Nhận diện một số giá trị văn hóa của các di sản Phật giáo ở Hà Tĩnh

Hà Tĩnh là một trong số các tỉnh có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến Phật giáo tương đối lớn. Trước Cách mạng Tháng Tám, trên địa bàn tỉnh có đến 406 ngôi chùa lớn, nhỏ, 70% trong số đó được xây dựng vào thời Lê (1). Bài viết mô tả, phân tích, đánh giá những giá trị cảnh quan, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của hệ thống di sản văn hóa Phật giáo nơi đây. Những giá trị văn hóa này vừa khẳng định vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của vùng đất, vừa thể hiện đặc trưng văn hóa vùng miền và tài năng nghệ thuật của nghệ nhân xưa.

1. Giá trị cảnh quan

Những ngôi chùa của Hà Tĩnh, cả vùng ven biển, lẫn vùng núi đồi, đều có vị thế đắc địa, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, tạo thành những danh thắng hấp dẫn. Trước hết, phải kể đến cảnh quan tuyệt đẹp của chùa Hương Tích - một ngôi chùa gắn với địa danh núi Hồng, sông Lam, thuộc địa bàn xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Chùa Hương Tích đã từng được mệnh danh là Hoan Châu đệ nhất danh lam. Chùa tọa lạc trên ngọn Hương Tích cao hơn 800m của dãy núi Hồng Lĩnh huyền thoại, hiện nay là một trong những điểm du lịch ưa thích của nhiều du khách khi đặt chân tới Hà Tĩnh.

Người ta ví, đường lên chùa Hương Tích tựa đường lên tiên cảnh, với đường núi quanh, uốn theo dòng suối trong vắt, lối đá mấp mô, với tiếng gió giữa đại ngàn, vi vút tán thông reo. Nếu đi đường thủy, chúng ta sẽ được tận hưởng cảm giác đi trên dòng nước trong xanh, gợn sóng, phóng tầm mắt là đại ngàn bao phủ, cây cối xanh tươi. Hết đường thủy, các tín đồ sẽ thắp hương tại một ngôi miếu trước khi vào chùa lễ. Miếu được xây trên một tảng đá lớn theo hướng Đông Nam, trước mặt miếu là suối Hương Tuyền, bên cạnh có cây cổ thụ xum xuê, tỏa bóng mát. Qua miếu, suối Hương Tuyền khoảng 600m, bên tả có một tảng đá giống hình con voi đang nằm, đầu ngoảnh về hướng chùa, lưng quay về hướng Nam. Từ đây, lên chùa Hương khoảng 400m, qua những bậc đá bằng phẳng được ghép lại với nhau.

Vườn chùa có diện tích rộng, được chia thành các ô, mỗi ô có chiều rộng từ 10-30m, chiều dài từ 20-50m, bao quanh là cây cối xanh tươi. Trong vườn chùa có các ngôi mộ của thiền sư với kiến trúc đơn giản. Toàn bộ tổng thể các công trình trong chùa, cùng với địa thể núi và rừng mờ sương, tạo thành một không gian tâm linh huyền bí và cảnh quan vô cùng huyền ảo.

Chùa Thiên Tượng nằm ngay lưng chừng núi Thiên Tượng, phía Tây dãy Ngàn Hống, thuộc thị xã Hồng Lĩnh, được mệnh danh là Hoan Châu đệ nhị phong cảnh, nơi hợp lưu bởi sông Lam và sông La. Chùa Thiên Tượng được xây dựng từ thời nhà Trần, đã thu hút bao thi nhân, mặc khách tới tham quan và cảm tác nhiều áng văn thơ ấn tượng. Hai dòng suối phía Tây và phía Nam, cùng bắt nguồn từ núi Thiên Tượng, ngày đêm chảy róc rách về dưới hạ lưu đã tạo ra một khuôn viên đẹp như tranh vẽ. Đường lên chùa xếp bằng những phiến đá, trông như một cái thang khổng lồ, màu xám, vắt vẻo trong không gian xanh ngút ngàn của cây lá. Năm 2004, chùa đã được công nhận là di tích danh thắng quốc gia (2).

