PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC TÔN GIÁO TRONG XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống riêng. Tôn giáo ở Việt Nam được hình thành và phát triển đa dạng, đồng thời có những nét đặc thù riêng. Có những tôn giáo được du nhập từ bên ngoài vào và có những tôn giáo nội sinh với những phương thức khác nhau. Các tôn giáo du nhập có nguồn gốc từ phương Đông như Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, có nguồn gốc từ phương Tây như Công giáo, Tin lành; các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo... trong đó, có tôn giáo hoàn chỉnh (có hệ thống giáo lý, luật lệ, lễ nghi và tổ chức giáo hội), có những hình thức tôn giáo sơ khai thờ đa thần (tín ngưỡng dân gian), có các tôn giáo đã phát triển và hoạt động ổn định, có những tôn giáo đang trong quá trình tìm kiếm đường hướng mới cho phù hợp. Về khía cạnh văn hóa, sự đa dạng các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú và đặc sắc.

Trong sự phát triển chung của đất nước cùng với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc luôn có sự chung tay đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó sự đóng góp không nhỏ của các tôn giáo và đồng bào tôn giáo. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, bảo đảm nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của mỗi tôn giáo; tích cực động viên mọi nguồn lực xã hội và hiện thực hóa đường hướng hành đạo đồng hành cùng dân tộc bằng những hành động, việc làm cụ thể trong các lĩnh vực, như: từ thiện xã hội, y tế, giáo dục, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, xây dựng nếp sống văn minh, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội... Lịch sử nước ta đã khẳng định, bên cạnh những đóng góp về kinh tế, văn hóa, xã hội, cùng với giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo đã góp phần quan trọng trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế những tác động tiêu cực của việc suy thoái đạo đức, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Hoạt động của các tôn giáo ngoài việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người còn hướng tới, tham gia vào chức năng đối với xã hội, cùng với các chủ thể khác tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo để giúp đỡ những con người có hoàn cảnh đặc biệt chính là nhằm thực hiện chức năng đối với xã hội của tôn giáo. Để thực hiện các chức năng đối với xã hội, các tôn giáo đều có những quy định và tổ chức ra bộ máy, phân công nhân sự tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, mỗi tôn giáo thực hiện chức năng đó theo cách thức, mức độ khác nhau trên cơ sở quy định của pháp luật.

Với tư cách một công dân, tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành được tham gia như mọi công dân khác. Khi tham gia xã hội hóa hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo họ có quyền và trách nhiệm như mọi công dân. Việc phân định tư cách của một con người cụ thể với tư cách là một công dân của nhà nước và tư cách là một tín đồ của một tổ chức tôn giáo là rất phức tạp. Việc phân định này phụ thuộc vào chủ thể tham gia khi làm thủ tục đăng ký, xin phép. Giáo lý, giáo luật của các tôn giáo đều khuyên răn tín đồ làm việc thiện, coi đó như là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của người có đạo. Trong giáo lý, giáo luật, các tôn giáo luôn đề cao các giá trị đạo đức, khuyên răn con người làm việc thiện, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Chính vì vậy mà tôn giáo mới có sức hấp dẫn, lay động lòng người, gắn bó với con người không chỉ bằng niềm tin thiêng liêng, cao cả, mà còn vì tính thế tục của nó. Tôn giáo vì thế có sức sống lâu dài trong mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Phật giáo với một giáo lý có tính thống nhất, hòa hợp và nâng đỡ con người được thể hiện trong tứ vô lượng tâm tức là từ, bi, hỷ, xả. Đó chính là bốn đức độ bao la không ranh giới, bao trùm tất cả chúng sinh. Đạo Công giáo đề cao lòng bác ái, vị tha và được khái quát bằng lời dạy của Đức Chúa trời yêu người như mình ta vậy. Đó là tình yêu quên mình, tình yêu vô vị lợi. Đạo Tin lành coi hoạt động từ thiện nhân đạo như là một sứ mệnh thuộc linh, là sự thực hành về đạo đức. Đạo Cao Đài cũng đề cao công bình, bác ái, từ bi với mục đích cứu khổ chúng sinh, tạo dựng niết bàn cực lạc tại thế gian này. Phật giáo Hòa Hảo chủ trương học phật tu nhân lấy việc báo đáp tứ ân (ân tổ tiên cha mẹ, đất nước, đồng bào nhân loại, tam bảo) làm căn bản của việc tu hành. Xuất phát từ lòng thương người, lấy việc phục vụ, hy sinh vì con người làm mục đích, lý tưởng của đời tu nên các tổ chức, cá nhân tôn giáo rất coi trọng và tích cực làm việc từ thiện nhân đạo. Các cơ sở tôn giáo luôn sẵn sàng cưu mang, che chở cho những số phận bất hạnh, cơ nhỡ, lang thang, không nơi nương tựa.

