Chất cảm của vật liệu tự nhiên trong nội thất nhà ở truyền thống Việt Nam

Sự khác biệt về đặc tính vùng miền đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan niệm và cách thức kiến tạo nên những ngôi nhà ở trong suốt chiều dài lịch sử ngành Kiến trúc. Tuy nhiên, giữa những biến chuyển linh hoạt về hình thức nhà ở giữa các vùng miền trong lãnh thổ Việt Nam, thì vật liệu chính là thành tố hình thành nên giá trị công năng và thẩm mỹ cho mỗi công trình. Vật liệu truyền thống hầu hết có nguồn gốc chung từ môi trường tự nhiên. Được gọi là vật liệu tự nhiên và mang đến cho không gian nhà tính thẩm mỹ và cảm xúc rất riêng biệt, đó là những giá trị chất cảm đến từ những yếu tố nguyên sơ, thuần chất, tạo sự kết nối hài hòa giữa con người với cảnh quan thiên nhiên. Truyền thống sử dụng vật liệu tự nhiên của người Việt như một thành tố có tính đại diện và có vai trò kết nối, truyền tải, lan tỏa các giá trị về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật trong lịch sử kiến trúc Việt.

1. Vật liệu tự nhiên trong không gian nhà ở truyền thống

Nhà ở truyền thống phản ánh các giá trị truyền thống và quan niệm, nhu cầu văn hóa, xã hội của một cộng đồng cụ thể, trong một khoảng thời gian xác định gắn liền với các yếu tố lịch sử dân tộc. Nhà ở truyền thống được xây dựng dựa trên nguồn tài nguyên, vật liệu sẵn có của vùng miền, địa phương. Các yếu tố tạo hình đặc trưng trong không gian cư trú phần lớn phụ thuộc vào yếu tố môi trường, đặc trưng khí hậu, các yếu tố phản ánh văn hóa, tín ngưỡng, tư duy, lối sống của con người ở thời đại ấy. Vì thế, nhà ở truyền thống cũng không đồng nhất về hình thức kiến trúc, quy mô, tổ chức không gian và yếu tố trang trí tạo hình giữa các khu vực, vùng miền, lãnh thổ. “Tổ chức không gian điển hình nhà ở Việt truyền thống: ngôi nhà, sân, vườn, ao, một cấu trúc sinh thái đặc trưng” (1). Trải dài xuyên suốt từ Bắc vào Nam, theo dòng thời gian, nhà ở truyền thống được hình thành dựa trên nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, tạo nên bức tranh đa sắc về hình thức kiến trúc - nội thất nhà ở truyền thống Việt Nam.

Nhà truyền thống miền Bắc: được hình thành trên vùng châu thổ sông Hồng rộng lớn với điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt, nhiều biến đổi đã ảnh hưởng đến tư duy của con người trong quá trình kiến tạo không gian cư trú. Ngôi nhà truyền thống Bắc Bộ được dựng nên từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên, có tính bền vững cao, khả năng chịu nhiệt, chịu lực tốt, như gỗ, tre, đất, lá cây, gạch nung… Do đó ngôi nhà bắt đầu có sự kết nối hài hòa với thiên nhiên, cùng với đặc điểm “kết cấu bao che lưỡng tính - mở tối đa vào mùa hạ, khép kín vào mùa đông” (2), vật liệu tự nhiên cũng giúp cho công trình nhà ở Bắc Bộ có những ứng xử phù hợp với khí hậu vùng miền nơi đây, không gian sống được hoàn thiện, con người cũng thích nghi dần với môi trường sống gần gũi với tự nhiên, ổn định cuộc sống.

Nhà truyền thống miền Trung: miền Trung là vùng đất ít phù sa, đất đai khô cằn, không mang đến nhiều thuận lợi cho cuộc sống của người dân nơi đây. Con người đã phải tìm mọi cách để khắc chế những yếu tố bất lợi cả về thời tiết lẫn môi trường, địa hình để xây dựng cho mình những hình thức cư trú phù hợp. Từ các ý niệm trên, kết hợp với vật liệu tự nhiên được sử dụng trong quá trình xây dựng, như gỗ, mây tre, đá thanh, gạch bát, gốm… đã tạo nên những công trình nhà ở bền vững, có giá trị thẩm mỹ độc đáo còn tồn tại đến ngày nay, như nhà vườn Huế, nhà rường Hội An, đình làng xứ Nghệ…

