Nghệ thuật thư pháp trong thiết kế thời trang trình diễn nghệ thuật

Thiết kế thời trang đương đại có xu hướng vận dụng giá trị của trang phục truyền thống, kết hợp với yếu tố hiện đại để tạo nên sự sáng tạo và mới lạ trong từng mẫu thiết kế. Việc thể hiện cái tôi cá nhân và phong cách thiết kế riêng nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống đang được các nhà thiết kế trẻ đón nhận tích cực ở nhiều hướng phát triển sản phẩm Việt. Một trong nhiều điều mới lạ là nghệ thuật thư pháp Việt được chuyển thể sáng tạo và độc đáo bằng ngôn ngữ thời trang trình diễn nghệ thuật (TTTDNT). Dấu ấn thư pháp truyền thống trong thiết kế TTTDNT không chỉ mang lại giá trị văn hóa đặc sắc, mà còn tạo ra sự kết nối, sáng tạo và tôn vinh di sản văn hóa của một quốc gia.

Bộ sưu tập của nhà thiết kế trẻ Anh Thư mang tên “Nét” - hiểu nôm na là đường nét, hiểu sâu hơn là nét chữ nết người, dưới lăng kính của nghệ thuật viết thư pháp - Nguồn: vietnamnet.vn

1. Đặt vấn đề

Xã hội với những thay đổi mới cùng kỷ nguyên của công nghệ hiện đại, các ngành nghệ thuật nở rộ với nhiều hình thức mới. Sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, quá trình cách tân và sáng tạo ngày càng phát triển để theo kịp thị trường nghệ thuật. Chính vì điều này mà nghệ thuật truyền thống dân gian biến đổi theo chiều hướng mới, đòi hỏi người sáng tạo cũng phải thay đổi cách nhìn và nhìn nhận sự đổi mới theo xu hướng tất yếu của thời đại. Một trong những lĩnh vực thay đổi nhanh và liên tục không ngừng đó là thời trang, việc sản sinh ra các loại hình trang phục đa dạng và phong phú để phù hợp với nhu cầu xã hội. Xuất hiện các phong cách thời trang từ cổ điển, lãng mạn, thể thao đến các phong cách ảnh hưởng du nhập từ nước ngoài như Punk, Rock, Hippie và sự quay lại thời trang của các thập niên trước như thập niên 70, 80 TK XX. Thời trang nhanh cũng đang đánh dấu cho sự biến đổi của xã hội, tác động không nhỏ đến nhu cầu ăn mặc của con người, chính vì điều này, những giá trị nghệ thuật bền vững như thư pháp đi cùng với thời trang là sự kết hợp hài hòa, tạo ra tính cân bằng trong sự kết nối nghệ thuật từ nội dung đến hình thức.

Thư pháp đi cùng thời trang như một sự kết hợp đồng điệu vẻ đẹp tạo hình bên ngoài và tri thức bên trong của con người. Đây là điều mà không phải ngành nghệ thuật nào cũng thể hiện được, chính vì yếu tố này, khi được vận dụng vào TTTDNT lại tạo được sự hòa hợp qua sự chuyển tải vẻ đẹp của trang phục và dáng vẻ mềm mại của người phụ nữ Á Đông giản dị, kín đáo và sâu lắng. Một nét đẹp đặc trưng mang văn hóa truyền thống của phụ nữ châu Á nhẹ nhàng từ thân hình, mái tóc đen, dài, mượt mà đến nội tâm mạnh mẽ và kiên định.

