Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, Nhà hát được thành lập tháng 10 - 1969, tên gọi ban đầu là Đoàn Nghệ thuật Kim Đồng, chuyên biểu diễn rối cạn phục vụ thiếu nhi thủ đô. Năm 1975, đổi tên là Đoàn múa rối Hà Nội và năm 1993, mang tên Nhà hát Múa rối Thăng Long - Hà Nội. Nhà hát có trụ sở riêng tại 57B Đinh Tiên Hoàng .
Nhiều năm qua, Nhà hát Múa rối Thăng Long được biết đến như một kỳ tích, có sức hút và trở thành một điểm đến được rất nhiều bạn bè trong nước và quốc tế ưa thích. Từ một đoàn nghệ thuật chỉ có 9 diễn viên tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Hà Nội, nay Nhà hát đã có hai đoàn diễn viên và các phòng, ban chức năng, với một lực lượng cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, kỹ thuật viên... được đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn cao, năng động, sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết. Họ có thể đảm nhận được nhiều vai diễn, nhiều phong cách biểu diễn, sánh ngang hàng với nghệ sĩ múa rối quốc tế.
Là một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, Nhà hát đã xây dựng thành công một số chương trình, vở diễn độc đáo, hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của quý khách trong và ngoài nước như: Tấm Cám, Thạch Sanh, Kim Đồng, Đinh Bộ Lĩnh, Tráng sĩ và quỷ biển, Alađanh và cây đèn thần....
Gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, bằng con đường nghệ thuật lao động nghiêm túc, với những thành tích đạt được, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã vinh dự được đón nhận nhiều huân, huy chương của Nhà nước, các cấp, ngành, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế như: Huân chương Lao động Hạng nhất (2013), Huân chương Lao động hạng hai (2005), Huân chương Lao động hạng ba (1999), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2011)… Nhiều nghệ si được phong tặng danh hiệu cao quý như: Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú. Nhiều tác phẩm đặc sắc ra mắt, được công chúng đón nhận và dành nhiều giải thưởng cao trong các kỳ Liên hoan múa rối chuyên nghiệp trong nước, quốc tế như: Chuyện lạ chốn cung đình, Tiếng gọi trẻ thơ, Bù nhìn rơm, Vũ điệu chim công, Thánh Gióng, Những con thú đáng yêu, Huyền thoại tiên rồng, Trấn cổ loa thành...
Đặc biệt, năm 2015, Nhà hát dàn dựng 2 vở múa rối cạn tham gia Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ IV tổ chức ở Việt Nam. Các vở diễn tham gia đều đạt giải cao như: vở Trái tim người mẹ đã đạt 1 Huy chương bạc, 2 Huy chương vàng và 1 Huy chương bạc cá nhân; vở Bay lên từ mặt nước đạt 1 Huy chương bạc và tiết mục múa Thiên nga đạt Huy chương vàng; vở Hào quang từ quá khứ đạt 1 Huy chương vàng cá nhân.
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã thực sự đổi mới về cả lượng và chất. Sự ra đời của các vở diễn với nhiều hình thức, thể loại khác nhau đã góp phần tôn vinh nghệ thuật múa rối Việt Nam. Với những thành tích ghi nhận, Nhà hát Múa rối Thăng Long xứng đáng là tinh hoa văn hóa Việt.
Bên cạnh đó, Nhà hát đã trở thành thương hiệu hàng đầu của nghệ thuật múa rối Việt Nam, nhà hát duy nhất Việt Nam, giữ kỷ lục châu Á biểu diễn liên tục 365 ngày trong năm”. Nhà hát đã lưu diễn thành công trên 40 quốc gia, ghi dấu ấn trong lòng khán giả thế giới, từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, châu Úc...
Với thế mạnh sẵn có của một đơn vị nghệ thuật, Nhà hát Múa rối Thăng Long, luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Hà Nội, hy vọng được quý khách trong, ngoài nước biết đến nhiều hơn, thêm cơ hội tìm hiểu, khám phá những vẻ đẹp mộc mạc và ý nghĩa biểu tượng phong phú của nghệ thuật múa rối Việt Nam.
Trong những thập kỷ gần đây đất nước đang trên đường hội nhập, cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghiệp hóa toàn cầu, văn hóa nghệ thuật cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong hành trình dân tộc. Cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã và đang trên đà khởi sắc đổi mới nâng cao từ kịch bản, hình thức, kỹ thuật biểu diễn, tạo hình con rối, trang trí, ánh sáng... Nhiều chương trình có chất lượng nghệ thuật tốt được ra đời, đáp ứng ngày càng cao đời sống tinh thần của người dân Việt Nam, góp phần đem lại cho công chúng niềm tin, hy vọng về những điều tốt đẹp, những bài học về lòng nhân ái, tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc. Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn luôn tìm tòi nghiên cứu tìm hướng phát triển ngày càng tốt hơn, xứng đáng là “nhà hát duy nhất đạt kỷ lục châu Á biểu diễn liên tục 365 ngày/năm”.
Năm 2015, Nhà hát đã biểu diễn Nghệ thuật tại Trung Quốc; tham gia liên hoan âm nhạc truyền thống và âm nhạc thế giới Forde- Na Uy; biểu diễn nghệ thuật chương trình Roadshow-Indonesia; tham gia Lễ hội Nghệ thuật quốc tế KualaLumpur-Malayxia…
Có thể nói, đến nay Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn là một trong những đơn vị hàng đầu có nhiều đóng góp cho sự bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối Việt Nam, góp phần không nhỏ trong hành trình giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016
Tác giả : Thanh Hương