Nghệ thuật chiếu sáng trong không gian ẩm thực cao cấp

Trong bảy loại hình nghệ thuật cơ bản có năm loại hình liên quan tới thị giác, bao gồm kiến trúc, điêu khắc, hội họa, sân khấu, điện ảnh. Và ánh sáng chính là yếu tố quan trọng trong việc truyền tải ý tưởng sáng tạo của tác phẩm nghệ thuật thông qua thị giác. Nghệ thuật chiếu sáng với vô vàn những biến tấu muôn màu, thực sự trở thành một cuộc chơi nghệ thuật hấp dẫn trong thiết kế nội thất, đặc biệt là những không gian đòi hỏi về chất lượng thẩm mỹ cao như các thiết kế nhà hàng cao cấp.

Xu hướng ẩm thực cao cấp (Fine Dining) trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, loại hình nhà hàng Fine Dining - hình thái thưởng thức ẩm thực cao cấp nhất, đã có những bước phát triển mạnh mẽ và nhận được nhiều sự yêu thích. Thuật ngữ Fine Dining vốn được hình dung là trải nghiệm ẩm thực xa hoa, không chỉ bao gồm thực đơn với các món ăn chất lượng và nguyên liệu đắt tiền được chế biến bởi những đầu bếp có tay nghề đẳng cấp, cách trình bày món ăn tinh tế, phong cách phục vụ chuyên nghiệp và chu đáo, đó còn là câu chuyện kể đầy tính nghệ thuật và độc đáo của không gian nội thất, từ những bữa tối ấm cúng dưới ánh nến lung linh cho đến các không gian ẩm thực sang trọng thời thượng, mà trong đó ánh sáng hiện hữu như một thành tố thiết yếu để hoàn thiện ý tưởng kiến trúc, nội thất và nâng tầm dịch vụ, góp phần tạo ra những trải nghiệm ẩm thực thú vị.

1. Nghệ thuật chiếu sáng và ẩm thực

Trong không gian ẩm thực, chiếu sáng không đơn thuần là một phần của thiết kế nội thất, mà còn có thể tạo ra một môi trường độc đáo và tạo ấn tượng sâu sắc đối với thực khách, không chỉ về mặt thị giác mà còn về mặt tâm trạng và cảm xúc. Nghệ thuật chiếu sáng chính là nghệ thuật “chơi” với ánh sáng bằng các thủ pháp thiết kế khác nhau, sao cho tạo hình và màu sắc của ánh sáng đạt hiệu quả cao nhất về thẩm mỹ và ý tưởng sáng tạo của không gian nội thất. Nếu coi ánh sáng là chất liệu, thì thiết kế chiếu sáng là cách mài giũa và sắp xếp các chất liệu để chúng thể hiện vai trò của mình một cách tối ưu nhất. Ánh sáng có thể tạo ra không gian riêng biệt và xác định môi trường chung của nhà hàng. Nếu ánh sáng ấm cúng thích hợp cho không gian gia đình, thì ánh sáng lạnh và tối cũng có thể phù hợp cho không gian hiện đại, sang trọng và cá tính hơn.

Ngoài ra, sự chiếu sáng cũng có tác động đến cách thức thực phẩm được hiển thị và nhìn thấy. Với tính chất chỉn chu và tinh tế trong từng chi tiết, món ăn của các nhà hàng Fine Dining thường được đặt để trong các chén đĩa đựng rất cầu kỳ và đòi hỏi sự tỉ mỉ trong hình thức trình bày như một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Ánh sáng phải được thiết kế sao cho thực phẩm trông hấp dẫn và ngon mắt, đồng thời, cũng phải đảm bảo việc khách hàng có thể thấy và đánh giá thực phẩm một cách chính xác hơn.

Thiết kế chiếu sáng cũng có những tiêu chuẩn nhất định để thực sự là chất xúc tác khơi gợi cảm xúc hiệu quả. Chỉ số hoàn màu (CRI) là một trong những thước đo giúp đảm bảo hình ảnh vật được chiếu sáng phản ánh đúng trong mắt người nhìn. Hệ thống đèn có CRI cao giúp chiếu sáng vật thể với màu sắc hấp dẫn hơn, với chính xác những tính chất mà nó vốn có. Ngược lại, CRI thấp khiến cho mắt người nhìn có cảm quan về vật thể nhợt nhạt và thiếu sức sống hơn. Mặt khác, độ chói cũng là chỉ số tác động mật thiết đến chất lượng dịch vụ cần chú ý cho những không gian tác vụ cao với mục tiêu hạn chế tối đa sự khó chịu về thị giác. Theo Tiêu chuẩn chiếu sáng Nhà hàng - Khách sạn, UGR<13 (1) chính là hệ số về độ chói lý tưởng khi lựa chọn sản phẩm chiếu sáng cho các dự án cao cấp trong ngành dịch vụ nói chung và nhà hàng Fine Dining nói riêng.