 Thông qua thư pháp và thời trang thấy được sự đồng điệu về tính cương - nhu của người viết thư pháp và người thiết kế thời trang, đều là những người đam mê sáng tạo nghệ thuật, tôn vinh những giá trị đặc trưng mang tính bản địa của dân tộc, đều vận dụng những vật liệu và hình ảnh dân gian trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Những thiết kế TTTDNT hiện nay phần lớn khai thác các chủ đề về cuộc sống dân gian của người Việt như: hoa văn, họa tiết dân tộc, trống đồng, hoa sen, hình ảnh con rồng thời Lý, Trần, danh lam thắng cảnh Việt Nam, di tích văn hóa lịch sử của dân tộc, hay trang phục truyền thống của người Việt như áo dài, áo tứ thân, áo ngũ thân, áo bà ba, nón quai thao, áo yếm, khăn mỏ quạ… Đi cùng đó là các chất liệu đặc trưng của truyền thống Việt như lụa tơ tằm Châu Xá - Vạn Phúc, vải đũi, lãnh Mỹ A hay đến thổ cẩm của các đồng bào dân tộc trên mọi miền đất nước. Chính điều này đã tạo nên những sản phẩm TTTDNT đặc sắc, làm nên tên tuổi của các nhà thiết kế Việt như: Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Công Trí, Việt Hà, Võ Việt Chung, Nguyễn Minh Công, Vũ Ngọc Son… những con người đã thổi hồn văn hóa bản địa vào từng mẫu thiết kế TTTDNT tới công chúng qua các chương trình như: Festival Huế, Festival Hoa Đà Lạt.

 Nhà thiết kế Minh Hạnh - hình ảnh người phụ nữ tiên phong trong làng thiết kế thời trang Việt Nam với phần lớn sản phẩm trình diễn khai thác yếu tố văn hóa bản địa như chất liệu, hoa văn, họa tiết, thông điệp và ý nghĩa nhân văn. Ngay cả trong không gian trình diễn cũng mang đậm nét đặc trưng văn hóa nông nghiệp của người Việt, từ không gian, con người và khung cảnh, đặc tả rõ nét cuộc sống giản dị của người Việt qua từng vùng miền. Điều này đã tạo nên sự gần gũi, hài hòa, chân thật. Các chương trình trình diễn có sự tương tác giữa người dân địa phương và người mẫu đã làm cho sự liên kết, kết nối giữa con người với nghệ thuật ngày càng gần hơn. Nó cho ta thấy một điều khá thú vị, con người tạo ra nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, các giá trị từ nghệ thuật trình diễn thời trang đang có sức ảnh hưởng rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người ngày nay. Trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang thu đông 2018, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Việc chọn chất liệu lụa đã tạo ra một diện mạo mới cho thời trang Việt Nam, nằm trong dòng chảy lớn của thời trang thế giới. Chúng tôi mong muốn rằng, thời trang Việt Nam sẽ phát triển xứng đáng hơn nữa dựa trên giá trị truyền thống. Bởi, những truyền thống trong chất liệu là yếu tố cốt lõi để chúng ta phát triển song hành với giá trị thời đại, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang. Chúng tôi, những nhà thiết kế sẽ tiếp tục tạo ra những giá trị mới cho tơ lụa Việt Nam bằng sự sáng tạo”. Điều này chứng tỏ, những giá trị truyền thống của chúng ta được các nhà thiết kế trân trọng, gìn giữ và phát huy.

