt Nam.
Ngày 1-12-2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân” (1).
Một số vấn đề đặt ra trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đối với thanh niên hiện nay
Quá trình toàn cầu hóa hiện nay đã làm cho thế giới trở nên “phẳng” hơn bao giờ hết. Sự phát triển của khoa học, công nghệ đặc biệt là sự phát triển của internet đã đưa nhiều nền văn hóa khác nhau du nhập vào Việt Nam. Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số) (2). Và theo một số điều tra xã hội khác cho thấy, thời lượng sử dụng mạng xã hội của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ/ ngày. Chính vì vậy, việc tiếp cận với nhiều nền văn hóa đã làm cho một bộ phận giới trẻ Việt Nam trở nên “lạnh nhạt” với văn hóa truyền thống, thích chạy theo trào lưu văn hóa nước ngoài, đặc biệt là văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản... Chúng ta mở cửa hội nhập, tiếp thu có chọn lọc những nền văn hóa tiên tiến trên thế giới để góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam là điều tích cực. Nhưng việc một số bạn trẻ mải mê chạy theo văn hóa ngoại lai mà thờ ơ với văn hóa cổ truyền của dân tộc nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng sẽ dẫn đến tình trạng “thoái trào văn hóa”, “biến dạng văn hóa”.
Tín ngưỡng thờ Mẫu đóng vai trò là một trong những thành tố, bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, chúng ta phải bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tín ngưỡng này. Đặc biệt, phải phát huy được vai trò, nhiệt huyết của thế hệ trẻ tham gia vào công tác bảo vệ di sản.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đã được USNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng song song với niềm tự hào đó, chúng ta lại phải đối mặt trước những nguy cơ biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan. Đặc biệt là nghi lễ hầu đồng, một trong những thành tố đặc biệt, nghi thức cơ bản trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi thức này đang đứng trước nguy cơ bị lợi dụng làm mất đi giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa Việt. Trong thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những clip thanh đồng ăn mặc phản cảm, tư thế thực hành tín ngưỡng không đúng đắn trên các trang mạng xã hội. Lệch chuẩn từ trang phục, đạo cụ, văn hầu cho đến vũ đạo, thậm chí có những thanh đồng đưa cả hò hét, phán truyền bói toán, phù chú, bắt ma… vào các canh hầu. Có những nơi, một giá hầu đồng lên đến hàng trăm triệu, tiền ban phát lộc duy nhất chỉ một tờ 500 nghìn đồng, gọi là hiện tượng “đồng đua”, “đồng đú” gây lãng phí, tốn kém... Sự bùng phát của trình đồng mở phủ dẫn đến những biến đổi trong hàng ngũ con nhang, đệ tử. Họ bắt đầu hầu những vị thánh mà trước đây trong truyền thống không bao giờ hầu như: Phật Bà Quan Âm, vua cha… Những bộ lễ phục bị thay đổi khiến người xem không nhận ra chủ nhân của bộ lễ phục là vị thần nào. Không chỉ dừng lại ở đó, thực hành tín ngưỡng còn xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, các cuộc khai mạc hội nghị, hội chợ hay sự kiện… mà theo truyền thống dân gian, nghi lễ lên đồng vốn chỉ diễn ra ở những nơi trang trọng, linh thiêng như điện, đền, phủ nơi thờ các vị thánh của Đạo Mẫu. Bên cạnh đó, chưa có những quy chuẩn cho ng trẻ”, cùng với việc không nắm được một cách chính xác các tiến trình, cách thức thực hiện nghi lễ mà chủ yếu học theo các đồng thày. Nhưng đôi khi những đồng thày đó cũng không được rèn luyện một cách bài bản, có hệ thống dẫn đến những biến tướng mang tính tiêu cực làm ảnh hưởng tới giá trị nguyên bản của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và nghi lễ hầu đồng nói riêng.
Trên thực tế, hiện nay có nhiều bạn trẻ bắt đầu tham gia tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng theo xu hướng cách tân một cách tùy tiện, đội ngũ cung văn, người mới học nghề cũng gia nhập vào đội ngũ hát văn, làm sai lệch nhiều lời bài hát, vần điệu, đưa cả âm nhạc hiện đại vào hát văn, mục đích là hiện đại hóa để thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, sự thay đổi không dựa trên nguyên tắc, chuẩn mực đã làm phá vỡ “một bình phong” có giá trị văn hóa lâu đời, tài sản vô giá của một dân tộc và làm mất đi nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh.
Giải pháp phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu
Năm 2017, Bộ VHTTDL đã triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022). Chương trình được triển khai thành công, có kết quả tốt đẹp chính là nhờ có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành và các tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ. Do đó, để nâng cao hiệu quả của việc bảo tồn giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, không thể bỏ qua vai trò tích cực, chủ động của giới trẻ. Không để thế hệ trẻ ở thế bị động mà đặt họ vào vai trò chủ đạo, chủ động tìm tòi, chủ động học hỏi và chủ động bảo tồn giá trị văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu. Để phát huy vai trò tích cực của thế hệ trẻ trong bảo tồn giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam cần có một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tạo điều kiện cho giới trẻ Việt Nam tiếp xúc nhiều hơn với giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Khuyến khích nghệ nhân mở lớp truyền dạy sử dụng đạo cụ âm nhạc trong nghệ thuật hát văn cho thế hệ trẻ, nhằm truyền nghề, bảo vệ và phát huy giá trị tín ngưỡ
Thứ hai, các trung tâm văn hóa kết hợp với các trường đại học mở cuộc thi, hội thảo khoa học, tọa đàm cho sinh viên trực tiếp tham gia xây dựng đề tài nghiên cứu, viết bài tham luận về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Từ đó khơi gợi truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho giới trẻ Việt Nam.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, lập một trang thông tin riêng cho tín ngưỡng thờ Mẫu do cơ quan văn hóa có thẩm quyền quản lý. Đồng thời, có sự vào cuộc của các nhà mạng trong việc hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin giả mạo, độc hại liên quan đến biến tướng, mê tín dị đoan, giúp thế hệ trẻ phân luồng thông tin, góp phần bảo tồn giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu.
Thứ tư, các cơ quan quản lý văn hóa hỗ trợ về mặt kinh phí, tài liệu, tháo gỡ khó khăn cho những câu lạc bộ sinh viên tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tín nguỡng.
Thứ năm, tổ chức các chương trình động viên, khen thưởng những cá nhân có công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng.
Thứ sáu, tổ chức các chương trình, cuộc thi tìm hiểu về giá trị văn hóa tín ngưỡng, là sân chơi thực sự, trau dồi kiến thức cho thế hệ thế hệ trẻ.
_________________
1. dsvh.gov.vn.
2. baochinhphu.vn, 16-12-2020.
Tài liệu tham khảo
1. Dương Phú Hiệp, Quan niệm về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, danangtimes.vn.
2. Thành Yến, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Thời Đại, Hà Nội, 2011.
3. Trần Quốc Toản, Vị trí và vai trò của văn hóa trong đổi mới - phát triển: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra, hdll.vn, 18-9-2018.
4. Nguyễn Văn Thanh, Lê Trọng Tuyến, Giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc hiện nay, Tạp chí Dân vận, truy cập ngày 20-4-2021.
5. Đức Triết, Còn nhiều biến tướng trong thực hành các nghi lễ thờ Mẫu, tuoitre.vn, 16-11-2017.
Tác giả: Trịnh Văn Khoa
Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021