Lâm Thanh Mỹ- Vẻ đẹp trong trẻo

Đang được coi là một trong số những gương mặt diễn viên nhí triển vọng của điện ảnh Việt, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng Lâm Thanh Mỹ đã có trong tay hàng loạt vai diễn điện ảnh nổi bật. Trong đó phải kể đến các phim Đoạt hồn (đạo diễn Hàm Trần), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ), Scandal 2 - Hào quang trở lại, Siêu trộm, Để Hội tính... Cô bé vừa xuất hiện trong Bóng đè và Nghề siêu dễ - hai bộ phim “hâm nóng” màn ảnh Việt sau đại dịch.

Thanh Mỹ trong Scandal 2 - Hào quang trở lại

Nét đẹp trong trẻo như một nàng thơ cùng diễn xuất tự nhiên khiến Lâm Thanh Mỹ trở thành cái tên rất được các đạo diễn cũng như khán giả ưu ái. Không còn xa lạ với người yêu phim Việt Nam, tài năng của Lâm Thanh Mỹ dường như đã được bảo chứng với nhiều tác phẩm nổi tiếng.

Là con gái thứ hai trong một gia đình người Hoa, Lâm Thanh Mỹ bén duyên nghệ thuật từ khi mới năm tuổi. Gương mặt dễ thương và khả năng diễn xuất linh hoạt của Thanh Mỹ giúp cô bé trở thành ngôi sao nhí trong hàng chục TVC quảng cáo và từ đó “lấn sân” sang lĩnh vực phim ảnh khi mới sáu tuổi. Ngoài phim điện ảnh, cô bé còn đóng nhiều phim truyền hình như Quyến rũ, Ký ức tuổi thơ, Mỹ nhân Sài thành…. và tham gia lồng tiếng, làm MC các chương trình dành cho thiếu nhi. 

Sau hai vai diễn nhỏ trong Âm mưu giày gót nhọn Cô dâu đại chiến 2, Đoạt hồn là phim điện ảnh thứ ba Lâm Thanh Mỹ tham gia và cũng là vai diễn điện ảnh dài hơi đầu tiên của cô bé. Khi ấy mới 9 tuổi, Lâm Thanh Mỹ đã xuất sắc vào vai Ái - một cô bé bị “quỷ” đoạt hồn, lấy cắp thân xác trong bộ phim Đoạt hồn (2014). 

Vai diễn một cô bé bị ma nhập sau khi chết đuối hụt đã gây ấn tượng mạnh với khán giả khi bộ phim ra rạp. Khuôn mặt vô hồn, ánh mắt trống rỗng của nhân vật Ái gây ám ảnh cho nhiều người, đặc biệt là đoạn Ái bật dậy trong nhà xác, liếc cặp mắt nhìn về phía ống kính. Cái tên Thanh Mỹ bắt đầu được công chúng quan tâm từ đó. Ái là vai dài hơi đầu tiên trên màn bạc của Lâm Thanh Mỹ và cũng là một vai diễn cực khó, nhất là với những diễn viên lần đầu đóng phim điện ảnh. Nhân vật Ái đòi hỏi diễn viên phải thể hiện hai nhân vật trong cùng một thân xác với tâm lý hoàn toàn khác nhau. Lâm Thanh Mỹ đã nhập vai rất tốt, phân thân thành hai con người, trong đó có rất nhiều cảnh khó đòi hỏi kỹ năng diễn xuất. Khi chứng kiến cô bé diễn những trường đoạn tâm lý, mọi người trong đoàn phim không khỏi thán phục, gọi cô bé là “Dakota Fanning của Việt Nam”. Bản năng trời phú đã giúp Thanh Mỹ có được diễn xuất tự nhiên, bên cạnh đó là nỗ lực hết mình xả thân cho vai diễn của cô bé, cộng thêm hiệu ứng hóa trang, âm thanh, kỹ xảo khiến Ái trở thành một nhân vật gây ấn tượng mạnh trong Đoạt hồn. Mỗi lần Ái xuất hiện là người xem lại thót tim, sởn gai ốc, đặc biệt trong những trường đoạn Ái vật vã la hét khi bị bà thầy làm phép đuổi tà hay cảnh Ái run rẩy, co giật trong bồn tắm. 

Sau Đoạt hồn, Lâm Thanh Mỹ tiếp tục tham gia nhiều bộ phim đình đám khác. Năm 10 tuổi, cô bé tiếp tục “gây bão” với hình ảnh trong trẻo thơ ngây của bé Mận trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - đạo diễn Victor Vũ (2015). Sau đó là những vai diễn nhỏ trong Để Hội tínhScandal 2 - Hào quang trở lại. 14 tuổi, Lâm Thanh Mỹ bắt đầu “thoát” khỏi những vài diễn trẻ con khi cô bé nhận được vai diễn phù hợp trong phim Tình đầu thơ ngây. Vai diễn trong phim Truyện ngắn sau đó đã cho thấy sự thay đổi của cô trong những vai diễn trưởng thành hơn.