Nhà truyền thống miền Nam: đồng bằng Nam Bộ được hình thành từ phù sa sông Mê Kông bồi đắp, sông ngòi chằng chịt, khí hậu nhiệt đới ẩm, nắng ấm quanh năm. Hình thức kiến trúc nhà ở truyền thống Nam Bộ có “bao che mỏng manh, chủ yếu che mưa chắn nắng, che mắt nhìn từ bên ngoài” (3). Không gian cư trú của người dân miền Nam cũng được hình thành từ những nguyên vật liệu tự nhiên mà đặc trưng là từ gỗ cứng: cây dừa, cây đước, cây tràm… để dựng cột, khung nhà; lá cây, rơm rạ… thân mềm để đan kết làm hệ mái, vách… Những vật liệu đó vốn sinh trưởng trong chính môi trường khí hậu miền Nam nóng ẩm nên dễ dàng thích nghi trước tác động môi trường. Khả năng chịu nhiệt, cách nhiệt tốt đã mang đến cho không gian cư trú của người dân vùng này sự thoáng mát, dễ chịu, giao lưu tốt với môi trường khí hậu đặc trưng của vùng Nam Bộ.

Sự khác biệt về tính chất, đặc trưng vùng miền đã hình thành nên những kiểu thức nhà ở truyền thống đa dạng. Bên cạnh hệ thống hoa văn, họa tiết truyền tải những giá trị văn hóa phong phú của xã hội Việt Nam truyền thống, thì vật liệu cũng được nhìn nhận như một trong những thành tố góp phần tạo nên những tác phẩm có tính nghệ thuật, có giá trị nhận diện vùng miền rõ nét. Nhà ở truyền thống mỗi vùng miền là các kết quả của quá trình chọn lựa, xử lý, kết hợp và hoàn thiện thiết kế không gian bằng các chất liệu có được trong chính môi trường tự nhiên, thể hiện sự tương tác hài hòa giữa con người và thiên nhiên trong việc xây dựng các công trình bền vững với điều kiện khí hậu địa phương. Thiên nhiên đã mang đến cho con người những thử thách, đồng thời cũng trang bị cho con người những nguồn tài nguyên phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, “thiên nhiên luôn chứa đựng trong nó sự đa dạng phong phú và khả năng sáng tạo đến vô cùng, vô tận… Ý thức được điều này, con người đã sớm biết cách sử dụng thiên nhiên, lợi dụng thiên nhiên để tô điểm thêm cho các sáng tạo nghệ thuật của mình’’ (4). Vật liệu tự nhiên được hình thành và tồn tại trong môi trường tự nhiên, được con người tìm thấy và có khả năng sử dụng ngay, không cần trải qua các quá trình xử lý, can thiệp thay đổi tính chất vật lý, bề mặt, màu sắc… Vật liệu tự nhiên có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, tạo nên nét đặc trưng và sự độc đáo của kiến trúc và nội thất nhà ở truyền thống Việt Nam.

Vật liệu hoàn toàn tự nhiên: Gỗ là loại vật liệu tự nhiên chủ đạo, phổ biến trong kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam. Gỗ tự nhiên cứng chắc, chịu lực tốt, bền vững dưới các tác động của môi trường, khả năng tạo hình đa dạng, do đó gỗ thường được sử dụng làm khung nhà, khung mái nhà, trần nhà, cột cái, cột quân, cầu thang, hệ cửa, trang thiết bị nội thất...

Tre, nứa được sử dụng để làm hệ khung nhà, tuy nhiên chỉ phù hợp với nhà ở miền Nam, nơi khí hậu ôn hòa và ổn định, ít ảnh hưởng đến tính bền vững của ngôi nhà. Bên cạnh đó, với đặc tính dẻo dai, dễ tạo hình theo ý muốn nên tre, nứa còn được sử dụng chế tác các sản phẩm trang trí, vật dụng nội thất, vách ngăn, rèm che… bên trong hoặc trước cửa ngôi nhà. Lá cây, rơm rạ được lợp, ghép lại với nhau thành các tấm che phủ hệ mái, vách của ngôi nhà.

Đá tự nhiên như đá marble, đá granite, đá bazalt được con người khai thác sử dụng trong kiến trúc nội thất nhà ở. Bề mặt cứng, có độ thô nhám nhất định, chịu lực tác động tốt, đa dạng về màu sắc, hoa văn… đá tự nhiên được sử dụng phổ biến để dựng cột, lót sàn…

Sỏi, cát được sử dụng trong các bước xây dựng cơ sở hạ tầng, lót đường đi.