Một yếu tố quan trọng khác để khơi gợi cảm xúc trong không gian nhà hàng bằng ánh sáng, là sự đan xen giữa các lớp chiếu sáng. Thiết kế ánh sáng phân lớp sẽ khiến cho không gian “biến tấu sáng tạo” và thuận lợi cho việc bố trí riêng tư theo nhu cầu của từng nhóm đối tượng thực khách khác nhau. Khi đó, sẽ cần có ánh sáng tổng thể nhưng cũng cần cả ánh sáng chiếu điểm và ánh sáng chức năng (chiếu sáng cục bộ). Sự độc đáo về trải nghiệm ẩm thực là cái chính mà các nhà hàng Fine Dining muốn hướng tới, vì vậy, cách điều chỉnh và thay đổi linh hoạt ánh sáng trong suốt thời gian bữa tối để tạo ra trải nghiệm đa dạng, cũng là một giải pháp được nhiều nhà hàng quan tâm khai thác. Không gian được chiếu sáng lần lượt ở từng khu vực theo chuyển động cơ thể hay thay đổi nhiệt độ màu tại từng thời điểm trong ngày. Không đơn thuần là sự tiện nghi, ánh sáng lúc này không chỉ ở trạng thái tĩnh, mà còn có sự chuyển động và luân chuyển, khơi gợi cảm xúc một cách tự nhiên nhất. Ánh sáng khi bắt đầu bữa ăn có thể khác biệt so với ánh sáng trong khoảng thời gian cuối bữa để thúc đẩy sự chuyển đổi từ sự phấn khích, háo hức chờ đợi cho đến sự thư giãn, dễ chịu và thoải mái khi được tận hưởng trọn vẹn bữa tiệc thị giác.

2. Ánh sáng tô điểm cho không gian nhà hàng Fine Dining

Sự huyền diệu của ánh sáng là chất liệu cực kỳ độc đáo để mang lại cảm xúc cho khách hàng khi trải nghiệm tại không gian nhà hàng. Việc tạo hiệu ứng tương tác tao nhã giữa bóng tối và ánh sáng, tăng cường chiều sâu cho không gian đòi hỏi sự tính toán chi tiết trong bố trí và sự kết hợp tài tình giữa chiếu sáng gián tiếp và chiếu sáng trực tiếp.

Đối với mô hình nhà hàng đề cao sự tinh tế về thị giác như Fine Dining, chiếu sáng gián tiếp có thể được xem là một phương pháp hiệu quả nhất. Kỹ thuật này sử dụng các thiết bị cố định để hướng ánh sáng vào các bề mặt đóng vai trò phản xạ, làm mềm các tia sáng phát ra nhằm ngăn chặn các chùm cồng kềnh, giống như cột trụ để có được ánh sáng phân bổ đều hơn. Ánh sáng gián tiếp giảm thiểu bóng tối và ánh sáng phản chiếu. Tận dụng sự phản xạ của ánh sáng qua các bề mặt bằng cách lắp đặt các giải pháp chiếu sáng ẩn bên trong kệ tủ, giữa các bậc thang và lối đi, hắt ánh sáng vào tường và trần nhà hoặc thông qua đèn rọi dành cho tranh và các tác phẩm nghệ thuật, chiếu sáng gián tiếp giúp ánh sáng được khuếch tán trở lại trong không gian một cách nhẹ nhàng, tạo nên lớp chiếu sáng chung dễ chịu, song, vẫn đảm bảo cung cấp đủ độ sáng để đáp ứng cho việc nhìn nhận và di chuyển.

