Liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh vùng Việt Bắc

Mười hai năm, chưa dài cũng không ngắn đối với hành trình kết nối phát triển giữa các tỉnh vùng Việt Bắc trong phát triển du lịch. Hành trình ấy, qua những giai đoạn khác nhau, với những biến đổi không giống nhau, đã để lại những dấu ấn quan trọng trong diện mạo hôm nay của thương hiệu mang tên Qua những miền di sản Việt Bắc. Đó là những lần tổ chức thành công ở mỗi tỉnh của vùng Việt Bắc - là sự khẳng định ngày càng rõ hơn vị thế của các địa phương trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Vùng Việt Bắc nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, là các tỉnh có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, có truyền thống giao lưu gắn kết tình cảm, phối hợp với nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch. Vùng Việt Bắc được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp hùng vĩ như: Công viên địa chất non nước Cao Bằng và công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), với các danh lam thắng cảnh đẹp như hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… Nơi đây cũng là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Mông, Dao, Cao Lan, Sán Dìu… được thể hiện qua các phong tục tập quán, nghi thức dân gian, dân ca, dân vũ… Đặc biệt, đây còn là vùng đất đã chứng kiến và ghi dấu những chiến công lừng lẫy của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với hệ thống những điểm di tích lịch sử, văn hóa quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở TK XX. Trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch vùng Việt Bắc, việc khai thác hiệu quả các tuyến du lịch liên tỉnh là cánh cửa kết nối đưa sản phẩm du lịch đặc trưng của 6 tỉnh Việt Bắc đến các thị trường du lịch lớn trong cả nước.

Kể từ khi 6 tỉnh xây dựng một thương hiệu chung là chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc, trở thành hoạt động thường niên, tổ chức luân phiên giữa 6 tỉnh, đã làm tốt vai trò đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, tiềm năng du lịch các tỉnh vùng Việt Bắc. Là cầu nối giúp cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành các tỉnh vùng Việt Bắc mở rộng liên kết, hợp tác khai thác tiềm năng du lịch và sản phẩm du lịch của mỗi địa phương tới du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đến năm 2020, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, du lịch tại các tỉnh vùng Việt Bắc gặp nhiều khó khăn. Các lệnh dừng bay, hạn chế đi lại và sự e ngại của du khách do lo sợ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch của vùng trở nên ảm đạm, doanh thu ngành Du lịch sụt giảm mạnh. Vì vậy, chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc bị tạm hoãn tổ chức. Đến tháng 4 -2021, tình hình đã có những bước khởi sắc, khi bối cảnh dịch bệnh trong nước cơ bản đã được kiểm soát, chương trình tiếp tục được khởi động và điểm đăng cai lần này là tỉnh Thái Nguyên. Việc tổ chức thành công chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc đã thể hiện sự nỗ lực của lãnh đạo các ban ngành của các tỉnh vùng Việt Bắc khi kịp thời nắm bắt được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong phát triển du lịch, nhất là tại “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22-1-2020); và hưởng ứng 2 chương trình do Bộ VHTTDL phát động: Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn… Trên cơ sở đó, các tỉnh vùng Việt Bắc đã xây dựng một chương trình du lịch phù hợp với tình hình hiện nay, mang thông điệp “Du lịch Việt Bắc an toàn, đậm đà bản sắc dân tộc”. Thái Nguyên và các tỉnh Việt Bắc luôn sẵn sàng chào đón du khách cả nước đến thăm quan, trải nghiệm, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của vùng Việt Bắc.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XII”

Ảnh: Tuệ Sam

Trong khuôn khổ chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc, diễn ra từ ngày 20 đến 24-4-2021, lãnh đạo các tỉnh đã cùng với đoàn khảo sát đi khảo sát thực tế, đặc biệt, tổ chức thành công tọa đàm về liên kết phát triển du lịch 6 tỉnh vùng Việt Bắc... Điều này cho thấy sự chú trọng và nỗ lực trong hành trình vực dậy ngành Du lịch sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh gây ra của ban lãnh đạo các tỉnh Việt Bắc. Cũng từ đây, những ý kiến đóng góp đã chỉ ra được một số vấn đề về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay mà các tỉnh vùng Việt Bắc cần quan tâm.