2. Nghệ thuật thư pháp và TTTDNT

Thư pháp - hai chữ rất ngắn gọn và đầy xúc tích, làm chúng ta liên tưởng đến bút pháp của những người viết chữ, những con chữ đầy tính nghệ thuật. Câu chữ bay bổng, uốn lượn của từng nét ngang, sổ, chấm, phác, cong, lượn, móc đi cùng với các khuôn hình chữ tròn, vuông, thoi, hình chữ nhật, đa giác được người viết thể hiện nội tâm cũng như cảm xúc của người viết qua các thế viết như vẽ tranh. Cùng với câu chữ mộc mạc, giản dị từ dân gian và lời răn dạy của ông cha qua những câu tục ngữ, ca dao hay câu nói của các bậc lão nhân xưa càng cho thấy giá trị của thư pháp trong đời sống của con người. Trong các bức tranh thư pháp là hình ảnh bình dị (làng quê, sông núi, nước non, mây trời, con thuyền, mặt trăng, hoa sen hay hình ảnh lão nhân ngồi viết chữ…) với các câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng về quy luật cuộc sống và đời người, đi kèm là những hình ảnh biểu trưng của tác giả. Triết lý cuộc sống được thư pháp thể hiện rõ nét qua cách viết của từng người, đó là sự kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận qua việc lựa chọn chất liệu, viết trên giấy, vải, gỗ, da hay gốm sứ. Mỗi chất liệu đều thể hiện sự tinh tế, chắt lọc, hòa quyện giữa sự tương tác tổng hòa của các nghệ thuật tưởng chừng như mộc mạc và là cách chơi đỉnh cao của những bậc thày về thưởng ngoạn cái đẹp.

TTTDNT, thường được gọi là Artistic fashion hoặc Fashion art, là một lĩnh vực trong ngành Thời trang, nơi thiết kế thời trang và biểu diễn thời trang trở thành nghệ thuật thực sự. TTTDNT thường tập trung vào việc sáng tạo và thể hiện ý tưởng độc đáo thông qua thời trang. Người thiết kế thời trang có tự do để thể hiện sự sáng tạo của họ, không bị ràng buộc bởi những quy tắc thời trang truyền thống. Người thiết kế sử dụng các yếu tố nghệ thuật như màu sắc, hình dạng, cấu trúc, chất liệu để tạo ra những tác phẩm thời trang độc đáo. Trình diễn thời trang trong lĩnh vực này thường được thực hiện như một biểu diễn nghệ thuật. TTTDNT thường đi ngược lại quan điểm và tiêu chuẩn thời trang đã qua, khuyến khích sự đột phá và thay đổi trong thế giới thời trang. Người mẫu và người biểu diễn thường thể hiện thời trang theo cách đặc biệt và sáng tạo, thường kết hợp với âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, và các yếu tố biểu diễn khác. Trang phục thiết kế được sử dụng để tạo ra cảm xúc và truyền tải thông điệp sâu sắc. Mỗi bộ sưu tập thời trang có thể kể một câu chuyện hoặc truyền tải một ý nghĩa nghệ thuật cụ thể. Trong các buổi trình diễn TTTDNT, người mẫu thường tự do trong việc tạo dáng và biểu diễn. Họ thường được khuyến khích để thể hiện tính cá nhân thông qua biểu diễn. TTTDNT thường kích thích sự tương tác và sự tham gia của người xem. Người xem có thể cảm nhận và hiểu được ý nghĩa của tác phẩm thời trang một cách sâu sắc.

3. Vận dụng nghệ thuật thư pháp trong thiết kế TTTDNT

Việc sử dụng thời trang mang tính đặc tả về hình ảnh từ bề nổi của thư pháp trong thiết kế trang phục không quá xa lạ khi chúng ta thấy các hình ảnh câu chữ trên trang phục hằng ngày như áo sơ mi, áo dài, áo thun...; hình ảnh núi non, sông nước với các câu thơ được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, ở mảng TTTDNT, các sản phẩm thiết kế được triển khai nghiên cứu mang tính khoa học với các phương pháp nghiên cứu từ lịch sử hình ảnh, đến các công cụ, vật dụng hay vật liệu của thư pháp để làm dữ liệu nghiên cứu triển khai nên ý tưởng thiết kế. Nhà thiết kế vận dụng nghệ thuật sáng tạo trong thời trang như quá trình tìm hiểu để xây dựng lên hệ thống bảng nghiên cứu về ý tưởng, bảng định hướng thiết kế, giải pháp xử lý chất liệu, hoa văn, họa tiết, phom dáng, màu sắc, phụ trang, phụ kiện, trang điểm, làm tóc, nhằm khắc họa hình ảnh thư pháp trong từng giải pháp thiết kế. Ngay cả mẫu vẽ thiết kế cũng phải khắc họa hình ảnh từ nét vẽ, màu sắc của ý tưởng thư pháp vào bản vẽ. Quá trình lựa chọn người mẫu trình diễn cũng phải mang tính bản địa của người Việt, với gương mặt phù hợp với xu thế của thời đại. Trình diễn bộ sưu tập kết hợp với âm thanh và ánh sáng cùng với khả năng catwalk của người mẫu đòi hỏi phải tạo sự phóng khoáng, mạnh mẽ, thanh thoát. Đây là những yêu cầu đòi hỏi một nhà thiết kế trẻ phải thực hiện sau khi nghiên cứu về thư pháp để vận dụng vào thiết kế một bộ sưu tập thời trang.

