NSƯT Trần Quang Khải - Thành công với những vai diễn tính cách

NSƯT Trần Quang Khải có cái tên khiến người ta tò mò vì tên anh trùng với một vị danh tướng nổi tiếng thời Trần và cũng là một nghệ sĩ giàu năng lượng, tham gia rất nhiều các chương trình giao lưu, các kỳ cuộc trong giới nghệ sĩ. Làm nghệ thuật cần tới thiên phú, tài năng và cũng rất cần những cơ hội để bộc lộ, tỏa sáng. Có lẽ Quang Khải hội đủ những điều đó, nên được nhiều anh chị em báo chí cũng như đồng nghiệp tin yêu.

Xuất thân từ một gia đình thuần nông xứ Nghệ nhưng may mắn, Quang Khải lại có được môi trường rất tốt khi gia đình anh lại toàn người rất yêu nghệ thuật. Ông nội là một nhạc công có tài khi biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc, từng được vào Huế chơi nhạc ở triều đình. Bố anh và các cô chú trong gia đình đều biết chơi đàn, biết hát dân ca Nghệ Tĩnh và biết cả hát Chèo. Trong môi trường sống rất thuận lợi đó, không lạ khi từ nhỏ, Quang Khải đã sớm được tiếp xúc với nghệ thuật, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, nhất là nghệ thuật Cải lương qua những vở được các đơn vị về quê hương anh trình diễn. Có gen nghệ thuật, lại có mơ ước, từ nhỏ Khải đã là cây văn nghệ của trường, của làng xã. Chất giọng trầm ấm, ngoại hình sáng đẹp, không quá khó khăn khi chàng trai ấy trúng tuyển vào Trường Ðại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội. Tố chất leader thể hiện khá rõ khi anh luôn được bầu làm Lớp trưởng từ thủa ấy cho tới những ngày tháng sau này, mỗi kỳ anh tiếp tục con đường trang bị kiến thức, học vấn. Nhớ lại ngày ấy, Khải tự nhận, cũng không hiểu do đâu mà dù ngoại hình nhỏ con, gầy gò lại mang chất giọng địa phương khá nặng nhưng anh vẫn luôn được tin tưởng mỗi dịp bầu ban cán sự lớp, rồi những vai chính diện nặng ký cho sự nghiệp. Thuận lợi học hành vì chăm chỉ, chịu khó, chịu khổ, thuận lợi được nhận về Nhà hát Cải lương Việt Nam - cánh chim đầu đàn của ngành Cải lương nước nhà, nhưng sự nghiệp của Trần Quang Khải thực sự được tỏa sáng sau Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 với vai diễn ấn tượng đó là vai Thành trong vở cải lương Mê cung ấn tượng và xuất sắc đoạt Huy chương Vàng. Vai diễn nhiều dằn vặt của một nam giới chỉ vì phút ngã lòng mà qua đêm với người yêu cũ, chẳng may mắc căn bệnh thế kỷ. Mọi thứ như sụp đổ ngay trước mắt: tình yêu, gia đình, sức khỏe, sự nghiệp. Sự dằn vặt, yếu đuối, tình cảm trái ngược xoáy sâu trong lòng, rồi sự trống rỗng từ sâu thẳm trong lòng… được Khải diễn tả đầy thuyết phục. Sự nỗ lực của cậu em xứ Nghệ đã thuyết phục được NSND Triệu Trung Kiên khi ấy mới là Ðoàn trưởng của Nhà hát nhưng đã mạnh dạn thử sức trên sân chơi lớn với những nghệ sĩ còn rất trẻ tuổi đời, tuổi nghề.

Quang Khải đóng vai Đặng Trần Thường trong vở Cải lương Người đi tìm minh chủ (đạo diễn: Triệu Trung Kiên)

