Nghệ sĩ Thu Phương: Chung thủy một lòng với nghệ thuật hát Xẩm

Thu Phương là một trong những nghệ sĩ dân gian trẻ hiện nay được đánh giá cao khi đang nỗ lực cống hiến, lan tỏa nghệ thuật hát Xẩm. Gần 15 năm đeo đuổi, làm nghề, người con vùng đất Quảng Ninh vẫn một lòng thủy chung với những gì mình lựa chọn. Tạp chí VHNT xin giới thiệu cuộc trò chuyện với chị về nghệ thuật hát xẩm, một loại hình nghệ thuật truyền thống đang gặp những thách thức trong bối cảnh văn hóa hiện đại.

Cơ duyên nào đưa Thu Phương đến với nghệ thuật hát Xẩm? 

- Từ khi còn bé mỗi khi được nghe các chương trình dân ca là tôi cảm thấy rất thích thú với những làn điệu và ý nghĩa sâu sắc của ca từ. Chính vì thế, mặc dù gia đình tôi không có ai theo âm nhạc, không được dạy về âm luật, nhưng bằng cảm xúc, cảm quan của bản thân, tôi các bài dân ca mang nhiều ý nghĩa và rất thích thú. Do được một người hàng xóm giới thiệu, tôi đã quyết tâm “khăn gói” từ Quảng Ninh lên Hà Nội để được gặp gỡ, học tập các thầy tại đình Hào Nam - Trung tâm nghệ thuật phát triển âm nhạc Việt Nam. Trong quá trình trao đổi, các thầy phát hiện ra tôi có chất giọng trầm, dày, khỏe - giọng nữ trung hợp với Xẩm mà các thầy đang tìm kiếm. Lúc đó, tôi chưa định hình hay hình dung ra là bản thân có thích thể loại này hay không, nhưng tôi vẫn nghe theo sự chỉ bảo của các thầy. Đồng thời, chất xúc tác đã khiến tôi quyết định một lòng đi theo thể loại hát Xẩm là khi được nghe thầy Văn Ty hát bài Mục hạ vô nhân ở sân khấu, tôi cảm thấy rất “phiêu” và nhận thấy sao Xẩm lại hay đến thế. 

Sau khi “khăn gói” lên Hà Nội học tập, đến một nơi hoàn toàn mới, Phương có gặp nhiều khó khăn không?

- Năm 2008, tôi đến với Hà Nội và gặp phải rất nhiều khó khăn, đồng thời bị ốm liên miên vì chưa thích nghi môi trường, cuộc sống nơi đây. Nhưng được sự động viên, giúp đỡ của các thầy NSND Thao Giang, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ty, Hạnh Nhân… tôi đã vượt qua. Trong quá trình học tập tại Trung tâm Nghệ thuật phát triển âm nhạc Việt Nam, tôi được các thầy rèn rũa và đào tạo các làn điệu Xẩm, Trống quân, hát Ru, hát Quan họ… theo mô hình thực chiến, tức là buổi sáng, buổi trưa các thầy truyền đạt kiến thức, buổi tối phải ra chợ Đồng Xuân biểu diễn luôn. 

Vừa học tập tại Trung tâm, tôi còn chịu trách nhiệm làm luôn công việc tại văn phòng. Một trong những công việc mà tôi hay phải làm là gọi điện thoại liên hệ và mời các học viên đến học. Mỗi khi cầm cuốn sổ danh bạ có hơn 300 học viên, tôi cảm thấy rất xúc động, tự hào vì đó là sự tập hợp số lượng lớn học viên ở mọi miền tổ quốc về đây học tập. Lúc đó, tôi thấy rất hạnh phúc, trong tôi là sự cháy bỏng, cuồng nhiệt một lòng vì nghề. Bên cạnh việc “truyền lửa” đến với mọi người, chúng tôi còn dùng tất cả sự chân tình, tốt đẹp nhất để tiếp đãi những người đến với “ngôi đình” âm nhạc dân tộc. Sau gần 15 năm gặp lại, những người đã đến, từng được ăn bữa cơm do chúng tôi nấu, đến giờ họ vẫn nhớ. Đó là những kỷ niệm, ký ức đẹp mà tôi nghĩ nó là tài sản vô giá, không bao giờ có thể mất đi được.

Sau một chặng đường dài, giờ đây Thu Phương đã gặt hái được những thành quả nhất định, Phương cảm thấy như thế nào với những kết quả đó? 

- Đến thời điểm này, tôi vẫn thấy rằng, không ngờ mình lại làm được như vậy. Vì có rất nhiều người, cũng lựa chọn con đường giống tôi, nhưng không trụ được, họ bỏ cuộc và sôi hỏng bỏng không. Cố giáo sư Phạm Minh Khang đã từng nói với tôi “khi con xác định đó là con đường theo đuổi thì sống chết gì cũng phải theo. Vì không có con đường nào mà không có chông gai, nhưng khi con nhìn lại, thành công đến thì con sẽ thấy hạnh phúc. Vượt qua chính bản thân mình cũng là một sự thành công. Thành công ở đây là những chặng đường đi chứ không phải là đứng trên đỉnh cao và nghĩ rằng đó là thành công…”. 