Vật liệu có nguồn gốc tự nhiên: vật liệu được hình thành từ sự sáng tạo của con người, tận dụng từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như đất, đất sét, cát… trải qua quá trình xử lý - tạo hình - hoàn thiện để có được những vật liệu mới ứng dụng trong thiết kế nhà ở truyền thống: gạch, gốm sứ, ngói…

Vật liệu mô phỏng tự nhiên: loại vật liệu được tạo ra trên cơ sở sao chép lại tính chất, hình dạng, cấu trúc, màu sắc… của các chất liệu tự nhiên. Đây là phương pháp ứng dụng nhiều trong kiến trúc xây dựng, tái tạo lại những phần vật liệu tự nhiên bị hư hại trong các công trình truyền thống, thay thế cho các vật liệu tự nhiên trong các công trình hiện đại, bởi sự tương đồng về tính chất, thẩm mỹ nhưng không gây thiệt hại với môi trường thiên nhiên.

2. Giá trị thẩm mỹ từ nguyên vật liệu tự nhiên thể hiện chất cảm tự nhiên

Vật liệu tự nhiên trong nhà ở truyền thống Việt Nam biểu hiện sự khác biệt về môi trường tự nhiên, bối cảnh văn hóa, xã hội, tư duy thẩm mỹ và quan niệm sống của con người giữa các vùng miền với nhau. Trong quá khứ, con người khai thác và sử dụng trực tiếp các vật liệu từ thiên nhiên, hạn chế việc xử lý và tác động làm biến đổi các biểu hiện vốn có của bề mặt vật liệu. Các yếu tố nghệ thuật của tự nhiên kết hợp với sự sáng tạo của con người đã hình thành nên giá trị thẩm mỹ cho những ngôi nhà truyền thống, được nhìn nhận và đánh giá qua các vấn đề:

Màu sắc của vật liệu: yếu tố ưu tiên nhận diện và phân biệt giữa các dòng, loại vật liệu khác nhau. Màu sắc của vật liệu tự nhiên là những màu có cường độ thấp, màu trung tính dễ kết hợp với nhau, như sắc nâu của gỗ tự nhiên; sắc xám của đá tự nhiên, gạch ngói; sắc xanh lục của tre, nứa; sắc đỏ nâu của đất sét…

Kết cấu của vật liệu: thể hiện tính chất và cấu trúc bề mặt của vật liệu: thô sần, gồ ghề, nhám, mịn... Dưới tác động của các yếu tố môi trường và khí hậu, vật liệu tự nhiên biểu hiện nhiều kết cấu bề mặt đa dạng, không trùng lặp.

Bố cục của vật liệu: khả năng tổ hợp, sắp xếp nhóm vật liệu trong kiến trúc và nội thất của ngôi nhà truyền thống, trên cơ sở đảm bảo công năng, khả năng chịu lực và liên kết tốt, tạo nên những cảm quan thẩm mỹ đa dạng, trong những trường hợp ứng dụng khác nhau.

Khả năng đáp ứng kỹ thuật thi công: yêu cầu về tạo hình vật liệu, tính chịu lực, tải trọng, khả năng cách nhiệt, cách âm… của vật liệu tự nhiên, đảm bảo nhu cầu công năng cho công trình và nhu cầu thẩm mỹ của con người.

Khả năng kết nối với môi trường: việc sử dụng vật liệu tự nhiên trong kiến trúc truyền thống cần trải qua quá trình đánh giá và đúc kết từ thực tiễn, để công trình có thể chống chọi với những bất lợi hay tận dụng được những thuận lợi của điều kiện tự nhiên tác động trực tiếp đến không gian cư trú của con người.

Tính nguyên bản của bề mặt vật liệu tự nhiên đã khơi dậy những cảm xúc của con người trong quá trình tiếp cận và sử dụng công trình nhà ở. Khả năng truyền tải cảm xúc ấy đến từ chất cảm vật liệu. Những biểu hiện bề mặt vật liệu được cảm nhận, đánh giá thông qua các giác quan của con người ngay khi tiếp cận với vật liệu và thăng tiến trong quá trình trải nghiệm sau đó. Do đó, việc chọn lọc và cân chỉnh vật liệu trong công trình nhà ở cần dựa trên các yếu tố khách quan từ môi trường tự nhiên và chủ quan từ đối tượng sử dụng, để vật liệu thật sự tạo nên những giá trị phù hợp với chức năng không gian và cảm xúc của con người; trong đó, chất cảm vật liệu được con người cảm nhận bằng các giác quan, thể hiện những cảm xúc của bản thân trước những tác động từ sự biểu hiện hình thức của vật liệu.