Một ngôi chùa khác của Hà Tĩnh cũng mang lại du khách viếng thăm cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, đó là chùa Chân Tiên, thuộc xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà. Ngôi chùa này tọa lạc trên núi Tiên Am, giữa một rừng thông trùng điệp, xanh ngút ngàn. Cạnh chùa có một tảng đá hoa cương to, in dấu chân người, tương truyền là dấu chân các tiên trên trời đến thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây, vì vậy mới có tên Chân Tiên tự. Giếng chùa và dòng suối cạnh chùa được mệnh danh là giếng thần, nước trong vắt nhìn thấu đáy, chưa bao giờ cạn. Dưới chân núi, trước mặt chùa, có Bàu Tiên, nước luôn trong xanh, như một mảnh gương lớn thu cả cảnh sắc mây trời và núi non. Bên cạnh Bàu Tiên là bàn cờ tiên, (phiến đá hình chữ nhật, phẳng và nhẵn trên có các đường kẻ ngang dọc). Đến thăm chùa, du khách và tín đồ có thể kết hợp tham quan những thắng cảnh khác trên núi Tiên Am, như: động Trúc, động Mai, động Thạch Thất, động đá Người; nhiều hang đá cổ như: hang Bàn cờ, đá Cối xay, đá Người, đá Cô, đá Cậu... Tên gọi và truyền thuyết của các địa danh này cho thấy sự hòa quyện của Phật giáo với tín ngưỡng dân gian cổ xưa là tục thờ đá và đạo giáo thần tiên có từ xa xưa.

Chùa Tượng Sơn, thuộc địa phận xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn ngày nay, gắn liền với danh tiếng của một danh nhân xứ Nghệ là Hải Thượng Lãn Ông. Đây chính là nơi vị lương y tìm đến mỗi khi mỏi mệt sự đời. Cảnh sắc tươi đẹp của vùng rừng núi, cùng với suối chảy từ dãy Đại Huệ đến đầu ngọn Seo Voi, ngọn núi ngay sau lưng chùa, gặp phải ghềnh đá thì chảy sang phía Tây của chùa, đổ xuống sông Ngàn Phố, tạo nên cảnh quan độc đáo. Chùa nằm trước dãy Seo Voi, nên có tên gọi Tượng Sơn tự.

Bên cạnh giá trị cảnh quan của các ngôi chùa với địa thế núi non - sông/suối còn có cả những ngôi chùa địa thế núi non - biển cũng đẹp không kém. Tiêu biểu là chùa Yên Lạc (di tích lịch sử - văn hóa quốc gia). Chùa nằm ở địa phận xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, sát tỉnh lộ 14. Phía Đông Bắc là biển cả mênh mông, phía Đông Nam là cửa sông Gia Hội. Khu du lịch biển Thiên Cầm, tạo cho ngôi chùa một cảnh sắc vừa kỳ vĩ của biển cả, vừa huyền bí của hang Hồ Quý Ly, non xanh nước biếc, vừa vui nhộn tấp nập của cuộc sống trần tục.

Nhìn chung, giá trị thẩm mỹ cảnh quan của 7 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia chủ yếu nằm ở các vị trí đắc địa của tỉnh Hà Tĩnh. Địa thế đó đã tạo cho những ngôi chùa này vừa có sự hùng vĩ, mênh mông, vừa có sự thanh thoát, trong trẻo, thâm nghiêm... Đây là thế mạnh lôi cuốn các tín đồ đến với Phật giáo, đồng thời cũng lôi cuốn du khách đến vãng cảnh chùa, tạo tiềm năng lớn cho du lịch của tỉnh.

2. Giá trị nghệ thuật kiến trúc

Chùa Diên Quang (chùa Am)

Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nhiều chi tiết kiến trúc đã bị thay đổi, nhưng Diên Quang tự vẫn giữ lại được những nét tổng thể của phong cách chùa thời Lê. Chùa có lối kiến trúc hình chữ công, gồm 7 gian chính và 2 gian đầu hồi. Toàn bộ ngôi chùa có tới 60 cây cột, 8 vì kèo, đều làm bằng gỗ mít. Mỗi vì kèo gồm 2 cột cái, 2 cột con và 2 cột hiên. Các vì kèo này được kết nối với nhau bằng các xà ngang, xà dọc, hoành tải, cầu phong, cái nọ giằng kéo cái kia, liên hoàn rất vững chắc. Mọi đầu nối đều không cần dùng đinh, gắn kết với nhau rất khít, cho thấy tài hoa của các thợ mộc xưa kia.

