Tự xem như bộ phim khép lại cuộc đời làm nghề của mình, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã gửi vào Hoa Nhài tình yêu với mảnh đất ông gắn bó, lập nghiệp và thành danh.
Đúng như lời tâm sự của đạo diễn, tuy sinh ra ở Huế nhưng Hà Nội mới là nơi đạo diễn Đặng Nhật Minh gắn bó hơn cả khi dành đến hơn ba phần tư cuộc đời để sống, làm việc và trải nghiệm tại Hà Nội. Với Hà Nội, đạo diễn Đặng Nhật Minh tự nhận ông quen thuộc với mọi ngóc ngách của thành phố, quen biết với những con người sống ở đây thuộc đủ mọi thành phần. Hà Nội cũng là nơi lần đầu tiên ông tiếp xúc với điện ảnh để rồi gắn bó cuộc đời với môn nghệ thuật thứ bảy cho mãi đến bây giờ.
Chính từ sự gắn bó, tri ân ấy, trong ông luôn có một sự thao thức, mong muốn được làm một bộ phim thật hay về Hà Nội. Trong những tháng ngày đi tìm tư liệu để viết kịch bản, làm phim về Hà Nội ông đã nhận ra: “Người ta thường nói trong nền kinh tế thị trường hiện nay người Hà Nội không còn như xưa nữa. Họ trở nên thực dụng hơn, ích kỷ hơn…không còn vẻ thanh lịch vốn có. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Sâu thẳm bên trong, trong từng con người, từng gia đình… những vẻ đẹp truyền thống của người Hà Nội vẫn còn được lưu giữ hết đời này qua đời khác. Từ xa xưa người Việt Nam thường ví những vẻ đẹp đó như mùi thơm của Hoa Nhài (nhẹ nhàng, thoang thoảng, nhưng sâu lắng ). Vì lý do đó tôi đặt cho tên bộ phim này là Hoa Nhài. Tôi muốn khẳng định rằng những điều tốt đẹp trong tâm hồn của người Hà Nội vẫn tồn tại giữa cuộc sống của thành phố luôn phát triển và xáo động này như trong hai câu ca dao quen thuộc:
“Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Từ tâm sự của người đạo diễn nặng lòng với Hà Nội, có thể thấy, khởi nguồn của bộ phim Hoa Nhài đến từ tình yêu sâu thẳm với Hà Nội, đến từ hai câu thơ mà đạo diễn tâm đắc. Chính từ khởi nguồn ấy, ông đã đi tìm, xây dựng, cấu tứ nên dàn nhân vật, nội dung và câu chuyện phim như một minh chứng hùng hồn rằng Hà Nội là vậy, con người Hà Nội là vậy cứ thoang thoảng mà thơm mãi, mà bền lâu. Cái bền lâu ấy chính là cái nghĩa, cái tình mà mỗi người dành cho nhau, cho những mảnh đời khó khăn hơn ở quanh mình.
Trong phim Hoa Nhài, ngoại trừ ông giáo già là người Hà Nội gốc còn những nhân vật khác như vợ chồng ông thợ cắt tóc, cậu bé đanh giầy, cô gái làm nghề giúp việc gia đình... cùng nhiều nhân vật phụ khác đều từ nông thôn ra thành thị kiếm sống. Dần dần họ cũng trở thành những người Hà Nội góp phần tạo nên những giá trị của Hà Nôi mà một trong những đặc điểm của nó là lòng nhân ái, sự cưu mang đùm bọc lẫn nhau để sinh tồn. Trong phim, mối quan hệ thành thị (Hà Nội) và nông thôn (ngoại thành cùng các tỉnh lân cận) được miêu tả trong kịch bản như một mối liên hệ hữu cơ, biện chứng trong biến động của xã hội đương thời, nơi mỗi một sự việc, sự kiện, con người… đều có mối liên quan hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp.
Xem phim Hoa Nhài, khán giả như được chiêm nghiệm Hà Nội qua những mảnh ghép với những mảnh đời khác nhau: Cậu bé đánh giày tên là Đức, ông thợ cắt tóc ba đời làm nghề trên vỉa hè Hà Nội, ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca của các em học sinh khiếm thị, chị nông dân lên Hà Nội làm nghề giúp việc… Họ cùng với nhiều mảnh ghép khác đã khắc họa lên cuộc sống của những người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân (trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát). Bộ phim đồng thời cho thấy những biến động của Hà Nội trong quá trình phát triển cũng như mối quan hệ qua lại của nó với những vùng nông thôn lân cận. Cuộc sống luôn vận động và lòng nhân ái, sự quan tâm đến những người xung quanh là chất keo gắn kết để nó trở nên bền vững và có ý nghĩa.
