Được công nhận là di tích cấp quốc gia, đình Trùng Hạ (xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là công trình có giá trị kiến trúc và nghệ thuật đặc sắc, phản ánh đặc trưng kiến trúc Việt Nam TK XVII. Trong bối cảnh các giá trị văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc và nghệ thuật của đình Trùng Hạ là một phương thức đưa di sản hòa nhập vào đời sống đương đại.
Sơ lược lịch sử hình thành và tồn tại của đình Trùng Hạ
Đình Trùng Hạ thờ phụng nhiều vị thánh thần, trong đó nổi bật là vị thành hoàng Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục, một vị tướng dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Về lịch sử hình thành, tại đình Trùng Hạ hiện còn lưu lại một số dấu tích cho thấy đình được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng. Ở cột trước bên phải thuộc gian giữa của đình (cột chính), có ghi dòng chữ: “Lê triều Đức Nguyên thập cửu nhật thập nhất nguyện lập trụ” (nghĩa là dựng cột vào ngày 19 tháng 11 năm Đức Nguyên triều Lê, năm 1675). Ở tấm bia gỗ có niên hiệu khắc là Tự Đức 30 (năm 1877) cũng có dòng chữ được tạm dịch là: Nguyên năm gian làm từ thời Lê Đức Nguyên thứ hai, cho đến nay (năm 1877) đã 200 năm... Trong khi đó, trên câu đối ở ngoài đình có ghi: “Tạo tự Dương Đức Hậu Lê khắc dốc đan doanh tòng cổ chế…” (nghĩa là làm từ thời Dương Đức, 1672 - 1673, triều Lê Trung Hưng, dựa theo nếp cổ).
Có thể thấy, các cổ vật kể trên cung cấp dữ kiện khác nhau về thời gian xây dựng đình Trùng Hạ. Tuy nhiên, các mốc thời gian này không chênh lệch nhau nhiều; sự tồn tại các mốc thời gian khác nhau này có thể do ngôi đình được xây dựng trải qua nhiều năm. Bỏ qua một số chi tiết nhỏ lẻ, có thể xác định đình Trùng Hạ được xây dựng vào cuối TK XVII, thời Lê Trung Hưng.
Đình Trùng Hạ cũng đã trải qua nhiều lần trùng tu dưới thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Dấu tích của những lần trùng tu này được ghi lại rất rõ trên các cấu kiện như cột, cửa võng… Các hàng chữ Hán được khắc trên cột sau bên trái gian giữa và trên cửa võng gian bên phải cho thấy, vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 triều Lê Trung Hưng (năm 1709), làm hai cửa võng giữa và bên phải đồng thời làm cả mảng chạm rồng ở cốn phía trên võng. Các hàng chữ được ghi ở cột sau bên phải gian giữa cho thấy, vào năm Tự Đức thứ 30 triều Nguyễn (năm 1877), tu sửa một số vì kèo gian giữa. Lần trùng tu thứ ba diễn ra vào năm vào năm Giáp Thân (năm 1887), các cửa võng được sửa chữa. Lần trùng tu thứ tư, năm Kỷ Sửu niên hiệu vua Thành Thái (năm 1889), làm lại toàn bộ dãy nhà thượng cung. Lần trùng tu thứ năm lợp ngói và xây tường, diễn ra vào năm Quý Hợi (năm 1923). Sau năm 1954, đình Trùng Hạ được sửa từ kiến trúc có bốn góc mái cong sang kiến trúc “tường hồi bít đốc”…
Được xây dựng trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của nghệ thuật đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ, đình Trùng Hạ mang nhiều giá trị đặc sắc về kiến trúc và nghệ thuật.
Phác thảo giá trị kiến trúc và nghệ thuật đình Trùng Hạ
Nhìn chung, cũng giống như nhiều ngôi đình khác ở đồng bằng Bắc Bộ, đình làng Trùng Hạ có quy mô kiến trúc vừa phải. Ngôi đình thể hiện được triết lý sống hài hòa với môi trường thiên nhiên của người Việt.
Phía trước đình là ao làng, vừa là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho dân làng thời xưa, vừa đảm bảo thế tụ thủy cho ngôi đình, cũng là tụ phúc cho dân làng. Mặt bằng tổng thể đã tuân thủ nghiêm ngặt luật phong thủy mà người Việt vốn áp dụng từ xưa. Từ ngoài cổng vào là sân rộng khoảng 300m2 được lát gạch vuông. Kế đến là đại đình. Phía sau đại đình là gò đất cao trồng cây cổ thụ. Tại khu vực này xưa kia có tòa hậu cung, nhưng ngày nay chỉ còn lại dấu tích móng nhà với chiều dài 12m và chiều rộng 5m. Trong khuân viên đình, có trồng rất nhiều cây cối, không chỉ điểm tô thêm cho cảnh quan của đình thêm sức sống mà còn làm cho tòa đại đình to lớn như hòa vào thiên nhiên nơi đây.