Ngày nay có hàng trăm cơ sở chăm sóc người già cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, người tàn tật, bệnh nhân phong, tâm thần, người bị HIV/AIDS; hàng trăm sơ sở giáo dục mầm non, lớp học tình thương, cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo do các cơ sở tôn giáo tổ chức. Có những nữ tu Công giáo trọn cả cuộc đời gắn với các trại phong cùi, cô nhi viện, sống cuộc đời tận hiến, phục vụ tha nhân không một sự tính toán, đòi hỏi cho bản thân. Mỗi khi đồng bào gặp hoạn nạn, thiên tai, các tổ chức, cá nhân tôn giáo luôn giang rộng vòng tay nhân ái, giúp đỡ, với tinh thần lá lánh đùm lá rách, giúp nhau qua cơn hoạn nạn. Cùng với những lời răn dạy trong giáo lý, giáo luật các tôn giáo còn đặt ra những quy định để tổ chức và cá nhân tôn giáo thực hiện. Trong 6 nguyên tắc đối nhân xử thế (Hạnh lục độ) của nhà Phật, bố thí là một nguyên tắc quan trọng. Mỗi phật tử thực hành bố thí như là một hạnh đầu tiên phải làm để đi vào con đường chân chính. Cùng với việc thực hiện 6 nguyên tắc, những tín đồ xuất gia của đạo Phật còn phải thực hiện lục hòa. Những lợi ích thu được phải thực hiện lợi hòa đồng quân.

Đối với đạo Công giáo, ngoài việc thực hiện 10 điều răn của Thiên Chúa, các giáo dân còn phải thực hiện các quy định của Giáo hội. Trong quan hệ với đồng đạo và đồng loại, Giáo hội quy định phải lấy điều thiện mà khuyên người; hướng dẫn cho kẻ mê muội, kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách mặc, khách ở nhờ, viếng thăm người hoạn nạn... Tương tự với 2 tôn giáo trên, đạo Cao Đài hướng dẫn tín đồ tu nhân đạo, lấy “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và trung hiếu làm căn bản”. Nhân đạo chính là đạo làm người, “thương yêu người đói khổ, tật nguyền, hoạn nạn như thương mình vậy, chẳng luận bà con hay người dưng”; làm tròn bổn phận đối với bản thân, gia đình và xã hội. Phật giáo Hòa Hảo răn dạy tín đồ: “Không nên đốt giấy tiền, vàng, bạc, giấy quần áo mà tốn tiền vô lý, vì cõi Diêm Vương không bao giờ ăn hối lộ của ta mà cũng không xài được nữa, phải để tiền lãng phí ấy cứu trợ cho những người đói rách, tàn tật”... Đặc biệt với thuyết nhân quả, “gieo nhân nào, trời trao quả ấy”, “ở hiền, gặp lành”, “ác giả, ác báo”, là những lời cảnh báo, những lời răn dạy trong ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên và xã hội. Những lời răn dạy này đã có những tác động không nhỏ trong hành vi ứng xử của con người. Ai cũng mong muốn những điều may mắn, tốt đẹp đến với mình và để có được điều đó thì trước tiên họ phải là người có suy nghĩ, hành động đúng, phải làm những việc thiện, những việc có ích cho đời, cho người.