Lồng trong sự thay đổi, biến chuyển của mỗi cuộc đời là một “nhân vật” Hà Nội, một nhân vật lặng lẽ đổi mới từng ngày từng giờ. Nhiều công trình như nhà cao tầng, siêu thị, khách sạn , nhà hàng với yếu tố nước ngoài xuất hiện khắp nơi. Tuy vậy những bản sắc Hà Nội từ ngàn xưa vẫn còn được lưu truyền trong những con người Hà Nội mà ta vẫn bắt gặp trong cuộc sống (như nhân vật ông giáo già, vợ chồng bác thợ cắt tóc v.v..). với sức sống dẻo dai, với lòng yêu cái đẹp đã được hun đúc từ nhiều đời. Bộ phim cũng không né tránh những mặt trái trong đời sống Hà Nội hôm nay (như nạn trộm cắp, nạn tiêm chích… ).
Cuộc sống đầy xáo trộn nhiều khi xô đẩy con người vào những hoàn cảnh tưởng chừng như bế tắc. Nhưng cuộc sống đó luôn tự hàn gắn cho mình những rạn nứt nhờ vào lòng tốt của những con người luôn quan tâm đến những người khác sống quanh mình. Tự xoay xở tìm lối thoát trong mọi hoàn cảnh khó khăn là nét đặc trưng của tầng lớp bình dân trong xã hội Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Chỉ cần bám vào một mặt bằng rất nhỏ quanh một gốc cây trên vỉa hè Hà Nội là một gia đình có thể sinh sống, nuôi con cái ăn học thành người. Những quan sát đó đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh đưa vào kịch bản, vào phim bởi theo ông: Tôi yêu mảnh đất này với vẻ đẹp cần lao và lòng nhân ái của những con người bình dị sống trên những vỉa hè của nó. Mỗi lần ra nước ngoài điều làm tôi nhớ nhất là đời sống trên những vỉa hè của Hà nội.
Một bộ phim dung dị nhưng là ẩn sâu là cái tình của người nghệ sĩ dành cho mảnh đất và con người nơi đây. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết: Tôi xác định đây là bộ phim khép lại sự nghiệp sáng tác của mình trong điện ảnh. Tôi muốn thể hiện trong phim này một thứ ngôn ngữ điện ảnh tối giản không câu nệ vào những khuôn mẫu thường thấy khi kể chuyện phim. Trong phim này tôi giảm thiểu tối đa xung đột, kịch tính bề ngoài. Nhiều chỗ tôi để khán giả tự nhận ra những kịch tính xung đột tiềm ẩn bên trong cái vẻ yên tĩnh bên ngoài của chúng. Tôi muốn bộ phim này chân thực hoàn toàn, như dòng chảy tự nhiên của cuôc sống, không có bàn tay sắp xếp của những người làm phim. Có thể gọi phong cách của phim này là tối giản (minimalism ) và không cực đoan (non-extreme). Tối giản không có nghĩa là sơ lược, thiếu vắng những chi tiết của đời sống và không cực đoan có nghĩa là không có sự kiện gì được đẩy đến tận cùng, đôi khi chúng được bỏ lửng để khán giả tự hình dung những gì có thể diễn ra sau đó.
Dành trọn tâm huyết với bộ phim được ông xem như khép lại sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy của mình, những hình ảnh trong phim Hoa Nhài được quay ngay trước khi bùng nổ dịch COVID-19 ở Hà Nội. Bởi vậy những gì khán giả thấy trên màn ảnh sẽ là những ký ức về một thời không xa đối với những ai đã từng sống ở Hà Nội, gắn bó với Hà Nội, kể cả những du khách nước ngoài dù chỉ đến đây một lần.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Huế. Ông bắt đầu sự nghiệp điện ảnh với tư cách là nhà làm phim tài liệu vào năm 1965 và chuyển sang làm phim truyện từ năm 1978.
Năm 2005 ông được tặng Giải Thành tựu trọn đời tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju (Hàn quốc). Bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 của ông sản xuất năm 1985 được Giải Đặc biệt tại LHP Quốc tế Hawaii (Mỹ) và năm 2008 được đài truyền hình CNN bình chọn là một trong 18 phim Châu Á hay nhất mọi thời đại.
Năm 2013 ông nhận giải Điện ảnh Nobel Hòa Bình Kim Dae Jung tại Hàn quốc.
Tháng 10 năm 2016 ông nhận Giải Kỳ Lân Vàng (Lycornd’O r) tại Liên hoan phim Quốc tế Amiens (Pháp) cho toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của mình cùng một chương trình Hồi cố (homage) gồm 8 phim truyện của ông.
Ông đã nhận 4 giải thưởng Bông sen Vàng và 5 giải Bông sen Bạc tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam.
HOÀI THU
Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022