Bằng cách định vị các nguồn sáng sao cho các tia của chúng phản chiếu từ bề mặt lên các đối tượng trưng bày hoặc chiếu sáng nền, các hiệu quả ánh sáng có thể thu hút ánh nhìn của người xem theo cách tinh tế hơn so với đèn chiếu trực tiếp. Hình thức chiếu sáng này giúp củng cố các khía cạnh thẩm mỹ nhờ vào khả năng tôn vinh các vật thể trưng bày, chất liệu kiến trúc và khoác lên không gian một bầu không khí sang trọng, song không kém phần ấm áp, thân thiện. Đây là cách thức chào đón thực khách đầy tinh tế mà các nhà hàng Fine Dining hướng đến. Hiệu ứng thu được khi sử dụng chiếu sáng gián tiếp rất lý tưởng để làm nền cho các tác phẩm nghệ thuật như tranh, ảnh, tượng điêu khắc, hoặc tủ kệ trang trí mà không gây nguy cơ bị hư hại do nhiệt hoặc các chất liệu có yêu cầu hạn chế tác động ánh sáng trực tiếp như sơn mài hay sơn dầu hoặc các vật liệu phản quang

Một thiết kế tiêu biểu cho nghệ thuật chiếu sáng gián tiếp không thể không kể đến nhà hàng TRE Fine Dining, mang đến cho thực khách nhiều hơn là những món ăn đẳng cấp được chế biến theo xu hướng ẩm thực kết hợp. Đúng với tên gọi, “tre/ cây tre” - TRE chính là “ngôn ngữ” chủ đạo để kiến tạo một không gian mang đậm bản sắc phương Đông sang trọng cùng nét thẩm mỹ riêng biệt cho nhà hàng. Tại TRE, ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Các ngữ cảnh chiếu sáng khác nhau được thiết kế để hoàn thiện bầu không khí một cách hoàn hảo ở mỗi giai đoạn của buổi tối.

Nhà hàng sử dụng nhiều hệ thống chiếu sáng gián tiếp trong nhiều không gian để tạo ra bầu không khí huyền ảo và thoải mái. Khi bước vào TRE, khách hàng ngay lập tức được chào đón với “hành lang tre”. Đi theo cầu thang lên tầng trên dưới ánh đèn linear, khách hàng được chứng kiến không gian nhà hàng đầy quyến rũ. Những bức tường cong làm bằng tre, lắp đèn gián tiếp dưới chân tạo nên các không gian bàn ăn riêng tư và đầy tính thẩm mỹ, hắt sáng lên bức tường tre từ phía sau làm nổi bật kết cấu đặc sắc này. Ánh sáng cũng đặc tả đường chân trời để “phục vụ” một buổi dùng bữa khó quên cho thực khách với cảnh đêm tuyệt và hương vị độc đáo.

Nghệ thuật sáng tạo chiếu sáng bằng ánh sáng gián tiếp không dừng lại ở đó. Ánh sáng gián tiếp còn tham gia vào việc tái hiện lại những bối cảnh không gian mang tính gợi vô cùng thú vị cho câu chuyện kể của các nhà hàng Fine Dining. Cuộc đối ngẫu giữa rượu ginquốc túy ẩm thực Việt tại nhà hàng The Triệu Institute nhờ có nghệ thuật chiếu sáng mà hấp dẫn thêm vô cùng. Không gian The Triệu Institute khuếch đại câu chuyện về Bà Triệu và Lady Triệu Gin. Đó là hình ảnh dãy núi Sapa trập trùng trên bức tường màu tím, là kiểu trang trí mây trời gợi nhớ không khí Đà Lạt, là vườn cây xanh ngắt như đồng bằng sông Cửu Long, là những bước sóng ánh sáng lấp lánh phản chiếu ánh nắng hè của Hội An...

3. Ánh sáng trong không gian như tác phẩm nghệ thuật

Ở tầng sáng tạo khác, một số nhà thiết kế nội thất tìm thấy ánh sáng như chất liệu cho sáng tác của họ, dùng ánh sáng như phương tiện biểu đạt nghệ thuật, giống màu trong hội họa hay âm thanh trong âm nhạc, như nhà văn Pháp Victor Hugo cũng đã diễn đạt: To see beauty is to see light - Ánh sáng chính là hiện thân của cái đẹp (2).