Mái chùa được tạo bởi 12 mái chồng diêm, lớp lớp trùng trùng, nhìn từ phía nào cũng như nhìn chính diện. Hai tầng gồm 8 mái chồng lên nhau tại đỉnh các cột con. Đường tàu mái tầng trên đặt trên cuối những xà nách, nối từ cột cái ra, giữ cho mái vững chãi, không bị cong, võng. Bốn mái phụ, ghép nối vào các mái chính rất khéo léo. Hệ thống các sườn mái tạo độ mềm mại, thẩm mỹ và chống nước tốt.

Tổng thể di tích còn có các công trình phụ trợ khác như: hai dãy hành lang, sân chùa… Lối lên chùa được xây thành hai hàng bậc ở bên trái và phải, đều có lan can. Giữa hai lối đi, có bố trí “bàn mát” để Hoàng Hậu Bạch Ngọc, người có công khởi dựng ngôi chùa này ngồi nghỉ, ngắm sen nở trong hồ dưới chân núi, ngay trước cửa chùa.

Trong chùa, việc bài trí cũng khá độc đáo. Bốn trong bảy gian đã được dùng làm nơi cầu kinh, niệm Phật, hành lễ. Ba gian sau cao hơn một bậc, là nơi đặt hệ thống các bàn thờ Phật. Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là phối thờ Hoàng hậu Bạch Ngọc trong chính điện, tượng của bà được đặt ngay bên phải bàn thờ, trên có đặt các tượng Phật.

Chính vì vẻ đẹp và độc đáo về kiến trúc này, mà ngày 13-2-1995, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL), đã ra quyết định công nhận chùa Diên Quang là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, loại hình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo.

Chùa Hương Tích

Tuy chỉ còn lưu giữ được dáng dấp kiến trúc thời nhà Nguyễn, nhưng bố cục tổng hòa của các công trình kiến trúc trong quần thể di tích chùa Hương Tích vẫn còn giữ lại nét xưa của dạng thức chùa tiền Phật hậu Mẫu, đặc trưng thời nhà Trần.

Nhà bái đường: cổng nhà bái đường có diện tích mặt bằng dài 5m, rộng 2m, giữa cổng ra vào là một tắc môn, chia cổng lớn thành hai cổng nhỏ, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi vữa, đặt trên bệ đá, hai bên tắc môn là hai tháp bút. Sân nhà bái đường hình chữ nhật, lát gạch chỉ, có tường xây dựng bằng gạch đá bao quanh.

Nhà bái đường có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh gồm năm gian có kết cấu giống nhau, mỗi gian hai cột, được kê trên bệ đá, xà được xuyên qua đầu cột tạo thế vững chắc.

Nhà thượng điện (nhà tam bảo): nằm sau nhà bái đường, bốn phía được xây bằng đá núi, lợp ngói nam, kết cấu theo kiểu nhà kẻ, hai gian một hồi, 3 vì, cột lim không chạm trổ, 6 cột lớn, 6 cột con...

Nhà Thánh Mẫu: nằm phía hữu nhà bái đường, theo hướng Tây Nam, cách nhà thượng điện 9m theo hướng Tây Bắc, cách am Thánh Mẫu 7m về hướng Đông, có diện tích 30m2, được bài trí tổ hợp gồm: sân nhà Thánh Mẫu, nhà Bình Thiên, nhà Hàn Lâm Sở. Nhà Thánh Mẫu gồm hai gian bốn hồi, được xây dựng bằng đá, bốn mặt lợp ngói mũi hài, đỉnh nhà hai đầu được đắp hai đầu rồng, ở giữa là hai mặt nguyệt, bốn góc đuôi có bốn con rồng đầu quay ngược nhìn mặt nguyệt. Mặt tiền trổ một cửa vòm, phía trên cửa có đắp bốn chữ Hán: “Mẫu nghi thiên hạ”. Hai bên đắp ngựa (bên tả) và voi (bên hữu).

