Khiêu vũ thể thao (hay còn gọi là Dancesport) là loại hình khiêu vũ thi đấu, đồng thời cũng là một môn thể thao. Đối với những vận động viên chuyên nghiệp thì đây là bộ môn thể thao thành tích cao, có giải thi đấu theo thể thức luật lệ thống nhất ở quy mô thế giới. Chính vì vậy, để tập luyện bộ môn này đòi hỏi thể lực, năng khiếu và sự khổ luyện rất lớn. Trò chuyện với Thu Hương - người lập cú hat-trick giành 3 huy chương Vàng tại SEA Games 31 vừa qua mới mới thấy hết được những vất vả, nỗ lực, sự kiên gan, bền chí mà không phải ai cũng có thể vượt qua được khi theo đuổi bộ môn này.
Thu Hương vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba do đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 31
Khuôn mặt xinh xắn, rắn rỏi, ánh mắt sáng và nụ cười thân thiện, Hương ít khi nào nói về những mệt nhọc mình đã từng trải qua. Chỉ tới khi tôi đưa ra lời đề nghị chia sẻ để các bạn trẻ đang theo đuổi bộ môn này hiểu được mà phấn đấu thì Hương mới kể cho tôi nghe về chặng đường đầy chông gai, thử thách mà em từng đi qua.
Tôi biết Hương từ năm 2003 khi cô bé còn là sinh viên Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Khi ấy Hương tốt nghiệp loại xuất sắc cả 2 chuyên ngành: Diễn viên múa hệ 7 năm và Huấn luyện múa hệ 3 năm. Hương chia sẻ: “Tôi học múa vì đam mê. Sau khi học múa xong, tôi nhận ra phải học thêm nhảy mới dễ kiếm sống. Vậy là tôi đi học nhảy và tham gia một số cuộc thi trên truyền hình như So you think you can dance,… nhưng không đạt kết quả như mong đợi. Cũng từ đó, tôi bắt đầu hành trình vất vả theo đuổi đam mê Dancesport”.
Gia đình Hương không có ai theo nghệ thuật, ban đầu bố mẹ cũng lo lắng con gái học nghề này quá vất vả nên không ai đồng ý. Nhà nghèo, không có tiền theo học huấn luyện viên nên Hương phải tự mình mày mò học hỏi. Dancesport luôn được mệnh danh là bộ môn của con nhà giàu, bởi chi phí thuê thày dạy rất tốn kém. Mỗi buổi học Dancesport kéo dài 45 phút có giá học phí dao động từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Với những thày dạy quốc tế, giá học phí còn cao hơn. Chưa kể tiền đầu tư cho trang phục, tiền thuê sàn tập, mà quỹ thời gian học Dancesport luôn kéo dài. Chính vì chi phí đầu tư học Dancesport rất tốn kém nên Hương đã phải cùng lúc làm nhiều việc để kiếm tiền trang trải học hành. Vừa làm, vừa học, những buổi tập luyện như vắt kiệt sức lực của cô gái bé nhỏ. Những chấn thương, đau đớn phải kìm nén bên trong bởi Hương biết theo nghề này là khó tránh khỏi những điều đó. Dancesport đòi hỏi tính kỷ luật, sự kiên nhẫn rất lớn. Kỹ thuật trong từng bước nhảy cũng rất nghiêm ngặt, từ gót chân, bàn chân cho đến đầu gối, hông, bụng, vai… bắt buộc người tập phải tuân theo. Tôi hỏi Hương, có khi nào vì quá vất vả mà Hương muốn từ bỏ không. Hương thành thật nói “Có”. Hương từng muốn từ bỏ khi dành rất nhiều thời gian, công sức cho bộ môn này nhưng may mắn chưa mỉm cười. Đặc biệt lúc sinh em bé cơ thể mất sức và cảm thấy rệu rã, mệt mỏi hơn rất nhiều. Nhưng rồi tình yêu Dancesport đã níu chân Hương lại bằng những băn khoăn, trăn trở: “Nếu dừng lại, mình có tiếc nuối không?”
Những thăng trầm ấy khiến cho chiến thắng của Hương tại SEA Games 31 được nhân lên gấp bội và vỡ òa trong hạnh phúc. Tại SEA Games 31, môn khiêu vũ thể thao của Việt Nam giành 5 huy chương Vàng thì cặp đôi Thu Hương - Phan Hiển đã thể hiện sự áp đảo với các đối thủ còn lại và đạt 3 huy chương Vàng ở cả 3 nội dung thi đấu: Vô địch điệu đơn Paso, vô địch điệu đơn Jive và 5 điệu Latin. 18 năm theo đuổi bộ môn Dance sport, lần đầu tiên tham dự SEA Games, Thu Hương đã để lại dấu ấn tuyệt vời bằng 3 huy chương Vàng. Thế nhưng để có được thành công đó Hương đã phải bỏ bao công sức tập luyện, chịu nhiều đau đớn và đánh đổi cả hạnh phúc hôn nhân nữa bởi khi Khánh Thi đề nghị Thu Hương nhảy cặp cùng Phan Hiển để chuẩn bị cho SEA Games 31, Thu Hương đã không nhận được sự chấp thuận từ gia đình chồng. Có lẽ vì thế mà dù chiến thắng thuyết phục nhưng ở đâu đó trong lòng, Hương vẫn cảm thấy buồn và thương con vô cùng.
