Biến đổi văn hóa trong lễ hội mừng thọ của người Việt (Trường hợp làng Đại Tự - Hà Nội)

Lễ mừng thọ đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt trong mỗi dịp đầu xuân hoặc vào ngày sinh. Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta, bởi nó thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên… Chưa có tài liệu nào chứng minh phong tục mừng thọ có từ bao giờ, nhưng nó đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác và cho đến ngày nay. Thông thường, 70 tuổi gọi là thượng thọ, 80 tuổi là đại thọ, 90 tuổi là thượng thượng thọ và tròn 100 tuổi là bách tuế hay bách niên chi lão.

Đại Tự là một làng cổ, cách trung tâm Thủ đô khoảng 13km về phía Tây. Từ một làng nông nghiệp, cho đến nay, Đại Tự đã du nhập thành làng nghề cơ khí và mộc dân dụng. Đây là mấu chốt của những thay đổi về văn hóa. Từ cuộc sống dựa vào nông nghiệp là chính, chuyển sang cuộc sống công nghiệp đã tạo ra những thay đổi về nhịp sống, lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng và ảnh hưởng đến thái độ của cư dân đối với di sản văn hóa truyền thống. Bài viết đề cập đến những biến đổi trong lễ mừng thọ của làng Đại Tự (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội).

Biến đổi văn hóa trong lễ mừng thọ

Giá trị và ý nghĩa trong lễ mừng thọ tại làng Đại Tự

Ở làng Đại Tự, lễ mừng thọ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho người già và toàn thể cộng đồng. Đối với người dân, mừng thọ chính là dịp để tri ân ông bà, cha mẹ, thể hiện tình thương yêu, trân trọng tuổi già, hơn nữa mừng thọ là một trong những nét truyền thống về “trọng xỉ” của làng. Người dân quan niệm: Ai rồi cũng trải qua tuổi già, ai cũng làm ông làm bà, vì vậy tổ chức lễ mừng thọ chính là việc làm để thế hệ sau noi theo, làm theo. Sở dĩ lễ mừng thọ của làng Đại Tự vẫn duy trì và phát triển đến ngày nay, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường, bởi nó mang những đặc điểm cơ bản của một nghi lễ dân gian truyền thống, phù hợp với phong tục tập quán và tâm thức của người dân, mang lại cho họ động lực, sức mạnh, niềm tin trong cuộc sống.

Ngày nay dù sản xuất nông nghiệp đã có nhiều đóng góp của khoa học kỹ thuật, nhưng những kinh nghiệm mà ông cha để lại vẫn luôn là kho tàng kinh nghiệm quý báu cho người dân Đại Tự. Vai trò của người cao tuổi trong việc truyền dạy kinh nghiệm sản xuất, trong chuẩn mực đạo đức, ứng xử cho người dân vẫn không hề thay đổi, vẫn là tấm gương cho con cháu noi theo. Là người sống lâu, người cao tuổi làng Đại Tự còn có vai trò hướng dẫn và truyền thụ những tinh hoa, giá trị văn hóa của làng cho con cháu và cộng đồng. Người cao tuổi có vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội, vì vậy tổ chức lễ mừng thọ có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống mỗi người dân Đại Tự.

Ở làng Đại Tự, việc tổ chức lễ mừng thọ có vai trò quan trọng đối với người cao tuổi, đó là món ăn tinh thần, là động lực giúp các cụ sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Đối với người cao tuổi, được lên lão, được ngồi trong hội trường dự lễ mừng thọ là một niềm hạnh phúc lớn lao, hết sức hãnh diện, tự hào, coi đó là phúc thọ trời ban. Lễ mừng thọ còn là dịp để các cụ thể hiện những tài năng của mình thông qua các sáng tác và biểu diễn trong buổi giao lưu văn nghệ.

Tổ chức lễ mừng thọ chính là để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, một trong những đạo lý truyền thống ở mọi thời đại, hướng thế hệ sau không quên công ơn thế hệ đi trước, sinh thành dưỡng dục, xây dựng và bảo vệ quê hương. Qua lễ mừng thọ, giáo dục thế hệ trẻ làng Đại Tự cần phải coi gia đình là nền tảng, động lực cho sự phát triển của mỗi cá nhân, nhắc nhở người dân biết đến công lao khổ cực của mẹ cha, ông bà, biết cội nguồn, không được coi người già là gánh nặng. Nhất là trong xã hội hiện nay, có những con cháu đã cư xử ngược lại với đạo đức truyền thống Việt Nam, đó là bạo hành cha mẹ, đẩy cha mẹ đến cảnh không nơi nương tựa, sống những ngày cuối đời trong đau khổ, thì giá trị của lễ mừng thọ càng sâu sắc, càng có tính giáo dục cao, đánh thức lương tri con người, hướng con người đến những suy nghĩ và hành động tốt, sống nhân văn hơn trong xã hội.

