Nữ trưởng thôn tích cực xây dựng “thôn nông thôn mới kiểu mẫu”

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan thôn Nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM) Phước Hưng Nam, thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang- TP Đà Nẵng. Hai bên con đường nhựa phẳng lì, sạch bóng nằm giữa thôn là những khóm hoa do người dân tự trồng, tự chăm sóc đang khoe màu tươi thắm. Đặc biệt, được nghe câu chuyện nói về nữ trưởng thôn Đỗ Thị Tùng (SN 1968) đã xây dựng thôn Phước Hưng Nam trở thành thôn NTMKM tiêu biểu của huyện Hòa Vang. Chị Tùng được lãnh đạo địa phương ghi nhận, nhân dân quý mến, bạn bè ngưỡng mộ.

Để có thêm thu nhập ổn định, chị Tùng đã mở lò tráng mì, tráng bánh. Hằng năm, doanh thu từ dịch vụ tráng bánh tráng lên đến 200 triệu đồng
 

Với sự năng nổ, tích cực trong hoạt động, ban đầu, chị Tùng tham gia công tác phụ nữ với chức danh Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phước Hưng Nam từ năm 1999. Tiếp đó, chị Tùng vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 2005, chị Tùng là phó Trưởng thôn Phước Hưng Nam, rồi làm chi ủy viên chi bộ Đảng và được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn từ năm 2013 đến nay.

Chị Tùng cho hay, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, đội ngũ cán bộ cấp ủy, quân dân chính (QDC) thôn luôn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" phát động thi đua, đăng ký cam kết thực hiện các nội dung trong Bộ tiêu chí xây dựng thôn NTMKM do UBND huyện Hòa Vang ban hành. Cùng với đội ngũ QDC thôn, chị Tùng luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; xây dựng đời sống văn hóa mới, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình và các mô hình bảo vệ môi trường. Nổi bật là việc huy động người dân đóng góp 350 triệu đồng, 260 ngày công và hiến hơn 1.000m2 đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn thực hiện các tiêu chí để đạt thôn NTMKM.

Nổi bật của thôn Phước Hưng Nam mà ai cũng trầm trồ thán phục là giải pháp thực hiện và hiệu quả của mô hình “5 không” trong việc tang lễ, ma chay. Theo đó, khi gia đình nào trong thôn có việc tang thì thực hiện “5 không” (không thuê mướn dàn nhạc về phục vụ tang lễ, không tổ chức uống rượu, không rải vàng mã ra đường khi đưa tang, không sử dụng hạt dưa và không hút thuốc lá) được người dân đồng thuận rất cao.

Kinh nghiệm để  thực hiện thành công mô hình “5 không” trong việc tang được chị Tùng cho hay, cấp ủy chi bộ, QDC thôn và các đoàn thể tranh thủ sự đồng thuận của các bậc cao niên, các trưởng tộc, trưởng họ để triển khai. Việc thực hiện “5 không” được chi bộ xây dựng nội dung và thông qua nghị quyết. Ban đầu, thí điểm không sử dụng dàn nhạc trong đám tang, sau này bổ sung thêm việc không tổ chức uống rượu… rồi nâng dần thực hiện “5 không” trong việc tang.

Về xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, sau khi được huyện và xã đầu tư Nhà văn hóa cùng sân thể thao rộng 3.000m2, chị Tùng đã tổ chức họp cán bộ QDC thôn đưa ra kế hoạch rồi thông qua chi bộ. Được sự đồng ý của chi bộ, chị tiến hành tổ chức họp dân. Nhờ sự đồng thuận của người dân, chị đã vận động mỗi hộ gia đình đóng góp từ 50.000 - 100.000 đồng. Có sân thể thao, thôn đã xây dựng đội bóng chuyền, 2 đội bóng đá gồm bóng đá nam, bóng đá nữ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao khác được phát triển. Trục đường chính qua thôn Phước Hưng Nam dài 1km được trải nhựa đường, rộng rãi, “sáng - xanh - sạch - đẹp” với hoa nở bốn mùa.

Thôn Phước Hưng Nam có 105 hộ với 605 nhân khẩu, đa số người dân sống bằng nghề làm nông nghiệp. Những năm qua, phong trào cải tạo vườn tạp lan rộng với sự xuất hiện những vườn cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mảnh vườn cau, bưởi da xanh, mít, dừa xiêm, ổi lê… đã cho thu nhập khá. Kinh tế vườn đã đem lại cho nhiều hộ gia đình thu nhập trên 30 triệu đồng mỗi năm từ cây ăn trái với mít Thái Lan, bưởi da xanh và những cây ăn quả kinh tế khác. Năm 2015, thôn cán đích xây dựng NTM. Năm 2018, thôn được UBND huyện Hòa Vang đánh giá đạt chuẩn thôn NTMKM và cũng là điểm sáng “xây dựng văn hóa mới” ở khu dân cư, được nhiều địa phương khác đến tham quan, tìm hiểu.

