Nghề đan lát truyền thống - niềm tự hào của người Cơ Tu

Người Cơ Tu tự hào với nghề đan lát truyền thống - Ảnh: Tuấn Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bác từng nói: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa” (1). 54 dân tộc sống trên đất nước ta cùng sinh sống, xây dựng đất nước, hình thành nên khối đại đoàn kết dân tộc. Hiện nay, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt đến các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của mỗi dân tộc đã làm đầy thêm kho tàng “tài nguyên văn hóa”, tạo sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

Cơ Tu là một tộc người thiểu số ở nước ta, ngôn ngữ thuộc nhóm Môn - Khmer (ngữ hệ Nam Á), cư trú ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên (chủ yếu là hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam). Theo cách giải thích của đồng bào, “Tu” có nghĩa là “ngọn”, Cơ Tu có nghĩa là người sống ở đầu ngọn nước, người sống ở trên vùng rẻo cao (2). Đời sống văn hóa phong phú Cơ Tu được thể hiện qua: tiếng nói, phong tục tập quán, lễ hội, trang phục, thiết chế xã hội, nhà ở, ẩm thực, nhạc cụ, nghề thủ công truyền thống… Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Cơ Tu có tính cố kết cộng đồng cao, cuộc sống gắn với cánh rừng, con suối, ngọn núi… Thiên nhiên đã chở che cho họ suốt quá trình lịch sử, từ thuở khai hoang lập làng, đến giai đoạn đất nước thống nhất, phát triển như hiện nay. Nó trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu chính trong các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là nghề thủ công truyền thống. Người Cơ Tu được biết đến với nhiều nghề thủ công như: nghề điêu khắc gỗ, đan lát, dệt thổ cẩm…

Nghề đan lát của người Cơ Tu đã có lâu đời, gắn với sự cần mẫn, khéo léo và sáng tạo của người đàn ông. Trong 54 dân tộc ở nước ta, rất nhiều dân tộc có nghề đan lát truyền thống, nhưng sản phẩm của người Cơ Tu có độ tinh xảo cao, mẫu mã đặc trưng, dễ nhận biết giữa rất nhiều sản phẩm của tộc người khác.

Trong đời sống thường nhật, người Cơ Tu sử dụng nhiều vật dụng từ nghề đan lát truyền thống, như: nong, nia, thúng, rổ, rá… đựng lúa, gạo và các loại nông sản khác, mâm cơm hay đựng đồ cúng; giỏ để đựng cá, nhốt gà; vợt để xúc cá; chiếu, gối để nằm; các loại gùi với nhiều mẫu mã phong phú và công năng khác nhau. Có thể nói, các sản phẩm của nghề đan lát, trước tiên, phục vụ nhu cầu trong sản xuất, sinh hoạt của đồng bào. Sự đa dạng về mẫu mã, tính ứng dụng, thẩm mỹ cao đã tạo điều kiện để các sản phẩm của người Cơ Tu được trao đổi, mua bán với các tộc người khác trong vùng.

Gùi được xem là một nét văn hóa đặc trưng của người Cơ Tu. Họ có tới trên 10 loại gùi khác nhau: có chiếc gùi được dùng để lên nương, rẫy; có loại để các cô gái mang quà đi biếu cha mẹ, họ hàng…; loại dành riêng cho trẻ em hay các cô gái trong lễ hội truyền thống của dân tộc; đặc biệt là chiếc gùi 3 ngăn của nam giới, được xem là sản phẩm đỉnh cao của nghề đan lát, mang đậm dấu ấn của nghệ nhân người Cơ Tu. Nghề thủ công truyền thống coi trọng yếu tố kinh nghiệm, những sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị cao, hầu như đều do những người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm làm ra.

Nguyên liệu chủ yếu của nghề đan lát là mây, tre, lồ ô, dứa… là những nguyên liệu dễ kiếm trong rừng, sau đó trải qua giai đoạn sơ chế tỉ mỉ. Phần lớn các loại gùi được đan lát từ mây, tre, thường có hình chữ V, đế nhỏ, miệng to, được gia cố bằng 4 thanh tre từ đáy lên miệng, vừa để chiếc gùi cứng cáp hơn, vừa mang tính thẩm mỹ. Dây đeo gùi chủ yếu được đan từ mây, tuy nhỏ nhưng có độ chắc, bền. Sau khi sử dụng, người Cơ Tu gác những chiếc gùi lên giàn bếp để bảo quản khỏi ẩm mốc, mối mọt, một thời gian, gùi sẽ có màu nâu bóng (màu cánh gián), bền đẹp hơn.

Nói thêm về chiếc gùi 3 ngăn của nam giới, người Cơ Tu gọi là chiếc tà lét/ tà lắt, chính là niềm tự hào của đồng bào, chỉ những người có kinh nghiệm, sự khéo léo, óc thẩm mỹ cao mới có thể tạo nên sản phẩm đẹp. Người Cơ Tu dùng chiếc gùi 3 ngăn (1 ngăn lớn ở giữa, 2 ngăn nhỏ hơn ở 2 bên) để đựng thức ăn, đồ dùng, những con vật bẫy/ bắt được trong rừng… khi đi nương rẫy. Theo ông Hồ Xuân Lìm (74 tuổi, tỉnh Thừa Thiên Huế), để làm ra một chiếc gùi 3 ngăn rất mất thời gian (có khi kéo dài đến 3 tháng), kết hợp nhiều kỹ thuật đan khác nhau, nghệ nhân phải có sự kiên trì và tỉ mỉ. Hiện nay, số người chế tác được chiếc gùi độc đáo này không còn nhiều (3).

