Nhà thơ Trần Quang Quý sinh năm 1955 tại Thanh Thủy - Phú Thọ, nguyên Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội. Ông được biết đến là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ Việt hai thập niên đầu thế kỷ 21. Ngoài những tập thơ đã xuất bản trong nước, thơ Trần Quang Quý đã được dịch và in ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan, Cộng hòa Séc… Từng ba lần nhận giải thưởng thơ Hội nhà văn Việt Nam, luôn nỗ lực trong đổi mới thơ, tiếp cận với văn hóa đương đại thế giới, nhưng thẳm sâu trong tâm thức ông là tiếng gọi cội nguồn - nơi ông ra đi và khao khát được trở về.
●Xin chào nhà thơ Trần Quang Quý. Tôi nhớ anh có riêng một tập thơ nhan đề Nguồn (NXB Hội nhà văn 2019). Cũng với tập thơ này, thêm một lần nữa ông nhận giải thưởng thơ của Hội nhà văn Việt Nam. Xin ông chia sẻ những suy nghĩ của mình về chủ đề này?
Nguồn có vị trí rất quan trọng đối với tôi. Đó chính là sự trở về. Nguồn là dòng chảy văn hóa của vùng đất quê hương cũng như là cố hương của chúng tôi. Nguồn cội chính là nơi nuôi dưỡng và cũng là động lực để cho chúng ta phát triển, để đi ra với không gian rộng lớn hơn của đất nước cũng như của thế giới. Anh không có điểm tựa ấy thì anh không là gì hết. Cũng như trong gia đình anh phải có điểm tựa của gia đình. Vì thế mà trong lời đề từ tập thơ, tôi đã viết thế này: Nguồn cội và dòng chảy văn hóa sông Đà núi Tản huyền ảo uy linh, chốn trở về trong tâm thức của tôi. Tôi nghĩ những lời đó đủ nói hết ý nghĩa của quê hương, của nguồn cội. Đó là điểm tựa tinh thần, sức mạnh vô giá cho tôi dựa vào để làm việc, học tập, lao động và trong chừng mực nào đó đạt được những thành công trong nghề báo nghề văn. Cho đến tận bây giờ, khi đã đi qua nhiều thăng trầm thử thách của cuộc đời, những lúc cô đơn nhất tôi lại trở về nguồn, lại nhận từ đó năng lượng vô cùng quý giá.
●Nguồn của ông hẳn rất đặc biệt?
Mỗi miền quê trên đất nước Việt đều in dấu những truyền thuyết, cổ tích, huyền thoại, những biểu tượng, những công trình văn hóa. Vùng sông Đà núi Tản quê tôi có những đặc trưng riêng biệt. Nhiều người lần đầu tiên đến đây đều nói với tôi “Sao quê ông đẹp thế này”! Đi dọc vùng hạ lưu sông Đà, bên kia là núi Ba Vì in bóng vằng vặc xuống dòng nước, rồi những dãy núi ở vùng núi K9 và vùng thượng huyện Thanh Thủy nữa. Huyện Thanh Thủy của Phú Thọ nằm dọc hạ lưu sông Đà, tiếp theo là huyện Thanh Sơn và một số xã của huyện Anh Sơn rồi mới lên đến bờ tả Ba Vì. Vùng ấy có rất nhiều di tích, đặc biệt là di tích đền Lăng Xương. Theo truyền thuyết, cha Tản Viên Sơn ở làng Lăng Xương (xưa gọi là động Lăng Xương) xã Trung Nghĩa - huyện Thanh Thủy - Phú Thọ. Đấy là nơi thờ tự hầu như cả gia đình, đặc biệt là Mẫu - người sinh ra Tản Viên Sơn. Tên ông trong truyền thuyết là Nguyễn Tuấn, sau này được một người phụ nữ họ Ma ở Ba Vì phía bên kia sông Đà nhận làm con nuôi. Ông có công lớn giúp nhân dân trong lao động sản xuất, chống lại thiên tai địch họa, giữ bình an cho mọi nhà. Truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh đã nói rõ điều này. Ông được phong thánh, một trong “Tứ bất tử” của nước ta.
●Và tâm điểm của Nguồn trong thơ Trần Quang Quý không ai khác chính là người mẹ? Tôi thấy ông viết nhiều về mẹ với tất cả những rung động sâu xa và mỗi bài lại có những nét mới mẻ riêng.
