Người đam mê chụp ảnh mỹ thuật truyền thống

Trần Trung Hiếu, sinh năm 1978, sống và làm việc tại Hà Nội, nghề nghiệp chính là kiến trúc sư, thiết kế đồ họa. Bên cạnh công việc bận rộn của kiến trúc sư và nhà thiết kế mỹ thuật, nhiều năm gần đây, anh lại dành thời gian, tâm huyết lặn lội nhiều nơi chốn ở nội, ngoại thành Hà Nội, xứ Đoài và cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ để thu vào ống kính nhiếp ảnh của mình vẻ đẹp của kiến trúc, nghệ thuật tạo hình tại đình, chùa. Với tấm lòng yêu quý và nâng niu những tinh hoa di sản của cha ông, đến nay Trần Trần Hiếu đã có trong tay nhiều bộ sưu tập ảnh đáng giá: kiến trúc đình, chùa và tác phẩm điêu khắc như tranh, tượng, phù điêu ở đình, chùa. Những bộ ảnh tư liệu và nghệ thuật của anh đã trưng bày, triển lãm, in sách báo giúp cho công chúng thưởng lãm và cảm nhận giá trị, tinh hoa di sản văn hóa của cha ông.

Đình, chùa là loại hình kiến trúc dân gian liên quan đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo của người Việt. Nó đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, nhiếp ảnh, nhất là vào dịp lễ hội “xuân thu nhị kỳ”, đó là thời điểm cho các nghệ sĩ sáng tác. Tuy nhiên, với nhà nhiếp ảnh Trần Hiếu, những lúc đình chùa vắng vẻ, tĩnh mịch, ít người lui tới thì anh mới vác máy đi tác nghiệp. Ở bên ngoài thì Hiếu chụp cảnh quan, kiến trúc, mùa hoa nở, lá rụng trước sân chùa, sân đình hoặc lúc trời xanh mây trắng, ánh nắng lung linh trên mái đình cổ kính hay tháp chùa cao vút. Còn ở nội thất, anh ngắm xem, quan sát từng chi tiết, cấu kiện đi kèm với mảng chạm khắc phù điêu của các ngôi đình, đến dâng hương ở các điện thờ Tam Bảo linh thiêng để được chiêm bái, tìm nét tinh hoa mà người xưa đã gửi gắm vào từng bức tượng. Khi đã trào dâng cảm xúc trước cái đẹp, Trần Trung Hiếu tìm góc đặt máy để thu vào ống kính những tác phẩm ưng ý nhất về nghệ thuật điêu khắc ở đình làng và những ngôi chùa Phật giáo.

Kiến trức và nghệ thuật tạo hình ở đình, chùa là một kho báu vô cùng giá trị của ông cha ta để lại cho nền văn hóa và mỹ thuật Việt Nam. Dân gian xưa có câu: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” để nói về nét đặc sắc của di sản kiến trúc của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó nổi bậc nhất là kiến trúc đình làng xứ Đoài. Đình là ngôi nhà của cộng đồng làng với ba chức năng: thờ Thành hoàng, trụ sở hành chính và tổ chức lễ hội. Các ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài như Đình Bảng, đình Hương Canh, đình Thổ Tang, đình Chu Quyến, đình Tây Đằng, đình Thổ Hà, trong đó đình Mông Phụ, đình Chu Quyến và đình Tây Đằng được xếp hạng là 3 ngôi đình cổ kính và đặc sắc nhất nơi đây. Đình Tây Đằng là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của nghệ sĩ dân gian, được bảo tồn nguyên vẹn phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI. Tác phẩm điêu khắc gỗ ở đình làng làm nên hồn cốt của một ngôi đình. Đề tài điêu khắc luôn phong phú, đa dạng, có tính biểu rất cao. Nghệ nhân xưa đã dành đôi tay, khối óc của mình để khắc họa bức tranh làng quê như sinh hoạt, lễ hội, vui chơi, các loài vật linh, tiên nữ, hoa lá, sản vật quê nhà… Đặc biệt, ở đình làng ta có thể thường xuyên bắt gặp những mảng chạm có đề tài Tiên nữ cưỡi rồng ở giai đoạn thế kỷ XVII và XVIII. Hình tượng tiên trong đình làng được các nghệ nhân thời xưa khắc họa trau chuốt, tỉ mỉ nhưng cũng rất phóng khoáng, lãng mạn đậm chất dân gian.

Chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội

Trong muôn vàn tác phẩm điêu khắc gỗ ở đình làng thì hình tượng linh vật (hay vật linh) là chủ đề khá nổi trội. Linh vật thường được mô tả trong thần thoại, truyền thuyết và được biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình. Người xưa đã tạo tác bộ linh vật khá phong phú như rồng, kỳ lân, phượng, ngựa, voi, rùa… Các tác phẩm là phù điêu chạm nổi lên ván nong, ván lá gió, trên cửa võng, cốn, rốn nhện, cột, xà nách, câu đầu, trên thanh đỡ lá mái, trên kẻ, trên bẫy …hay là những bức tượng tròn được tạc bên ngoài rồi gắn, cài vào các chi tiết, cấu kiện kiến trúc như cài trên cột, trên cốn. Điều thú vị là ở các đình làng ngoại thành Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng như đình Tây Đằng, đình Chẩy, đình Quang Húc, đình Diềm... có nhiều tác phẩm điêu khắc về chủ đề con voi như: Người cưỡi voi đuổi hổ, Cưỡi voi đánh giặc, Người cưỡi voi trẫy hội, Voi chầu, Voi lồng... Đó thực sự là những tác phẩm mỹ thuật có giá trị mà các nghệ nhân dân gian đất kinh kỳ xưa dành để trang trí trên hệ thống ván long, bức cốn, vì kèo...

Bên cạnh đình làng, chùa chiền cũng là di sản văn hóa vô giá của đất nước. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), chùa Trấn Quốc, Dâu, chùa Thầy, chùa Hương, chùa Keo, chùa Pháp Vân, chùa Phật Tích, chùa Tây Phương, chùa Phổ Minh, chùa Bà Đanh, chùa Vĩnh Nghiêm… Đó cũng là nơi chứa đựng nhiều tinh hoa nghệ thuật điêu khắc của dân tộc. Nếu ở đình làng, chất liệu dành cho nghệ thuật điêu khắc chủ yếu là gỗ thì ở chùa chiền, tác phẩm tạo hình được thực thự hiện trên nhiều vật liệu khác nhau. Những ngôi chùa tĩnh lặng ở đồng bằng hay phố xá dưới ống kính của Trần Trung Hiếu chẳng những hiện lên vẻ đẹp, uy nghi của tòa kiến trúc mà còn khắc họa nét đẹp toàn mỹ, tinh tế của các bức tượng trong từng ngôi chùa cổ. Qua ống kính Trần Trung Hiếu, những bức tượng Đức Phật, tượng Quan Âm, Tượng Phổ Hiền, Tượng Văn Thù, tượng Đức Thánh Hiền, tượng La Hán, tượng Đức Ông... toát lên vẻ đẹp, sống động, thần thái và biểu cảm rõ ràng như người thật hiện diện nơi cửa thiền. Các nhà điêu khắc dân gian xưa rất tài giỏi, công sức vô lượng, thành tâm dành cho tác phẩm điêu khắc của mình để cúng dường. Họ chẳng những có hoa tay mà còn am hiểu nhiều về kinh và các tích trong nhà Phật. Thần thái cao sang nhưng rất dân dã, phá cách nhưng rất khuôn phép. Nét chạm mềm mại, màu sắc dung dị, không vàng son châu ngọc lòe loẹt, đúng chất Phật giáo. Những nhân vật thể hiện qua tác phẩm điêu khắc thờ phụng ở các ngôi chùa nhìn rất từ bi và trí tuệ. Theo cảm nhận của nhiều ngời, tượng chùa Việt rất “mềm mại”, nét mặt ấm áp phúc hậu, nhất là các tượng miêu tả về những người già, nữ giới. Nhiều bức tượng ở chùa đã được dưa vào danh mục Bảo vật quốc gia.