Hiện tại, đình Trùng Hạ còn lưu giữ được nhiều dấu ấn thể hiện giá trị nghệ thuật điêu khắc mang phong cách kiến trúc đình làng Việt TK XVII. Có thể nói rằng, đình Trùng Hạ có khối lượng trang trí khá đồ sộ. Trong đó có một số mảng điêu khắc có giá trị tập trung ở một số vì nóc, cốn, vì nách và một số xà ngang. Mặc dù đã có sự hư hỏng ít nhiều, nhưng khối trang trí vẫn còn khá nguyên vẹn.
Chi tiết chạm khắc bên trong đình Trùng Hạ
Ảnh: tác giả cung cấp
Điêu khắc tại đình Trùng Hạ bao gồm hầu hết các chủ đề nổi bật, thường được diễn tả ở các ngôi đình làng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, như về thần thoại, linh thú/động vật, thực vật, đồ vật, hoa văn hình học.
Ở đình Trùng Hạ, hình ảnh long (rồng) có mặt ở khắp nơi, dưới các dạng khác nhau, khi là rồng chầu, khi leo trên cột lửng. Từ bên ngoài đình làng cho đến bên trong đình, môtip rồng được dùng để trang trí ở rất nhiều vị trí như trên nóc đình, đầu hổi, cốn, kẻ, ván nong, đầu dư, cửa võng,… Cũng ở bố cục này, rồng cùng nhiều vật linh và cây thiêng được chạm dày đặc, đem tới cảm nhận rằng: ngôi đình Trùng Hạ đã mang một phong thái riêng, khác nhiều ngôi đình cùng thời. Tuy vậy, trái với sự xuất hiện phổ biến của hình ảnh rồng, khi nghiên cứu điêu khắc tại đình Trùng Hạ, có thể thấy hầu như vắng bóng hình ảnh chim phượng và rùa.
Ngoài các linh thú phổ biến, còn có các con vật bình thường được thiêng hóa như hổ, chim, gà… thường xuất hiện trong những cảnh của điêu khắc tại đình Trùng Hạ.
Bên cạnh chủ đề các vật linh, chủ đề thực vật cũng được thể hiện khá đậm nét trong chạm khắc trang trí tại đình Trùng Hạ. Nhóm thực vật được xuất hiện trong di tích thuộc thời gian từ TK XVII về sau chủ đạo là hình tứ quý (tùng - cúc - trúc - mai). Chạm khắc trên đình Trùng Hạ thuộc niên đại cuối TK XVII nên bộ tứ này không đi liền với nhau mà tản ra để thích ứng với các mảng chạm khác nhau.
Di tích đình Trùng Hạ là di tích đặc sắc chứa đựng giá trị nghệ thuật và kiến trúc độc đáo. Các mảng trang trí chạm khắc tại đình Trùng Hạ là minh chứng rõ nét cho phong cách kiến trúc đình làng Việt TK XVI - XVII. Các mảng chạm khắc được thực hiện vô cùng tinh xảo, khéo léo, thậm chí là tinh xảo và tỉ mỉ hơn so với nhiều mảng chạm cùng thời kỳ. Điểm đặc biệt là các bộ vì của đình được chạm trổ cả hai mặt, trong khi ở hầu hết các công trình kiến trúc khác cùng thời kỳ, các chi tiết chỉ được chạm trên một mặt. Mặc dù đã trải qua nhiều biến động lịch sử với nhiều lần tu sửa, nhưng những mảng chạm khắc tại đình Trùng Hạ vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Ghi nhận những giá trị văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của đình Trùng Hạ, năm 2001, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã cấp bằng công nhận đình Trùng Hạ là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, các kiến trúc gỗ tại đình Trùng Hạ đã được/bị phủ những lớp sơn công nghiệp bóng bẩy (1). Theo các nhà nghiên cứu, việc sơn thếp đỏ vàng tùy tiện làm cho chúng ta không còn nhận thấy những nét đặc trưng trong nghệ thuật kiến trúc của Trùng Hạ, vốn có hòa sắc thuần hậu, chất phác, thể hiện những ý tưởng thâm sâu của người xưa. Hơn nữa, việc dùng chất liệu sơn công nghiệp mới, hòa sắc lòe loẹt, hoàn toàn không phù hợp với những ngôi đình làng cổ kính của người Việt. Điều này cũng đã từng xảy ra với nhiều di tích, trong đó nổi bật là việc sơn lại đình Văn Xá (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) năm 2018 (2). Có thể thấy, mọi vấn đề về bảo tồn, trùng tu di tích đều đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa, thế nhưng thực tế vẫn xảy ra quá nhiều vụ việc xâm phạm di tích do những nhận thức và cách làm sai lầm.