Hiện nay, việc tổ chức lễ mừng thọ ở làng Đại Tự mặc dù có nhiều thay đổi nhưng ý nghĩa của nó là không hề thay đổi. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “kính lão đắc thọ” vẫn luôn là đạo đức tốt đẹp của làng và chính trong mỗi gia đình. Cội nguồn, gốc rễ luôn luôn được mọi người hướng tới bằng tấm lòng chân thành, niềm thương yêu vô tận, thế hệ cháu con đã thể hiện tình cảm qua việc tổ chức lễ mừng thọ theo quy mô làng với mong muốn ông bà, cha mẹ sống lâu, vui, khỏe, có ích cho gia đình và xã hội, để con cháu được hưởng những phúc, lộc từ ông bà như một quy luật bất biến từ ngàn đời nay.

Biến đổi văn hóa trong tổ chức mừng thọ tại làng Đại Tự

Trong tâm thức dân gian của người Việt, những người có phúc lớn nên mới được “trời ban” cho sống lâu, sống khỏe. Bởi vậy, theo tục lệ, vào những năm chẵn tuổi của ông bà, con cháu sẽ tổ chức lễ “mừng thọ” cho ông bà.

Trước đây, người dân làng Đại Tự đến tuổi 50 (tuổi lão nhiêu) được coi là đến tuổi lên lão, được miễn lao dịch. Ngày nay do đời sống tốt hơn, tuổi thọ ngày càng cao, tuổi lên lão phải là 70 trở lên. Tuy không phải là một tục lệ bắt buộc, nhưng thường là khi cha mẹ già đến tuổi 70, 80… con cái làm lễ mừng thọ cho bố mẹ.

Lễ “mừng thọ” thường được diễn ra vào dịp đầu xuân hoặc vào đúng ngày sinh. Mừng thọ thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên và là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt nói chung và người dân làng Đại Tự nói riêng.

Sự biến đổi trong lễ mừng thọ tại làng Đại Tự mà chúng ta thấy rõ nhất đó là trước đây, lễ mừng thọ do làng tổ chức, nhưng không có tặng quà, giấy chúc thọ của Hội người cao tuổi Việt Nam kèm chế độ theo quy định của Nhà nước ở các độ tuổi tròn từ 70 trở lên, mà làng chỉ đọc tên cụ nào cao tuổi nhất, vật tặng là những gói bánh kẹo mà làng tự làm hay tấm vải lụa.

Sự thay đổi trong lễ mừng thọ ở làng Đại Tự còn được thể hiện trong trang phục. Ngày xưa, các cụ ông, cụ bà đều mặc áo the, khăn đóng, nhưng ngày nay đã có nhiều thay đổi. Trang phục của các cụ ông có cả comlê, đi giày đen, một số cụ thì vẫn giữ được nét truyền thống là khăn đống, áo the, các cụ bà thì mặc áo dài nhung mới. Sự biến đổi này do người dân thấy tiện hơn và mang tính thẩm mỹ hơn thì họ tiếp thu và thay đổi.

Việc tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ ở làng Đại Tự hiện nay cũng có nhiều biến đổi. Những người tuổi từ 70, 80 trở lên được con cháu tổ chức khao thọ. Việc tổ chức mời khách rộng hay hẹp do quan hệ của từng gia đình hay dòng họ (họ to mời nhiều, họ nhỏ mời ít). Trước đây, khách mời chỉ là người trong họ hàng, làng, xóm nhưng hiện nay, khách mời không chỉ là họ hàng, bạn bè thân thiết của các cụ mà còn là bạn bè đối tác làm ăn với các con, các cháu. Trước đây, chủ lễ mừng thọ thường phải đến nhà mời khách tới tham dự. Ngày nay, nhiều gia đình đã in thiệp mời mừng thọ để gửi đến khách mời, kèm theo đó có cả thực đơn mừng thọ.

Về số lượng mâm cỗ trong tổ chức mừng thọ cũng ngày càng thu hẹp theo đối tượng khách mời, thông thường chỉ làm từ 20-30 mâm, cá biệt cũng có những gia đình họ lớn, dâu rể “phi nội tắc ngoại”, đối tác làm ăn, công nhân của con cháu đông nên tổ chức ăn mừng với quy mô lớn tới gần trăm mâm. Ông Cấn Nhật Tân (Nguyên Trưởng thôn) chia sẻ: “Năm vừa rồi tôi lên lão 70 tuổi, nhà tôi không làm to vì tôi là đảng viên nên phải gương mẫu, hơn nữa nhà ít người, họ nhỏ nên không mời nhiều. Nhà tôi chỉ làm hơn 30 mâm, trong đó mời 20-30 người bạn bè, thông gia của tôi, còn lại bạn bè của vợ, các con, cháu”.