Vốn am hiểu về mỹ thuật cổ, nghệ thuật thị giác, đồ họa, nhiếp ảnh gia Trần Trung Hiếu gia công, tạo phông (background), ánh sáng, độ nét, bố cục, màu sắc và nhất là khâu xử lý hậu kỳ để cho ra những bức ảnh hoàn hảo. Với gia tài của mình, Trần Trung Hiếu kết hợp với cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động như triển lãm ảnh để công chúng thưởng ngoạn. Anh là nhà nhiếp ảnh thực hiện nhiều cuộc triển lãm chuyên đề như: “Đình làng Việt - Những điều còn mất” (năm 2015); “Đình làng Xứ Đoài” (năm 2015, tại Bảo tàng Hà Nội; “Linh vật Việt” (năm 2016, tại Bảo tàng Hà Nội); “Bảo vật Quốc gia Thăng Long - Hà Nội (năm 2017, tại Bảo tàng Hà Nội); “Lung linh Sao Khuê”(năm 2017, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội); “Di tích Quốc gia đặc biệt ở Hà Nội” (năm 2018, tịa Bảo tàng Hà Nội); “Một số di sản văn hóa thời Tây Sơn” (năm 2019, tại Gò Đống Đa, Hà Nội); “Di sản văn hóa tiêu biểu Thăng Long - Hà Nội” (năm 2019, tại tỉnh Cà Mau); “Đình truyền thống của người Việt”(năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Đức - Việt Nam, tại Phòng triển lãm iKARUS, Berlin, Đức); “Bảo vật Quốc gia Phật giáo Việt Nam & Một số hiện vật tiêu biểu tỉnh Hà Nam” (năm 2021, tại chùa Tam Chúc, Hà Nam). Điều đáng nói thêm là anh tự thiết kế mỹ thuật cho các cuộc triển lãm ảnh của mình. Ngoài việc tổ chức triển lãm ảnh, Trần Trung Hiếu còn kết hợp với các nhà nghiên cứu ở Hà Nội là tác giả các sách như: “Nét việt trên bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám”; “Đình làng xứ Thanh”; Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long; và tham gia thực hiện các sách: “Bảo vật Quốc gia Thăng Long - Hà Nội”; “Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập 01”; “Đồ thờ trong di tích người Việt”; “Văn hóa nghệ thuật Chùa Việt: Vài nét cơ bản”. 

Một pho tượng quý trong ống kính của Trần Trung Hiếu

Với lòng đam mê nhiếp ảnh và trân trọng những di sản quý báu của cha ông, Trần Trung Hiếu đã thành danh, nổi tiếng trong nước với những tác phẩm chụp kiến trúc, điêu khắc đình, chùa Việt Nam. Đây là lối đi riêng để sáng tạo nghệ thuật và thu thập tài liệu theo phong cách của anh, hình thành nhiều bộ sưu tập với hàng nghìn bức ảnh. Tác phẩm nhiếp ảnh về đình làng, chùa Phật giáo của anh mang lại nhiều lợi ích thiết thực, chẳng những triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn mà còn giúp cho các cơ quan, ban ngành, địa phương có nguồn tư liệu lập hồ sơ di sản, hiện vật bảo tàng, bảo tồn di tích. Ngoài ra, Trần Trung Hiếu còn chia sẻ hình ảnh một cách vô tư, hào phóng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo,…để bạn bè, đồng nghiệp, độc giả có thêm những thông tin, hiểu biết, tư liệu về di sản đình, chùa Việt Nam.

TẤN VỊNH

Ảnh: TRẦN TRUNG HIẾU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022

;