Nhà thiết kế trẻ Anh Thư, một sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế thời trang tại Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM với bộ sưu tập mang tên “Nét”, khai thác nghệ thuật thư pháp Việt Nam vào trang phục trình diễn nghệ thuật với góc nhìn của thế hệ trẻ hiện nay. Bộ sưu tập như kể lại quá trình hình thành và phát triển của thư pháp bằng ngôn ngữ thời trang qua các thời kỳ hưng thịnh của thư pháp với hình ảnh ông đồ và chữ Nho, các giá trị thư pháp thời kỳ đầu được hình thành và phát triển, trang phục áo dài khăn đống của các cụ đồ xưa với hình ảnh áo dài ngũ thân, màu sắc. Thời kỳ giao thoa văn hóa Á -Âu, thư pháp được chuyển thể từ chữ Nho qua chữ Quốc ngữ, trang phục giao thoa giữa áo dài truyền thống và Âu phục. Thời kỳ này, nghệ thuật thư pháp được cách tân qua các tầng lớp trí thức yêu chữ Nho và chữ Quốc ngữ, những con người tiên phong trong cách tạo dựng hình ảnh thư pháp sang một cách nhìn mới - cách nhìn của thời đại và sự biến động của xã hội. Thế hệ trẻ hiện nay với tên gọi - gen Z, được trang bị đầy đủ công nghệ, thông tin và thành quả của các thế hệ đi trước để lại. Với cá tính mạnh, cái tôi cá nhân cao, tiếp cận nhanh các kiến thức từ nhiều lĩnh vực. Thế hệ với đam mê sáng tạo dựa trên nền tảng của các giá trị văn hóa truyền thống và nghệ thuật để tiếp nối, lưu giữ những nghệ thuật thư pháp ở phương diện sáng tạo trong lĩnh vực TTTDNT.

 Bộ sưu tập xoay quanh những tông màu trung tính như đen, be, xanh nâu, xám xanh, cùng với 2 tông màu tương phản đỏ và xanh lá từ giấy, dựa trên áo dài ngũ thân kèm với chữ tượng hình trên câu đối đỏ. Cách thức triển khai ý tưởng của nhà thiết kế được khai thác hình ảnh thư pháp qua 3 nhóm chính:

Nhóm 1: chủ đề chính là “Khơi nguồn”. Đây thực sự là khởi nguồn của mọi vấn đề trong ý tưởng thiết kế của bộ sưu tập, cảm xúc khơi nguồn cho mọi sáng tạo. Lấy cảm hứng từ hình tượng những thư pháp gia thời xưa với phong thái cổ điển, nho nhã đi cùng với lịch sử phát triển của trang phục áo dài truyền thống. Ở nhóm này tập trung khai thác cấu trúc áo dài nam, cùng những bút pháp cơ bản trong thư pháp để làm họa tiết trên trang phục. Màu sắc ở nhóm này chủ yếu nghiêng về tông đen, xám, trắng.