Bàn tay khéo léo của nghệ nhân tạo nên những sản phẩm bền, đẹp - Ảnh: Tuấn Minh

Tùy vào mục đích sử dụng mà đồng bào có những loại gùi với kích thước và kỹ thuật đan khác nhau. Gùi dùng đựng củi, khoai, sắn… sẽ có kích thước lớn, đan thưa hơn; gùi đựng lúa, gạo… được đan khít hơn; gùi thường phụ nữ sử dụng đựng đồ biếu, nan đan vừa phải, kỹ thuật công phu, có hoa văn, còn được các cô gái trẻ sử dụng trong những lễ hội truyền thống; gùi cho trẻ em, có kích thước nhỏ, đan tỉ mỉ, dùng đi học, theo mẹ lên nương hoặc tới lễ hội.

Ngoài thời gian lên rừng, làm nương rẫy, phụ nữ Cơ Tu còn giỏi đan vớt/ vợt (dụng cụ bắt cá). Theo bà Trần Thị Ràm (63 tuổi, Thừa Thiên Huế), nếu như nghề đan lát mây tre gắn với người đàn ông, thì người phụ nữ khéo léo, cần mẫn đan những chiếc vớt bắt cá; không biết từ khi nào, cách thức đan vớt đã gắn với đời sống của con người nơi đây, họ duy trì, tiếp nối nghề trước hết từ gia đình, họ tộc, người già truyền cho người trẻ, người lớn truyền cho trẻ nhỏ. Sinh sống lâu đời ở khu vực rừng núi, người Cơ Tu sử dụng những nguyên liệu sẵn có như vỏ cây, lá dứa qua xử lý, xe thành sợi. Ngày nay, người ta còn tận dụng dây nilon từ các bao bỏ đi để đan, tuy nhiên chất liệu này không bền. Đan 1 chiếc vớt không quá khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn và mất thời gian, có khi 1 tháng mới xong (chi phí bán ra 100 đến 150 nghìn đồng), năng suất không cao, nhưng trong thời gian rỗi, đây cũng là một nghề tăng thêm thu nhập cho dân làng (4).

Hiện nay, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn, làng bản khang trang, con người được tiếp cận với nhiều kiến thức mới, mở ra những cơ hội về học tập, việc làm, từ đó đời sống đồng bào được cải thiện hơn. Tuy nhiên, quá trình phát triển, hội nhập ngày càng nhanh, thì nguy cơ mai một bản sắc dân tộc cũng ngày càng rõ ràng. Ở địa phương, vẫn có những bạn trẻ học và biết đan lát, tiếp nối truyền thống của gia đình, làng bản, nhưng số lượng rất ít. Tuy nhu cầu sử dụng sản phẩm không còn như trước, nhưng không thể phủ nhận rằng, nghề thủ công có vai trò quan trọng trong đời sống sinh kế của nhiều tộc người. Việc bảo tồn nghề trước tiên phải từ cộng đồng, thế hệ sau phải tiếp nối được tinh hoa của thế hệ trước, từ đó áp dụng những kiến thức mới để khắc phục những khó khăn mà trong phát triển nghề như nguồn nhân lực, nguyên liệu, mẫu mã, thị trường...; góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa tiêu biểu của tộc người mình. Cần nhận thức được vị trí của nghề trong đời sống đồng bào, không chỉ là sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm thương mại đơn thuần, mà các sản phẩm thủ công chính là sản phẩm mang giá trị lớn về văn hóa, lịch sử của tộc người.

Khi nói chuyện với các nghệ nhân, đều thấy chất chứa trong họ những khát khao về bảo tồn văn hóa của tổ tiên. Nghề đan lát truyền thống của người Cơ Tu nói chung không chỉ tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu trong sinh hoạt hằng ngày, tạo thu nhập cho đồng bào, mà nó đã trở thành một biểu tượng, nét văn hóa độc đáo của dân tộc Cơ Tu, góp phần làm đa dạng kho tàng di sản văn hóa của đất nước. Qua các phương tiện truyền thông, những triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, nhà trưng bày truyền thống của địa phương, sản phẩm đan lát của người Cơ Tu đã được biết tới nhiều hơn, được du khách trong và ngoài nước dành sự yêu mến đặc biệt.

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang là xu hướng phát triển du lịch bền vững, vừa mang lại nguồn thu đáng kể, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Để làm được điều đó, mỗi địa phương phải xây dựng những sản phẩm du lịch riêng biệt, đặc biệt, người dân tộc thiểu số có kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú, tận dụng được nguồn tài nguyên này sẽ mang lại hiệu quả rất cao trong phát triển văn hóa, kinh tế của đồng bào. Các sản phẩm thủ công có vị trí nhất định trong phát triển du lịch địa phương, bởi nó mang lại những trải nghiệm thú vị, tạo được sức hấp dẫn đối với du khách. Các sản phẩm của đồng bào có thể tạo ra chuỗi tương tác tích cực giữa du khách, cộng đồng và môi trường, mang lại nguồn thu đáng kể cho cộng đồng. Đồ vật lưu niệm được tạo ra từ nghề đan lát truyền thống có thể được mua về làm quà tặng, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào, đồng thời quảng bá rộng hơn nữa một nét đẹp trong văn hóa của người Cơ Tu.

______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.217-218.

2. Nguyễn Xuân Hồng, Hôn nhân - gia đình - ma chay của người Tà Ôi,Cơ Tu,Bru -Vân Kiều ở Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Trị, 1998, tr.12.

3. Phỏng vấn ông Hồ Xuân Lìm (74 tuổi, dân tộc Cơ Tu, tỉnh Thừa Thiên Huế), tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, 5-8-2023.

4. Phỏng vấn bà Trần Thị Ràm (63 tuổi, dân tộc Cơ Tu, tỉnh Thừa Thiên Huế), tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, 5-8-2023.

Ths NGUYỄN THỊ VÂN ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;