Học tập ở đây, tôi được các thầy dạy cho rất nhiều điều, từ dạy từng ngón nghề đến dạy cách làm người và cách đối nhân xử thế, cách tránh được thị phi…. Các thầy thường nhắc nhở tôi “đời sống thì có hạn nhưng việc học là vô hạn nên phải luôn luôn nhớ điều đó”. Cho nên, mặc dù tính cách ngang bướng, nhưng những lời chỉ bảo thấu tình, đạt lý, và đúng đắn… của các thầy, tôi đã nghe, thấu hiểu và làm theo lời thầy dạy. 

Bên cạnh việc biểu diễn các làn điệu với bản truyền thống của các cụ để lại, thì tôi có thể chuyển soạn thơ của các tác giả Vũ Xuân Hồng, nhà thơ Hồng Thanh Quang… đó là những bài thơ về cha mẹ, làng quê, phố xá… tôi chuyển soạn để nó trở thành những bài Xẩm phù hợp với thời đại ngày nay. Đó là những cái được lớn nhất của tôi khi được học tập, tiếp cận với âm nhạc dân gian. 

Một lòng dành cho Xẩm và cho âm nhạc dân gian, phải chăng đó là nguyên nhân mà các câu lạc bộ của Thu Phương hoạt động khá sôi nổi và ổn định?

- Đúng vậy, tôi chưa bao giờ làm gì khác ngoài hát Xẩm, hiện tại sân khấu ở Ô Quan Chưởng của tôi hoạt động đều đặn vào các tối thứ 6, 7 và chủ nhật hàng tuần. Bên cạnh đó còn có các hoạt động tại không gian về văn hóa về Trà, hay không gian âm nhạc tại di sản bún ốc Bà ngoại ở Tô Ngọc Vân… với mong muốn mang âm nhạc dân gian đến gần hơn với mọi tầng lớp khán giả. 

Trong thời điểm 3 năm vừa rồi, khi cả nước bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, tôi đẩy mạnh dạy online, đã đưa hát xẩm, hát ru, hát trống quân, hát văn lên các nền tảng số với mong muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn. Bước đầu, việc tiếp cận chưa có nhiều, nhưng đánh dấu cho việc âm nhạc dân gian đã được chuyển đổi số. Với cách làm này, tôi mong muốn các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc, tham gia, nghe, học qua các lớp học online, offline mở thường xuyên và liên tục. Khi các bạn đã đến với lớp học của tôi thì hầu hết đều rất thích và trân trọng. Không có cách bảo tồn nào tốt hơn là bằng chính các bạn trẻ. Trong Liên hoan hát xẩm vừa rồi, theo tổng kết từ ban tổ chức họ đánh giá thì đến 80% là thanh niên, các nghệ nhân rất ít, điều đó chứng tỏ đã có thế hệ kế cận rất tốt. 

Ngoài ra, tôi cũng đang chạy dự án hát ru cho các mẹ bầu vì tôi thấy rằng mình cần phải làm việc đó. Trong dự án học hát ru đó, không chỉ riêng một làn điệu dân ca của Đồng bằng Bắc Bộ mà tôi đưa hết tất cả các làn điệu xẩm, hát văn và hát dân ca vào để có sự đa dạng, phong phú để người nghe, người học không cảm thấy nhàm chán. Tôi rất muốn đẩy mạnh khoa học hát ru cho các mẹ bầu, để thế hệ tiếp nối được tiếp cận. Nên tôi rất muốn đẩy mạnh khoa học hát ru này trên Edopit, Tiktok, Youtube… đó là những kênh mà tôi có thể đẩy mạnh để hướng tới cho các mẹ hiểu được những giá trị truyền thống, trong đó có những bài hát ru.

Sắp tới là thời gian đánh dấu 15 năm theo đuổi âm nhạc dân gian, vậy Thu Phương đã có dự định gì cho điều đó?

Tôi đã ấp ủ từ lâu về việc ra đĩa và viết sách về nghệ thuật hát Xẩm. Đó là tổng kết quá trình 15 năm tôi đã thực chiến với nghệ thuật hát Xẩm. Sách sẽ được viết theo hướng học thuật, đó là sự phân tích trong âm nhạc, so sánh âm nhạc giữa các vùng miền hay phong cách hát Xẩm ở Hà Nội khác với ở làng quê ra sao… Qua cuốn sách, tôi cũng muốn xóa bỏ định kiến mà nhiều người vẫn suy nghĩ đó là hát xẩm là ăn xin, là cái gì đó thấp kém. Tôi là một nghệ sĩ, đã và đang sống bằng nghề, tôi thấy tự hào khi hát xẩm, và được mọi người trân trọng. Khi đã nghiên cứu sâu, tôi thấy rằng, xẩm không như những gì người ta định kiến và chúng tôi sẽ làm sáng tỏ ra điều đó.

THÁI AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022

;