Người sinh thành ra mình, tất nhiên, trong đó có mẹ có cha, nhưng tập trung nhất là vai trò người mẹ. Và thực tế trong cuộc đời cụ thể, mẹ cũng là người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng tôi lớn lên cùng những lời ru, những câu chuyện cổ tích bà kể cho tôi trong tháng năm gian khó. Mà ở những vùng quê xa xôi ấy người nông dân rất nghèo, chỉ làm nông nghiệp thuần túy. Mẹ tôi và các bà mẹ khác vất vả lắm, nên tôi có rất nhiều thơ về mẹ. Ví dụ “Hát gọi hạt giống” là bài được giải thưởng báo Văn nghệ năm 1990: Hãy cựa mình nào/ Mẹ ta gieo xuống/ Mẹ gieo vào đất một đời hy vọng/ một đời đi mãi mà không ngoài ruộng/ Một đời ru mãi vẫn trong cánh cò. Những người mẹ nông dân là như thế. Mẹ đã cho tôi một nguồn lực sống, một dòng chảy văn hóa của tâm hồn, cho tôi nhân cách, cho tôi nhận thức ý nghĩa sống của cuộc đời này. Tôi viết về mẹ cũng chính là viết về nguồn cội của mình.
Tập thơ Namkau một thể hiện mới của nhà thơ Trần Quang Quý
●Nguồn cội, đất đai, thân phận con người trong những chuyển biến của đời sống thời mở cửa - Đó là những chủ đề xuyên suốt qua những tập thơ của ông?
Tôi nhớ tập thơ đầu tay của tôi có tên là “Viết tặng em trong ngôi nhà chật”. Tập sau là “Mắt thẳm”, tôi muốn bộc lộ một cái nhìn sâu về cuộc sống về con người. Ý tưởng này được tập trung và thể hiện đa diện hơn qua tập Giấc mơ hình chiếc thớt (2004), đi vào thân phận những người yếm thế, những người ngoài lề, những người thua thiệt trong xã hội. Giấc mơ của bầy cá luôn ám ảnh bóng hình chiếc thớt/ Những mắt lưới gài bẫy trong veo/ Biển mỗi ngày vẫn sóng. Con cá đặt trên thớt, chúng ta biết số phận của chúng như thế nào rồi. Chính từ đó đòi hỏi khát vọng được sống một cuộc sống đàng hoàng, tử tế, và bình đẳng. Sau Giấc mơ hình chiếc thớt là Siêu thị mặt (Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2006). Tôi nhìn, hình dung con người trong xã hội, đi trên đường phố, hay trong một cửa hàng một khu chung cư nào đó, trong đó có những gương mặt tốt, có những gương mặt giả dối, có gương mặt ngụy tạo, có gương mặt xu nịnh,… Đấy là siêu thị mặt. Sau Siêu thị mặt là Màu tự do của đất (Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012). Ở tập này tôi quan tâm nhiều hơn tới đời sống người nông dân. Họ muốn thoát khỏi mảnh đất gần như là số phận đã chôn chân họ ở trong không gian văn hóa làng, trong ngôi làng khép kín của mình, trên cánh đồng của mình suốt đời, vì mùa vụ nắng mưa gió bão vất vả quanh năm nhưng luôn luôn túng thiếu, luôn luôn quẩn quanh. Trong trùng điệp bóng quê, trong trùng điệp gót người xa khuất/ sợi tóc làng rụng xuống ca dao/ áo rách áo lành bọc được bao nhiêu nhân nghĩa/ chiếc áo làng tôi, chiếc áo đã vị bùn/ ai cởi cho ta mùi khói cơm thơm? Người nông dân cần được tự do, cần được giải phóng trên đất đai, cần được giải phóng chính mình. Đến Ga sáng (2016), tôi hướng tới sự ra đi, sự hội nhập. Để lên chuyến tàu ga sáng, anh phải có hành trang chuẩn bị chứ không thể lên tàu mà không có vé. Để bước vào một thế giới hội nhập, anh cần xây dựng cho mình những giá trị về tri thức về văn hóa, những trải nghiệm, thậm chí cần cả sự trả giá để vươn lên.
●Vậy với riêng người làm thơ thì sao, hành trang ấy có cần nhiều không, thưa ông?
Làm cái gì cũng thế thôi, đặc biệt là làm nghệ thuật, nếu không có sự dấn thân,nếu không có yêu mến nhiệt huyết với nó thì sẽ không bao giờ thành được cái gì. Nhưng để thành được cái gì lại cần phải có một tư duy hệ thống, đặc biệt là con đường đi của thơ mình, hệ thống ngôn ngữ, thủ pháp của thơ mình để tạo thành giọng điệu riêng không thể lẫn với ai. Phải xác định được điều đó ngay từ buổi mới vào nghề. Học và đọc từ người khác không phải để choáng ngợp để bắt chước hay chạy theo mà quan trọng nhất là để tích lũy nền tảng, để phát hiện ra mình, tìm hướng đi cho mình. Cái đó là cả một quá trình, kèm theo những tích lũy, trải nghiệm từ cuộc sống, với một thái độ nhập thế tích cực và khiêm tốn. Anh có đủ đầy vốn sống, anh có đủ đầy hệ thống thẩm mỹ và vốn liếng tri thức cùng bề dày ngôn ngữ của riêng anh thì anh mới mạnh dạn đổi mới được. Đó là cả một sự chuẩn bị rất dài, thậm chí phải trả giá cho những điều ấy.
●Vâng xin cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này!
ANH THƯ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022