Sự thay đổi thể hiện trong các món ăn, đó là trong mâm cỗ vẫn có những món ăn truyền thống nhưng giờ đã thêm một số món ăn hiện đại, cách chế biến cũng hiện đại. Việc tổ chức làm cỗ cũng có khác trước, trước đây có công việc không thuê người làm cỗ, rửa bát… mà con cháu tự tổ chức và làm cỗ. Hiện nay, một số gia đình phải đặt cỗ, nhà hàng mang đến con cháu chỉ bày biện, hoặc đun nấu một số món nhỏ còn các món chính do điều kiện thời gian eo hẹp, con cháu đi làm xa hoặc gia đình neo người nên một số gia đình chỉ cắt cử người đòn tiếp, chào hỏi khách mời. Một số đám mừng thọ đã đặt sẵn các món ăn trong mâm cỗ. Một phần cũng có tâm lý e ngại nếu tổ chức đón tiếp không tốt sẽ bị người làng gièm pha, chê trách. Một số gia đình đông anh em con cháu khi tổ chức khao thọ cho ông bà, bố mẹ vẫn tự làm cỗ và đón tiếp khách mời. Các món ăn trong mâm cỗ mừng thọ cũng vẫn phải có các món chính như thịt gà, thịt lợn, giò, xôi… Ngoài ra, còn có các món khác như tôm chiên hạnh nhân, nộm cung đình, canh bóng (canh măng), ngọn su su xào tỏi, cháo se, hoa quả tráng miệng… Tuy nhiên, mâm cỗ giữa các nhà chỉ khác nhau về cách bài trí, bày biện các món trong mâm.

Trước đây, khi tổ chức mừng thọ chỉ dựng bạt che nắng mưa, hiện nay, trong đám mừng thọ không những dựng phông bạt mà còn trang trí giống như đám cưới. Phần âm nhạc có loa đài, âm thanh được sử dụng nhiều hơn, phong phú hơn trong các loại nhạc. Những gia đình tổ chức mừng thọ cho rằng làm như vậy để lễ mừng thọ thêm “tưng bừng, rực rỡ, mấy khi được như thế này”.

Sự thay đổi còn thể hiện rõ ở các dòng họ trong làng. Trước đây, khi làng tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao niên, các dòng họ không tổ chức trong họ mình nữa, nhưng ngày nay, vấn đề “phú quý sinh lễ nghĩa” càng có ảnh hưởng lớn trong tư tưởng của người dân thì họ đã có những hành động nhằm thể hiện tình cảm của mình với các bậc tiền bối. Đó là các dòng họ trong làng họp nhau lại và thống nhất trong việc đi tặng quà cho các cụ cao tuổi trong dòng tộc của mình, mong cho con cháu được hưởng phúc của các cụ để lại, hơn nữa đây cũng là dịp tri ân những người cao tuổi còn sống và tưởng nhớ đến tổ tiên của mình, cầu mong cho dòng họ ngày càng thịnh vượng.

Về hiện vật mừng, trước đây khi đi mừng thọ, dân làng thường chỉ mừng bằng các hiện vật như câu đối vải, vài lạng chè, cây thuốc… Hiện nay, ngoài mừng tiền còn mừng thêm bức tranh, tặng bài thơ tự làm đóng khung kỷ niệm cho các cụ. Việc tặng tranh ông thọ bị hạn chế thay vào đó có thể là những vật phẩm có giá trị lâu bền. Trong ngày mừng thọ, con cháu sẽ chúc rượu thọ, nói những lời tốt đẹp để tỏ lòng biết ơn, mong cha mẹ, ông bà được sống lâu, sống thọ. Các cụ trong làng Đại Tự được quan tâm sẽ phấn khởi vì thấy rằng, đã cổ lai hy vẫn không bị đối xử lạnh nhạt. Mừng thọ cũng là cách giáo dục, răn dạy con cháu bổn phận ăn ở trước sau với người đời, với xã hội.