Am Thánh Mẫu: vị trí tựa lưng vào vách núi, mặt hướng về phía Tây Nam, trước mặt là nhà thánh Mẫu, bái đường, sau lưng là nền Trang Vương, bên tả và bên hữu là suối Hương Tuyền, Khe Dong. Trước am đắp một con chim hạc đang xòe cánh vươn lên, bên cạnh là chữ Hán đại tự, trên chim hạc là mặt nguyệt, xung quanh được đắp các họa tiết cây lá, bông sen, trước các cột am có hai câu đối. Am Thánh Mẫu có độ cao tương đối so với nhà bái đường, thượng điện, hành lang nối từ cổng lớn sân nhà bái đường tới am dài 30m; sau hồi nhà thượng điện lên am được ghép 30 bậc đá, tới bậc 24 đặt con kỳ lân, hai chân trước đang ôm và ngậm một lư hương hướng về am. Am là một cái hang sâu chạy xuyên trong lòng núi. Một trong những giá trị kiến trúc, điêu khắc quý của di tích các viên gạch ốp mặt ngoài am, được xác định có niên đại ít nhất từ thời Trần.

Am gồm ba cửa: cửa tả, cửa tiền, cửa hữu. Cửa tả nơi vào ra để tiện lễ, cửa tiền nơi đặt lễ, của hữu nay đã bịt kín. Trong am đặt bàn thờ xây bằng đá hình chữ nhật, trên bàn thờ đặt lư hương với hai con chim hạc đứng trên thân rùa, đầu đội búp sen, tiếp đến là tòa khảm, hai bên là hai câu đối: “Trần cảnh hậu từ giai tịnh cảnh” (Cảnh trần đền sau đều cảnh tĩnh)/ “Tháp sơn an trạch ngưỡng Quỳnh sơn” (Núi tháp, nhà yên ngắm núi Quỳnh).

Trong tòa khảm bài trí 20 pho tượng bằng gỗ, được sơn son thiếp vàng, gồm: Tượng Quan Âm, Diệu Thanh, Diệu Thiện, Văn Thù, Phổ Hiền, hai vị tả hữu Kim đồng Ngọc nữ, mười hai vị tiên (thập nhị tiên cung), tất cả trong tư thế đứng.

3. Giá trị nghệ thuật điêu khắc

Bên cạnh những giá trị đáng ghi nhận về kết cấu, bố cục của các kiểu dáng kiến trúc cổ xưa, các ngôi chùa cổ ở Hà Tĩnh còn hàm chứa những giá trị về nghệ thuật điêu khắc khá độc đáo.

Đáng kể nhất là hoa văn họa tiết trang trí trong các chùa, như ở chùa Hương Tích: đôi rồng ẩn trong mây, uyển chuyển, mềm mại; tại hạ điện của chùa Yên Lạc: những con phượng giang cánh bay, hình rồng, hoa lá rất sinh động; trong tòa Thánh Mẫu của chùa Chân Tiên, Thiên Tượng… đều có nhiều hoa văn đặc sắc, thể hiện trình độ nghệ thuật điêu khắc cao, tinh xảo và sáng tạo của nghệ nhân. Các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao hai bức tranh tại chùa Yên Lạc có tên gọi Quan TrạngThập điện.

Nghệ thuật điêu khắc dân gian Hà Tĩnh cũng thể hiện rõ nét trong các họa tiết trang trí trên các đồ thờ, như lư hương, mâm bồng, chuông, đặc biệt là tượng thờ. Trong số ít ỏi những tượng cổ còn giữ lại được, thì niên đại cổ nhất là thời nhà Lê, còn lại chủ yếu là tượng thời Nguyễn. Chất liệu chủ yếu là gỗ, đất nung, chỉ có một số ít là tượng đồng. Các tượng đều thuộc loại nhỏ và trung bình, hiếm tượng có cỡ lớn.