Là một trong những phim kinh dị được trông đợi nhất nửa đầu năm nay, Bóng đè gây ấn tượng với khán giả nhờ vào bầu không khí tâm linh, u ám cùng những màn hù dọa sáng tạo. Phim xoay quanh câu chuyện gia đình của ba cha con Thành (Quang Tuấn), Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi). Về lại căn nhà cổ của ông bà để sinh sống sau khi người mẹ qua đời, người cha hy vọng ở nơi đây cuộc sẽ sẽ trở lại yên bình. Thế nhưng, đây mới chỉ là điểm bắt đầu cho cơn ác mộng kinh hoàng dày vò họ sau đó. Mỗi nhân vật trong Bóng đè đều mang nỗi đau của riêng mình. Trở lại với vai Linh trong Bóng đè, Lâm Thanh Mỹ sẽ mang đến một hình tượng vô cùng khác biệt so với những vai diễn trước đây. Trong gia đình mà ông bố “gà trống nuôi con”, nhân vật Linh không chỉ là một người chị mà còn như người mẹ luôn chăm sóc, che chở cho cô em gái bé nhỏ của mình. Cũng phải chịu nỗi ám ảnh từ quá khứ, nhưng Linh tỏ rõ sự trưởng thành với vẻ bề ngoài cứng rắn để che giấu vết thương cũng như sự giằng xé trong tâm hồn. Đây là vai diễn đòi hỏi khả năng thể hiện cảm xúc phức tạp cũng như sự tập trung và thấu hiểu nhân vật sâu sắc. 

Sau biến cố của gia đình, dù bên ngoài vẫn tỏ vẻ lí lắc, hồn nhiên nhưng cô bé Yến lại là người gánh chịu nổi đau tinh thần sâu sắc và bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Yêu vợ hết mực nhưng phải chứng kiến sự ra đi của vợ một cách bất lực, người cha đã mang nỗi ám ảnh đó suốt một thời gian dài. Khi cả cha và em gái đều trở nên yếu lòng, Linh phải gồng mình lên để chăm sóc cả hai, giúp những người mình yêu thương vượt qua nỗi đau mà chính bản thân em cũng phải chịu đựng. Cả ba thành viên đều có những tổn thương tâm lí của riêng mình, nhưng thứ gắn kết họ lại với nhau chính là hai chữ “gia đình”. 

Dàn diễn viên phim Bóng đè: Quang Tuấn, Diệu Nhi, Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi

Là người chị sẵn sàng bảo vệ, hy sinh cho em, “có gì thì em cứ chạy trước, mọi thứ để chị lo”, Linh luôn nhường nhịn những gì tốt đẹp nhất cho em. Cô bé luôn lo lắng, che chở cho Yến khi người em gái nhỏ bị mắc chứng mộng du. Và lúc bí mật được hé lộ, Linh cũng không nề hà khó khăn đi tìm kiếm và “giải cứu” em gái mình. Có thể nói, những phân đoạn vui vẻ, đối đáp qua lại giữa hai chị em Linh - Yến đã được hai diễn viên nhí Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi thể hiện cực kì xuất sắc. Tương tác giống như những cặp chị em gái ngoài đời thật giữa hai cô bé cũng là một điểm sáng của phim. Điều thú vị là cả hai từng đóng chung với nhau trong phim điện ảnh Vợ ba và đây là lần thứ hai cùng cộng tác. 

 Tuy nhỏ tuổi nhất, cả hai lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong Bóng đè, gần như là người dẫn dắt khán giả khám phá từng bước ngoặt trong toàn bộ câu chuyện phim. Hai cô bé thể hiện hình tượng đối lập nhau, một u ám trầm buồn, một lí lắc nhí nhảnh, nhưng đều sở hữu thế giới nội tâm phức tạp, dễ tổn thương nhưng nỗ lực học cách trở nên mạnh mẽ trước tai họa ập xuống gia đình mình. 

Thanh Mỹ tâm sự cô bé không gặp quá nhiều khó khăn khi vào vai Linh, quan trọng nhất là thể hiện tâm lý nhân vật, bởi Linh là nhân vật có biểu cảm và trạng thái tâm lý thay đổi liên tục. Cái khó nhất vẫn là thể hiện tâm lý nhân vật một cách dữ dội nhưng không được làm quá. Cảnh nằm võng bị bóng đè vốn không phải cảnh của Thanh Mỹ mà của Mai Cát Vi. Nhưng về sau, đạo diễn Lê Văn Kiệt quyết định chuyển sang nhân vật Linh cho thêm phần kịch tính. Thanh Mỹ phải mất cả một buổi chỉ để hoàn thành cảnh đó. Quay nhiều góc máy trong một thời gian dài, phải nằm úp và ngửa trên võng liên tục, da cô bé bị phần dây thừng của võng đè lên rất đau, chưa nói đến việc thể hiện tâm lý nhân vật. Cho nên đến cảnh sau, Thanh Mỹ đã khóc thật vì quá mệt và đau đớn.

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022

;