Phải khẳng định rằng, đình Trùng Hạ là một di sản văn hóa vô giá mà các thế hệ sau được kế thừa từ cha ông, do đó, vấn đề đặt ra là cần bảo tồn và phát huy những giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo của ngôi đình trong xã hội đương đại.
Một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc và nghệ thuật đình Trùng Hạ
Quá trình toàn cầu hóa đưa đến những biến đổi về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, bên cạnh sự phát triển văn minh là tình trạng nhiều giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, dân tộc đang dần bị mai một, có nguy cơ mất hẳn. Các giá trị văn hóa vật thể hiện hữu tại nhiều nơi cũng đứng trước nguy cơ xuống cấp do tác động của thời tiết hoặc do công tác trùng tu, tôn tạo không đúng quy trình, không đúng kỹ thuật, làm biến dạng di tích. Trước thực trạng này, chúng ta phải có biện pháp bảo vệ phù hợp, hành lang pháp lý vững chắc. Vì là di tích kiến trúc và nghệ thuật có giá trị quan trọng, nên mỗi sửa chữa nhỏ cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong bối cảnh ngôi đình Trùng Hạ đã bị phủ sơn bóng như hiện nay, rất khó để có thể phục dựng các mảng chạm khắc, đưa chúng trở về nguyên bản.
Để phát huy giá trị kiến trúc và nghệ thuật đình Trùng Hạ trong đời sống đương đại, trước hết, cần có những nghiên cứu sâu nhằm khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc - nghệ thuật đình Trùng Hạ trên luận cứ khoa học, đồng thời cần nâng cao nhận thức về các giá trị vô giá của đình, xem đó như thuộc vào những giá trị cốt lõi phản ánh bản sắc dân tộc. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về những giá trị kiến trúc - nghệ thuật đình Trùng Hạ; bổ sung nguồn nhân lực và tài chính cho vấn đề bảo tồn, bảo quản và phát huy giá trị của đình, góp phần nâng cao giá trị về phát triển nguồn lực kinh tế địa phương.
Là một di tích hàm chứa nhiều giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là kiến trúc - nghệ thuật, đình Trùng Hạ có tiềm năng cho phát triển du lịch, thông qua cảnh quan, đặc điểm kiến trúc - nghệ thuật, giá trị lễ hội, tâm linh. Đình Trùng Hạ là điểm tham quan lý thú về kiến trúc điêu khắc gỗ dân gian TK XVII. Việc khai thác giá trị du lịch đình Trùng Hạ càng mang tính khả thi bởi di tích này nằm trong vùng đất Ninh Bình giàu truyền thống văn hóa với nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế gắn với du lịch của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với xu thế phát triển mạnh du lịch di tích, tâm linh tại tỉnh Ninh Bình.
Trong bối cảnh du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, di sản văn hóa trở thành nguồn lực cho phát triển du lịch, tạo nên mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ. Du lịch góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương nơi có di sản văn hóa, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ di sản và tăng cường hỗ trợ nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn di sản. Đây chính là quan điểm bảo tồn gắn với phát triển, đặt trọng tâm vào việc làm thế nào để di sản sống và phát huy được giá trị trong đời sống đương đại.
Với quan điểm này, cần có các phương thức để đình Trùng Hạ trở thành một điểm du lịch gắn với các động cơ du lịch khác nhau của du khách, đặc biệt là nhu cầu văn hóa, tâm linh... Để làm được điều này, cần đầu tư và thực hiện tổng thể về xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, hoàn thiện hệ thống dịch vụ du lịch, xây dựng cơ chế chính sách và các chương trình xúc tiến, quảng bá giá trị du lịch của đình Trùng Hạ và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với đặc điểm kiến trúc - nghệ thuật và văn hóa vùng miền.
_______________
1. Bảo Ngân, Di tích quốc gia đình Trùng Hạ (Ninh Bình) bị sơn đỏ lòe loẹt: Lại chuyện cười ra nước mắt, baovanhoa.vn
2. Tuyết Loan, Ứng xử với di sản: Tránh trùng tu kiểu phá di tích, nhandan.com.vn
Tác giả: Nguyễn Viết Hưng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020