Nhóm 2: với tinh thần là “Giao thoa”. Những mảnh ghép ký ức về chặng đường thăng trầm của nghệ thuật thư pháp Việt Nam từ xa xưa đến hiện tại. Giai đoạn giao thoa giữa các yếu tố Tây phương vào trang phục truyền thống Việt. Các chi tiết áo dài nam được lồng ghép, áp dụng hình thức giải cấu trúc nhằm tạo ra sự giao thoa với các cấu trúc trang phục hiện đại hơn như áo trend coat, áo sơ mi. Màu sắc ở nhóm này nghiên cứu về tông trắng, đen chuyển dần sang xanh, giống như chặng đường thư pháp từ lúc xưa đến nay.

Nhóm 3: với thông điệp là “Tiếp nối”. Quá trình tiếp nối những giá trị truyền thống qua trang phục cách tân về kiểu dáng, cấu trúc áo dài nam và bút pháp trong thư pháp được tiếp tục tiếp nối qua phương pháp xử lý chất liệu bề mặt. Nhóm này được truyền cảm hứng từ các vật phẩm: bút lông, giấy viết, nghiên, mực.

Bộ sưu tập “Nét” gồm 5 mẫu thiết kế chính trong hệ thống 25 mẫu, phát triển từ phom dáng, các đường nét, cấu trúc của áo dài nam, trang phục chủ yếu là phom suông. Nhà thiết kế sử dụng màu sắc có độ tương phản mạnh như trắng, đen, xám nâu, xám xanh thanh lịch và lịch lãm pha trộn bằng những vết loang của mực trên giấy với những nét vẽ dứt khoát tạo sự mạnh mẽ và cá tính trong thiết kế họa tiết hoa văn cho bộ sưu tập. Việc lựa chọn chất liệu có bề mặt mang tính chất tương tự một trang giấy xưa, thủ pháp đan những sợi dây thành từng cụm nhỏ và liên kết chúng với nhau như tinh thần tiếp nối, gìn giữ, trân trọng những giá trị của nghệ thuật thư pháp. Những mảnh ghép ký ức về thăng trầm của nền nghệ thuật thư pháp Việt Nam được liên kết với nhau bằng những ô vuông đóng móc khoen để tạo thành trang phục.

Thử nghiệm chất liệu mới là đan dây, phối hợp nhiều loại dây như dây thừng, len, dây sáp bóng với nhiều kiểu đan khác nhau, đây thực sự là giải pháp mang tính biểu tượng cao về hình tượng kết nối giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại qua bàn tay tài hoa và sáng tạo của nhà thiết kế, sản phẩm đã mang lại tính mới phù hợp với thời đại. Ẩn ý nhiều trong những giải pháp xử lý chất liệu mộc mạc pha trộn với các chất liệu phản quang. Qua đó cho thấy các giá trị truyền thống không chỉ nằm yên ở quá khứ. Như một chiếc kén, nó từng ngày lột xác và bung nở.

Xử lý chất liệu như đính kết thủ công, phá cấu trúc từ phom dáng áo dài nam, rã rập thành từng mảnh nhỏ và xâu lại bằng móc khoen kim loại và đan và thắt dây phối hợp đa chất liệu, để khắc họa nét đẹp trong từng bộ trang phục. Ngoài ra, sự mới lạ của nhà thiết kế là nhìn nhận thư pháp dưới góc độ đa chiều nên đã biến tấu những mảnh giấy thư pháp 2D thành dạng 3D bằng phương pháp draping (một kỹ thuật quan trọng trong thiết kế) 3D trên nền vải in chuyển nhiệt và dập ly tăm. Ngoài các kỹ thuật may, phối tầng dập ly và vẽ tay thủ công được chú trọng. Các sản phẩm phụ kiện như túi đeo thắt lưng, bao tay được thiết kế tạo điểm nhấn từ cây bút thư pháp và nét cọ vẽ. Phần quần ở bộ trang phục được lấy cảm hứng từ những sợi dây dùng để buộc cuộn giấy thư pháp, tác giả đã sử dụng phương pháp xử lý là đan và phối đa chất liệu như dây bố, sợi len thừng, dây sáp bóng, dây da. Thủ pháp đan dây thủ công, dùng những sợi dây thành từng cụm nhỏ và thắt tay toàn bộ để tạo sự liên kết đặc trưng, trên đó điểm xuyết những dây pha lê cùng màu. Phần phụ kiện như nón cũng đan dây thủ công, với phần viền được luồn kẽm, chiếc nón có thể biến tấu được nhiều kiểu khác nhau linh hoạt trong mục đích sử dụng.