Thu Hương nhớ lại: “Càng sát SEA Games 31, chúng tôi càng luyện tập với cường độ căng thẳng. Tập 8 tiếng/ngày, lên sàn đấu với đôi chân chằng chịt vết thương. Trong quá trình tập, cả Hiển và Hương đều bị chấn thương ở cổ chân và đầu gối, bác sĩ nói để giảm đau thì có thể tiêm thuốc nhưng cả hai đều thống nhất chịu đựng để không phải phụ thuộc vào thuốc. Tôi bị chấn thương dây chằng ở đầu gối và bị tái đi tái lại khi tập luyện. Mới sinh con nên thể lực cũng giảm sút khá nhiều. Ngày nào bước lên sàn tập cũng là một ngày chịu nhiều đau đớn, nhưng vì đam mê, tôi chấp nhận sống chung và học cách để vượt qua những nỗi đau đó”.
Thời gian đầu Thu Hương và Phan Hiển đều tập online với huấn luyện viên. Người trong Nam, người ngoài Bắc thỉnh thoảng phải bay ra, bay vào nên hiệu quả tập luyện rất thấp. Vì thế, khi dịch COVID-19 được khống chế, Việt Nam mở cửa, cả 2 quyết định bay sang Italia tập huấn để được đào tạo và huấn luyện ở những môi trường khắc nghiệt nhất, cũng như có huấn luyện viên tốt nhất hỗ trợ tập luyện. Gạt đi sự đau đớn và nỗi nhớ con quay quắt nơi xứ người, Thu Hương tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng vô cùng quý giá này để trau dồi kinh nghiệm. Hương thấy tự hào khi mình đã vượt qua được giới hạn của bản thân, chiến đấu vì màu cờ sắc áo và giành chiến thắng trên sân nhà. Hương hạnh phúc khi có hậu phương vững chắc là bố mẹ, em gái và con trai luôn dõi theo suốt chặng đường luyện tập và thi đấu. Họ là những người không hiểu gì về Dancesport nhưng luôn ủng hộ Hương vô điều kiện và giúp đỡ Hương theo đuổi đam mê đến cùng. Hương cũng biết ơn chị Khánh Thi đã gửi lời mời cho Hương, trở thành huấn luyện viên của Hương - Hiển và xây dựng chiến lược tập luyện, thi đấu bài bản, khoa học để mang lại thành quả tuyệt vời như ngày hôm nay.
Khiêu vũ thể thao là bộ môn xã hội hóa nên hiện Nhà nước ít có sự đầu tư, chỉ sát những kỳ cuộc lớn như SEA Games 31 mới được quan tâm nên tính hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, cũng chưa có chính sách cụ thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ kế cận cho bộ môn này nên đó cũng là sự băn khoăn trăn trở khiến Thu Hương thành lập Trung tâm “Smart Dance Center” nhằm truyền lại kinh nghiệm và nhiệt huyết cho các bạn trẻ yêu thích Dancesport.
Khi được hỏi về lời khuyên nào Hương dành cho các bạn trẻ đang theo đuổi bộ môn Dancesport, Hương thẳng thắn chia sẻ: “Tôi nhận thấy có một thực trạng là nhiều bạn trẻ ở Việt Nam theo đuổi bộ môn này khá hời hợt nhưng lại muốn thành công. Điều đó thực sự rất khó. Nếu các bạn muốn thành công phải thực sự quyết liệt bởi đây là bộ môn thi đấu đỉnh cao. Tôi có một lời khuyên, nếu xác định Dancesport là tình yêu cháy bỏng, là cuộc sống của mình thì các bạn đừng bao giờ bỏ cuộc, cơ hội sẽ đến với mình bất cứ lúc nào. Chỉ cần các bạn đủ tỉnh táo để chớp lấy cơ hội và tin mình làm được thì sẽ thành công”
Càng trò chuyện với Thu Hương, tôi càng cảm mến em ở sự kiên trì, nỗ lực và sự lao động nghệ thuật nghiêm túc bất chấp hoàn cảnh có khó khăn thế nào. Tấm Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng sau những nỗ lực và thành tích đạt được trong SEA Game 31 là sự ghi nhận cho những cống hiến không biết mệt mỏi của Thu Hương nói riêng và các vận động viên nước nhà nói chung. Chặng đường phía trước là Giải vô địch châu Á đang đón chờ những ai có đủ tâm huyết và nghị lực để vươn tới tầm cao mới. Mong rằng lá cờ đỏ sao vàng lại được tung bay và lời bài hát Quốc ca sẽ vang lên để chúng ta được cùng hòa nhịp chiến thắng.
PHƯƠNG LAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022