Với tính chất hoạt động thường xuyên, không tổng kết, đánh giá nhằm mục đích khuyếch trương, lấy thành tích; với tinh thần hoạt động “tay phải làm tay trái không biết”, hoạt động không phải để người ta trả ơn, nên việc thống kê kết quả hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo của tổ chức, cá nhân tôn giáo là rất khó khăn, số liệu từ các nguồn thiếu thống nhất. Mặc dù vậy, kết quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo những năm qua mang lại cho xã hội là không thể phủ nhận. Thực hiện giáo lý, giáo luật của tôn giáo, với mục đích nhân đạo, phi lợi nhuận, việc tham gia chủ trương xã hội hóa của tổ chức, cá nhân tôn giáo cơ bản mang yếu tố tích cực. Đối tượng mà tổ chức, cá nhân tôn giáo hướng tới thường là những thành phần dễ bị tổn thương, những đối tượng thiệt thòi trong xã hội, đặc biệt là những đối tượng do nhiều nguyên nhân khác nhau chưa được các cấp chính quyền, đoàn thể của Nhà nước quan tâm đầy đủ. Với sự giúp đỡ của tổ chức, cá nhân tôn giáo, nhiều trẻ em đã được cắp sách tới trường; nhiều cụ già cô đơn không nơi nương tựa được sống vui vẻ trong phần còn lại của cuộc đời; nhiều con người lầm lỡ đã được cứu vớt, được làm lại cuộc đời; nhiều bệnh nhân đã được chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa lành bệnh; nhiều thanh niên đã học được nghề phù hợp và có việc làm, thu nhập ổn định... Trong khi nhiều cơ sở giáo dục, y tế công lập còn nhiều hạn chế, đặc biệt là về thái độ phục vụ, về thu phí, chất lượng phục vụ thì nhiều cơ sở giáo dục, khám chữa bệnh của tôn giáo đã tạo được niềm tin với người dân. Rất nhiều cơ sở giáo dục của tôn giáo không chỉ thu hút con em là người có đạo mà cả con em của cán bộ, công chức vì sự nhiệt tình, chu đáo, tận tụy, hết lòng với công việc, không kể thời gian của đội ngũ giáo viên. Nhiều cơ sở y tế không chỉ là nơi khám chữa bệnh ban đầu bằng các phương tiện kỹ thuật mà còn là nơi chăm sóc, điều trị bằng liệu pháp tinh thần, giúp bệnh nhân mau lành bệnh. Người đến học, đến khám chữa bệnh tại cơ sở của tôn giáo không chỉ được học chữ, học văn hóa… mà còn được học làm người, học được tình yêu thương, chia sẻ giữa con người với con người. Bằng các hoạt động từ thiện nhân đạo, tổ chức, cá nhân tôn giáo đã thu hút được một nguồn nhân lực, vật lực, tài lực đáng kể trong xã hội để góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa của Nhà nước; chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước, với xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và giải quyết những vấn đề xã hội đang đặt ra. Với hoạt động đầy tính nhân văn của mình, các tổ chức, cá nhân tôn giáo góp phần tô đậm, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.

Xã hội hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo là một xu thế khách quan trong môi trường hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay. Tôn giáo tham gia chủ trương xã hội hóa chính là biểu hiện cụ thể của xu thế đồng hành cùng dân tộc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước được các tổ chức, cá nhân tôn giáo hết sức quan tâm và tham gia một cách tích cực vì nó phù hợp với tôn chỉ mục đích của tôn giáo. Hoạt động của tổ chức, cá nhân tôn giáo đã mang lại những hiệu quả đáng khích lệ. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của tôn giáo đối với đất nước và dân tộc, các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương cần khẳng định rõ chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn các hoạt động tôn giáo bảo đảm quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tiếp tục đẩy mạnh những việc làm cụ thể, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý tôn giáo góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, tạo nên những chuẩn mực, giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, cần phát huy tính dân chủ, động viên các chức sắc, đồng bào tôn giáo, nhất là các chức sắc tôn giáo có uy tín, có đạo hạnh và tinh thần gắn bó với dân tộc, tiếp tục đóng góp ý kiến, đề xuất kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo nói riêng và phương hướng xây dựng, phát triển đất nước nói chung.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : NGUYỄN TRUNG TUYÊN

;