 Sau vai diễn đó, Quang Khải được tin tưởng giao nhiều vai “nặng ký”. Ðó là những nhân vật lịch sử tầm cỡ, như: Mai Hắc Ðế, Trần Nhân Tông, Phan Ðăng Lưu… cũng là những nhân vật có số phận, có nội tâm phức tạp. Sáng sân khấu với gương mặt đầy đặn, chất giọng Cải lương trầm ấm, dầy dặn, khả năng diễn xuất đĩnh đạc, trầm tĩnh, Khải thường xuyên vào vai chính diện và gây được sự “thương nhớ” đối với người xem. Ấn tượng ngoài những vai diễn lịch sử còn là vai chàng Ba trong Chuyện tình Khau Vai, Thầy Ba Ðợi trong tác phẩm cùng tên (cùng của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên). Người xem ấn tượng với một nghệ sĩ chăm chút cho từng vai diễn, sẵn sàng hy sinh mái tóc (khi vào vai Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong Vua Phật) rồi ép cân hoặc ngược lại tăng ký để phù hợp, sống đúng với hình dung của người xem về nhân vật. Người làm nghề mới thấu, để có được những phút giây tỏa sáng trên sàn diễn, người nghệ sĩ không chỉ đơn thuần đọc để hiểu, ngấm về nhân vật mà còn phải lựa chọn để tạo hình, tạo dáng, tìm kiếm cho đúng thần thái của từng nhân vật, nhất là những nhân vật lịch sử góc cạnh, nhân cách lớn. Quang Khải nhớ mãi thời gian khó khăn vất vả nhất là năm 2015, anh làm một lúc hai vở Mai Hắc ÐếVua Phật. Mai Hắc Ðế đòi hỏi sự khỏe khoắn, nước da đen giòn của người anh hùng nông dân áo vải, có võ có văn. Trong khi đó, vai Phật hoàng Trần Nhân Tông - một thiền sư lại đòi hỏi sự mảnh khảnh, dáng điệu của bậc chân tu. Ngoài sự đối lập về bề ngoài thì với vai Trần Nhân Tông, ở thời điểm đó, có lúc Khải cũng hoảng hốt vì không biết bằng cách nào để tiếp cận nhân vật bởi theo anh, nhịp sống xã hội đang rất nhanh, rất vội vã, cuốn người ta vào guồng quay, rất khó để nhập được trạng thái thiền tịnh của một thiền sư. Khải tâm sự, lúc đó anh cũng thấy hoang mang và đi tìm chìa khóa để thâm nhập nội tâm nhân vật. Anh đi theo tác giả đến Thiền viện Sùng Phúc, quan sát các thiền sư ngồi thiền, ngắm nhìn phong thái của họ… để rồi nhiều thời gian suy ngẫm, đọc hiểu, hỏi han, quan sát... anh cũng vào được vai diễn này. Hoàn thành vai trong Vua Phật, anh phải bồi dưỡng cật lực để tăng thêm 10kg cho vai Mai Hắc Ðế. Ðến lúc cần diễn Vua Phật, anh lại phải có quy trình ép cân.

NSƯT Trần Quang Khải vai Thiền sư Vạn Hạnh trong vở Huyền thoại Gò Rồng Ấp

Quang Khải tự thấy “cái tạng” của mình hợp với những vai diễn chính diện nhưng là một nghệ sĩ, anh cũng rất mong muốn được thỏa sức ở các vai kép độc, phản diện. Thấu hiểu tâm tư của anh, đạo diễn NSND Trung Kiên đã tạo cơ hội để anh thể hiện vai Ðặng Trần Thường trong vở Người đi tìm minh chủ công diễn năm 2018. Vở diễn tái hiện trên sân khấu Cải lương cuộc đời của chí sĩ Ngô Thì Nhậm (một cuộc đời đầy biến cố, thăng trầm của một con người vẹn tròn tài) mà vai phản diện Ðặng Trần Thường của Quang Khải là gia tăng những biến cố cho nhân vật chính. Tài năng của anh bỗng được ghi nhận cả ở loại vai khiến người ta “ghét cay ghét đắng” này khi vào vai rất thành công, biến những cảnh Ðặng Trần Thường hành hạ Ngô Thì Nhậm thành những cảnh diễn rất hấp dẫn, khán giả uất ức, căm giận tên gian thần này cực độ. Rồi là vai một nhân vật phản diện trong vở kịch thử nghiệm Ngàn năm mây trắng cùng với giọng ca giàu tiềm lực, có khả năng biến đổi tốt và diễn xuất nhuần nhuyễn khiến người làm nghề cũng như khán giả công nhận khả năng đa dạng của anh khi diễn chính diện hay phản diện đều có nét duyên riêng.

NSƯT Quang Khải (bên phải) xuất sắc với vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vở Mệnh lệnh từ trái tim

Gần đây nhất, ở vở diễn Mệnh lệnh từ trái tim của sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc, anh được trao vai Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, thần tượng của chàng nghệ sĩ từ thủa nhỏ cho tới nay. Cảm động, biết ơn, trân trọng, thấu hiểu sự kỳ vọng của mọi người đối với vị Ðại tướng được cả nước yêu quý… hòa tất cả cảm xúc đó, Trần Quang Khải đã hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc. Cách diễn chân thực, không còn dính sự cách điệu ước lệ của sân khấu kịch hát, chất giọng trầm ấm, anh khiến nhiều khán giả như thấy lại vị anh hùng dân tộc trên sàn diễn. Cứ như vậy, công sức, sự cống hiến của người nghệ sĩ đã đi vào tâm thức đông đảo khán giả yêu mến sân khấu Cải lương nói riêng, sân khấu Việt Nam nói chung.

NSƯT Quang Khải và NSƯT Như Quỳnh trong vở Chuyện tình Khau Vai

Ghi nhận nỗ lực cống hiến, tài năng nghệ thuật đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, năm 2019, Trần Quang Khải đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Chia sẻ về thành công của mình, anh nói một phần nhờ hậu phương của mình: người vợ tảo tần, chịu thương chịu khó và luôn ủng hộ, yêu thương hết lòng, chăm sóc gia đình và chăm lo cho hai cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi để chồng vững bước trong sự nghiệp. Tin rằng, người nghệ sĩ chăm chỉ, quảng giao, thân thiện ấy sau rất nhiều trắc trở và có những lúc tưởng như phải rời xa sàn diễn… sẽ tiếp tục con đường nghệ thuật, tiếp tục gặt hái những thành công mới để xứng đáng với sự tin yêu của đồng nghiệp, của đông đảo khán giả yêu mến anh.

 NSƯT Quang Khải và NSND Quế Trân trong vở Thầy Ba Đợi

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024

;