Tuy dịch COVID-19 gây ra nhiều thiệt hại cho ngành Du lịch, nhưng cũng làm bộc lộ được những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm qua, đó là chúng ta gần như mới chỉ chú ý số lượng khách quốc tế, khách trong nước hằng năm mà chưa chú ý đánh giá đúng về chất lượng du khách. Vì vậy, du lịch hiện nay phải hướng đến chất lượng và tập trung ở tất cả phân khúc. Phải chủ động tái cơ cấu thị trường khách, trong đó, tập trung cho thị trường khách nội địa. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh tại lễ khai mạc chương trình: Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác và định hướng chung cho phát triển du lịch trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị 6 tỉnh vùng Việt Bắc cần tiếp tục hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ hai chương trình kích cầu du lịch do Bộ VHTTDL phát động, đó là Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Chiến dịch này đang đánh trúng tâm lý của du khách Việt, đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp kích cầu du lịch.

Cùng với đó, vấn đề an toàn du lịch phải được đặt lên trên hết: dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi nhu cầu của du khách, dẫn đến nhiều thay đổi về hành vi du lịch. Thay vì ưu tiên giá cả, sự đảm bảo về an toàn của điểm đến mới là mối quan tâm hàng đầu. Để làm được điều này, các tỉnh cần phải xây dựng một kế hoạch chung về phát triển du lịch an toàn, làm sao vừa phát triển du lịch, vừa đáp ứng được công tác phòng chống dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước.

Với mục tiêu thu hút du khách trở lại sau thời gian tạm gián đoạn vì ảnh hưởng dịch bệnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch vùng Việt Bắc phải có sức hấp dẫn, mới mẻ, sản phẩm du lịch phù hợp với thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay sự liên kết giữa các tỉnh vùng Việt Bắc còn nhiều hạn chế. Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên cho rằng trên thực tế trong liên kết phát triển của 6 tỉnh Việt Bắc mới dừng lại ở việc trao đổi kinh nghiệm, hoạt động liên kết chủ yếu là tổ chức các sự kiện. Mặc dù đã có sự định hướng của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng doanh nghiệp du lịch của các tỉnh chưa thực sự gắn kết chặt chẽ, chưa tích cực khai thác các sản phẩm địa phương theo hướng liên kết du lịch các tỉnh trong vùng và khu vực. Thị trường tour vẫn chỉ dừng lại ở từng tỉnh riêng lẻ, du khách đến từng tỉnh và đi về trong ngày… Để tháo gỡ những khó khăn này, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp như: các địa phương vùng Việt Bắc cần thống nhất xây dựng một chương trình hành động chung và tập trung vào những lĩnh vực mà các địa phương trong vùng quan tâm bao gồm: liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đảm bảo tính hấp dẫn, độc đáo gắn liền với thế mạnh của từng địa phương; xây dựng phát triển hệ thống tuyến, điểm du lịch chung của vùng, liên kết trong nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch. Liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; liên kết trong hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và sản phẩm du lịch tại các địa phương trong vùng; liên kết trong chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý du lịch… Hoạt động lữ hành cần có sự liên kết với các trung tâm du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch qua cửa khẩu biên giới, thu hút khách du lịch từ quốc tế… Sự liên kết này rất quan trọng, giúp du lịch các tỉnh nâng cao năng lực đón khách, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, quảng bá và mở rộng thị trường… Nếu giải quyết được tốt các vấn đề trên, trong thời gian tới các tỉnh vùng Việt Bắc sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Tác giả: Ths Tuệ Sam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 461, tháng 5-2021

;