Sự độc đáo trong hệ thống lookbook được nhà thiết kế lên ý tưởng cho kế hoạch chụp ảnh một cách thống nhất với ý tưởng đã chọn. Hình ảnh chiếc nghiên mực làm đế để người mẫu như tạo hình của các cây bút, có thể thỏa sức tạo nên những dáng đứng độc đáo. Hình ảnh từ các góc nhìn thẳng, nghiêng, từ trên xuống hay trực diện đều được thể hiện rõ nét qua từng khung hình. Sự quan sát tinh tế và chiều sâu ẩn chứa hình ảnh những nét chấm phá của thư pháp cũng được lồng ghép ý tưởng tạo sự hài hòa và bố cục chặc chẽ trong nhịp điệu và điểm nhấn trong hệ thống ảnh chụp. Từ những bức hình được bắt đầu màu sắc tổng thể như một tờ giấy trắng chưa có nét mực, với chi tiết chiếc quần như những tờ giấy được xếp chồng lên nhau. Đến những bức hình lấy cảm hứng từ độ loang của mực trên giấy và những hình thái trong cách vận bút như đậm - nhạt, lớp chồng lớp, nét phớt và nét vòng. Thông qua bộ sưu tập, nghệ thuật thư pháp càng trở nên đặc sắc qua góc nhìn của ngôn ngữ thời trang đầy sáng tạo của các nhà thiết kế trẻ.

Có thể nói, bộ sưu tập “Nét” đã mở ra góc nhìn mới cho ngành Thời trang về những quan điểm mới trong thiết kế, các ý tưởng thiết kế đang phản ánh xu hướng và giá trị xã hội đã bị lãng quên, phản ánh những giá trị truyền thống lâu đời. Cá tính, thử nghiệm và đương đại là những thông điệp mới mà bộ sưu tập đã thể hiện thành công. Cá tính nằm ở phong cách thời trang, nét riêng sáng tạo trong từng cách kết hợp trang phục. Thử nghiệm xử lý chất liệu mới lạ, việc kết hợp những chất liệu trái ngược nhau về tính chất, đặc điểm và màu sắc tưởng chừng không thể nhưng lại đem đến những sáng tạo, còn đương đại nhìn thời trang dưới con mắt của một người trẻ hiện đại, làm ra những bộ trang phục có tính ứng dụng pha trộn cá tính người mặc và phong cách mới phù hợp với thời đại. Đây là bước đệm cho sự sáng tạo các trào lưu và xu hướng thời trang mới.

_____________________

Tài liệu tham khảo

1. Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế Giới, 2013.

2. Đào Duy Anh, Chữ Nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb Hà Nội, 2020.

3. Nguyễn Sử, Lịch sử thư pháp Việt Nam, Nxb Thế Giới, 2017.

4. Tomoko Nakamichi, Pattern Magic, Laurence King Publishing, 2010.

5. Shingo Sato, Transformational Reconstruction (Tái thiết chuyển đổi), Center for Pattern Design, 2011.

6. Juliana Sisson, Basic Fashion Design (Thiết kế thời trang cơ bản), AVA Publishing SA, 2010.

7. Alison Qwilt, Timo Rissanen, Shaping Sustainable Fashion (Định hình thời trang bền vững), Earthscan Publishing, 2011.

8. vietphuc.tumblr.com.

Ths LƯƠNG THỊ MINH HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;