Trước hết, phải kể đến hai pho tượng Thích Ca Mầu Ni sơ sinh nặng 24kg và Thích Ca Mầu Ni nặng 48kg, đúc bằng đồng. Theo Hồ sơ di tích chùa Long Hội, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, hai pho tượng này được các tín đồ chùa Long Hội đóng góp công đức, thuê thợ về đúc, trên cùng có chiếc mâm đồng, trang trí long, ly, quy, phượng rất đẹp. Trong phong trào hợp tự khoảng năm 1960-1961, chùa Long Hội không còn, tượng và đồ thờ chuyển hết sang chùa Đại Bi. Sau đó chính quyền xã thanh lý một số đồ thờ, trong đó có hai bức tượng nêu trên. Cụ Phan Trọng Kiệm, đã cùng một số anh em đạo hữu, xuất tiền mua hai pho tượng này và rước lên thờ ở chùa Hương Tích. Từ bấy đến nay, hai pho tượng đồng quý này vẫn được lưu giữ tại chùa Hương Tích. Trong cuốn Hà Tĩnh di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt, các nhà nghiên cứu cho rằng, đó là hai pho tượng mang phong cách đặc trưng của thời nhà Mạc, có niên đại vào khoảng nửa đầu TK XVII (4). Ngoài hai pho tượng nêu trên, còn 62 pho tượng khác, bao gồm tượng Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, có niên đại muộn hơn, từ cuối TK XVII đến TK XIX, với những nét chạm mẫu mực, trong đó nhiều pho tượng mang vẻ đẹp của dòng nghệ thuật dân gian (5).

Chùa Tượng Sơn còn giữ được một số pho tượng đẹp, độc đáo nhất là pho tượng Bồ Tát. Bồ Tát Chuẩn Đề được tạo tác với nét mặt đẹp một cách hồn hậu, gần gũi, biểu hiện ánh nhìn từ bi, vạt áo mềm mại, đặc biệt là sự bố trí của 18 đôi bàn tay tạo cho bức tượng một vẻ uy nghi nhưng không hề xa cách.

Chùa Yên Lạc cũng còn giữ lại được nhiều pho tượng có giá trị, như Tam Thế, Bắc Đẩu, Nam Tào, Hộ Pháp, nhưng độc đáo hơn cả là tượng Quan Thế Âm. Việc tạo tác những đường nét trên khuôn mặt, phong thái của Quan Thế Âm rất sinh động và tinh tế, bố cục hài hòa cân đối. Các bức A Di Đà bằng đồng, tượng Cửu Long cũng là những bức tượng có giá trị.

 Chùa Thịnh Xá và đền Bạch Vân còn lưu giữ được những tác phẩm chạm khắc, công phu và đầy tính nghệ thuật. Các tác phẩm này đều được làm trên chất liệu gỗ mít, với cách bài trí đăng đối hài hòa. Chủ đề của các bức điêu khắc trang trí này đều là các hình thượng quen thuộc trong đời sống dân gian như rồng, phượng, cá chép hóa rồng, voi, ngựa, công, con quốc, rùa, hươu, trúc, mai, sen...

Bài viết mới dừng lại ở khảo cứu, nhận diện, phân tích đánh giá một số giá trị văn hóa vật thể tiêu biểu của di sản văn hóa Phật giáo như đã nêu trên. Bên cạnh đó, di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa khác như: giá trị cổ vật, lịch sử văn hóa, tâm linh... Nghiên cứu, nhân diện di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Phật giáo nói riêng là việc làm cấp thiết, góp phần giúp nhà quản lý có định hướng cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương.

_______________

1. Thái Kim Đỉnh, Chùa cổ Hà Tĩnh, Nxb Đại học Vinh, Nghệ An, 2017.

2. Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, 44 hồ sơ di tích chùa Yên Lạc, Tượng Sơn, Hương Tích, Thiên Tượng, chùa Xuân Đài, Long Hội...

3, 4. Bảo tàng Hà Tĩnh, Hà Tĩnh Di tích Quốc gia và Di tích Quốc gia đặc biệt, Nxb Đại học Vinh, Nghệ An, 2014, tr.52.

Tác giả: Trần Thị Diệu Thúy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;