Trước đây, làng tồn tại một hủ tục “ăn miệng trả nợ miệng”, mà theo lời người làng thực chất là “miệng nợ”, đi ăn của người ta là mang nợ, mà nợ thì phải trả, không trả thì sợ bị gièm pha, chê trách. Thực tế, trả nợ miệng không chỉ khiến người trả khốn đốn, tiêu tốn tài sản mà người “được trả” cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ vì đi ăn cũng là đi “trả nợ”. Theo quan niệm truyền thống, người ta đến ăn nhà mình, “mừng” mình rồi thì mình phải mừng lại, nhiều hay ít phụ thuộc vào mối quan hệ và người ta đã “mừng” mình như thế nào. Hiện nay, hủ tục này đã không còn tồn tại ở Đại Tự. Gia đình người được tuổi mừng thọ có tổ chức, mời và mình đi đến mừng nhưng sau này mình không tổ chức được cũng không người dân nào chê trách. Ông Cấn Nhật Tân tâm sự: “Khi tôi làm trưởng thôn, các cụ được tuổi mừng thọ mời tôi thì tôi phải đi mừng. Không có nghĩa tôi đi rồi, sau này tôi được tuổi mừng thọ thì phải mời lại tất cả các cụ đã từng mời tôi”.

Điều nhận thấy rất rõ trong sự thay đổi ở lễ mừng thọ là trong suy nghĩ của người dân, đa số người dân làng Đại Tự hào hứng, phấn khởi tham gia, coi đây là việc nên làm, mong thể hiện lòng thành của mình với cha mẹ ông bà. Cuộc sống người dân ở đây vất vả bộn bề với bao lo toan, đối mặt với nền kinh tế thị trường của một làng nghề, nhưng không vì thế mà quên đi trách nhiệm làm con của mình.

Người dân làng Đại Tự mong muốn một lễ mừng thọ được tổ chức sao cho vừa trang trọng, vừa ấm cúng sẽ đem lại niềm vui và may mắn cho cả gia đình. Thông qua việc tổ chức mừng thọ, người già sẽ thấy hạnh phúc hơn vì con cháu đề huề lại hiếu thảo, họ nhận thấy công sức bao năm bỏ ra để nuôi dạy con cái, cống hiến cho xã hội đã được đền đáp xứng đáng. Con cháu cũng sẽ thấy tự hào về ông bà cũng như truyền thống gia đình mình, vui vẻ vì đã có cơ hội để báo hiếu, làm vui lòng ông bà, cha mẹ. Những năm gần đây, lễ mừng thọ ở làng Đại Tự không chỉ bó hẹp trong gia đình mà còn có các hội, đại diện chính quyền tham gia chúc thọ. Hằng năm, Hội người cao tuổi của xã, thôn đã tổ chức mừng thọ cho các cụ được tuổi tròn ở đình làng, ở xã rất long trọng, vừa gìn giữ tục lệ xưa lại vừa thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với người được mừng thọ.

Kết luận

Trong tâm thức dân gian của người Việt, mỗi người sinh ra đều mong muốn đạt được Ngũ Phúc trong đời là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Trong đó, Thọ là yếu tố khó nắm bắt nhất nên cũng là điều mà mọi người mong muốn nhất. Điều này thể hiện ngay trong đời sống thường nhật, trong những lời chúc tụng, bao giờ người ta cũng đề cập đến lời chúc về sức khỏe đầu tiên, còn tiền tài hay danh vọng chỉ được xếp sau. Tuổi thọ là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng. Mặc dù, đời sống xã hội có nhiều thay đổi nhưng những giá trị tốt đẹp trong lễ mừng thọ của người dân làng Đại Tự vẫn luôn được duy trì và phát huy.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, việc tổ chức lễ mừng thọ tại làng Đại Tự - một làng nghề ven đô, đã có nhiều biến đổi so với trước. Chúng ta cũng thấy được những mặt tích cực của lễ mừng thọ ở làng Đại Tự để bảo lưu và phát triển phong tục tốt đẹp, góp phần làm phong phú và đa dạng nền văn hóa dân tộc. Ngoài ra, những quan niệm sai lầm trong việc tổ chức mừng thọ cần phải được loại bỏ. Lễ mừng thọ cần tổ chức làm sao để vừa đầm ấm, vừa tiết kiệm, để lễ mừng thọ luôn là một nét đẹp văn hóa thuần Việt đáng được lưu truyền.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Phan Đại Doãn, Làng xã Việt Nam - một số vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001.

2. Bùi Xuân Đính (chủ biên), Làng nghề thủ công huyện Thanh Oai (Hà Nội) - truyền thống và biến đổi, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.

3. Pièrre Gourou, Người nông dân châu thổ Bắc kỳ, bản dịch, Hội Sử học Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Nxb Trẻ, TP. HCM, 2003.

4. Mai Thế Hởn (chủ biên), Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003.

5. Tạ Long (chủ biên), Sự phát triển của làng nghề La Phù, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007.

TS NGUYỄN ĐÌNH PHÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;