Chất cảm từ màu sắc của vật liệu tự nhiên: màu sắc tác động trước tiên đến thị giác, từ đó ảnh hưởng đến cảm nhận và hành vi, thái độ của con người. Màu sắc của vật liệu tự nhiên khá đơn giản, dễ kết hợp, thuộc nhóm màu trung tính, sắc độ trầm ấm, hài hòa với thiên nhiên, như: sắc nâu của gỗ tự nhiên, sắc nâu đỏ của đất sét, gạch nung… gợi cảm giác ấm áp, thân thiện; tạo tính ổn định, sự ấm cúng cho không gian; sắc xám của đá tự nhiên gợi tính bền vững, cứng rắn; tạo sự tĩnh lặng, tinh tế cho không gian; sắc xanh lục chuyển nâu vàng của tre trúc, nứa tạo cảm giác thiên nhiên lan tỏa vào không gian sống, cảm giác ấm áp, gần gũi từ chất liệu đặc trưng của truyền thống Việt Nam.

Chất cảm từ tính chất bề mặt của vật liệu tự nhiên: đặc điểm cấu trúc bề mặt vật liệu tự nhiên mang đến cho con người những cảm nhận thông qua các tác động đến thị giác và xúc giác, như: vật liệu có bề mặt nhẵn mịn tạo sự tinh tế, nhẹ nhàng đối với thị giác và sự mượt mà, thoải mái về xúc giác. Từ đó có thể cảm nhận được một không gian sống sạch sẽ, trong trẻo và an toàn khi tiếp xúc. Vật liệu có bề mặt thô sần tạo sự thu hút về thị giác, tạo ấn tượng mạnh, tinh thần phóng khoáng bởi sự đa dạng trong hình dáng, độ lồi lõm của các chi tiết bề mặt. Tiếp xúc với bề mặt thô sần thường mang đến những cảm nhận đa dạng về xúc giác. Không gian vì thế cũng trở nên ấn tượng và độc đáo hơn, điểm nhấn không gian được biểu hiện rõ dựa trên tính đa dạng về chất cảm của nhóm vật liệu này.

Chất cảm từ mùi hương của vật liệu tự nhiên: mùi hương của vật liệu tự nhiên là hương vị của tạo hóa thiên nhiên, hương của đất trời hòa quyện tạo sự thư giãn, yên bình, thân thuộc cho các không gian có tính truyền thống: mùi hương gỗ nồng ấm, thân quen; mùi hương từ tre nứa, cây xanh tạo cảm giác thư giãn, yên bình…

Chất cảm từ thanh âm của vật liệu tự nhiên: hoạt động của con người trong cuộc sống hằng ngày sẽ có những tác động vật lý đến các yếu tố trong không gian (sàn, tường, vách, cột, cửa…), đồ dùng, vật dụng…; mỗi vật liệu khi chịu sự tác động, va chạm sẽ tạo nên tiếng âm đặc trưng riêng, phụ thuộc vào tính chất, cấu trúc bề mặt vật liệu và độ lớn của lực tác động. Điển hình là 2 nhóm vật liệu:

Nhóm vật liệu gỗ tự nhiên: có khả năng giãn nở nhiều, dựa trên sự thay đổi của yếu tố nhiệt độ, thời tiết; do đó gỗ tự nhiên có đặc tính âm thanh trầm, ấm áp, chắc khỏe, độ vang thấp.

Nhóm vật liệu đá, gạch, ngói: có bề mặt cứng, không có khả năng biến dạng khi chịu tác động; do đó đặc tính âm thanh có độ vang nhiều, âm thanh sắc nét, ít cảm nhận được giai điệu. Các loại gạch, đá khác nhau sẽ tạo nên những chất âm khác nhau khi chịu tác động, việc sử dụng nhóm chất liệu này trong nhà ở cũng cần được cân nhắc lựa chọn để có được những giải pháp tối ưu.