Một ví dụ tiêu biểu cho vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật bằng thiết kế chiếu sáng trong nội thất không gian ẩm thực cao cấp đó là, thiết kế của nhà hàng Å by TUNG. Câu chuyện thiết kế của nhà hàng được lấy cảm hứng từ hình ảnh bầu trời thiên nhiên tuyệt đẹp của Bắc Âu. “Å by TUNG phản ánh một Bắc Âu hiện đại. Nhà hàng được thiết kế theo phong cách Neo-Nordic. Những hình khối góc cạnh, gam màu lạnh, hình ảnh ẩn ý cách điệu thành hình hang động, tảng băng, bầu trời đêm lung linh huyền ảo… Tất cả đều là những hình ảnh quen thuộc với vùng đất Scandinavia. Nơi đây đã gắn bó sâu đậm với tôi trong những năm tháng tuổi trẻ và những bước đầu khởi nghiệp”, chef Hoàng Tùng chia sẻ. Trong đó gây ấn tượng thị giác mạnh với điểm nhấn thú vị nhất chính là chiếc đèn thạch nhũ và trần nhà cực quang, “đặc sản” của Bắc Âu mà chắc chắn bất cứ ai cũng mong muốn một lần được chiêm ngưỡng nếu đặt chân đến xứ sở này. Cực quang xuất hiện khi các hạt điện tử từ mặt trời gặp phải các phân tử khí trong tầng bảo vệ của trái đất, gây ra hiện tượng sáng rực rỡ trên bầu trời đêm. Các dải sáng cực quang có màu xanh, đỏ, và tím thường là đặc trưng của nó. Sử dụng tấm trần xuyên sáng barrisol để tái hiện lại ánh sáng của cực quang, cùng với sự sắp xếp ngăn chia khéo léo tỉ lệ giữa các vùng sáng tối, thực khách vừa tận hưởng ẩm thực phong phú vừa ngắm nhìn bầu trời Bắc Âu lung linh huyền ảo giữa Sài Gòn nắng gió, thực sự là một trải nghiệm độc bản và vô cùng ấn tượng, khó quên.

Hay như trong thiết kế của nhà hàng Fine Dining Akuna tọa lạc tại tầng 9 của khách sạn Le Méridien Saigon, sở hữu một vị trí đắc địa để thực khách có thể nhìn ngắm ra toàn cảnh Sài Gòn về đêm. Không gian kín kẽ nằm trên tầng 9 tiếp đón thực khách bằng cảm giác trang nhã đầy đẳng cấp. Bước qua cánh cửa gỗ là một căn phòng lớn rộng 400m², nơi đập vào mắt đầu tiên là một đảo bếp bóng loáng ở trung tâm. Nghệ thuật sắp đặt ánh sáng đóng vai trong như người dẫn dắt cảm xúc bữa tiệc thị giác của thực khách khi tận mắt ngắm nhìn sân khấu biểu diễn của các đầu bếp tại không gian bếp mở. Tên gọi Akuna mang ý nghĩa “dòng nước chảy” gợi nhắc cho người đầu bếp về những tháng ngày thăng trầm xuyên suốt 20 năm sự nghiệp. Từ triết lý dòng chảy này, từng thiết kế trong không gian 50 chỗ ngồi đều được sắp đặt một cách tỉ mỉ và liên kết để tạo nên cảm giác mênh mông, bất tận. Khu vực bếp mở là tâm điểm cho nhà hàng, nơi khách hàng được chiêm ngưỡng quá trình sáng tạo xuyên suốt. Từ trần nhà gợn sóng lấp lánh ánh xanh bạc tựa lòng nước, chiếc đèn chùm được làm bằng tay mang hình dạng sóng nước đến những tác phẩm nghệ thuật từ nghệ sĩ người Úc (Tony Wilson) mang đến không gian đậm chất nghệ thuật tại đây.

Kết luận

Nghệ thuật chiếu sáng trong nhà hàng cao cấp không chỉ là một yếu tố thiết kế, mà còn là một phần trải nghiệm của khách hàng. Nó có khả năng tạo ra không gian độc đáo và thú vị, tôn vinh nội thất, trang trí và thúc đẩy môi trường ấm áp, thoải mái để thực khách có thể tận hưởng thực đơn và dịch vụ cao cấp. Ánh sáng chính là chất xúc tác không thể thiếu cho các tác phẩm nghệ thuật được vẽ bằng không gian nội thất nhà hàng. Công thức của chất xúc tác này không cố định mà tùy thuộc vào ý tưởng của tác phẩm và sự độc đáo của người nghệ sĩ. Sáng tạo là không biên giới và sáng tạo ánh sáng cũng vậy.

_________________

1. Các Tiêu chí Việt Nam: Tiêu chuẩn thiết kế nhà hàng - Khách sạn của TCVN 7114 - 1: 2008, do Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) và các bộ, ngành tổ chức xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, studocu.com.

2. Thiện Văn, Chuẩn mực của cái đẹp, Văn học nghệ thuật, qdnd.vn, 27-11-1023.

3. Khảo sát trải nghiệm cùng chef Hoàng Tùng tại nhà hàng Å by TUNG 31-33 Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM, 27-10-2023.

Ths NGUYỄN PHƯƠNG QUỲNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023

;