Trưởng thôn Nguyễn Thị Tùng cho biết: "Để có được điều đó, thôn đã tổ chức họp dân, xây dựng quy chế về môi trường với mục tiêu "sạch từ nhà ra ngõ", trong đó mỗi hộ gia đình đều có ý thức phân loại rác thải, những loại phân hủy nhanh có thể tiêu hủy tại hố rác gia đình, còn các loại khác phải để riêng, tập kết đúng nơi quy định. Người dân cũng thống nhất, ai không chấp hành tốt sẽ đưa vào tiêu chí bình xét hộ gia đình văn hóa hằng năm. Nhờ vậy, các phong trào thi đua xây dựng thôn NTMKM đều được người dân hưởng ứng nhiệt tình". Và như một thói quen, cứ sáng chủ nhật hằng tuần, cả thôn Phước Hưng Nam tập trung quét dọn, thu gom rác, chăm sóc đường hoa.

Ít ai biết, hơn 20 năm tham gia hoạt động trong hoàn cảnh “đơn thân” do chồng mất sớm vì bệnh tật nhưng chị  Tùng đã nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Chị còn canh tác 6 sào đất lúa và hoa màu. Để có thêm thu nhập, chị mở cả lò tráng mì lá, tráng bánh. Hằng năm, doanh thu từ dịch vụ tráng bánh tráng lên đến 200 triệu đồng. Với những thành tích “đáng nể” nói trên, chị Tùng đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát nhận xét: Trưởng thôn Phước Hưng Nam Đỗ Thị Tùng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào ở cơ sở với kết quả luôn hoàn thành sớm và vượt các chỉ tiêu thu ngân sách hằng năm. Đặc biệt, nữ trưởng thôn Phước Hưng Nam đã tổ chức, thực hiện hiệu quả các chính sách về an sinh xã hội, tích cực vận động nhân dân xây dựng thôn NTMKM, trong đó thực hiện “5 không” trong việc tang là mô hình hay, rất đáng để nhân rộng ra ở địa phương. Cùng với đó,  là việc tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện phong trào "Ngày Chủ nhật xanh-sạch - đẹp"; huy động cán bộ, nhân dân đồng loạt ra quân dọn vệ sinh, đảm bảo "3 sạch" (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) và “3 đẹp” (đẹp nhà, đẹp vườn, đẹp đường)…

Về thôn Phước Hưng Nam hôm nay, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất mà trước đây khi giao thông còn hạn chế vẫn được xem là “vùng sâu vùng xa” của xã Hòa Nhơn. Giờ đây, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà kiên cố, khang trang ẩn hiện trong những vườn cây ăn trái hay những hàng cau trĩu quả; những con đường ngày xưa “nắng bụi mưa bùn”, nay đã được bê-tông hóa khang trang, sạch đẹp bởi trồng nhiều loại hoa. Đặc biệt, ven đường thôn Phước Hưng Nam là hàng cây bóng mát, dưới lề đường hoa tươi khoe sắc quanh năm, đêm về có đèn đường sáng trưng. Để có được hình ảnh một làng quê yên bình, no ấm, thịnh vượng, sáng - xanh - sạch - đẹp như hôm nay là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận cùng sự đoàn kết,  đồng thuận của người dân và sự năng nổ, tích cực của nữ trưởng thôn Đỗ Thị Tùng.

Trục đường chính qua thôn Phước Hưng Nam dài 1km được thảm nhựa rộng rãi được “sáng - xanh - sạch - đẹp” với bốn mùa hoa nở
 

Trao đổi với chúng tôi, chị Tùng cho biết thêm, vừa qua thôn có 1 ca F0 (đang điều trị tại BV) và  đã có quyết định phong tỏa thôn Phước Hưng Nam từ ngày 20-7-2021. Bà con nhân dân cũng gặp khó khăn nhất định. Song, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng uỷ - UBND xã Hòa Nhơn, sự giúp đỡ kịp thời của MTTQ cả các đoàn thể về tinh thần lẫn vật chất, đặc biệt là sự giúp đỡ của những người con quê hương đi làm ăn xa như các anh Huỳnh Văn Hùng, anh Lê Sơn, anh Lê Cảnh, anh Lê Văn Tùng… đã gửi tiền, nhu yếu phẩm về giúp bà con trong lúc khó khăn này, đây là những món quà vô cùng ý nghĩa và đáng trân trọng. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng khuyến cáo 5K, không cho người dân ra vào khu vực phong tỏa, mọi người dân trong thôn nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị nhằm phòng và chống dịch COVID -19 kịp thời, hiệu quả”.

Chị Ngô Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Nhơn cho hay, nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân do ảnh hưởng dịch COVID -19, trong khu vực cách ly, ngày 23-7-2021, Hội LHPN xã Hòa Nhơn phối hợp với UBMTTQVN và các đoàn thể tổ chức chương trình “Hỗ trợ lương thực, thực phẩm 0 đồng” cho 50 hộ dân tại thôn Phước Hưng Nam, (xã Hòa Nhơn). Chương trình được tổ chức nhằm chia sẻ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thôn. Mỗi người dân đến đây được nhận một phần lương thực, thực phẩm và nhu yếu thiết yếu đủ sử dụng trong 1 đến 2 ngày. Chương trình miễn phí được hoạt động với phương châm: “Thiếu hãy đến nhận - Dư hãy góp thêm - Đủ xin nhường người khác” với mong muốn có thể giúp đỡ, sát cánh cùng người dân, giúp người dân vơi đi phần nào những khó khăn giữa mùa dịch bệnh.

Các hoạt động hỗ trợ người dân trong khu cách ly thôn Phước Hưng Nam 
    ( Ảnh Hội LHPN xã Hòa Nhơn)

 

Tác giả: Tiên Sa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

 

;