3. Một số giá trị tiêu biểu của vật liệu tự nhiên trong nhà ở truyền thống

Nhà ở truyền thống Việt Nam cho đến ngày nay vẫn truyền tải trọn vẹn những giá trị văn hóa và tư duy thẩm mỹ, hàm chứa những cảm xúc, ý nghĩa, kinh nghiệm sống mà người xưa đã gửi gắm vào không gian cư trú thông qua những nhận diện về hình thức kiến trúc nội thất tiêu biểu. Từ nhận diện về yếu tố vật liệu của nhà ở truyền thống, để thấy được giá trị của nhà ở truyền thống Việt Nam trong tương quan giữa môi trường tự nhiên với bối cảnh văn hóa, xã hội.

Tương tác gần gũi và kết nối với thiên nhiên: vật liệu tự nhiên tạo nên sự cân bằng và kết nối hài hòa giữa kiến trúc nhà ở truyền thống với thiên nhiên xung quanh, kiến tạo nên không gian sống lành mạnh, thư thái và yên lành.

Bền vững và thân thiện với môi trường: vật liệu tự nhiên có khả năng tái sử dụng và khả năng tự phân hủy trong điều kiện tự nhiên nhanh hơn so với các dòng vật liệu tổng hợp, vật liệu nhân tạo. Do đó, việc sử dụng vật liệu tự nhiên trong lĩnh vực xây dựng nói chung rất phù hợp tiêu chí bảo vệ môi trường ngày nay, tuy nhiên, việc này phụ thuộc nhiều vào sản lượng nguyên vật liệu tự nhiên, khả năng kinh tế và ý thức của con người.

Truyền tải thông điệp văn hóa, nét đặc trưng vùng miền: vật liệu tự nhiên gắn liền với các giá trị văn hóa, yếu tố truyền thống của từng vùng miền và cũng là nhận diện mang tính dân tộc khi các công trình truyền thống có dịp xuất hiện trên các diễn đàn nghệ thuật thế giới.

Thể hiện tinh thần nghệ thuật và sự sáng tạo: người thợ, người nghệ nhân thể hiện tài năng và sự sáng tạo thông qua cách xử lý vật liệu tự nhiên “thô” trở thành các sản phẩm có tính kỹ thuật, nghệ thuật nhất định. Yếu tố thủ công, sự ngẫu hứng của con người trong quá trình thi công đã mang đến cho công trình kiến trúc nội thất truyền thống những yếu tố thẩm mỹ đa dạng, giá trị.

Kết luận

Nhà ở truyền thống trải qua những diễn biến của lịch sử, đến ngày nay vẫn được đánh giá là những công trình chứa đựng những giá trị nghệ thuật tinh hoa của dân tộc. Mỗi ngôi nhà là một sản phẩm nghệ thuật được hình thành, vun đắp, tôi luyện từ tự nhiên, tồn tại hài hòa với thiên nhiên, truyền tải những thông điệp của tự nhiên, văn hóa, lịch sử, xã hội… Đặc trưng vật liệu tự nhiên trong nhà ở truyền thống đã mang đến nhiều cảm xúc về chất cảm cho người sử dụng, người thưởng lãm công trình; thông qua cách mà người xưa đã chọn lựa, phối hợp, đặt để nhóm vật liệu tự nhiên trong từng chi tiết của ngôi nhà. Bên cạnh đó, có thể thấy được tính bền vững của vật liệu tự nhiên trong các công trình truyền thống, là giá trị tham khảo quý giá cho lĩnh vực kiến trúc nội thất ngày nay, trong thời đại kỹ thuật, công nghệ phát triển.

_______________

1, 2, 3. KTS Nguyễn Hữu Thái, Ngôi nhà Việt, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2019, tr. 47, 93, 105.

4. KTS Nguyễn Cao Luyện, Từ những mái nhà tranh cổ truyền, Nxb Kim Đồng, 2007, tr.86.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Lâm Biền, Đình làng Việt (Châu thổ Bắc Bộ), Nxb Hồng Đức, 2017.

2. Võ Thị Thu Thủy, Thiên nhiên trong kiến trúc nhà ở truyền thống Việt, Nxb Xây dựng, 2018.

3. Nguyễn Văn Cương, Mỹ thuật đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ - Một di sản văn hóa dân tộc đặc sắc, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2006.

4. Uông Thị Mai Hương, Mỹ thuật đình làng TK XVIII ở Nghệ An (Qua nghiên cứu đình làng Đông Viên, Hoành Sơn, Trung Cần), luận án tiến sĩ, 2020.

Ths TRẦN HỒNG NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;